Sản xuất thành công giống nhân tạo cá hồng bạc ở Việt nam; Tạo nước ngọt từ nước biển bằng năng lượng Mặt trời; Triệt sản côn trùng trên cây thanh long, Người sáng chế máy chẻ nan, lột nứa…là những thông tin KHCN nổi bật từ 29/29- đến 5/10
Sản xuất thành công giống nhân tạo cá hồng bạc ở Việt nam
Đề tài nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo cá hồng bạc Lutjanus argentimaculatus (Forsskal, 1775) tại Khánh Hòa, do thầy giáo Nguyễn Địch Thanh, Khoa Nuôi trồng Thủy sản, Trường Đại học Nha Trang làm chủ nhiệm đã mở ra nhiều cơ hội trong vấn đề chọn đối tượng mới cho ngành nuôi trồng thủy sản.
Đề tài được triển khai nghiên cứu từ nhiều năm nay và chia thành hai giai đoạn, giai đoạn 1 đã nghiên cứu sản xuất hơn 20 nghìn con cá giống cỡ 3–5cm. Sau khi thực hiện thành công việc sản xuất giống nhân tạo cá hồng bạc, được sự đồng ý của UBND tỉnh Khánh Hòa, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Khoa Nuôi trồng Thủy sản, Trường Đại học Nha Trang tiếp tục nghiên cứu giai đoạn 2. Nghiên cứu đã được thực hiện từ năm 2010 - 2012 đến nay cơ bản đã hoàn thành trong giai đoạn chuyển giao công nghệ, đã sản xuất ra 50 nghìn con cá giống cỡ 2 – 3cm, đang trong giai đoạn chuyển giao công nghệ cho người nuôi một số huyện, thành phố như: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang và Cam Ranh.
Đề tài thành công góp phần tạo điều kiện cho người nông dân vươn lên thoát nghèo, chọn đối tượng phù hợp mang lại thu nhập đáng kể, cải thiện được môi trường giảm chi phí trong sản xuất. Đề tài được các chuyên gia đánh giá rất cao và Khoa Nuôi trồng Thủy sán, Trường ĐH Nha Trang là đơn vị đầu tiên thực hiện thành công sản xuất giống nhân tạo cá hồng bạc ở Việt Nam. (Theo Nhân dân, 5/10)
Vệ tinh Việt Nam vào vũ trụ
Lúc 22h45 giờ Hà Nội, vệ tinh F-1 được thả ra từ cơ cấu phóng số 2 do trạm mặt đất Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) điều khiển cánh tay robot.
“Tôi rất hạnh phúc khi F-1 rời ISS thành công. Chúng tôi đã chờ đợi thời khắc này gần 4 năm nay”, Trương Ngọc Khánh, thành viên nhóm FSpace nói. “Nhưng để biết F-1 có hoạt động, chúng ta còn phải chờ vệ tinh phát những tín hiệu đầu tiên vào hôm nay”.
Ông Vũ Trọng Thư, Trưởng phòng nghiên cứu FSpace nhận định, việc thả thành công F-1 ra ngoài không gian là mốc quan trọng đánh dấu lần đầu tiên các vệ tinh nhỏ được thả khỏi ISS bằng cánh tay robot, mở ra con đường mới lên quỹ đạo cho các vệ tinh nhỏ. (Theo Vnexxpress, Công thương, ICT News ngày 5/10)
Tạo nước ngọt từ nước biển bằng năng lượng Mặt trời
Đây là thành công mới của các nhà khoa học thuộc Viện Thủy điện và năng lượng tái tạo (Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam). Thiết bị được cấp nước từ bơm hoặc tự chảy vào từ bể chứa đặt cao hơn.
Sau khi được năng lượng Mặt trời nung nóng, nước bốc hơi và sau đó được ngưng tụ trên bề mặt trong của tấm kính và chảy về bể chứa. Thiết bị có năng suất trung bình đạt hơn 6 lít/m2/ngày, có khả năng tận thu được nước mưa trên mặt kính của thiết bị khi trời có mưa. Đặc biệt, thiết bị được chế tạo từ composite, có khả năng tháo lắp linh hoạt và lắp ghép thành hệ thống lớn từ các mô đun đơn lẻ tùy theo nhu cầu sử dụng cho phù hợp với mọi quy mô dân cư trên mọi địa hình (mặt đất, mái nhà, sân thượng...). Thiết bị tạo nước ngọt từ nước biển bằng năng lượng mặt trời đã được thử nghiệm thành công tại Cam Ranh (Khánh Hòa) và Đồ Sơn (Hải Phòng) (Theo Hà Nội mới, 5/10).
Triệt sản côn trùng trên cây thanh long
Ngày 2-10, thông tin từ Bộ NN-PTNT cho biết cơ quan này vừa phê duyệt Dự án quản lý ruồi hại trái thanh long diện rộng trên cơ sở sử dụng kỹ thuật triệt sản côn trùng, nhằm nâng cao chất lượng thanh long xuất khẩu. Đây là dự án được thực hiện nhờ sự hỗ trợ của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), do Bộ NN-PTNT giao Viện Bảo vệ thực vật thực hiện tại Hà Nội và Bình Thuận trong giai đoạn 2012 - 2015.
