Hoạt động KH&CN Thứ năm, 25/04/2024 , 03:28 pm
Cập nhật : 24/07/2018 , 09:07(GMT +7)
Doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam cần xác định chỗ đứng trước CMCN 4.0
Các doanh nghiệp cần đầu tư đổi mới công nghệ
Sự thành công của Việt Nam trong việc tiếp cận Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) nhất định phải dựa trên sự thống nhất trong tiếp cận, triển khai của mỗi ngành, mỗi lĩnh vực, mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp. Với ngành công thương liệu đã tận dụng được những cơ hội tốt nhất từ cuộc cách mạng này để đổi mới nền sản xuất tạo đà cho nền xuất thông minh trong tương lai?

Cơ hội lớn thách thức không hề nhỏ

Trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 diễn ra mới đây tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Phát triển nền sản xuất thông minh: tầm nhìn và giải pháp công nghệ”.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã kể lại câu chuyện vào cuối năm 2017 khi Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 lần thứ nhất. Ông đã từng được mời tham dự, chủ trì chuyên đề với chủ đề “Đổi mới các ngành sản xuất với các công nghệ đột phá – xu hướng và giải pháp”. 

Những chia sẻ của các diễn giả, các đại biểu tham dự tại Hội thảo đã để lại cho ông những ấn tượng. Đó là ông đã nhìn thấy những điểm sáng, những cơ hội lớn mà doanh nghiệp Việt Nam có thể có được để đổi mới các ngành sản xuất, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của mình. 

“Tôi cũng đã thấy những doanh nghiệp Việt Nam tiên phong trong việc đóng góp những xu hướng công nghệ, xu hướng phát triển mới từ CMCN 4.0 để nâng tầm phát triển và định vị lại vị thế của họ trong cuộc cạnh tranh toàn cầu. Cơ hội rất lớn nhưng thách thức cũng không hề nhỏ”, ông Đỗ Thắng Hải cho hay.

Ông Hải cũng cho biết, đó là câu chuyện chúng ta đang được nghe nhiều diễn giả chia sẻ tại các hội nghị. Tuy nhiên, việc chúng ta có nắm bắt được những cơ hội hay không có vượt qua được thách thức hay không tùy thuộc một phần lớn vào việc chúng ta xác định được đang đứng ở đâu trong cuộc cách mạng này? Bằng cách chúng ta sẽ lựa chọn sự liên kết như thế nào?

Theo ông Đỗ Thắng Hải, hiện nay chúng ta nói về CMCN 4.0 như một phong trào. Theo ông có 3 nội dung quan trọng với CMCN 4.0. Thứ nhất là những kiến thức về cuộc cách mạng này như thế nào? Mỗi một chúng ta với một vị trí, với một chức năng, một nhiệm vụ thì xác định nó là như thế nào, nó có tác động như thế nào đến bản thân mình và công việc của mình, lớn hơn là đến ngành của mình. Thứ hai là việc chúng ta định vị được ta đang ở đâu tại cuộc CMCN 4.0.Điểm thứ ba mang tính chất quyết định đó là cần phải làm thế nào trong thời gian tới, sao cho phù hợp với hoàn cảnh.

“Trước bối cảnh ấy, CMCN 4.0 dù đã sớm nhận diện những xu hướng phát triển chính và khả năng tác động của cuộc cách mạng này tới phát triển ngành công thương. Tuy nhiên, để có được những định hướng và chính sách phát triển phù hợp thì chúng tôi cần biết chính xác liệu các doanh nghiệp của mình đang đứng ở đâu so với các yêu cầu của một nền sản xuất hiện tại không?”, ông Hải nói.

Mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam 

Được biết, từ cuối năm 2017, Bộ Công thương đã tiến hành khảo sát đánh giá toàn diện tác động và tính sẵn sàng của các doanh nghiệp ngành công thương trong tiếp cận CMCN 4.0. Ngành Công thương đã sử dụng cách tiếp cận và phương pháp đánh giá của Hiệp hội kỹ thuật cơ khí CHLB Đức với sự tham gia tích cực của các đơn vị nghiên cứu trong Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP). Đến cuối tháng 5/2018 nhiệm vụ này hoàn thành. Những kết quả có được có giá trị thiết thực không chỉ cho ngành công thương mà còn mang lại giá trị hữu ích đối với các ngành.

