“Cần thay đổi tư duy về KH-CN”, đó là ý kiến của ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TP.HCM tại buổi góp ý cho dự thảo Luật KH-CN sửa đổi và Đề án “Tiếp tục đổi mới cơ bản toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH-CN” vào ngày 4/5.
Buổi góp ý do Ủy ban KH-CN và môi trường của Quốc hội tổ chức tại TP.HCM.
Theo ông Phan Minh Tân, từ 2006 – 2011, đầu tư từ ngân sách cho KH-CN là 5419 tỷ đồng (chiếm 2,76% tổng chi ngân sách). Cũng trong thời gian này, tổng đầu tư ngoài ngân sách cho KH-CN (chủ yếu đến từ các doanh nghiệp, tổ chức KH-CN) là 5677 tỷ đồng.
So sánh số liệu trên cho thấy, tại TP.HCM đầu tư cho KH-CN từ ngân sách chiếm trên 48%, còn đầu tư cho KH-CN ngoài ngân sách chiếm gần 52%. Trên thực tế, đầu tư từ ngân sách cho KH-CN còn nhỏ hơn, vì một phần trong kinh phí trên đã được dành cho đầu tư vào phát triển hạ tầng, xây dựng…
Con số thống kê mới đây cho thấy yếu tố KH-CN đóng góp vào phát triển kinh tế trên quy mô cả nước chiếm khoảng 28%. Tại TP.HCM, tỷ lệ này có khá hơn khoảng 36%. Trong khi đó, ở Đài Loan, đóng góp của KH-CN vào phát triển kinh tế chiếm 65%. Vì thế, ông Tân cho rằng giải pháp hiện nay là phải khuyến khích xã hội đầu tư cho KH-CN. Tuy nhiên, trong đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH-CN chưa thấy bóng dáng của doanh nghiệp, mà vẫn cứ loay hoay với các viện, trường, các đề tài, chương trình. Sự tham gia của doanh nghiệp còn rất hạn chế.