Chế tạo máy CNC sản xuất cốt thép ốp bê-tông kích thước lớn; Trồng thành công sâm Ngọc Linh vô tính ở Lâm Đồng; Chế tạo quạt gió cho dây chuyền sản xuất xi-măng; Phân tích tuổi vàng bằng công nghệ cao…là những thông tin khoa học và công nghệ đáng chú ý đăng trên các báo trong tuần từ 9-15/6.
Chế tạo máy CNC sản xuất cốt thép ốp bê-tông kích thước lớn
TS Hoàng Việt Hồng và các cộng sự thuộc Công ty TNHH MTV Viện máy và Dụng cụ công nghiệp đã nghiên cứu, chế tạo thành công máy CNC sản xuất cốt thép của ốp bê-tông kích thước lớn.
Ưu điểm của thiết bị là tích hợp phương pháp hàn tiếp điện trở tiếp xúc với điều khiển CNC bảo đảm chất lượng mối hàn. Giá thành thiết bị do công ty chế tạo chỉ bằng từ 40 đến 60% thiết bị nhập khẩu cùng loại. Nhiều doanh nghiệp có thể chủ động đầu tư dây chuyền sản xuất ốp bê-tông hiện đại, chất lượng cao với giá thành hợp lý. (Theo Nhân Dân 12/6).
Trồng thành công sâm Ngọc Linh vô tính ở Lâm Đồng
PGS.TS Dương Tấn Nhựt, Phó viện trưởng Viện Sinh học Tây nguyên, cho biết đã trồng khảo nghiệm thành công sâm Ngọc Linh vô tính ở rừng Bidoup - Núi Bà (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng).
Qua phân tích các thành phần hợp chất saponin chủ yếu của sâm Ngọc Linh (Majonosid R2 (MR2), ginsenosid Rg1 (G-Rg1) và ginsenosid Rb1 (G-Rb1)) dựa trên kỹ thuật sắc ký lớp mỏng và sắc ký lỏng cao áp cho thấy 3 hợp chất này đều hiện diện trong cây sâm Ngọc Linh in vitro 17 tháng tuổi trồng ở đây.
Cây sâm vô tính đã sống được ngoài tự nhiên và chỉ sau 8 tháng đã có thể hình thành củ.
Theo PGS.TS Dương Tấn Nhựt, kết quả này cho thấy cây sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô có thể sống và phát triển tốt tại khu vực nam Tây nguyên. (Theo Thanh niên, 13/6).
Chế tạo quạt gió cho dây chuyền sản xuất xi-măng
Anh Ðinh Phạm Tiến Vĩnh cùng các cộng sự ở Tổng công ty lắp máy Việt Nam đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị quạt gió công suất lớn cho dây chuyền sản xuất xi-măng lò quay công suất 2.500 tấn clanh-ke/ngày. Ðây là sản phẩm được chế tạo tại Việt Nam với tỷ lệ nội địa hóa 60%. Các thiết bị được chế tạo hoàn toàn dựa trên dây chuyền thiết bị, máy gia công cơ khí, máy hàn, lò nhiệt luyện của LILAMA 69-3.
Nhờ sản xuất được quạt gió cho dây chuyền sản xuất xi-măng, Công ty LILAMA 69-3 đã tạo việc làm cho từ 400 đến 500 công nhân; tiết kiệm lượng ngoại tệ lớn cho đất nước dùng để nhập khẩu loại máy tương tự. (Theo Nhân Dân 13/6).
Phân tích tuổi vàng bằng công nghệ cao
Khởi phát ý tưởng từ giữa những năm 80 của thế kỷ trước, qua nhiều bước cải tiến và nâng cấp, máy phổ kế huỳnh quang tia X (máy XRF2500-12LC) do nhóm tác giả của Viện Khoa học vật liệu (Viện KH - CN Việt Nam) chế tạo đã hoàn thiện.
