"Hai lúa" sáng chế gạch siêu nhẹ; Chế tạo thiết bị sản xuất chất khử trùng, xử lý nước; Nghiên cứu nhân giống Chạch sông quý hiếm; Triển vọng từ chế phẩm men vi sinh trị bệnh chết nhanh trên cây tiêu của một nông dân; Thiết bị phòng ngừa cận thị dùng cảm biến siêu âm; Công nghệ sàn nhẹ mới giúp giảm 20% phí đầu tư;… là một số thông tin khoa học và công nghệ đáng chú ý đăng trên các báo trong tuần từ 28/7-3/8.
"Hai lúa" sáng chế gạch siêu nhẹ
Anh Trần Văn Lượng xã Nhật Tựu (Kim Bảng - Hà Nam đã nghiên cứu, chế tạo thành công gạch siêu nhẹ, thân thiện với môi trường.
Những viên gạch siêu nhẹ đầu tiên của anh đã ra đời, có thể nổi được trên mặt nước lại cách âm, cách nhiệt, chịu lực gấp nhiều lần so với những loại vật liệu xây dựng thông thường. Một khối bê-tông thông thường nặng 2,7 tấn nhưng nếu xây bằng gạch siêu nhẹ chỉ nặng 3 tạ, không hề thấm nước, lại nhanh khô, phù hợp với mọi công trình.
Sáng chế của anh Lượng đã được Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) công nhận là vật liệu siêu nhẹ, có tác dụng chống thấm, chịu lửa tiêu chuẩn TCVN 317: 2005. Năm 2011 sản phẩm của anh đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận. (Theo Kinh tế nông thôn 30/7).
Chế tạo thiết bị sản xuất chất khử trùng, xử lý nước
Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Hoài Châu cùng các cộng sự thuộc Viện Công nghệ Môi trường, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã hoàn thiện công nghệ và chế tạo thành công thiết bị sản xuất natri hypoclorit công suất dưới 5kg clo hoạt tính/giờ.
Natri hypoclorit là chất dùng để khử trùng, xử lý nước và môi trường sản xuất, được dùng nhiều trong các nhà máy cấp nước, bệnh viện...Với thành công này, đây là lần đầu tiên Việt Nam đã chế tạo thành công 3 loại thiết bị (Waterchlo 500, 1000, 2000) sản xuất dung dịch natri hypoclorit từ nước muối bằng phương pháp điện phân, cho sản phẩm liên tục, có công suất clo hoạt tính 0,5kg/giờ, 1kg/giờ, 2kg/giờ.
Nhiều đơn vị đã ứng dụng thiết bị này vào sản xuất như Trạm nước khu kinh tế Hòn La (Quảng Bình), Nhà máy đường Quảng Ngãi, Nhà máy nước Hòa Bình Chương (Thừa Thiên-Huế),...(Theo vietnamplus 31/7).
Nghiên cứu nhân giống Chạch sông quý hiếm
Đề tài Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất giống và thử nghiệm nuôi thương phẩm cá Chạch sông (Mastacembelus armatus) do Trường Đại học Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ thực hiện bước đầu đạt được kết quả rất khả quan.
Một con cá chạch sông. Ảnh: flickriver.com.
Đề tài thực hiện từ tháng 1/2012 bằng việc tuyển chọn cá Chạch thu mua từ tự nhiên với kích thước 100-200g/con. Sau hai tháng nuôi nhân tạo đã tuyển chọn được 30 con cá bố mẹ khỏe mạnh để tiến hành nghiên cứu, sử dụng kích dục tố kích thích sinh sản nhân tạo và kỹ thuật thụ tinh, ấp trứng nhân tạo. Sau khi thụ tinh nhân tạo, 3.000 con cá bột được ương nuôi trong bể kính để theo dõi và có biện pháp phòng trừ bệnh kịp thời.
Sau hơn 3 tháng nuôi nhân tạo, cá nuôi tăng trưởng, phát triển đồng đều, tỷ lệ sống cao hơn, kích thước trung bình từ 10-15cm. Bước đầu trường Đại học Hùng Vương đã thả số cá trên về với môi trường tự nhiên. (Theo Đại biểu nhân dân 30/7).
Triển vọng từ chế phẩm men vi sinh trị bệnh chết nhanh trên cây tiêu của một nông dân
Bệnh chết nhanh (còn gọi là bệnh thối gốc, rễ) gây không ít thiệt hại cho người trồng tiêu trên địa bàn huyện Cư Jút (Đắk Nông) nhưng vẫn chưa có phương pháp phòng trị hữu hiệu. Qua tìm hiểu, nghiên cứu, anh Mạc Văn Thán ở thôn 1, xã Đắk Wil đã chế một loại men vi sinh có thể ức chế vi khuẩn gây bệnh chết nhanh và một số bệnh trên cây tiêu, bước đầu mang lại kết quả tốt.
