Một số thông tin KH-CN đáng chú ý đăng trên các báo trong tuần từ 15-21/10.
Chế tạo gốm xốp sinh học
Nhóm nghiên cứu Vũ Duy Hiển, Đào Quốc Hương, Phan Thị Bích, Viện hoá học đã nghiên cứu chế tạo gốm xốp hydroxyapatit (HA). Họ cũng đã tiến hành đánh giá khả năng tương thích sinh học của loại vật liệu này.
Gốm xốp HA được chế tạo bằng phương pháp nén ép- thiêu kết HA bột và phương pháp phản ứng pha rắn tại phòng hóa vô cơ, Viện hóa học. Sau khi thử nghiệm, so sánh với các nghiên cứu đã công bố trong và ngoài nước, nhóm nghiên cứu khẳng định: mẫu gốm xốp HA do họ chế tạo có tính tương thích sinh học cao với dung dịch giả dịch thể người SBF. (Theo Khoa học phổ thông 15/10)
Học sinh lớp 9 sáng chê máy quạt lúa
Đường Công Toàn - học sinh lớp 9A Trường THCS Lê Văn Thiêm (Đức Thọ, Hà Tĩnh) vừa giành giải khuyến kích cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc cho sản phẩm sáng chế “Máy quạt lúa” (do Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam tổ chức).
Em Đinh Công Toàn đang vận hành chiếc xe nâng hàng tự động. (Ảnh: Internet)
Cơ cấu chính của máy quạt lúa tự động do Toàn sáng chế gồm 3 động cơ, thùng đựng lúa, cánh quạt và sàng lọc rác. Chiếc máy được cấu tạo hai lớp sàng, khi lúa gặp phải rơm rạ mà quạt không thổi ra khỏi sàng thì được tấm sàng phía trên gạt ra một bên. Vì vậy lúa chắc chắn sẽ được quạt sạch từ tấm sàng lọc thứ 2. (Theo Dân việt 17/10)
Độc đáo máy gieo đậu tương trên đất 2 lúa
Nhờ mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều nông dân Ứng Hòa (Hà Nội) đã áp dụng mô hình trồng đậu tương vụ đông trên đất 2 lúa. Tuy nhiên, cách gieo thủ công mất nhiều thời gian, từ đó, ông Nguyễn Văn Sử ở thị trấn Vân Đình đã nghiên cứu, chế tạo ra chiếc máy gieo đậu tương hoạt động rất hiệu quả.
Máy có khả năng làm việc trên đồng cao, lội xuống vùng chiêm trũng với những thao tác chuẩn xác, liên hoàn và nhiều tính năng như: gieo đậu, phạt gốc rạ phủ hạt tạo độ ẩm, đè hạt tiếp đất làm tăng khả năng nảy mầm
Sau một thời gian cung cấp máy cho nông dân, ông tiếp tục tìm tòi và chiếc máy đa năng mới của ông đã ra đời. Ngoài gieo đậu, máy còn đảm nhiệm được các công việc như cày ải, cày ruộng nước trồng lúa, làm nhỏ đất, bơm nước, vận chuyển nội đồng,.... (Theo Kinh tế nông thôn 17/10)
Một cán bộ nghiên cứu đoạt giải thưởng về công nghệ hạt nhân
Theo thông tin từ Trung tâm Công nghệ hạt nhân Thụy Điển, TS Trần Chí Thành, cán bộ nghiên cứu Viện Năng lượng, Bộ Công thương, vừa được trao giải thưởng Sigvard Eklund năm 2011 của Thụy Điển vì có luận án tiến sĩ tốt nhất trong các trường ĐH của Thụy Điển liên quan đến công nghệ hạt nhân.
