Trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 65 Đại hội đồng các quốc gia thành viên của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), ngày 12/7/2024, tại Geneva, Thụy Sỹ đã diễn ra Hội thảo bên lề “Đo lường và thúc đẩy kết quả Đổi mới sáng tạo cấp địa phương: Vai trò của các Chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương” nhằm thảo luận về công cụ và kinh nghiệm triển khai Chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương (Provincial Innovation Index - PII).
Hội thảo có sự tham dự của các đại biểu đến từ các quốc gia thành viên WIPO và một số chuyên gia về xây dựng Chỉ số PII. Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), ông Nguyễn Võ Hưng, Trưởng ban Chính sách Đổi mới sáng tạo, Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN, Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) đã có báo cáo về Chỉ số PII của Việt Nam tại Hội thảo.
Chỉ số PII: Hỗ trợ hoạch định chính sách cấp địa phương và quốc gia
Theo ông Carsten Fink, Kinh tế trưởng của WIPO, WIPO đã thực hiện khảo sát các quốc gia thành viên để tìm hiểu việc sử dụng Chỉ số ĐMST toàn cầu (Global Innovation Index - GII) do WIPO công bố hàng năm. Kết quả cho thấy, 53% quốc gia sử dụng để cải thiện các chỉ số về ĐMST, 65% quốc gia sử dụng để cải thiện hệ sinh thái ĐMST và 45% sử dụng GII như công cụ tham chiếu cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hoặc đặt mục tiêu về ĐMST. Nếu Chỉ số GII cung cấp đánh giá ĐMST các quốc gia dưới góc độ toàn cầu thì cũng có thể đánh giá ĐMST dưới góc độ cấp vùng, cấp tỉnh, cấp bang của một quốc gia/nền kinh tế. Qua đó, có thể nhìn nhận được các điểm mạnh, điểm yếu của các địa phương.
“Trong khoảng 5-7 năm gần đây, nhiều quốc gia thành viên đã xây dựng Chỉ số PII. Các chỉ số này đóng vai trò quan trọng trong hoạch định chính sách ở cả cấp địa phương và cấp quốc gia. WIPO có thể hỗ trợ các quốc gia thành viên về chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm, bao gồm những khó khăn, thách thức khi tính toán, tổng hợp các chỉ số thành một chỉ số tổng hợp như Chỉ số GII”, ông Carsten Fink chia sẻ.
Ông Carsten Fink cũng cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho các quốc gia thành viên trong việc xây dựng Chỉ số PII, WIPO đã tiến hành xây dựng bộ công cụ đo lường ĐMST ở cấp địa phương cũng như tạo các diễn đàn để các quốc gia thành viên chia sẻ kinh nghiệm liên quan. Các quốc gia thành viên cũng cần nỗ lực nhiều trong thời gian tới để triển khai thực hiện.
Đại diện Philippines, ông Raul Barba nhấn mạnh vai trò quan trọng của ĐMST trong việc thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. ĐMST không chỉ tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới mà còn là cải tiến quy trình, nâng cao hiệu quả và giải quyết các thách thức của xã hội. Chỉ số GII của WIPO cung cấp bộ công cụ và chuẩn mực tốt nhất để đo lường năng lực, kết quả ĐMST của các quốc gia; đánh giá tiến độ đạt được trong việc tận dụng sự đổi mới để phát triển, tăng trưởng kinh tế - xã hội, đồng thời chỉ ra những khoảng cách, thách thức phải đối mặt.
Ông Raul Barba cho biết, Chỉ số GII của Philippines tăng từ vị trí 73 năm 2019 lên vị trí thứ 56 năm 2023. GII đã tác động đến việc xây dựng chiến lược, chính sách mới, chương trình nghị sự đổi mới quốc gia, trong đó nêu rõ tầm nhìn, mục tiêu dài hạn và chiến lược nhằm cải thiện các ưu tiên đổi mới và quản trị đất nước. Tuy nhiên, mỗi vùng miền trong một quốc gia đều có điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội riêng nên cần xây dựng Chỉ số PII nhằm giải quyết các thách thức và thúc đẩy ĐMST cấp địa phương. Bằng cách tập trung vào hiệu suất ĐMST khu vực, có thể xây dựng các trung tâm ĐMST tại các địa phương để thúc đẩy tăng trưởng toàn diện.
Tại Hội thảo, Giáo sư Gaetan de Rassenfosse và bà Lorena Rivera Leon, đại diện nhóm nghiên cứu của WIPO đã giới thiệu bộ công cụ xây dựng Chỉ số PII; khả năng áp dụng khung Chỉ số GII để xây dựng Chỉ số PII; phân tích một số chỉ số PII hiện có; các phép đo ĐMST sử dụng dữ liệu lớn trong tương lai và các phương pháp tính toán mới. Theo bà Lorena Rivera Leon, các quốc gia muốn phát triển ĐMST ở địa phương cần nghiên cứu kỹ lưỡng và xem xét bối cảnh chính trị, kinh tế - xã hội, tính khả dụng của dữ liệu. Trong bài trình bày của hai chuyên gia, Chỉ số PII của Việt Nam đã được nhắc đến để minh họa cho sự quan tâm của các quốc gia thành viên WIPO trong việc xây dựng Chỉ số PII.
