Cấp phép xây dựng nhà máy điện địa nhiệt đầu tiên tại Việt Nam; nghiên cứu sản xuất xăng sinh học từ rơm rạ; kiến nghị, sửa đổi, bổ sung ban hành mới 7 thông tư; ra mắt sản phẩm nhựa chống triều cường, ngập úng; Ninh Bình xây dựng công viên động vật hoang dã; …là một số thông tin khoa học và công nghệ đáng chú ý trên các báo trong tuần qua.
Cấp phép xây dựng nhà máy điện địa nhiệt đầu tiên tại Việt Nam
Tỉnh Quảng Trị đã cấp phép đầu tư cho dự án xây dựng nhà máy điện địa nhiệt đầu tiên tại Đakrông với công suất 25MW, mở đầu cho việc khai thác nguồn năng lượng mới trong tương lai gần.
Theo ông Tạ Hường, Phó Chủ tịch Hội Nhiệt Việt Nam, nước ta được đánh giá là có tiềm năng địa nhiệt trung bình so với thế giới. Bên cạnh đó, nguồn năng lượng này ở nước ta còn có ưu điểm là phân bố đều trên khắp lãnh thổ cả nước nên cho phép sử dụng rộng rãi ở hầu hết các địa phương như Phú Thọ, Quảng Bình, Quảng Trị…
Thực tế cho thấy, nhà máy điện địa nhiệt có thể hoạt động liên tục suốt ngày đêm, không phụ thuộc vào yếu tố khí hậu như năng lượng mặt trời, gió hoặc sóng biển... Nguồn năng lượng địa nhiệt trong lòng đất vô cùng vô tận, bảo đảm cho nhà máy điện địa nhiệt hoạt động bền vững, lâu dài. Đồng thời, xây dựng nhà máy điện địa nhiệt cũng tốn rất ít diện tích. Các nhà máy điện nhiệt điện không đốt bất cứ một loại nhiên liệu nào nên sạch cho môi trường hơn mọi nhà máy điện khác. (Theo Chinhphu.vn ngày 23/9)
ảnh minh họa
Sản phẩm chống ăn mòn kim loại công nghệ mới
Nhóm nghiên cứu khoa học Chi nhánh Ven biển (Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga) đã chế tạo và thử nghiệm thành công protector nền Zn bằng phương pháp kết tinh có điều khiển - đúc ở trạng thái bán lỏng.
Sản phẩm có tác dụng nâng cao khả năng bảo vệ, chống ăn mòn các kết cấu thép và công trình vùng biển với nhiều ưu điểm cả về giải pháp kỹ thuật, công nghệ chế tạo và hiệu quả kinh tế, quốc phòng. Kết quả của sản phẩm đã mở ra một hướng mới cho phát triển công nghệ chế tạo vật liệu protector chống ăn mòn bề mặt kim loại ở trong nước.
Đến nay, các sản phẩm protector nền Zn của Chi nhánh Ven biển đã được Nhà máy Công nghiệp tàu thủy Nha Trang ứng dụng, đưa vào lắp đặt trên tàu, xà lan hoạt động trên biển. Sau hơn 12 tháng sử dụng cho thấy, các protector này ở trạng thái hoạt động tốt. (Theo Nhân dân ngày 23/9)
Techmart 2012: Ký kết hơn 1.200 hợp đồng và bản ghi nhớ
Hội chợ Công nghệ và Thiết bị Quốc tế Việt Nam năm 2012 (Techmart 2012) đã kết thúc với hơn 1.200 hợp đồng và bản ghi nhớ được ký kết, cùng hàng ngàn giao dịch mua bán công nghệ, thiết bị sản phẩm có tổng trị giá gần 1.526 tỷ đồng. Đây là một trong những kết quả nổi bật của Techmart 2012.
Techmart 2012 có hơn 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN), doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam và nước ngoài tham gia với 550 gian hàng, giới thiệu chào bán hơn 3.000 công nghệ và thiết bị; hơn 200.000 lượt người đến tham quan, hơn 1.200 hợp đồng và bản ghi nhớ đã được ký kết cùng hàng ngàn giao dịch mua bán công nghệ, thiết bị sản phẩm với tổng trị giá trên 1.526 tỷ đồng. (Theo Chatluongvietnam.vn ngày 24/9)
Trao giải thưởng cho các đơn vị tiêu biểu (Ngũ Hiệp)
Ra mắt sản phẩm nhựa chống triều cường, ngập úng
Ông Nguyễn Hoành Hoa - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) cho biết sản phẩm này ra đời nhằm phục vụ cho các dự án chống triều cường, ngập úng, sạt lở đang diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt là ở miền Trung và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long - những nơi chịu nhiều thiệt hại vì thiên tai, lũ lụt, sạt lở đất.
CNS đã đầu tư xây dựng dây chuyền máy móc thiết bị sản xuất cọc vách nhựa uPVC hiện đại có năng suất đạt 550kg sản phẩm/giờ, tương đương xây dựng một bờ bao dài 50km/năm.
