Ông Nguyễn Văn Re, Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Tiền Giang cho biết, địa phương tích cực ứng dụng rộng rãi công nghệ sinh học trong sản xuất nhằm giúp nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp, tăng thêm nguồn nông sản có giá trị xuất khẩu, định hình nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao…
Tiền Giang có lợi thế lớn phát triển nền nông nghiệp đa canh, đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhờ hệ sinh thái hết sức phong phú: ngọt, lợ, mặn. Trên cơ sở đó, tỉnh đã định hình được nhiều vùng chuyên canh tập trung có khả năng ứng dụng rộng rãi công nghệ sinh học nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh nông sản khi tham gia thị trường như: trên 82.000 ha lúa năng suất cao, 4.500 ha xoài ở Cái Bè, 5.000 ha sầu riêng ở Cai Lậy, 5.000 ha nếp bè ở Chợ Gạo, 11.000 ha dứa nguyên liệu (Tân Phước), 2.000 ha thanh long Chợ Gạo.
Theo ông Nguyễn Văn Re, địa phương tích cực ứng dụng rộng rãi công nghệ sinh học trong sản xuất nhằm giúp nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp, tăng thêm nguồn nông sản có giá trị xuất khẩu, định hình nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, giải quyết bài toán lao động việc làm và xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa để phát triển “tam nông” hiệu quả, bền vững.
Nhiều đề án nghiên cứu về công nghệ sinh học được ứng dụng rộng rãi mang lại hiệu quả cao trên các lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, nhân rộng mô hình kinh tế trang trại.
Tỉnh đang triển khai dự án “trồng 500 ha lúa chất lượng cao an toàn” tại hai xã Mỹ Thành Nam và Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy cho kết quả tốt, lúa hàng hóa bán có giá cao, được ưa chuộng trên thị trường; tiếp tục nhân ra 1.000 ha, gấp đôi vào cuối năm nay. Ngoài ra, mô hình xuống giống đồng loạt theo lịch thời vụ “né rầy” giành thắng lợi trong cuộc chiến chống rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá thời gian qua được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lấy làm mô hình điểm để nhân rộng.
Nhằm chuyển đổi sản xuất phù hợp tại địa bàn khó khăn, thường xuyên chịu ảnh hưởng hạn hán và nhiễm mặn, tỉnh Tiền Giang đã nâng diện tích vùng trồng chuyên canh nếp bè đặc sản tại các xã phía Tây kênh Chợ Gạo (huyện Chợ Gạo) lên 4.500 ha mỗi năm, đạt sản lượng hàng trăm ngàn tấn, lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cho lợi nhuận cao gấp 1,5 đến 2 lần so với trồng lúa thường.
Tỉnh đang khuyến khích nông dân áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh để tăng năng suất, sản lượng, hiệu quả kinh tế bền vững cho cây nếp bè. Đặc biệt, Sở Khoa học và Công nghệ đã nghiên cứu ứng dụng thành công đề tài khoa học thanh lọc và phục tráng giống nếp bè đặc sản bằng kỹ thuật điện di prôtêin. Nhờ vậy, đã chống được sự thoái hóa giống lúa cũng như những hạn chế và nhược điểm của cây nếp bè trước đây.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Gạo, trên 70% diện tích vùng trồng chuyên canh nếp bè của địa phương sử dụng giống nếp bè đã qua phục tráng bằng công nghệ mới trong quá trình canh tác. Nhờ vậy cho năng suất bình quân 65 tạ đến 70 tạ/ha/vụ và chất lượng hạt nếp hàng hóa được nâng lên, thị trường ưa chuộng.
Ngoài ra, cùng với định hướng chung về phát triển "tam nông" bền vững, tỉnh đã chuyển giao những kỹ thuật canh tác tiên tiến như: 3 giảm 3 tăng, IPM, bón phân theo bảng so màu lá lúa gắn với kiện toàn mạng lưới thủy lợi nội đồng, chủ động nguồn nước tưới tiêu, nhân rộng những mô hình thâm canh nếp bè giỏi trong nông dân... Đặc biệt, tỉnh đang có kế hoạch áp dụng các tiêu chí sản xuất theo Global GAP trên cây lúa cho vùng trồng chuyên canh nếp bè nhằm giúp cho thương hiệu "nếp bè Chợ Gạo" khẳng định được lợi thế cạnh tranh trên thị trường lúa gạo trong và ngoài nước.
Trên cây màu có đề tài phục tráng giống huệ trắng bằng kỹ thuật ghép đỉnh sinh trưởng do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy thực hiện mở hướng canh tác bền vững cho vùng trồng huệ trắng luân canh trên chân ruộng. Ngoài ra, tỉnh khuyến khích nông dân sử dụng phổ biến các chế phẩm sinh học chức năng thâm canh cây trồng ngưỡng an toàn như: các loại phân vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học, phân hữu cơ vi sinh trên các loại cây ăn quả và trong qui trình trồng rau an toàn kết hợp cùng các biện pháp thâm canh tiên tiến “ba giảm ba tăng” “IPM”, bón phân theo bảng so màu lá lúa...
Trong chăn nuôi, các kỹ thuật gieo tinh nhân tạo nhằm nâng cao chất lượng đàn lợn lai hướng nạc, đàn bò thịt và bò sinh sản; nâng chất lượng gia cầm bằng các giống có ưu thế lai đặc biệt chú trọng các giống bản địa có nhiều lợi thế cạnh tranh như: giống gà ta Gò Công, giống gà sao, gà tàu thả vườn, cải tạo nâng chất lượng đàn dê...
Tiền Giang cũng ứng dụng rộng rãi công nghệ sinh học trên nhiều khâu lĩnh vực thú y phòng chống bệnh tật cho đàn vật nuôi: nâng tỉ lệ tiêm phòng bệnh đàn gia súc gia cầm hàng năm; hướng dẫn chăn nuôi qui trình an toàn sinh học, sử dụng chế phẩm sinh học phòng chống bệnh tật cho đàn gia súc, giám sát virus cúm gia cầm bằng phương pháp xét nghiệm elisa, tăng cường kiểm dịch con giống và thú y thủy sản...
Cùng với đó, tỉnh Tiền Giang đã dành nhiều nguồn lực ứng dụng khoa học công nghệ nhân rộng mô hình nuôi cá rô phi đơn tính, chọn lọc giống thủy sản thông qua giải pháp nâng cao tốc độ sinh trưởng, cho đẻ thành công tôm càng xanh, áp dụng công nghệ sinh học xử lý bùn đáy ao nhằm khử độc, ức chế sự phát triển các vi sinh vật gây bệnh...
Đây được xem là hướng đi đúng của tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long nhằm mục tiêu sản xuất nông sản sạch, có giá trị xuất khẩu cao, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.