Một số thông tin KH-CN đáng chú ý đăng trên các báo trong tuần từ 5-11/10.
Chiết xuất thành công nhiên liệu sạch từ rong biển
Các nhà khoa học thuộc viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang đã chọn được ba loài rong biển tại Việt Nam có khả năng nuôi trồng quy mô lớn, sản lượng cao, đáp ứng nguyên liệu sản xuất etanol.
Đồng thời đã chiết xuất thành công bio-etanol từ rong biển trong phòng thí nghiệm, với tỷ lệ 7kg rong biển thu được 1kg etanol. Bio-etanol là một loại năng lượng sạch.
Tiến sĩ Lê Như Hậu viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang đánh giá, Việt Nam có vùng biển rộng lớn, thuận tiện để trồng rong biển nhằm chiết xuất etanol. (Theo Sài gòn tiếp thị 7/11)
Nhà phao chống lũ
Phạm Hữu Thủy sinh viên trường đại học Quốc tế Hồng Bàng vừa tạo ra mô hình nhà chống lũ với mong muốn phục vụ người dân miền trung, nơi đang chịu nhiều hậu quả nặng nề do lũ lụt.
Ngôi nhà thiết kế đơn giản, có một hệ thống phao nổi tự động mỗi khi lũ dâng cao. Phao được đặt dưới nền nhà. Một nửa mái nhà được lợp bằng tôn lạnh, có cửa thoát hiểm bằng hệ thống phao khi lũ lên cao. Nửa còn lại được đổ bêtông cốt thép. Khi lũ dâng cao, đồ đạt sẽ được đưa lên mái nhà bằng hệ thống ròng rọc đôi cố định vào phía mái lợp tôn lạnh. (Theo vnexpress 7/11)
Sấy 200kg cà phê trong 2 ngày nhờ máy sấy năng lượng mặt trời
Máy sấy do TS Mai Thanh Phong (ĐH Bách khoa TP.HCM) chế tạo dùng năng lượng mặt trời để sấy nông, hải sản. Sấy một mẻ cà phê 200kg mất 2 ngày.
Máy sấy dùng năng lượng mặt trời do TS Mai Thanh Phong, ĐH Bách khoa TP.HCM nghiên cứu và chế tạo.
Nhìn từ bên ngoài, máy có cấu tạo khá đơn giản, gồm các ống thu nhiệt, bồn chứa lưu chất để lưu trữ lại năng lượng mặt trời phục vụ cho công việc sấy. Bồn này có thể giữ lại năng lượng nóng điều tiết dần và dùng vào lúc không có nắng.
Từ đây, khí nóng sẽ qua buồng trao đổi nhiệt kết hợp với khí từ việc đốt biomass (rác thải, gỗ,...) để vào buồng sấy. Sau đó, một phần khí sẽ được thoát ra cùng hơi nước, phần còn lại sẽ được tận dụng để tuần hoàn trong việc sấy. (Theo Đất việt 7/11)
Máy biến nước mặn thành nước ngọt
ThS Đặng Trần Thọ và nhóm sinh viên khoa Điện lạnh, Viện Khoa học Công nghệ Nhiệt - Lạnh, trường Đại học Bách khoa Hà Nội vừa nghiên cứu thành công quy trình chưng cất nước ngọt từ nước biển bằng năng lượng mặt trời.
Khi cần lấy nước thì đổ nước biển (hoặc nước bị ô nhiễm) vào nồi chứa, dưới tác động của ánh nắng mặt trời, qua guồng phản xạ sẽ làm nước sôi lên.
Khi lớn hơn hoặc bằng 100oC thì hơi nước sẽ bốc hơi thông qua hộp gom nước ngưng tụ, hộp than hoạt tính để cho ra nước tinh khiết. (Theo Bee 8/11)
Lợi ích của giảm dầu trong quá trình nghiền ximăng
Sáng kiến cải tiến cắt giảm dầu trong quá trình nghiền ximăng của Công ty cổ phần ximăng Sông Thao (tỉnh Phú Thọ) đã làm lợi cho công ty hàng chục tỷ đồng mỗi năm và giúp làm giảm giá thánh sản phẩm.
Theo thiết kế, việc phải đốt dầu diezel liên tục trong quá trình nghiền ximăng làm tăng giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến môi trường. Anh Lê Minh Hải, đại điện nhóm nghiên cứu đã đưa ra biện pháp khắc phục. Đó là đóng kín hoàn toàn van trên đường ống lò đốt phụ khi dừng đốt dầu, tăng dần mức mở van gió hồi lưu, điều chỉnh giảm lượng nước cấp cho máy nghiền; duy trì nhiệt độ ra của clinker ở mức xấp xỉ 110 độ C để khi qua silo chứa vào nghiền thì đạt nhiệt độ 60-70 độ C... (Theo vietnamplus 8/11)
Lò đốt chất thải công suất nhỏ
Nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Hóa học TPHCM đã nghiên cứu và tìm ra được một mẫu lò đốt chất thải quy mô nhỏ (từ 3-5 kg/giờ hay từ 10-15 kg/mẻ) phù hợp với điều kiện sử dụng tại Việt Nam.
Kỹ sư Nguyễn Phúc Hoàng Duy, tác giả của đề tài nghiên cứu này, cho biết giải pháp giúp tiết kiệm năng lượng cho lò đốt quy mô nhỏ, là điều chỉnh giảm lượng gió và năng lượng cần cấp cho buồng thứ cấp; cải tạo kết cấu lò đốt nhằm tận dụng năng lượng từ khí thải để gia nhiệt cho buồng sơ cấp cùng không khí cấp cho buồng thứ cấp. Những cải tiến này đã giúp xử lý triệt để được chất thải rắn và khí thải sinh ra từ hệ thống, qua đó giảm đáng kể chi phí vận hành. (Theo Người lao động 9/11)
Nhà do SV nghiên cứu chịu được gió giật cấp 17
Nguyễn Thúy Nhi, SV năm thứ 3, Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng vừa nghiên cứu thành công mô hình “Ngôi nhà sinh thái thành thị”.
Nguyễn Thúy Nhi và mô hình “Ngôi nhà sinh thái thành thị”(Ảnh do Nhi cung cấp)
Theo đó, tường của ngôi nhà sinh thái được xây bằng gạch bê-tông nhẹ và những vật liệu không nung, thân thiện với môi trường,... Ngôi nhà có giếng trời và không gian dành cho cây xanh, có thể trụ vững khi có gió mạnh cấp 15, giật cấp 16-17. Khi có gió cấp 1-2, hệ thống quạt thu năng lượng gió tự hấp thu năng lượng, bơm nước làm mát nhà; gió cấp 2-3 trở lên, vừa tự bơm nước làm mát nhà, vừa sản xuất điện một chiều từ 12 đến 48V. (Theo Đất việt 9/11)
Phát hiện ra rau quả "bẩn" chỉ bằng một mẩu giấy
Theo kỹ sư Trần Thị Hải Bình, cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nam Định đã nghiên cứu, thử nghiệm và tạo ra cách thử độc tố trong thực phẩm bằng phản ứng hóa học đơn giản.
Đó là một miếng giấy nhỏ, kích cỡ 5cmx1cm được "tẩm" hóa chất (sử dụng nước nghệ, cồn, acid clohdric, hóa chất thử). Khi sử dụng, mẫu thử có thuốc kích thích sinh trưởng sẽ làm giấy chuyển màu cam, thay vì giữ nguyên màu vàng nghệ của giấy hoặc màu xanh của lá rau như mẫu thử an toàn. (Theo vietnamplus 10/11)
Ngọc Anh (Tổng hợp)