So với các giải pháp kỹ thuật chống sạt lở truyền thống, cọc vách nhựa uPVC có ưu điểm là không rỉ sét, chịu được nước phèn mặn, dễ gia công, cắt sửa, tiết kiệm diện tích chiếm đất phục vụ thi công, thích hợp cho mọi địa hình, không cần đào và gia công móng, khả năng chống thấm và dòng rò tốt, nhẹ hơn thép và bêtông nên có thể thi công nhanh hơn so với phương pháp gia công truyền thống. (Theo Vietnamplus.vn ngày 27/9)
Nghiên cứu sản xuất xăng sinh học từ rơm rạ
Các nhà khoa học của đại học Bách khoa TP.HCM và viện Khoa học công nghiệp thuộc đại học Tokyo đã phối hợp thực hiện dự án “Kết hợp bền vững nền nông nghiệp địa phương với công nghiệp chế biến biomass” (dự án JICA).
Theo đó, bước đầu đã thành công ở quy mô phòng thí nghiệm với sản phẩm cồn nguyên chất (ethanol) từ rơm. Với phương pháp phá huỷ cấu trúc bền vững của xenlulo trong rơm rạ bằng công nghệ nổ hơi (dùng áp suất và nhiệt độ cao xử lý, kèm theo giảm áp đột biến), nhóm nghiên cứu đã chuyển hoá được xenlulo thành đường bằng enzym trước khi lên men thu ethanol. Bước đầu, tại xưởng thực nghiệm năng lượng sinh học thuộc dự án JICA, nhóm nghiên cứu đã cho ra lò mẻ cồn đầu tiên từ rơm rạ với hiệu suất đạt 5% (150 – 180kg rơm rạ tươi cho ra 20 lít cồn 97%). Cồn này sẽ tiếp tục được chưng cất để có thể pha xăng thành phẩm. Hiện nghiên cứu đang được tiếp tục cải tiến công nghệ để khắc phục một số hạn chế của quy trình sản xuất. (Theo Sài gòn tiếp thị ngày 27/9)
ảnh minh họa
Kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 7 thông tư
Theo đề xuất của Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN), để khắc phục bất cập về cơ chế tài chính và huy động nguồn lực đầu tư cho KHCN, cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới 7 thông tư.
Đó là: Thông tư hướng dẫn xây dựng kế hoạch KHCN hằng năm của các bộ, ngành, địa phương với mục tiêu giảm tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán nguồn vốn ngân sách cho KHCN; Thông tư hướng dẫn về việc quản lý và sử dụng vốn sự nghiệp KHCN; Thông tư quy định việc bố trí kinh phí hoạt động thường xuyên của các tổ chức KHCN theo hướng giao kinh phí hoạt động thường xuyên theo nhiệm vụ, đồng thời thí điểm cơ chế khoán kinh phí để thực hiện đến sản phẩm cuối cùng đối với một số nhiệm vụ KHCN; Thông tư quy định việc điều chỉnh, bổ sung nội dung, định mức, thủ tục chi và thanh toán. Một số thông tư mới cũng được đề xuất ban hành mới, gồm: Hướng dẫn quản lý và sử dụng các quỹ phát triển KHCN quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia; Hướng dẫn định giá tài sản trí tuệ; Hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương về việc báo cáo định kỳ kết quả triển khai các nhiệm vụ KHCN. Ngoài ra, Luật KHCN cũng sẽ phải sửa đổi theo hướng xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới và phát triển công nghệ. (Theo Hà Nội mới ngày 28/9).
Ninh Bình xây công viên động vật hoang dã quốc gia
Tỉnh Ninh Bình vừa phê duyệt quy hoạch xây dựng Công viên động vật hoang dã quốc gia với diện tích gần 1.500 ha, nhằm bảo tồn các loài động vật quý hiếm.
Công viên đặt tại xã Phú Long và Kỳ Phú, huyện Nho Quan. Công viên có 6 phân khu chính gồm: Phân khu động vật hoang dã, phân khu Vui chơi giải trí theo chủ đề, phân khu Trung tâm dịch vụ, phân khu tái định cư và nhà công vụ, phân khu cây xanh sinh thái, phân khu Chăm sóc – Nghiên cứu Phát triển.
Phân khu động vật hoang dã sẽ là tâm điểm của dự án với cảnh quan thiên nhiên được cải tạo và tổ chức theo các mô hình cảnh quan đặc trưng của các phân vùng trên thế giới như sa mạc châu Phi, các bộ lạc Nam Mỹ và các vùng rừng rậm nhiệt đới châu Á. (Theo Vnexpress ngày 28/9)
Rừng Cúc Phương, Ninh Bình sở hữu nhiều loài động vật quý hiếm. Ảnh minh họa: yume.vn.
Vệ tinh Việt Nam bị hoãn chuyến chu du
Phòng nghiên cứu không gian FSpace thông báo, vệ tinh F-1 sẽ không rời trạm vũ trụ (ISS) đêm nay, do một tàu khác chưa tách khỏi trạm như dự kiến.
Đinh Quốc Trí, thành viên dự án vệ tinh thuộc FSpace, cho biết trước khi F-1 và các vệ tinh khác thả ra ngoài không gian thì tàu vận tải ATV của cơ quan Hàng không Vũ trụ châu Âu (ESA) phải được tách ra khỏi ISS.
Tuy nhiên, quy trình trên chưa thực hiện được, khiến việc thả các vệ tinh nhỏ dự kiến đêm nay sẽ bị hoãn lại và chuyển sang thời điểm khác. "Thời gian cụ thể sẽ được NASA thông báo sau", ông Trí nói.
Trước đó, theo kế hoạch, , F-1 được thả ra ngoài không gian nhờ cánh tay robot do phi hành gia người Nhật Akihiko Hoshide điều khiển. (Theo Vnexpress ngày 28/9)
Ánh Tuyết (tổng hợp)