Theo đó, IAEA sẽ cử chuyên gia sang giúp Việt Nam đào tạo nhân lực trong lĩnh vực triệt sản côn trùng gây hại; chuyển giao Việt Nam công nghệ, kỹ thuật triệt sản côn trùng, quản lý ruồi hại thanh long diện rộng. Mục tiêu của dự án nhằm phát triển ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong lĩnh vực quản lý sâu hại cây trồng nông nghiệp, hướng tới mục tiêu có 500 - 1.000ha thanh long ở Việt Nam ứng dụng kỹ thuật triệt sản côn trùng để quản lý ruồi gây hại, nâng cao chất lượng thanh long xuất khẩu.
Hiện nay, thanh long Việt Nam là một trong những mặt hàng trái cây xuất khẩu đang được các thị trường ưa chuộng. (Theo Nông thôn ngày nay 5/10)
Người sáng chế máy chẻ nan, lột nứa
Chỉ trong vòng chưa đầy 1 phút, chiếc máy nhỏ gọn có thể lột được 80 chiếc nan. Chiếc máy đầy “công lực” này là “đứa con tinh thần” của một nông dân ở thôn Hiệp Đồng, xã Thường Thắng (Hiệp Hoà - Bắc Giang).
Nhờ sáng chế dao chẻ nan nứa và máy lột nan nứa đan phên phơi bánh đa (thường gọi là phên dàng), anh Bùi Văn Dự ở Bắc Giang thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ phát triển nghề đan phên dàng và giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương.
Theo ông, chỉ cần đặt dao vào đầu ống nứa, dùng sức tì xuống là cây được chẻ ra thành nhiều phần. Hiện, một bộ dao của ông có 9 kích cỡ khác nhau, chẻ được từ 8 - 17 nan. Với loại dao chuyên dụng này, một người có thể bổ được 100 cây nứa chỉ trong 10 phút.
ông Dự với sáng chế máy chẻ nan, lột nứa
Theo bà Nguyễn Thị Ngoan, Phó chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Hiệp Đồng, từ ngày có bộ máy do ông Dự sáng chế, nhiều hộ chuyển nghề chính sang làm phên. Còn những gia đình trồng nhiều lúa, rau thì tranh thủ lúc nông nhàn cũng làm thêm để tăng thu nhập. Bà Ngoan nhẩm tính: Tranh thủ buổi trưa và tối vừa xem phim vừa ngồi đan, mỗi người làm được 6 chiếc phên. Những ngày trời mưa không ra đồng, ở nhà đan phên cũng có thêm 50.000-70.000 đồng. Hay như vợ chồng ông Nguyễn Văn Bảy ở thôn Dinh Đồng, năm nay đã ngoài 70 tuổi, vẫn tham gia đan phên, thu nhập 70.000 - 80.000 đồng/ngày.
Với bộ máy chẻ nan, lột nứa, ông Dự đã giành giải Nhất cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông tỉnh Bắc Giang lần thứ IV. “Hữu xạ tự nhiên hương”, nhiều người ở các nơi gọi đến đặt mua máy. Ông vui vẻ nhận lời rồi hướng dẫn sử dụng qua điện thoại. (Theo Kinh tế Nông thôn, 5/10)
Cọc vách nhựa uPVC phòng chống triều cường
Cọc vách nhựa uPVC có thể dùng trong phòng chống triều cường, sạt lở ao, hồ, kênh, rạch, bờ sông… Giải pháp này vừa được đưa ra trong một hội thảo vừa được tổ chức tại TP.HCM, dưới sự chủ trì của Tổng công ty công nghiệp Sài Gòn (CNS), Sở xây dựng TP.HCM, phân viện khoa học công nghệ xây dựng miền Nam và Công ty CNS Thạnh Phát. Đại diện các sở, ban, ngành các quận huyện ở TP.HCM và các tỉnh thành đã đến dự và trao đổi về ứng dụng thực tiễn của giải pháp mới này.
So với các giải pháp kỹ thuật chống sạt lở truyền thống (bêtông, thép, cừ tràm), cọc vách nhựa uPVC không bị rỉ sét, chịu được nước phèn mặn, dễ gia công, không cần đào và gia công móng, chống thấm và dòng rò. Loại cọc này có tuổi thọ trên 50 năm, nhẹ hơn cọc thép hoặc bêtông, thi công nhanh. Nhược điểm của cọc vách nhực uPVC là chưa thể nối dài, khả năng đàn hồi thấp và không chịu được nhiệt độ quá 70 độ C.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, hiện tại trên thế giới cũng chưa có tiêu chuẩn thẩm định riêng cho các công trình thi công bằng cọc vách nhựa uPVC, tuy nhiên hiện tại nó đã được nhiều nước trên thế giới sử dụng, như Hà Lan, Mỹ. Ở Việt Nam, cọc vách nhựa uPVC đã được CNS thi công thí điểm tại rạch Gò Dưa 230 mét và rạch Cầu Ngang 77 mét (cùng thuộc khu vực P. Linh Đông, Q. Thủ Đức, TP.HCM).
Theo đại diện của CNS, một dây chuyền máy móc thiết bị sản xuất cọc vách nhựa uPVC đã được CNS đầu tư xây dựng với năng suất 550 kg sản phẩm mỗi giờ, đủ đáp ứng cho nhu cầu ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á. (Theo Khoa học Phổ thông, 3/10)
Minh Châu (Tổng hợp)