Luận án của TS Thành nghiên cứu về “Mô hình đối lưu hiệu quả dùng để mô phỏng và phân tích quá trình truyền nhiệt của bể nhiên vật liệu nóng chảy ở đáy thùng áp lực lò nước nhẹ”. (Theo Tuổi trẻ 18/10)
Nghiên cứu chế phẩm thấm tan tạo màu trang trí cho gạch theo công nghệ in lưới
Nhóm nghiên cứu Lê Thị Hồng Hải, Trần Thị Đà, khoa Hoá học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tiến hành nghiên cứu chế phẩm thấm tan tạo màu trang trí cho gạch granit nhân tạo theo công nghệ in lưới.
Trong công trình này, nhóm nghiên cứu đã tìm được điều kiện thích hợp để điều chế các dung dịch màu có chứa phức chất của sắt, coban, niken với phối tử là các axit cacboxylic như axetic, tactric, xitric. Nhóm nghiên cứu cũng đã thử khả năng thấm sâu của các dung dịch màu trên xương gốm, sau khi nung ở 1200 oC chúng tạo ra các gam màu xanh nước biển, nâu đỏ, xám đen,... độ thấm đạt 1 - 2,5mm. (Theo Khoa học phổ thông 18/10)
Sản xuất thành công phân urê nhả chậm
TS Nguyễn Cửu Khoa, viện trưởng Viện Công nghệ hóa học, vừa nghiên cứu, chế tạo thành công phân urê nhả chậm. Loại phân nhả chậm này cho phép cây hấp thu gần như tuyệt đối lượng phân được bón vì thời gian đầu phân chỉ nhả khoảng 30%, sau đó tiếp tục nhả theo nhu cầu dinh dưỡng của cây.
Đặc biệt, phân có thể tiết dinh dưỡng theo nhu cầu của cây trồng để cây hấp thu tốt dinh dưỡng. (Theo Tuổi trẻ 18/10)
Thiết bị quan trắc và cảnh báo sớm bức xạ môi trường
Các nhà khoa học thuộc trung tâm Gia tốc và điện tử, viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân (viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) vừa nghiên cứu chế tạo thành công thiết bị quan trắc và cảnh báo sớm mức độ bức xạ môi trường, đạt hiệu quả cao, giá thành chỉ bằng 1/3 sản phẩm cùng loại của nước ngoài.
Thiết bị có thể đặt trong mạng lưới quan trắc quốc gia hoặc các trạm cảnh báo an toàn xung quanh nhà máy điện hạt nhân, lò phản ứng, cơ sở xử lý nhiên liệu hạt nhân; đánh giá liều lượng bức xạ trong nhà cũng như ngoài trời hay đặt. (Theo SGTT 19/10)
Hội thi “Robot xây dựng thành lũy”
Nhà thiếu nhi tỉnh Đồng Nai phối hợp với Sở KH-CN, Sở GD-ĐT tỉnh tổ chức chung kết và trao giải hội thi “Robot xây dựng thành lũy” năm 2011 diễn ra vào ngày 16.10 tại Nhà thiếu nhi tỉnh.
Các em học sinh của các trường THPT, dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã tham gia tranh tài qua các phần thi điều khiển robot thực hành xây dựng thành lũy và nói về ý tưởng sáng tạo robot. Kết quả, em Trần Thanh Long, HS trường THPT Nguyễn Trãi (TP Biên Hòa) đoạt giải nhất phần thi sáng tạo robot; giải nhất phần thi xây dựng thành lũy thuộc về em Lý Anh Huy, học viên Trung tâm dạy nghề thị xã Long Khánh. (Theo Thanh niên 19/10)
Công nghệ xử lý nước biển thành nước uống
Thiết bị xử lý nước Taprogge Terrawater vừa được thử nghiệm thành công tại vùng biển ở TP HCM có thể cung cấp 5 m3 nước uống lọc từ nước biển mỗi ngày cho người dân.
Đây là công nghệ xử lý nước không có hóa chất. Nguyên lý hoạt động cơ bản dựa trên quá trình bốc hơi và ngưng tụ tự nhiên, loại bỏ hoàn toàn những chất độc hại khó xử lý trong nước. (Theo vnexpress 20/10).
Ngọc Anh (Tổng hợp)