Máy Phân tích tuổi vàng bằng công nghệ cao đáp ứng yêu cầu cơ bản về độ chính xác, thời gian phân tích nhanh (từ 30 giây đến 90 giây tùy mẫu vàng). Sử dụng phần mềm điều khiển bằng tiếng Việt, với số nguyên số có thể phân tích định lượng ngày càng nhiều hơn, chính xác hơn, trong khi giá thành hợp lý.
Từ thành công của việc chế tạo thiết bị XRF2500-12LC, nhóm nghiên cứu đang thiết kế, chế tạo loại máy XRF5006-HQO2 có cấu hình cao hơn để phục vụ việc phân tích nhanh định lượng thành phần các loại vật liệu: quặng sắt, Ilmenit,... (Theo Công thương 14/6).
Máy phân loại rác tự động
Kỹ sư Lại Minh Chức, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ môi trường xây dựng Hà Nội, đã nghiên cứu, chế tạo thành công thiết bị phân loại rác thải rắn tự động điều khiển từ xa, công suất 150-200 tấn/ngày.
Thiết bị này tự động phân phối lượng rác vào máy cắt phù hợp với từng loại và công suất máy; có thiết bị băm cắt thông minh cho phép tự cắt xé bao, gói và lựa chọn loại rác cần cắt nhỏ theo yêu cầu của công nghệ phân loại và tái chế. Ngoài ra, máy có thể cắt nhỏ các loại rác hữu cơ có nguồn gốc động, thực vật theo yêu cầu để sản xuất phân bón vi sinh phục vụ cho nông nghiệp; nghiền nhỏ rác thải vô cơ.
Quy trình phân loại xử lý đều được thực hiện trong không gian khép kín nên kiểm soát được sự phân tán khí có mùi độc hại,...(Theo Hà nội mới 14/6).
Sinh viên tự chế máy đóng học phí
Nhóm sinh viên khoa đào tạo chất lượng cao ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã cho ra đời máy thu học phí tự động, giúp nộp học phí được nhanh chóng và tiện lợi hơn.
Nhóm sinh viên (từ trái qua): Ba, Hưng, Lộc bên cạnh sản phẩm của mình - máy thu học phí tự động
Thiết bị trông giống máy rút tiền tự động này là đồ án thực hành của ba sinh viên khoa đào tạo chất lượng cao gồm Trần Văn Ba, Trần Quốc Hưng, Nguyễn Đại Phước Lộc. Trong năm tháng miệt mài chế tạo và cải tiến dưới sự hướng dẫn của tiến sĩ Nguyễn Trường Thịnh ,trưởng bộ môn cơ điện tử - ĐH SPKT TP.HCM, sản phẩm mang tên "Máy đóng học phí tự động" đã ra đời. Tuy không mới về mặt công nghệ nhưng đây là một dự án hết sức thiết thực và mang tính ứng dụng cao. (Theo Thanh niên 14/6).
Nhật Bản mở trung tâm công nghệ đất hiếm tại Việt Nam
Theo thông báo từ Đại sứ quán Nhật Bản, lễ khánh thành “Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ đất hiếm” sẽ diễn ra vào ngày 16.6 tới tại Viện Công nghệ xạ hiếm cơ sở 2 (Đan Phượng, Hà Nội).
Đây là dự án hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam theo văn bản thỏa thuận được thủ tướng hai nước nhất trí vào tháng 10.2011. Các thiết bị cần thiết của dự án được trang bị bằng ngân sách của Nhật, trong lúc Chính phủ Việt Nam chịu trách nhiệm tu sửa lại tòa nhà.
Trung tâm sẽ áp dụng công nghệ Nhật Bản để phân ly và chiết tách phần mềm đất hiếm từ thân quặng thu được từ mỏ đất hiếm được khai thác lần đầu tiên ở Việt Nam và sau đó xuất sang Nhật. (Theo Lao động 15/6).
Ngọc Anh (Tổng hợp)