Một số thông tin KH-CN đáng chú ý đăng trên các báo trong tuần từ 24-30/12.
Công nghệ sản xuất biodiesel chất lượng cao
Khoa Hóa học Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội phối hợp với Khoa Công nghệ Trường ĐH Osaka Prefecture (Nhật Bản) đã xây dựng thành công “Quy trình công nghệ sạch” hiệu quả kinh tế cao, dễ áp dụng ở các quy mô khác nhau để sản xuất diesel sinh học có chất lượng cao vượt tiêu chuẩn ASTM D6751 và EN 14212.
Hiện công nghệ này đang thử nghiệm một lượng lớn sản phẩm biodiesel thay diesel dầu mỏ cho một số tàu du lịch nhằm giảm ô nhiễm môi trường nước của vịnh Hạ Long. Kết quả bước đầu thu được rất tốt, có khả năng nhân rộng cho các tàu ở vịnh Hạ Long. (Theo Người lao động 28/12).
Nền nhà bốc khói, nóng 80 độ C
Ngày 28/12, nhiều người dân tại khu vực 6, phường An Bình, Quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) xôn xao về việc nền nhà của ông Trần Văn Đức xuất hiện một hiện tượng lạ.
Theo phản ánh của ông Đức, Khoảng 23h30 ngày 27/12, khi ông đang ngủ, bỗng chợt tỉnh giấc bởi tiếng sôi sùng sục. Ông Đức tiến lại gần kiểm tra và thất kinh khi phát hiện chỗ phát ra tiếng sôi là xuất phát từ dưới nền nhà xi măng và đang bốc khói dữ dội, có mùi rất khó chịu. Lúc này, ông Đức đưa tay chạm xuống vị trí phát ra âm thanh lạ thì phát hiện nền nhà rất nóng khoảng 70 – 80 độ C.
Theo nhận định ban đầu của ngành chức năng, đây có thể là hiện tượng có khí mêtan dưới nền nhà do thay đổi nhiệt độ bất thường nên gây ra hiện tượng trên. Sự việc đang được các cơ quan chức năng kiểm tra làm rõ. (Theo Dân trí 28/12).
Điện từ nước – phát minh độc đáo của một nhà khoa học Việt Nam
Tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê, Giám đốc khoa học Trung tâm nghiên cứu và phát triển thuộc Khu công nghệ cao TP.HCM, đã nghiên cứu thành công phương pháp dùng công nghệ nano "đốt" nước để phát thành điện.
Phát minh dùng nước thay xăng của tiến sĩ Khê đã đốt sáng được đèn 50W. (Ảnh: sưu tầm)
Nguyên tắc phát điện mà tiến sĩ Khê phát minh là dùng vật liệu nano có chức năng xúc tác - để chế tạo khí hydro (H2) trong nước ra, sau đó lại tiếp tục dùng công nghệ nano và xúc tác để "đốt" khí này tạo dòng điện.
Với phát minh độc đáo dùng nước làm nhiên liệu này, một triển vọng mở ra, hứa hẹn sẽ giúp giải quyết được tình trạng khan hiếm năng lượng toàn cầu trong tương lai. (Theo Công an nhân dân 26/12).
Chế tạo gốm oxít nhôm từ tinh bột gạo
Nhóm nghiên cứu Nguyễn Văn Dũng (đại học Bách khoa Đà Nẵng) và Võ Đình Vũ (Trung tâm Phân tích phân loại hàng hoá xuất nhập khẩu), Tạ Văn Khoa (viện Công nghệ) vừa nghiên cứu thành công phương pháp chế tạo gốm oxít nhôm theo phương pháp đổ rót đóng rắn nhờ tinh bột (SCC).
Với phương pháp tạo hình này, sản phẩm gốm có thể có hình dạng phức tạp, có mật độ rất đồng đều tại tất cả các vị trí, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm. Gốm oxít nhôm được sử dụng rất nhiều trong kỹ thuật, công nghiệp cũng như trong y sinh. (Theo Sài gòn tiếp thị 29/12).