Ông Đỗ Thắng Hải đã chia sẻ một số nội dung, kết quả mà Bộ Công thương đã đạt được. Theo đó, thứ nhất là phần lớn các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp Việt Nam đang mới đứng ở điểm xuất phát. Có tới 82% các doanh nghiệp của ngành công thương đang ở vị trí mới nhập cuộc, trong đó có tới 61% còn đứng ngoài cuộc, có một số doanh nghiệp muốn tham gia nhưng chưa biết tham gia như thế nào?

“Kết quả đánh giá này cũng tương đồng với kết quả công bố bởi Diễn đàn Kinh tế thế giới vào tháng 1/2018 trong báo cáo về tính sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai của các quốc gia. Theo đó trong số 100 quốc gia được lựa chọn đánh giá, Việt Nam đang nằm trong nhóm nước chưa sẵn sàng với CMCN 4.0. Trong ngành Công thương tự nhận thấy nên biết mình là ai không phải thấy người ta làm CMCN 4.0 mà chúng ta đi theo như một phong trào”, ông Hải cho hay.

Điểm thứ hai là trong 6 trụ cột đánh giá tính sẵn sàng tiếp cận với CMCN 4.0 (chiến lược và tổ chức; nhà máy thông minh; vận hành thông minh; dịch vụ dựa trên nền tảng dữ liệu; sản phẩm thông minh; người lao động) thì hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận ở mức thấp đối với tất cả các trụ cột, trong đó trụ cột có vai trò quan trọng nhất như chiến lược và tổ chức, sản phẩm thông minh cũng là trụ cột có mức tiếp cận thấp nhất trong các trụ cột. 

Khảo sát 2000 doanh nghiệp của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Hà Nội cho thấy 79% doanh nghiệp trả lời chưa chuẩn bị cho CMCN 4.0. Đây thực sự là con số đáng lo ngại và cũng là điểm nghẽn cần đòi hỏi nâng cao tính sẵn sàng của doanh nghiệp ngành công thương trong thời gian tới. 

Thứ ba là về ứng dụng đổi mới thiết bị công nghệ theo xu hướng của CMCN 4.0 kết quả khảo sát cho thấy doanh nghiệp ngành công thương mặc dù đã quan tâm tới đầu tư đổi mới công nghệ, tuy nhiên mức đầu tư rất hạn chế. Phần lớn đầu tư trong hai năm qua cũng như dự kiến trong 5 năm tới của doanh nghiệp chỉ ở mức khoảng 1 tỷ đồng Việt Nam, như vậy tương đương chưa tới 50000 USD. Trong khi cũng theo số liệu khảo sát này, có tới 52% doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện đầu tư để đổi mới thiết bị công nghệ, để xây dựng các nhà máy thông minh hoặc đầu tư để sản xuất trong thời gian tới. Hiện nay, mức độ ứng dụng các công nghệ chủ yếu từ CMCN 4.0 của các doanh nghiệp ngành công thương còn rất hạn chế. Với mức đầu tư 50000 USD rất khó để các doanh nghiệp ứng dụng đổi mới công nghệ theo xu thế của cuộc cách mạng này. 

Thứ tư là về phát triển các sản phẩm thông minh và dịch vụ dựa vào dữ liệu. Phát triển sản phẩm thông minh là trụ cột quan trọng thứ hai trong tính sẵn sàng tiếp cận với nền sản xuất thông minh, là cơ sở để giúp nhà cung cấp nắm bắt tốt hơn nhu cầu của người dùng từ đó để tạo ra những sản phẩm tốt nhất với mong muốn của người dùng. Đồng thời cũng là cơ sở để phát triển các dịch vụ dựa vào dữ liệu hay các mô hình kinh doanh số. Tuy nhiên, đây đang là điểm nghẽn mà các doanh nghiêp Việt Nam cần nhanh chóng giải quyết, khắc phục trong thời gian tới.

Thứ 5, về người lao động mặc dù có mức độ sẵn sàng cao hơn so với các trụ cột khác. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp đều cho rằng các kỹ năng hiện nay là chưa đủ đáp ứng yêu cầu của nhà máy trong tương lai. 

Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Elvin Ng, Tổng Giám đốc phụ trách nhóm giải pháp Internet Công nghiệp, Tập đoàn Adavantech khu vực Đông Nam Á cho biết, thời đại của công nghiệp 4.0 đang phụ thuộc vào chúng ta. Các công ty sản xuất công nghiệp đang phải đối mặt với nhu cầu mạnh mẽ để tăng năng suất bằng cách phát triển các nhà máy thông minh và sản xuất thông minh. 

Mô hình sản xuất chất lượng cao ứng dụng công nghệ 4.0 của thương hiệu ô tô VinFast được giới thiệu tại Diễn đàn

“Với những thế mạnh về thiết bị và giải pháp của Advantech – IPC, công nghệ tự động hóa công nghiệp và công nghệ tự động hóa máy móc, tích hợp phần cứng – phần mềm và các giải pháp khác, đây là thời điểm để doanh nghiệp có thể thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp 4.0”, ông Elvin Ng cho hay.

Tại Hội thảo, bà Nirupa Chander cho rằng, trong khu vực của chúng ta CMCN 4.0 đem tới cho ngành sản xuất 637 tỷ USD mỗi năm và sẽ mang lại lợi nhuận, năng suất và độ tin cậy. Sự chuyển đổi này trong lĩnh vực sản xuất đang bắt đầu cho thấy kết quả và động lực với những tiến bộ trong lưu trữ, máy tính và giao tiếp. 

Chủ động triển khai CMCN 4.0

Thời gian qua Bộ Công Thương đã chủ động và tích cực trong việc triển khai các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đến nay, ngành công thương đã xây dựng và báo cáo Ban Kinh tế Trung ương về một số định hướng, chính sách cũng như giải pháp trọng tâm của ngành chủ động tham gia vào CMCN 4.0, tiếp cận của ngành trong cuộc Cách mạng chính là tập trung vào đổi mới nâng cấp nền sản xuất hiện đại. Đẩy nhanh quá trình này bằng việc tận dụng những cơ hội và hấp thụ nhanh chóng các công nghệ theo xu hướng phát triển mới.

Định hướng trên đã được Bộ Công thương cụ thể hóa thành nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp tập trung vào bốn nhóm vấn đề lớn: Nhanh chóng xây dựng chiến lược phát triển ngành giai đoạn đến 2030 tầm nhìn 2035 trên quan điểm và cách thức tiếp cận với CMCN 4.0. Định hình lại các ưu tiên trong phát triển các ngành lĩnh vực và hướng ưu tiên phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh mới có nhiều thay đổi mang tính chiến lược; Tập trung hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý, tạo môi trường bình đẳng, thuận lợi chính là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, thực hiện đổi mới sáng tạo cũng như nhanh chóng khắc phục thành tựu từ I4.0; Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng thành tựu KH&CN trong các doanh nghiệp của ngành công thương nhằm đổi mới nền sản xuất hiện tại chính là giải pháp có tính cốt lõi; Phát triển nguồn nhân lực có trình độ và kỹ năng đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất, sản xuất thông minh và hiện đại trong tương lai.

Hiện tại, Bộ Công thương đang gấp rút triển khai các nhóm giải pháp trên, thực hiện để đưa ra những nhóm nhiệm vụ cụ thể hơn, chi tiết hơn thực hiện các nhóm giải pháp đó. Sự thành công của Việt Nam trong việc tiếp cận CMCN 4.0 nhất định phải dựa trên sự thống nhất trong tiếp cận, triển khai của mỗi ngành, mỗi lĩnh vực, mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp. 

Hi vọng rằng với sự quyết liệt chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự quyết liệt của Bộ Công thương và sự vào cuộc khẩn trương của các đơn vị, cơ quan tham mưu nhất là sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thì ngành công thương sẽ tận dụng những cơ hội tốt nhất từ cuộc cách mạng này để đổi mới nền sản xuất hiện tại, nâng cao vị thế của ngành, doanh nghiệp. Qua đó tạo bước đà quan trọng giúp cho ngành công thương phát triển nền sản xuất thông minh, hiện đại trong tương lai. 

Bài, ảnh: Bảo Chi

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner