Bê tông nhẹ từ xốp phế thải ; Nghiên cứu, sản xuất thuốc hen suyễn; Sản xuất thành công cồn khô thân thiện môi trường là một số thông tin KH-CN đáng chú ý đăng trên các báo trong tuần từ 11-17/2.
Chế tạo thiết bị đo hệ số ma sát có độ chính xác cao
Thạc sỹ Phùng Chân Thành, Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh đã nghiên cứu thiết bị đo hệ số ma sát với độ chính xác cao, có thể đo hệ số ma sát trượt và ma sát lăn với kết quả hiển thị trên màn hình máy vi tính.
Kết quả đo thử nghiệm trên máy cho thấy có sự tương thích tương đối cao giữa kết quả hiển thị số trên màn hình và góc lệch thực tế đọc theo kim chỉ trên bảng chia độ. (Theo Đại biểu nhân dân 15/2)
Nghiên cứu, sản xuất thuốc hen suyễn
Công trình nghiên cứu xây dựng công thức, quy trình sản xuất thuốc điều trị bệnh hen suyễn vừa được PGS-TS Lê Hậu và nhóm cộng sự ở Trung tâm Khoa học Công nghệ dược Sài Gòn, Trường Đại học Y Dược TPHCM thực hiện thành công.
Công thức, quy trình sản xuất thuốc trị bệnh hen suyễn (viên nén bao phim salbutamol 4 mg) dạng phóng thích kéo dài đã được PGS-TS Lê Hậu nghiên cứu thành công bằng phương pháp bao màng kiểm soát tốc độ phóng thích dược chất.
Quy trình sản xuất thử nghiệm viên salbutamol 4 mg đạt được độ ổn định sau khi đã thực hiện thẩm định với cỡ lô 100.000 viên. Sản phẩm của 3 lô thực nghiệm đều đạt tiêu chuẩn cơ sở và có độ phóng thích tương đương nhau. (Theo Người lao động 15/2)
Sản xuất thành công cồn khô thân thiện môi trường
Ông Đoàn Xuân Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần phát triển kỹ thuật DSC cho biết Trung tâm phát triển Công nghệ mới của DSC đã nghiên cứu và sản xuất thành công loại nhiên liệu cồn khô nhiệt lượng cao thân thiện với môi trường.
Cồn là loại chất đốt không mới, dùng thay thế cho những bếp gaz nhỏ (dễ gây cháy nổ) tại các nhà hàng và đun nấu khi đi dã ngoại. (Ảnh: khoahoc.com.vn)
Thành phần chủ yếu để sản xuất ra cồn khô nhiệt lượng cao của DSC là cồn Etanol công nghiệp (96%), không sử dụng Metanol và một số chất dung môi có hại.
Giá thành sản phẩm chỉ tương đương cồn nhập ngoại, nhưng loại cồn khô này lại cho nhiệt lượng cao hơn 1,2 lần; đồng thời cho ngọn lửa xanh và không để lại muội bám vào thành nồi sau khi đun. (Theo vietnamplus 15/2)
Dùng công nghệ phân hủy sinh học làm sạch đất, dioxin.
Nhóm nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ sinh học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam do PGS-TS Đặng Thị Cẩm Hà đứng đầu đã nghiên cứu công nghệ phân hủy sinh học (bioremediation) để khử độc chất diệt cỏ/dioxin tồn đọng do chiến tranh để lại.
Các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ sinh học cùng các viện chuyên ngành của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phối hợp với cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh Hóa học, sau 27 tháng xử lý, phân tích và đánh giá theo định kỳ ở 4 lô, chứng minh được công nghệ “Chôn lấp tích cực” đã thành công. Đất ô nhiễm chất diệt cỏ/dioxin tại sân bay Biên Hòa đã được làm sạch với lượng dioxin còn lại dưới mức cho phép đối với đất sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp được Nhà nước phê duyệt. (Theo Người lao động 15/2)
27 khu vực biển ở VN có thể chứa nhiều hydrate
Ông Nguyễn Biểu, Tổng hội Địa chất Việt Nam cho biết, trong quá trình thực hiện đề tài cấp Nhà nước KC/18/06-10, nghiên cứu địa hình đáy biển tài liệu ghi lại địa hình, địa chấn sâu 2D đã cho thấy các dạng dị thường của địa mạo, cấu trúc địa chấn liên quan đến hydrat đã được phát hiện.
Dựa vào những kết quả nghiên cứu, người ta đã phân thành 4 vùng tiềm năng, xếp thứ tự A, B, C, D. Những vùng biển có tiềm năng lớn là vùng đảo Tri Tôn, Phú Khánh, Tây Nam Biển Đông, Khu vực Đình Trung và Vũng Mây. 27 khu vực có triển vọng lớn nhất với tổng diện tích là 269,26km2 nằm trong vùng triển vọng loại A.
Những phát hiện trên đã mở ra hướng nghiên cứu tài nguyên môi trường biển mới, với những tiềm năng kinh tế lớn cần được tiếp tục đầu tư khai thác. (Theo vietnamplus 15/2)
Nhân giống dâu tây chất lượng cao
Theo PGS.TS Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TP HCM: Sở KH- CN Lâm Đồng và TP HCM đã phối hợp hoàn thiện quy trình nhân giống và cung cấp giống dâu tây chất lượng cao. Dự án đã cung cấp cho thị trường 299.600 cây giống dâu tây sạch bệnh, với giá bán dao động từ 2.500- 3.000 đ/cây.
Năng suất trung bình 1.000 m2 canh tác tại Đà Lạt là 4.800 kg/năm, giá bán trung bình 50.000 đ/kg, lợi nhuận có thể thu đến 240 triệu đ/năm. Dự án này có ý nghĩa rất lớn trong công tác cải tạo giống, đồng thời góp phần khắc phục được bệnh virus trên dâu tây từng làm điêu đứng nông dân. (Theo Nông nghiệp 16/2)
Máy sấy lúa thân thiện môi trường
Anh Nguyễn Hoàng Phi, cán bộ Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Phú Tân (An Giang) vừa nghiên cứu thành công và đưa vào ứng dụng máy sấy lúa di động thân thiện với môi trường.
Hệ thống sấy lúa này hoàn toàn không sử dụng điện hay động cơ máy nổ mà tận dụng nguồn trấu phế thải làm nhiên liệu đốt cho quá trình sấy. Thiết bị sấy này được thiết kế và lắp đặt bằng những vật liệu rẻ tiền như tre, gỗ và khung sắt, không sử dụng quạt gió, không cần nhân công xúc lúa vô bao, chỉ cần một người vận hành.
Lò sấy được thiết kế như bồn sấy (ngang 1,62 m; dài 3 m; cao 1,2 m), mỗi lần sấy 2 tấn lúa trung bình từ 5- 6h, chi phí sử dụng trấu khoảng 15.000 đ/mẻ. (Theo Nông nghiệp 16/2)
Bê tông nhẹ từ xốp phế thải
Đây là đề xuất của nhóm 4 sinh viên năm cuối, gồm Hoàng Nguyên, Kim Thanh, Thế Anh và Minh Tân (lớp XD 08A1 - ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh) nhằm tận dụng nguồn xốp phế thải phục vụ bảo vệ môi trường.
Nhóm sinh viên nghiên cứu đề tài “Tận dụng xốp phế thải để sản xuất bêtông nhẹ”. (Ảnh: Phước Tuần)
Xốp phế thải tận thu từ các thùng đựng đồ điện tử, sinh hoạt được nghiền nhỏ, trở thành một phần nguyên liệu sản xuất bê tông nhẹ. Qua nhiều lần thử nghiệm, bê tông xốp có cường độ chịu nén 1-3 MPA, giá thành chỉ khoảng 820.000 đồng/m3, rẻ hơn so với các vật liệu nhẹ khác.
Loại vật liệu này phù hợp với việc xây dựng nhà ở cho các hộ gia đình thu nhập thấp ở các đô thị bằng phương pháp lắp ghép có sử dụng các cấu kiện panel tường, sàn, mái làm từ bê tông nhẹ hay sử dụng block gạch nhẹ. (Theo Hà nội mới 17/2).
Ngọc Anh (Tổng hợp)