Chế tạo máy phát siêu âm dưới nước diệt lăng quăng và tảo độc
Nhóm nghiên cứu Lê Quang Tiến Dũng, Trương Văn Chương, Đặng Anh Tuấn, Phan Thanh Hà, Trường đại học khoa học, Đại học Huế, đã nghiên cứu chế tạo thành công máy phát siêu âm dưới nước, có khả năng diệt tảo và lăng quăng.
Các nghiên cứu trên hai đối tượng tảo và lăng quăng cho thấy, thiết bị phát siêu âm dưới nước có khả năng diệt cả hai đối tượng này rất hiệu quả. 100% lăng quăng muỗi bị tiêu diệt sau 5 giây xử lý siêu âm. Hơn 60% tảo lam bị lắng hoàn toàn sau khi xử lý siêu âm trong thời gian 5 phút. (Theo Khoa học phổ thông 29/12).
Bộ tiết kiệm điện cho các thiết bị điện
Kỹ sư Huỳnh Minh Hải (Công ty Công nghệ Kỹ thuật điện Toàn Cầu - TPHCM) đã nghiên cứu chế tạo được bộ tiết kiệm điện Power Eco sử dụng cho bóng đèn chiếu sáng công cộng, máy lạnh, máy may… giúp tiết kiệm điện khoảng 30%.
Bộ tiết kiệm điện Power Eco áp dụng kỹ thuật vi xử lý, với các linh kiện điện tử cảm biến, linh kiện điện tử công suất. Quy trình lắp đặt sử dụng đơn giản, với bóng đèn có thể lắp vào trong chóa đèn hay trong thân trụ đèn. Bộ tiết kiệm điện sẽ tự động điều khiển công suất của bóng đèn để giảm công suất chiếu sáng. (Theo Người lao động 29/12).
Trao giải thưởng Quả Cầu Vàng và Phần thưởng nữ sinh viên CNTT tiêu biểu năm 2011
Ngày 29.12, tại Văn phòng Chính phủ, Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức trao Giải thưởng Khoa học kỹ thuật thanh niên Quả cầu Vàng và Phần thưởng Nữ sinh tiêu biểu trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
10 cá nhân đoạt giải thưởng Quả Cầu Vàng năm nay là những sinh viên, bác sỹ tiêu biểu, những tài năng trẻ có nhiều ý tưởng, nhiều công trình khoa học được ứng dụng vào thực tiễn, phục vụ cuộc sống, phục vụ nhân dân.
Đây là dịp tôn vinh những gương mặt trẻ tiêu biểu nhất trong lĩnh vực CNTT, công nghệ y-dược, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường có đóng góp đặc biệt xuất sắc cho sự phát triển đất nước. (Theo Đại biểu nhân dân 30/12)
Rung chấn tại Bắc Trà My do động đất kích thích
Chiều 29-12, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Viện KH-CN Việt Nam đã có văn bản kết luận hiện tượng rung chấn địa chất kèm theo tiếng nổ tại khu vực hồ thủy điện Sông Tranh 2 là động đất kích thích.
Theo giải thích của viện này, khi hồ thủy điện tích nước, tải trọng nước hồ làm tăng áp suất nước lỗ rỗng trong các đới dập vỡ, do đó làm giảm độ bền cắt của đất đá trong đới. Khi đứt gãy hoạt động đã ở trong trạng thái ứng suất tới hạn, việc giảm độ bền cắt của đất đá trong đới đứt gãy dẫn tới việc xảy ra dịch trượt làm cho động đất phát sinh. (Theo Sài gòn giải phóng 30/12).
Chế tạo thành công robot chim
Nhóm sinh viên khoa cơ khí chế tạo máy (đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) gồm Nguyễn Đức Long, Võ Tiến Lộc, Lê Quang Tý vừa chế tạo thành công robot chim, thích hợp để ứng dụng trong giải trí, quân sự, địa chất và giảng dạy các môn học khí động lực học…
Robot bay cao được khoảng 50m, cơ cấu đập cánh hoạt động tốt, điều khiển được tốc độ động cơ, hướng bay theo ý muốn. Sáng chế này là tiền đề cho sự phát triển nghiên cứu robot bay ở nước ta. (Theo Sài gòn tiếp thị 30/12).
Ngọc Anh (Tổng hợp)