Ngày 3/7, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Tổng cục Thống kê (GSO) và Cơ quan phát triển Quốc tế Đan Mạch – DANIDA đã tổ chức Hội thảo kết quả điều tra công nghệ và cạnh tranh ngành chế biến, chế tạo giai đoạn 2009 – 2012 và đề xuất áp dụng tại Việt Nam.
Tại Hội thảo này, các chuyên gia đã đưa ra báo cáo kết quả điều tra năng lực cạnh tranh và công nghệ ở cấp độ doanh nghiệp tại Việt Nam: Kết quả điều tra năm 2011.
Báo cáo này dựa trên hệ thống cơ sở dữ liệu rộng rãi (mẫu điều tra gần 8.000 doanh nghiệp), sử dụng bộ chỉ tiêu đánh giá phù hợp với thực trạng kinh tế Việt Nam, qua đó cung cấp các đánh giá chuyên sâu, thiết thực về bảy lĩnh vực công nghệ của các doanh nghiệp (DN) bao gồm: chính sách nghiên cứu và khuếch tán công nghệ ở Việt Nam; Những rào cản đối với việc nâng cấp công nghệ; Hiệu ứng lan tỏa công nghệ theo chiều dọc; Nghiên cứu và phát triển công nghệ; Chuyển giao công nghệ nhờ tiếp thu cải tiến; Nhu cầu công nghệ; Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Cuộc điều tra năm 2011 đã cung cấp nguồn số liệu phong phú, giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu xem những đặc điểm nào của doanh nghiệp có quan hệ tích cực tới việc tham gia của doanh nghiệp vào nghiên cứu hoặc chuyển giao công nghệ. Với sự mở cửa giao lưu thương mại và làn sóng đầu tư quốc tế như hiện nay đã làm gia tăng áp lực lên các DN Việt Nam, buộc DN phải đổi mới công nghệ để trở nên hiệu quả và cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế. Đại diện CIEM cho biết.
Theo kết quả điều tra đối với toàn bộ doanh nghiệp năm 2011, chỉ có khoảng 8% doanh nghiệp chỉ tiến hành hoạt động nghiên cứu và triển khai (R&D), trong khi khoảng 5% chỉ cải tiến công nghệ có sẵn, có 84% DN được điều tra cho biết họ không có bất cứ chương trình cải tiến hoặc phát triển công nghệ nào.
Các chuyên gia cho rằng, đầu tư lớn vào R&D công nghệ sẽ tạo ra lợi ích mới to lớn và vững chắc. Trong cuộc điều tra, các DN Việt Nam đã thể hiện sự nỗ lực trong đổi mới công nghệ, tuy chưa đồng đều. Nhìn chung, số DN tham gia cải tiến công nghệ vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân là do khó khăn trong việc tiếp cận vốn cũng như thiếu sự quyết tâm của chủ DN. Chuyên gia cũng gợi ý là DN sẽ đỡ tốn kém hơn nếu tăng năng suất bằng cách cải tiến những công nghệ đã có sẵn…
Do đó, DN rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ, nhất là cơ chế ưu đãi, tiếp cận thông tin, nguồn công nghệ và tìm kiếm, tiếp nhận chuyển giao công nghệ một cách kịp thời… trong đó vấn đề chuyển giao công nghệ và cải tiến kỹ thuật cần đặt lên hàng đầu. Hội nhập dọc, cạnh tranh hay kết hợp nghiên cứu triển khai với các tổ chức khoa học công nghệ và các viện nghiên cứu là những hướng đi thiết thực với các doanh nghiệp Việt Nam.
Tin, ảnh: Ánh Tuyết