Bà Lorena Rivera Leon (bên trái) và Giáo sư Gaetan de Rassenfosse (bên phải) giới thiệu Bộ công cụ xây dựng Chỉ số PII.
WIPO sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia thành viên xây dựng Chỉ số PII
Dưới sự chủ trì của ông Sacha Wunsch - Vincent, Trưởng Ban Nghiên cứu các chỉ số tổng hợp, Vụ Phân tích dữ liệu và kinh tế, WIPO, các đại diện đến từ Brazil, Việt Nam, Colombia, Ấn Độ và Liên minh Châu Âu đã có phần trình bày, chia sẻ kinh nghiệm xoay quanh 5 nội dung: Ý nghĩa, mục đích của việc xây dựng Chỉ số PII; Khung Chỉ số PII đã xây dựng, các điểm mới, khác biệt (so với Chỉ số GII); Một số kết quả chính; Các tác động chính sách đã có và lời khuyên gửi đến các quốc gia khác...
Tại Hội thảo, đại diện Bộ KH&CN, ông Nguyễn Võ Hưng, Học viện KH,CN&ĐMST đã trình bày, chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong thử nghiệm Chỉ số PII năm 2022 với 20 địa phương và chính thức triển khai với 63 địa phương trên toàn quốc từ năm 2023. Chỉ số PII của Việt Nam được xây dựng dựa trên khung Chỉ số GII của WIPO với phương pháp xây dựng chỉ số tổng hợp theo chuẩn quốc tế. Trong quá trình thực hiện, các chuyên gia của WIPO đã tích cực hỗ trợ Việt Nam về chuyên môn, phương pháp luận.
Trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên KH,CN&ĐMST, việc có một công cụ để đo lường, đánh giá toàn diện ở cấp độ quốc gia và địa phương là cần thiết, từ đó giúp lãnh đạo các cấp nhận diện được các điểm mạnh cần phát huy, điểm yếu cần cải thiện. Chỉ số GII đã được Chính phủ sử dụng trong quản lý điều hành từ năm 2017 nhưng các địa phương hiện chưa có Bộ công cụ đánh giá phù hợp. Vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ KH&CN áp dụng Chỉ số GII để xây dựng Chỉ số PII của Việt Nam.
Đại diện Việt Nam, ông Nguyễn Võ Hưng trình bày tại Hội thảo.
Chỉ số PII của Việt Nam có điểm mới, có thể coi là điểm sáng tạo so với Chỉ số GII, đó là đưa vào trong khung chỉ số một trụ cột Tác động, thể hiện tác động của KH,CN&ĐMST đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Kết quả Chỉ số PII năm 2023 đã được báo cáo Chính phủ và được các địa phương đón nhận. Nhiều địa phương đã tích cực tìm hiểu nội hàm, ý nghĩa của khung chỉ số và của từng chỉ số, các điểm mạnh, điểm yếu và thảo luận các giải pháp cải thiện phù hợp.
Khung Chỉ số PII của Việt Nam năm 2023.
Ông Sacha Wunsch – Vincent, chuyên gia của WIPO chia sẻ, có rất nhiều điều học hỏi được từ kinh nghiệm xây dựng Chỉ số PII của Việt Nam, nhất là trong việc đưa vào một trụ cột về Tác động trong đo lường về ĐMST. Trước đây, GII không có trụ cột về Tác động ở cấp quốc gia, chỉ có công cụ để đo lường tác động của ĐMST ở cấp độ toàn cầu. Tuy nhiên, trong báo cáo Chỉ số GII sẽ công bố vào tháng 9/2024 sẽ có các chỉ số về tác động của ĐMST ở cấp độ quốc gia.
Ông Sacha Wunsch-Vincent (ngoài cùng bên trái) chủ trì phần thảo luận và các diễn giả.
Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Marco M. Aleman, Trợ lý Tổng Giám đốc WIPO ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các quốc gia trong xây dựng Chỉ số PII cũng như những kinh nghiệm đã được các diễn giả chia sẻ tại Hội thảo. Thời gian gần đây, WIPO đã có những bước đi xa hơn đánh giá ĐMST ở cấp quốc gia để nghiên cứu, cung cấp Bộ công cụ đánh giá ĐMST ở cấp vùng, địa phương vì nhận thấy đánh giá ĐMST ở cấp vùng, địa phương đặc biệt quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách.
Ông Marco M. Aleman, Trợ lý Tổng Giám đốc WIPO (ở giữa) phát biểu kết luận Hội thảo.
Ông Marco M. Aleman cho biết, WIPO cam kết sẽ tiếp tục hướng đi trên thông qua một số hoạt động như tổ chức hội thảo kỹ thuật hằng năm về đánh giá ĐMST ở cấp địa phương để các quốc gia chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm; tiếp tục cung cấp hỗ trợ trong các nội dung khác nhau, đặc biệt là các vấn đề kỹ thuật như phương pháp quản lý dữ liệu, tính toán chỉ số tổng hợp. WIPO luôn sẵn sàng và khuyến khích các quốc gia thành viên tận dụng các dịch vụ hỗ trợ này trong thời gian tới.
Bài, ảnh: Linh Chi.