Trong đổi mới khoa học và công nghệ (KH&CN), doanh nghiệp được đặt ở vị trí trọng tâm, là nhà đầu tư, đồng thời là người đặt hàng về KH&CN. Với một cơ chế đổi mới, doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn về KH&CN đặc biệt từ các Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình trọng điểm quốc gia...
Đó là chia sẻ của bà Trần Thị Kim Liên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần giống Cây trồng Trung ương (Vinaseed) trước xu hướng nền KH&CN Việt Nam đang chuyển từ “trọng cung” sang “trọng cầu”.
- Có thể nói nền KH&CN Việt Nam đang chuyển hướng từ “trọng cung” sang “trọng cầu”. Xu hướng này đã được Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương đón nhận như thế nào, thưa bà?
- Bà Trần Kim Liên: Với nội dung quan trọng đổi mới cơ chế hoạt động và quản lý KH&CN, trong đó nhà nước sẽ thí điểm đặt hàng các sản phẩm KH&CN quốc gia, ví dụ như sản phẩm KH&CN cao và các sản phẩm hình thành từ nghiên cứu khoa học. Thậm chí nhà nước thí điểm đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN cấp nhà nước. Trong đổi mới KH&CN coi doanh nghiệp là vị trí trọng tâm, doanh nghiệp sẽ là nhà đầu tư, đồng thời là người đặt hàng về KH&CN. Là một doanh nghiệp KH&CN, trước chủ trương đổi mới này, Công ty Cổ phần giống cây trồng Trung ương (Vinaseed) thấy rất phấn khởi vì phù hợp với xu thế phát triển của xã hội và phù hợp với các quy luật hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu thị trường, giải quyết các vấn đề về thực tiễn. Về phía doanh nghiệp, để đón nhận những chủ trương đổi mới rất cơ bản đó chúng tôi đang tập trung nguồn lực về tài chính, nguồn lực về đội ngũ khoa học kỹ thuật và thậm chí các vấn đề cần giải quyết trong thực tiễn để chuẩn bị đón nhận tất cả chủ trương mà xu hướng rất rõ là chuyển từ “trọng cung” sang “trọng cầu”.
- Bà có nghĩ rằng các giải pháp để xã hội hóa đầu tư cho KH&CN sẽ không thể giải quyết được tận gốc khi mà bao quanh các nhà khoa học vẫn còn quá nhiều rào cản về chính sách cũng như cơ chế tài chính quá bất cập?
- Bà Trần Kim Liên: Tôi nghĩ rằng đối với việc xã hội hóa đầu tư cho KH&CN cũng góp phần tăng thêm nguồn lực cho KH&CN, tập hợp sử dụng tối đa các nguồn lực. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi việc xã hội hóa chưa hẳn đã giải quyết được tận gốc của mọi vấn đề, bởi hiện nay phần lớn kinh phí nghiên cứu khoa học vẫn từ ngân sách nhà nước. Rào cản về cơ chế chính sách, đặc biệt là cơ chế tài chính sẽ rất khó khăn cho nhà khoa học, họ sẽ mất rất nhiều thời gian trong việc hoàn tất chứng từ chi tiêu theo đúng hạng mục của nhà nước, khi đó rất còn khó khăn để ta tháo gỡ cơ chế cho các nhà khoa học có thể hoàn toàn tự chủ, họ giải quyết được tất cả các việc cần thiết trong giải quyết các vấn đề khoa học.
Chăm sóc cây cà chua tại Vinaseed
- Với kinh phí hiện nay của nhà nước chỉ đầu tư cho nghiên cứu khoa học chứ chưa đầu tư cho nghiên cứu thử nghiệm và ứng dụng kết quả vào sản xuất. Theo tính toán, nếu đầu tư 1 đồng vào nghiên cứu khoa học khi đưa ra thử nghiệm sẽ là 10 đồng còn khi đưa vào ứng dụng sản xuất là 100 đồng, vậy Vinaseed đã giải bài toán này như thế nào, thưa bà?
- Bà Trần Kim Liên: Đây là một bài toán khó đặt ra cho vấn đề ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật của Việt Nam hiện nay. Một thực tế khi mà sản xuất thử và phát triển sản phẩm ra thực tế thì kinh phí phải lớn hơn nhiều trong khi đó vốn ngân sách rất là hạn chế. Ví dụ như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tạo ra một nghiên cứu mới thì kinh phí khoảng 2 đến 3 tỷ và một đề tài sản xuất thử là 7 đến 8 trăm triệu, chưa kể ngày trước còn thu hồi tới 70%. Tức là hầu như phần lớn đề tài sau khi nghiệm thu được là kết thúc vai trò và chuyển giao được hay không thì không ai quan tâm. Đây chính là nút thắt mà tôi nghĩ rằng trong chiến lược phát triển KH&CN đã phát hiện ra để giải quyết. Con đường để giải quyết vấn đề kinh phí ấy trong điều kiện ngân sách hạn hẹp thì phương pháp giải chính là coi doanh nghiệp là vị trí trọng tâm. Cần đưa doanh nghiệp vào cuộc bởi chỉ có doanh nghiệp mới biết họ cần phát triển các sản phẩm và kiếm tiền. Đặc biệt, yêu cầu các nhà khoa học khi nghiên cứu phải có doanh nghiệp tham gia thì bắt buộc các sản phẩm ấy phải được thương mại hóa và tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cho xã hội… đó là bài toán giải tốt nhất.
- Chiến lược phát triển Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2011 - 2020 có tác động như thế nào đối với Vinaseed và Vinaseed đã đón nhận như thế nào?
- Bà Trần Kim Liên: Là một doanh nghiệp KH&CN chắc chắn chúng tôi được hưởng lợi rất nhiều từ chiến lược. Chúng tôi đang chuẩn bị cho mình tất cả các nguồn lực để tham gia các đề tài nghiên cứu và phối hợp với các Viện, Trường tham gia các đề tài nghiên cứu. Chúng tôi hi vọng sẽ là cầu nối để chuyển giao tiến bộ khoa học và kỹ thuật. Với một cơ chế đổi mới tôi tin rằng doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn về KH&CN đặc biệt từ các chương trình đổi mới KH&CN quốc gia, chương trình trọng điểm quốc gia. Điều mà trước đây trong chương trình đổi mới các doanh nghiệp rất khó tiếp cận các nguồn vốn ngân sách. Đó sẽ là những đầu tư mồi, là động lực cho doanh nghiệp phát triển. Tôi nghĩ rằng với chiến lược này tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Bài, ảnh: Mai Chi