Chế phẩm men vi sinh trị bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu do anh Thán chiết xuất từ thảo dược và men vi sinh. Chế phẩm này đã trị dứt điểm bệnh tiêu điên, các loại rệp sáp, sâu; riêng với bệnh chết nhanh, nếu vườn tiêu chưa bị thối rễ thì có thể chữa được; còn đối với vườn mới phát hiện bệnh hoặc đang trong giai đoạn rụng lá thì có thể chữa được 100%.
Hiện tại, anh Thán đang tiếp tục đầu tư, nghiên cứu để hoàn thiện sản phẩm của mình. (Theo Kinh tế nông thôn 1/8).
Thiết bị phòng ngừa cận thị dùng cảm biến siêu âm
Nhóm tác giả Mai Thanh Tín, Nguyễn Tiến Trung, sinh viên khoa điện tử viễn thông, đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM đã nghiên cứu chế tạo thành công thiết bị phòng ngừa cận thị sử dụng cảm biến siêu âm.
Thiết bị phòng ngừa cận thị dùng cảm biến siêu âm
Đề tài đã đoạt giải nhì phần thi Ý tưởng sáng tạo trẻ – cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu nhi thành phố lần 7 – 2012. Thiết bị gồm một bộ cảm biến siêu âm có bốn chế độ tương ứng với bốn mức khoảng cách dễ gây nên tật cận thị: từ mắt đến sách vở thông thường, từ mắt đến tivi, từ màn hình vi tính đến mắt và chế độ thứ tư người dùng có thể nhập khoảng cách, số liệu từ bên ngoài. Nếu khoảng cách giữa mắt và sách vở, màn hình máy tính hay tivi không đúng cự ly tối thiểu cho phép thì bộ cảm biến sẽ kích hoạt và truyền tín hiệu cho bộ phận xử lý thông tin báo động người dùng biết bằng tín hiệu rung hoặc tiếng bíp.
Thiết bị nhỏ gọn, có thể gắn vào kính cận, headphone, tai nghe mini hoặc có móc treo, móc gắn vào tai hoặc vị trí gần mắt. (Theo Sài gòn tiếp thị 2/8).
Công nghệ sàn nhẹ mới giúp giảm 20% phí đầu tư
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Hoàng, Công ty cổ phần tư vấn xây dựng ACH (Hà Nội) đã thực nghiệm thành công một công nghệ hoàn toàn mới là thi công sàn nhẹ bêtông cốt thép bán lắp ghép có thể giúp nhà đầu tư giảm 20% chi phí, thời gian xây dựng.
Công nghệ bán lắp ghép ưu việt hơn hẳn công nghệ đang được sử dụng do không phải sử dụng cốtpha sàn, chỉ cần sử dụng cốtpha đáy dầm chính, giảm 70% khối lượng cốt thép và 50% khối lượng bêtông thi công tại chỗ so với phương án kết cấu thông thường. Công nghệ này nhanh và đơn giản, chi phí xây thô rẻ nhất so với tất cả các phương pháp thi công sàn bêtông cốt thép đang sử dụng.
Do công nghệ này chưa từng được công bố trên toàn thế giới nên đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng Độc quyền sáng chế. (Theo vietnamplus 3/8).
Đề xuất lập Quỹ hỗ trợ phát triển khoa học xã hội
Đề xuất của Viện Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) nhằm tạo cơ chế thu hút thêm các nguồn vốn ngoài ngân sách, tăng hiệu quả sử dụng nguồn vốn, tăng tính tự chủ và khắc phục tình trạng hành chính hóa nghiên cứu khoa học, đồng thời tăng tính cạnh tranh, bảo đảm công khai, dân chủ và công bằng trong quản lý hoạt động nghiên cứu Khoa học xã hội.
Theo VASS, phương thức phân bổ ngân sách cho KHXH chưa rõ tính đặc thù mà vẫn theo cơ chế phân bổ cho hoạt động khoa học, công nghệ nói chung. Đầu tư cho nghiên cứu KHXH hiện chỉ chiếm hơn 10% tổng kinh phí đầu tư cho khoa học, công nghệ. Do đó, hoạt động nghiên cứu KHXH gặp nhiều khó khăn do nguồn lực hạn hẹp, cơ chế tài chính chưa hiệu quả, chưa khai thác triệt để sự đóng góp chung vào hoạt động nghiên cứu KHCN…(Theo Hà nội mới 3/8).
Ngọc Anh (Tổng hợp)