Trồng rong nho thay rau xanh ở Trường Sa; Sơn La vừa xuất hiện trận động đất 2,9 độ Richter; Bến Tre: Xây nhà bằng bê tông làm từ... gáo dừa; Máy gieo hạt hai hàng;… là những thông tin khoa học và công nghệ đáng chú ý đăng trên các báo trong tuần từ 17-23/9.
Trồng rong nho thay rau xanh ở Trường Sa
Chiều 19-9, ông Huỳnh Kỳ Hạnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa, cho biết đang phối hợp với Viện Hải dương học Nha Trang thực hiện đề tài chuyển giao kỹ thuật trồng rong nho trên quần đảo Trường Sa.
Rong nho là loài thực vật có hàm lượng vitamin và các yếu tố vi lượng cao, đáp ứng tốt cho nhu cầu cơ thể, có thể thay thế được các loại rau xanh cần thiết ở Trường Sa. (Theo Người lao động 19/9)
Sơn La vừa xuất hiện trận động đất 2,9 độ Richter
Tin từ Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) cho biết, vào 9 giờ 14 phút ngày 19/9, tại huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La đã xảy ra một trận động đất.
Theo ghi nhận của các chuyên gia, trận động đất này có cường độ 2,9 độ Richter, xảy ra tại vị trí có tọa độ 21,28 độ vĩ Bắc, 103,57 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 15 km.
Đây là trận động đất yếu, không có khả năng gây ra thiệt hại cho con người cũng như các công trình xây dựng. (Theo vietnamplus 19/9)
Bến Tre: Xây nhà bằng bê tông làm từ... gáo dừa
Anh Nguyễn Tấn Khoa ở xã Tân Thành Bình (tỉnh Bến Tre) và TS Lê Anh Tuấn (giảng viên Trường Đại học Bách khoa TP.HCM) đã thực hiện thành công giải pháp sử dụng gáo dừa làm nguyên liệu để đúc bê tông phục vụ cho các công trình xây dựng nhà ở nông thôn.
Gáo dừa qua công đoạn sơ chế, xay nhỏ thành hạt nguyên liệu có kích thước là 1x2cm. Sau đó dùng dung dịch sút để tách các thành phần có hại trên hạt gáo dừa và nhào trộn với xi măng, cát, nước theo tỷ lệ thích hợp. Tấm bê tông gáo dừa trọng lượng nhẹ và chi phí thấp hơn bê tông cốt thép từ 20-30%, rất thích hợp với việc xây dựng nhà cấp 4 ở vùng sông nước. (Theo Dân việt 20/9)
Máy gieo hạt hai hàng
Máy do kỹ sư Phạm Tú Anh Vũ (Đồng Nai) sáng chế. Để hoạt động, máy sẽ được gắn vào máy cày hai bánh. Máy có thể gieo các loại hạt giống như: bắp, đậu…
Máy do kỹ sư Phạm Tú Anh Vũ (Đồng Nai) sáng chế
Mỗi lần có thể gieo hai hàng. Điều đặc biệt là nhờ hoạt động dựa vào cơ cấu khí động nên hạt xuống đều, không bị nghẹt, hoặc nhiều hạt cùng lúc. Giá một chiếc máy gieo hạt hai hàng này trên 10 triệu đồng. (Theo SGTT 20/9)
Chế tạo được máy trợ thở cá nhân với giá thành rẻ
Ông Hồ Tăng Hoạt, 50 tuổi, ở thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận đã chế tạo ra máy bóp bóng thông khí trợ thở cho bệnh nhân nhằm bảo đảm tính chính xác theo nhịp thở, giảm sức người bóp trợ thở bằng tay.
Máy được chế tạo với giá thành thấp, tạo cơ hội cho người nghèo có điều kiện điều trị. (Theo vietnamplus 21/9)
Thiết bị biến nước mặn thành nước ngọt đoạt Holcim Prize 2011
Tại vòng chung kết diễn ra ngày 20-9, đề tài “Thiết kế thiết bị chưng cất nước ngọt quy mô hộ gia đình cho người dân miền biển” của nhóm sinh viên Nguyễn Ngọc Anh - Phạm Duy Linh thuộc Trường ĐH Cần Thơ đã đoạt giải nhất cuộc thi Holcim Prize 2011.
Thiết bị của nhóm Anh - Linh có thiết kế khá đơn giản với các vật liệu dễ tìm thấy, gần gũi với người dân (ván gỗ, kính...), giá thành rẻ, sử dụng năng lượng mặt trời để chưng cất nước ngọt từ nguồn nước mặn. (Theo Tuổi trẻ 21/9)
Lại xảy ra trận động đất 3 độ Richter tại Điện Biên
Vào lúc 21 giờ 59 phút (giờ Hà Nội) ngày 21/9, một trận động đất có cường độ 3 độ Richter đã xảy ra tại huyện Tuần Giáo, Điện Biên.
Từ Viện Vật lý địa cầu cho biết động đất xảy ra tại vị trí có tọa độ 21,81 độ vĩ Bắc, 103,43 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 7km.
Tiến sỹ Lê Huy Minh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần đánh giá, đây là trận động đất yếu nên không có khả năng gây ra thiệt hại cho con người cũng như các công trình xây dựng. (Theo Dân trí 22/9)
Phủ xanh học đường bằng sản phẩm từ rác
Nhóm sinh viên trường đại học Kiến trúc TP HCM đã nghiên cứu thành công mô hình Green School, ứng dụng những sản phẩm tái chế từ rác thải để phủ xanh các công trình trong trường học.
Mô hình Green School trong trường học. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Nhóm xử lý các sản phẩm từ chai nhựa để trồng cây xanh tại vị trí thường xuyên bị nắng chiếu vào công trình tạo mảng không gian thoáng mát đồng thời giữ ẩm cho không khí trong thời tiết oi nóng. Công trình nghiên cứu của nhóm vừa được Hội đồng Anh công nhận là một trong sáu giải thưởng sáng tạo vì môi trường xuất sắc. (Theo vnexpress 22/9)
Ứng dụng chitosan trong y sinh học và xử lý môi trường
Các nhà khoa học của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đạt được nhiều tiến bộ trong nghiên cứu ứng dụng của chitosan cấu trúc nano vào y sinh học và xử lý môi trường.
Các nhà khoa học đã sử dụng chitosan để chế tạo gốm y sinh để làm xương dùng trong phẫu thuật chấn thương chỉnh hình. Hoạt chất này còn được ứng dụng trong hệ dẫn thuốc cho thuốc trị sốt rét artesunate và trong liệu pháp nhiệt trị ung thư. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu đã tổng hợp được Fe3O4/CS và Al(OH)3/Fe3O4/CS với dung lượng hấp thụ cao, nhằm mục đích hấp thụ ion kim loại nặng trong nước…(Theo HNM 23/9)
Ngọc Anh (Tổng hợp)