Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ năm, 07/11/2024 , 04:59 pm
Cập nhật : 17/06/2011 , 14:06(GMT +7)
Điểm tin khoa học và công nghệ trong tuần từ 11-17/6.
Lâm Đồng phát triển điện gió
Dưới đây là một số thông tin khoa học và công nghệ đáng chú ý đăng trên các báo trong tuần từ 11-17/6.

Đưa giống lúa lai ba dòng vào sản xuất đại trà. Trong năm 2012, một số tỉnh như Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nam, Nghệ An... dự kiến đưa vào sản xuất đại trà giống lúa lai ba dòng CT16.

Giống lúa này cho năng suất 70 tấn/ha, có khả năng chống rét rất tốt, ít bị đạo ôn cổ bông, thời gian sinh trưởng ngắn, ở vụ xuân từ 130-135 ngày, vụ mùa từ 115-120 ngày. Đây cũng là giống lúa lai ba dòng đầu tiên của Việt Nam được đưa vào sản xuất đại trà ở Thanh Hóa. (Theo vietnamplus 11/06).

Lâm Đồng phát triển điện gió. Với vận tốc đạt 6-8,5 m/s, tài nguyên gió ở Lâm Đồng hội đủ các yếu tố để phát triển điện gió. Hai dự án nhà máy điện gió tại Đà Lạt và huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) đang được triển khai nhằm khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này.

Nhà máy có công suất thiết kế 300 MW, dự kiến toàn bộ dự án sẽ thực hiện trong 24 tháng, hoạt động vào cuối năm 2013.

Nhà máy điện gió Ninh Loan ở huyện Đức Trọng cũng đang được triển khai đo đạc, chọn vị trí để có thể khởi công vào năm 2013. (Theo Chinhphu.vn 13/6, vnexpress 13/6).

Phát hiện loài vạc hoa ở Vườn quốc gia Ba Bể. Tại Vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn), các nhà khoa học phát hiện được có ít nhất 2 đôi vạc hoa, trong đó 1 đôi đang nuôi 2 con non.

Vạc hoa mới phát hiện tại Vườn quốc gia Ba Bể.

Loài vạc hoa này chỉ phân bố trong các vùng địa sinh học Á nhiệt đới Trung Quốc - Hymalaya và rừng ẩm nhiệt đới Đông Dương, trong đó có Việt Nam.

Việc phát hiện vạc hoa ở hồ Ba Bể có ý nghĩa rất quan trọng, vì loài này từng được xác định là đã bị tuyệt chủng ở Việt Nam. (Theo Nhân dân 11/6, Dân việt 13/6).

Đề xuất đưa bốn loài côn trùng vào Sách đỏ Việt Nam. Các nhà khoa học thuộc viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện KH-CN Việt Nam) vừa đề xuất đưa bốn loài côn trùng vào Sách đỏ Việt Nam.

Bốn loài đó bao gồm: Bọ hung ba sừng có mấu (Chalcosoma causasus), Cua bay hoa (Kontum Cheirotonus gestroi Pouillaude), Xén tóc lớn Đông Dương (Neocerambyx vitalisi Pic) và Bọ lá bụng thuôn (Phyllium bioculatum Gray).
Đề xuất trên đưa ra sau khi viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật hoàn thành điều tra nghiên cứu đa dạng côn trùng đường Hồ Chí Minh, nhánh phía tây, đoạn từ huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) tới huyện Phước Sơn (Quảng Nam). (Theo SGTT 13/6, vnexpress 14/6).

Quảng Ngãi: Phát hiện ếch cực quý hiếm trong Sách đỏ. Sáng ngày 13/6, ông Nguyễn Vũ Khôi, Giám đốc điều hành Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã (WAR) tại Việt Nam cho biết, sau hơn 10 ngày khảo sát đa dạng sinh học tại huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, đoàn đã phát hiện nhiều loài động, thực vật và bò sát lưỡng cư quí hiếm đang sinh sống, trong đó có loài ếch Theloderma Stellatum đặc biệt quí hiếm, nằm trong Sách đỏ thế giới.

Với kết quả khảo sát này, thời gian tới, Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã WAR tiếp tục phối hợp với Chi cục kiểm lâm Quảng Ngãi để nghiên cứu thêm và tiến tới thành lập vùng rừng đặc dụng để có giải pháp bảo tồn các loài động, thực vật và côn trùng quí hiếm trong khu đa dạng sinh học tại huyện Ba Tơ. (Theo VTC new 13/6).

Ức chế vi khuẩn E.coli bằng lá trầu không. Trong một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm (trường Đại học Bách khoa Hà Nội) đã phát hiện lá trầu không có chứa các hoạt chất kháng nấm và vi khuẩn rất mạnh.

Thông qua phương pháp chưng cất, các nhà khoa học đã thu được tinh dầu trầu không với hàm lượng 0,48% và xác định được 39 cấu tử thành phần có tính kháng sinh mạnh, ức chế nhiều chủng vi khuẩn và nấm, đặc biệt là A.niger, C.albicans, E.coli. (Theo Đất việt 13/6).

Quảng Ninh bị động đất. Theo Viện Vật lý địa cầu, chiều 13/6, một trận động đất có độ lớn 3.1 độ Richter xảy ra tại khu vực Huyện Yên Hưng, Tỉnh Quảng Ninh, độ sâu của chấn tiêu động đất khoảng 7km. Động đất xảy ra trên, giáp với bờ biển.

Đây là trận động đất yếu và không có khả năng gây thiệt hại. (Theo khoahocphothong 13/6, vnexpress 14/6).

Phát hiện 50 ha thông đỏ ở Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà. Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà cho biết, vừa phát hiện một quần thể thông đỏ tại khu vực xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) với diện tích lên tới 50 ha.

Theo đó, quần thể thông đỏ được phát hiện tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà có hơn 150 cây lớn và khá nhiều cây nhỏ, cây tái sinh với diện tích khoảng 50 ha nằm ở độ cao từ 1400m đến 1600m. (Theo bee 13/6).

Nước sông Hồng sắp... hết hồng. Sự phát triển nhanh chóng của các đập thủy điện không theo quy hoạch, sự suy thoái tài nguyên của dòng chảy làm cho nước sông Hồng ngày càng trở nên… nhạt màu.

Các chuyên gia cho rằng, nếu không có các giải pháp kịp thời ngay từ bây giờ, sông Hồng sẽ rơi vào tình trạng phù sa ít, cá tôm ít, đời sống ngư dân bị ảnh hưởng. Nặng nề hơn, có thể sẽ phải... đổi tên do màu nước sông Hồng sẽ không còn hồng nữa bởi lượng phù sa trở nên quá ít. (Theo bee.net.vn 14/6)

Xây dựng trạm thu phát tín hiệu vệ tinh VNREDSAT-1. Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) cho biết, cơ quan này vừa khởi công xây dựng Trạm thu phát tín hiệu điều khiển vệ tinh VNREDSAT-1 tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Đây là một trong các hạng mục quan trọng nằm trong dự án vệ tinh nhỏ quan sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai (VNREDSAT-1). Vệ tinh VNREDSAT-1 là vệ tinh quang học, có khả năng chụp ảnh toàn bộ các khu vực trên bề mặt trái đất. (Theo HNM 14/06).

Năm đề tài đoạt giải nhất cuộc thi sáng tạo khoa học. Sáng 15-6, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM phối hợp với Sở Khoa học và công nghệ TP, Liên đoàn Lao động TP và Thành đoàn TP.HCM tổ chức tổng kết trao thưởng Hội thi sáng tạo khoa học và kỹ thuật lần thứ 21 năm 2010.

Năm giải nhất bao gồm các đề tài: Mảng bê tông liên kết gài tự chèn ba chiều lắp ghép, dùng cho các công trình kè bảo vệ bờ sông, bờ biển; Trị liệu ngữ âm cho trẻ dị tật máy phát âm; Chip vi xử lý VN1632; Đa dạng sinh học: bảo tồn và phát triển một số loại nấm hiện diện ở các tỉnh phía Nam; Xây dựng quy trình chiết xuất công nghiệp và nâng cao tiêu chuẩn chất lượng cao dược liệu phục vụ sản xuất thuốc và xuất khẩu. (Theo Tuổi trẻ 15/6).

Lá cà phê chè chữa được bệnh sỏi thận. Thử nghiệm trên 5 bệnh nhân tình nguyện sử dụng tinh chất được chiết xuất từ lá cà phê chè (Coffea arabica) bằng phương pháp Đông y để điều trị bệnh sỏi thận đều cho kết quả rất khả quan.

Cây cà phê chè (Ảnh X.Linh)

Đây là kết quả công trình nghiên cứu được công bố mới đây do các nhà khoa học Viện hóa học (viện KH&CN Việt Nam) thực hiện. Theo đó, nhóm đã phân lập được 09 chất trong lá cà phê chè, đặc biệt có 03 chất là Axit 3β-hydroxilup-12(13)-en-28-oic, axit ursolic và caffein có hoạt tính sinh học cao dùng để chữa bệnh sỏi thận. (Theo Đất việt 16/6).

Ngọc Anh (Tổng hợp)


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner