Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ năm, 07/11/2024 , 06:45 am
Cập nhật : 01/06/2012 , 16:06(GMT +7)
Điểm tin khoa học và công nghệ trong tuần từ 26/5-1/6
Thiết bị sấy mật ong do PGS.TS Nguyễn Hay chế tạo. Ảnh: Thái Ngọc.
Công nghệ mới sấy mật ong; Ứng dụng tế bào vùng rìa giác mạc và niêm mạc má trong điều trị bệnh lý về mắt; Ngày 4/6, Việt Nam đón nguyệt thực một phần; Hợp tác khoa học công nghệ với Áo;…là những thông tin khoa học và công nghệ đáng chú ý đăng trên các báo trong tuần từ 265-1/6.

Công nghệ mới sấy mật ong

PGS.TS Nguyễn Hay, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM vừa giới thiệu thiết bị sấy mật ong theo phương pháp cô đặc chân có đảo trộn. Phương pháp sấy đảo trộn được đánh giá có ưu điểm hơn so với sấy chân không và sấy lạnh hiện đang được áp dụng phổ biến hiện nay.

Với kinh phí hơn 370 triệu đồng từ Sở KH-CN TP.HCM và Công ty Huy Hoàn tại TP.HCM, PGS.TS Nguyễn Hay đã chế tạo hệ thống sấy mật ong có công suất 20kg/mẻ. Thời gian sấy một mẻ hết 45 phút. Đưa độ ẩm từ 23% của mật ong trước khi sấy xuống còn dưới 18% để đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Với nhiệt độ sấy của hệ thống ở mức 40 độ C giúp cho mật ong giữ được dinh dưỡng và các dược tính. (Theo Đất Việt 26/5).

Ứng dụng tế bào vùng rìa giác mạc và niêm mạc má trong điều trị bệnh lý về mắt

Nhóm tác giả PGS.TS.BS. Trần Công Toại, ThS. Phan Kim Ngọc cùng các cộng sự ở Trường đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch đã bước đầu xây dựng thành công quy trình phân lập, nuôi cấy tế bào vùng rìa giác mạc và niêm mạc má trên giá thể màng collagen từ màng ối người, tạo tấm biểu mô điều trị bệnh lý giác mạc

PGS.TS.BS. Trần Công Toại cho biết, tình hình ứng dụng các sản phẩm nghiên cứu rất tốt, hiện nhóm cùng với Bệnh viện mắt TP.HCM vẫn tiếp tục triển khai và sẽ ứng dụng tại một số cơ sở y tế khác có yêu cầu và có đủ điều kiện ghép. Hiện nay, vẫn chưa có một sản phẩm tương tự và vì thế thành công bước đầu của nghiên cứu đã góp phần đáng kể vào việc cải thiện chất lượng điều trị bệnh. (Theo Khoa học phổ thông 28/5).

Ngày 4/6, Việt Nam đón nguyệt thực một phần

Theo Hội Thiên văn - Vũ trụ Việt Nam, ngày 4/6, người dân Việt Nam sẽ được chiêm ngưỡng hiện tượng nguyệt thực một phần.

Nguyệt thực một phần, hiện tượng thiên nhiên kỳ thú trong tháng 6.

Thời điểm bắt đầu xảy ra nguyệt thực là 17h, sau đó Mặt trăng sẽ từ từ đi vào vùng tối của Trái đất. Nguyệt thực sẽ đạt cực đại vào khoảng 18h03, khi đó Mặt trăng sẽ bị che khuất 37% bề mặt. Tại TP Hồ Chí Minh, người dân có thể quan sát hiện tượng kỳ thú này lúc 18h13, trong khi Hà Nội phải chờ tới 18h38.

Ngay sau đó, ngày 6/6, một hiện tượng thiên nhiên vô cùng hiếm cũng sẽ xuất hiện, đó là Sao Kim đi qua Mặt trời. Phải đợi 105 năm, hiện tượng này mới lặp lại lần nữa. Hiện tượng này sẽ kéo dài trong 6 giờ 40 phút và mọi nơi trên thế giới đều có thể quan sát. (Theo Công an nhân dân 31/5).

Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố 191 đề tài KHCN đưa ra tuyển chọn năm 2013

Bộ GD&ĐT vừa phê duyệt danh mục đề tài KH-CN cấp Bộ để đưa ra tuyển chọn thực hiện năm 2013 gồm 191 đề tài.

Tham gia tuyển chọn chủ trì thực hiện đề tài là các đại học, học viện, trường cao đẳng, các viện, trung tâm nghiên cứu và các cá nhân thuộc các tổ chức nêu trên có đủ điều kiện theo quy định.

Bộ GD&ĐT cũng cho biết, trong khi chưa hết hạn nộp hồ sơ, tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia tuyển chọn có quyền rút hồ sơ cũ thay hồ sơ mới, bổ sung hoặc sửa đổi hồ sơ đã gửi đến Bộ GD&ĐT. (Theo Giáo dục và Thời đại 31/5).

Hợp tác khoa học công nghệ với Áo

Tại diễn đàn Giáo dục đại học, khoa học và nghiên cứu Việt Nam - Áo tổ chức ở Đại học Sài Gòn, TP.HCM sáng 31-5, Bộ Khoa học - công nghệ VN và Bộ Khoa học - nghiên cứu Cộng hòa Áo đã chính thức công bố chương trình hỗ trợ hợp tác nghiên cứu song phương Việt - Áo giai đoạn 2012-2015.

Trong khuôn khổ chương trình này, cộng đồng các nhà khoa học hai nước sẽ được hưởng hỗ trợ về tài chính để tăng cường trao đổi hoạt động hợp tác nghiên cứu và đào tạo nhóm các nhà khoa học trên ba lĩnh vực ưu tiên là an ninh mạng, giao thông thông minh và năng lượng tái tạo. (Theo Tuổi trẻ 1/6).

Thành lập Ban chỉ đạo chương trình phát triển vi mạch

UBND TP.HCM vừa thành lập Ban chỉ đạo và tổ chuyên viên thực hiện chương trình phát triển vi mạch (chip điện tử) trên địa bàn TP.HCM

Ông Ngô Đức Hoàng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch trao đổi với các kỹ sư về thiết kế chip ứng dụng trong bảo đảm hàng hải.

Ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ tịch UBND TP.HCM làm trưởng ban. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) TP.HCM làm phó ban. Ban Chỉ đạo còn có đại diện Bộ KH-CN, Bộ TT-TT cùng nhiều ban, ngành tại TP.

Ban chỉ đạo có nhiệm vụ xác định phương hướng hoạt động và kế hoạch của chương trình phát triển vi mạch, chỉ đạo triển khai cũng như theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá kết quả công việc thuộc chương trình trên. (Theo Đất Việt 1/6).

Doanh nghiệp đầu tiên được chứng nhận Doanh nghiệp Công nghệ cao

Ngày 31- 5, tại TP Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Quân, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ Trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã trao giấy chứng nhận Doanh nghiệp Công nghệ cao (CNC) cho Công ty TNHH Mtex Việt Nam. Đây là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam được nhận giấy chứng nhận này.

Công ty TNHH Mtex Việt Nam có vốn đầu tư từ Nhật Bản, chuyên sản xuất linh kiện IC bán dẫn, linh kiện ô tô tại Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Quân cho biết : Việc trao giấy chứng nhận doanh nghiệp CNC cho Công ty TNHH Mtex Việt Nam cho thấy Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến phát triển CNC. (Theo Nhân Dân 1/6).

 

Ngọc Anh (Tổng hợp)


 


 




 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner