Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ năm, 07/11/2024 , 09:31 am
Cập nhật : 30/03/2012 , 15:03(GMT +7)
Điểm tin khoa học và công nghệ trong tuần từ 24-30/3
Thiết bị kiểm định mũ bảo hiểm lưu động được thử nghiệm chiều 26-3. (Ảnh: Đoàn Cường)
Thử nghiệm máy kiểm định chất lượng mũ bảo hiểm; Xe năng lượng mặt trời chỉ 15 triệu đồng; Hệ thống chỉ thị mục tiêu cho tên lửa đối hải "made-in-VN”; …là một số thông tin khoa học và công nghệ đáng chú ý đăng trên các báo trong tuần từ 24-30/3.

Thử nghiệm máy kiểm định chất lượng mũ bảo hiểm

Chiều 26-3, tại Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 (Quatest 2, đóng tại Đà Nẵng), Sở Khoa học - công nghệ Đà Nẵng đã thử nghiệm thiết bị kiểm định mũ bảo hiểm lưu động.

Thiết bị do Sở Khoa học - công nghệ Đà Nẵng đặt hàng Trung tâm công nghệ cơ khí điện tử (ĐH Bách khoa Đà Nẵng) chế tạo. Nguyên lý hoạt động của máy: que thử cố định ở vị trí 2m, sau đó cho rơi tự do xuống mũ bảo hiểm. Nếu mũ đạt chất lượng sẽ có đèn báo màu xanh, còn khi mũ bị bể thì đèn trên màn hình báo màu đỏ. Máy được sản xuất với chi phí khoảng 120 triệu đồng (loại máy tương tự tại Quatest 2 do Canada sản xuất có giá 1,7 tỉ đồng). (Theo Tuổi Trẻ 27/3)

Xe năng lượng mặt trời chỉ 15 triệu đồng

Đó là sáng chế mới do ThS Phạm Xuân Hiển, khoa vật lý kỹ thuật (đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM) làm chủ nhiệm đề tài.

Kinh phí để sản xuất xe chạy bằng năng lượng mặt trời cho một người lái chỉ khoảng 15 triệu đồng. ThS Hiển cho biết, tương lai xe sẽ được trang bị thêm bộ trữ năng lượng để những ngày trời mưa vẫn có thể hoạt động bình thường.
Hiện nay nhiều đơn vị, trong đó có khu công nghệ cao TP.HCM đặt vấn đề chuyển giao và phát triển mô hình này thành phương tiện chuyên chở nhân viên.
(Theo Sài gòn tiếp thị 27/3).

Hệ thống chỉ thị mục tiêu cho tên lửa đối hải "made-in-VN"

Viện Kỹ thuật Hải quân (Quân chủng Hải quân) đã nghiên cứu xây dựng thành công hệ thống chỉ thị mục tiêu từ bên ngoài trang bị trên tàu cảnh giới và hệ thống nhận chỉ thị mục tiêu, tính toán tự động các tham số bắn cho tên lửa đối hải.
Các nhà khoa học thuộc Viện Kỹ thuật Hải quân đã nghiên cứu áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa… để thiết kế, xây dựng hệ thống chỉ thị mục tiêu từ bên ngoài trang bị trên tàu cảnh giới cơ động trên biển, xây dựng hệ thống nhận chỉ thị mục tiêu và tính toán tự động các tham số bắn cho tên lửa; lắp đặt thử nghiệm và tích hợp hệ thống lên tàu;…
(Theo Bee 28/3)

Chiếc trực thăng siêu nhẹ của kỹ sư Nguyễn Bùi Hiển. Ảnh: Hòa Nhân

TP Hồ Chí Minh: Ra mắt Sàn giao dịch công nghệ

Sáng 27-3, Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh đã đưa vào hoạt động Sàn giao dịch công nghệ (SGDCN) TP Hồ Chí Minh tại số 79, Trương Định, Quận 1.

SGDCN thành phố là nơi tổ chức các hoạt động giao dịch, giới thiệu, tư vấn đầu tư, mua bán, đổi mới công nghệ, môi giới chuyển giao công nghệ và tài sản trí tuệ của thành phố và các địa phương trong khu vực. Bên cạnh đó, SGDCN cũng có nhiệm vụ đề xuất, xây dựng các chính sách hỗ trợ chuyển giao công nghệ;... Đối tác của SGDCN là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, trường đại học, viện nghiên cứu…; các tổ chức tài chính, quỹ phát triển khoa học trong và ngoài nước. (Theo Nhân Dân 27/3).

Phát triển nhiên liệu sinh học từ sinh khối vi tảo biển

Các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ sinh học - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu và sản xuất thành công sản phẩm diesel sinh học từ sinh khối vi tảo biển.

Hiện nay, bằng quy trình sản xuất được Viện nghiên cứu đã tạo được khoảng 6 lít diesel sinh học từ sinh khối vi tảo biển của Việt Nam đạt được 10/15 tiêu chuẩn chất lượng của diesel sinh học gốc B100 theo tiêu chuẩn Việt Nam đã công bố. Đồng thời, quy trình sản xuất cũng tạo được một loạt sản phẩm khác đi cùng như glycerol, axit béo không bão hòa rất có giá trị sử dụng trong các ngành y, dược và thực phẩm chức năng cho người và động vật nuôi và giúp giảm giá thành sản xuất diesel sinh học. (Theo Vietnamplus 28/3)

Ông chủ garage chế tạo thành công máy bay trực thăng

Sau ba năm tìm tòi nghiên cứu, chiếc trực thăng siêu nhẹ của kỹ sư cơ khí Nguyễn Bùi Hiển - chủ garage Bùi Hiển, thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương) - cuối cùng cũng cất cánh theo đúng tính toán của ông.

Chiếc máy bay trực thăng có trọng lượng 250kg, dài 2,95m, rộng 1,2m, cao 2,4m, công suất máy 106 mã lực/6.500 vòng/phút, hai tầng cánh, độ dài sải cánh 4,52m. Theo tính toán của ông Hiển, nếu được phép bay trên bầu trời, chiếc máy bay trực thăng có khả năng bay ở độ cao 200m, tốc độ 150-200km/giờ. Tổng chi phí đầu tư nghiên cứu, chế tạo là 200 triệu đồng.

Máy đánh giá, thăm dò ý kiến này sẽ thay thế phương pháp khảo sát truyền thống (Ảnh: San Thái)

Tuy nhiên ông Hiển cho biết chưa có ý định xin phép cho máy bay trực thăng bay, chỉ thỏa mãn mơ ước chế tạo thành công máy bay làm kỷ niệm.(Theo Tuổi Trẻ 28/3)

Máy đánh giá, thăm dò ý kiến

Chiếc máy với kích thước nhỏ gọn và có thể sử dụng để thăm dò ý kiến trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đã được sinh viên Nguyễn Hữu Tài (lớp 09CCD01, khoa Cơ khí tự động, trường Đại học Nguyễn Tất Thành) chế tạo.

Trên máy sẽ thể hiện các câu hỏi được đặt ra, tổng số người tham gia trả lời, các phương án lựa chọn, và tỷ lệ phần trăm của mỗi phương án. Những dữ kiện này sẽ được lưu trữ vào máy tính hoặc những câu hỏi sẽ được lập trình sẵn thông qua máy tính và hiện lên màn hình của máy. Trong đó, các dạng câu hỏi sẽ được thay đổi theo các lĩnh vực khác nhau như: khảo sát xã hội học, khảo sát ý kiến của nhiều người về một vấn đề nào đó... (Theo Đất Việt 29/3)

Sắp thanh tra chất lượng xăng dầu toàn quốc

Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ thực hiện cuộc thanh tra diện rộng về xăng dầu từ tháng 6 đến tháng 8.

Ông Trần Minh Dũng, Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết,cuộc thanh tra lần này tập trung vào việc thực hiện các quy định của pháp luật về đo lường, chất lượng và sở hữu công nghiệp với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh xăng dầu và gas. Bộ cũng tập trung thanh tra sự phù hợp của sản phẩm, hàng hóa với quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn công bố áp dụng, thông qua phiếu kết quả theo dõi chất lượng, lấy mẫu sản phẩm, hàng hóa để thử nghiệm, đánh giá.

Dự kiến, tháng 10, Bộ Khoa học sẽ tổng kết và công bố kết quả của cuộc thanh tra. (Theo vnexpress 29/3)

Đưa vào vận hành Phòng kiểm định lõi IP

Ngày 29-3, tại Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) đã khai trương Phòng kiểm định lõi IP cho ngành thiết kế vi mạch.

Phòng kiểm định lõi IP ra đời sẽ thúc đẩy và nhân rộng ngành công nghiệp vi mạch tại Việt Nam là nơi hỗ trợ đắc lực cho các trường, viện nghiên cứu tại Việt Nam kiểm định các thiết kế vi mạch, giúp hoàn thiện các sản phẩm với các tiêu chí chất lượng quốc tế. Hiện Phòng kiểm định IP đã được trang bị với các thiết bị hiện đại, bao gồm các máy phân tích logic chuyên nghiệp, phần mềm hỗ trợ chuyên dụng và các KIT FPGA cao cấp…(Theo Sài gong giải phóng 30/3).

Ngọc Anh (Tổng hợp)


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner