Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ năm, 07/11/2024 , 12:40 pm
Cập nhật : 16/09/2011 , 13:09(GMT +7)
Điểm tin khoa học và công nghệ trong tuần từ 10-16/9.
Anh Tuấn đang giới thiệu chiếc máy ấp trứng do mình chế tạo. (Ảnh: Thái Ngọc)
Một số thông tin khoa học và công nghệ đáng chú ý đăng trên các báo trong tuần từ 10-16/9.

Máy ấp trứng dùng nước nóng

Anh Trịnh Quốc Tuấn, tại xã Minh Tân (Bình Dương) chế tạo thành công máy ấp trứng dùng nước nóng. Tận dụng vỏ máy lạnh (hỏng) để làm vỏ máy. Bên trong gồm các khay để trứng, hệ thống cấp nước ấm (37 độ C) bằng các ống kim loại bố trí xung quanh khay trứng và kết nối với hệ thống bơm mini tuần hoàn.

Nước ấm được đun bằng điện và điều chỉnh bởi cảm ứng nhiệt – khi nhiệt độ không đủ, nước sẽ tự động được đun lên đủ và ngắt. (Theo Đất Việt 10/9)

Nghiên cứu thành công công nghệ thuỷ phân thịt hàu

Giảng viên Lý Thị Minh Phương, khoa công nghệ đại học Công nghiệp TP.HCM vừa nghiên cứu thành công công nghệ thuỷ phân thịt hàu bằng Aspergillus niger. Chất lượng của chế phẩm thu được đạt tiêu chuẩn cảm quan và có đầy đủ các thành phần hoá học cần thiết, đặc biệt có hàm lượng axít amin cao, có mùi thơm và đạt tiêu chuẩn vi sinh.

Chế phẩm này có thể ứng dụng trong y tế hoặc bổ sung vào những mặt hàng thực phẩm khác làm tăng giá trị dinh dưỡng. (Theo SGTT 13/9)

Dao cạo mủ cao su lắp ghép được

Loại dao cạo mủ cao su này do kỹ sư Đỗ Kim Thành và các cộng sự tại Viện nghiên cứu Cao su Việt Nam, tại Bình Dương chế tạo.

Dao cạo mũ cao su lắp ghép được (Ảnh: Võ Ánh)

Kỹ sư Thành đã chế tạo dao cạo mủ cao su lắp ghép được. Khi bị mòn, hoặc mẻ trong quá trình làm việc, người cạo mũ sẽ thay bằng lưỡi dao mới. Việc thay lưỡi được thực hiện bằng tuốc nơ vít đơn giản với hai vít vặn. Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp bằng giải pháp hữu ích cho loại dao cạo nói trên. (Theo Đất việt 14/9)

Thiết bị cắt inox và thép tấm CNC

KS. Lê Anh Kiệt, giám đốc Công ty cơ khí chế tạo máy AKB (Q.7, TP.HCM) cho biết, công ty vừa nghiên cứu chế tạo thành công loại thiết bị nói trên cắt inox và thép tấm CNC.

Thiết bị có thể cắt theo hình vẽ Autocad trên máy tính các loại inox tấm bằng plasma, chiều dày inox từ 0,5 đến 20 mm. Rất thích hợp để ứng dụng cắt chữ và hình quảng cáo; các loại thép tấm bằng gas-oxy, chiều dày thép tấm từ 2 - 100 mm. (Theo khoahocphothong 14/9)

Lợi ích của mô hình “Lò đốt rác thải y tế”

Sáng kiến nhỏ nhưng mang lại lợi ích lớn. Đó là giải pháp "Lò đốt rác thải y tế" của ông Nguyễn Nam Quân, ở thôn Tân Văn 3, xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Giải pháp này đã được trao giải Ba tại Cuộc thi "Sáng tạo khoa học kỹ thuật nhà nông" tỉnh Bắc Giang lần thứ IV năm 2011.

Hiện loại lò theo công nghệ mới này đang được sử dụng đạt hiệu quả tốt để thiêu hủy lượng rác thải y tế hàng ngày tại Trạm y tế xã Tân Dĩnh, sau khi đã được ông Nguyễn Nam Quân chuyển giao công nghệ và lắp đặt đưa vào hoạt động từ tháng 7/2010 đến nay. (Theo cpv.org.vn 14/9)

Chế tạo thành công thiết bị cảnh báo sớm bức xạ

Các nhà khoa học thuộc Trung tâm gia tốc và điện tử, Viện khoa học và kỹ thuật hạt nhân (Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam) vừa nghiên cứu và chế tạo thành công loại thiết bị quan trắc và cảnh báo sớm mức độ bức xạ môi trường, đạt hiệu quả cao mà giá thành chỉ bằng 1/3 so với sản phẩm cùng loại của nước ngoài.

Nhờ thiết bị này, những diễn biến bất thường về bức xạ sẽ được nhanh chóng phát hiện và truyền ngay về trung tâm điều hành để kịp thời ứng phó sự cố bức xạ. (Theo Đất việt 14/9)

Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu môi trường biển

Trong hai ngày 15, 16/9, tại Hà Nội, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế “Hợp tác quốc tế trong điều tra nghiên cứu tài nguyên môi trường biển.”

Hội thảo có sự tham dự của các nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam và một số nước có nhiều thành tựu trong nghiên cứu, khảo sát, điều tra tài nguyên, môi trường biển như Mỹ, Nga, Nhật,…. Đây cũng là dịp các nhà khoa học trong nước và quốc tế cùng đánh giá những kết quả, thành tựu hợp tác đã đạt được, trên cơ sở đó, cùng đề xuất một số nội dung hợp tác mới. (Theo vietnamplus 15/9)

Phát hiện loài dơi ‘quỷ’ Beelzebub ở Việt Nam 

Loài dơi mũi ống Beelzebub được phát hiện tại Việt Nam

Trung tâm Giáo dục thiên nhiên cho biết, các nhà sinh vật học thuộc Viện bảo tàng thiên nhiên quốc gia Hungary và Tổ chức bảo tồn quốc tế Fauna & Flora (FFI) đã phát hiện ba loài dơi mới tại khu vực Đông Nam Á trong đó có loài dơi “quỷ” (Beelzebub) được tìm thấy ở Việt Nam.

Loài dơi quỷ Beelzebub có đặc điểm lông phần đầu và phần lưng màu đen, lông phần bụng có màu hơi trắng. Chúng sống chủ yếu ở trong những khu rừng nhiệt đới hẻo lánh ở Việt Nam. (Theo HNM 16/9)

Phát hiện loài linh chi mới ở Việt Nam

Chiều 15-9, PGS. TS Lê Xuân Thám, phó giám đốc Sở Khoa học - công nghệ Lâm Đồng, cho biết đã phát hiện loài nấm linh chi đỏ chưa có trong danh mục nấm ở Việt Nam trên thân cây phi lao còn sống tại cổng khách sạn Dalat Palace. Đây là loài nấm quý, khá phổ biến ở châu Âu nhưng lần đầu tiên được tìm thấy ở Việt Nam.

Theo TS Thám, loài nấm có tên khoa học Ganoderma pfeifferi, hiện được các nhà khoa học tạm đặt tên là “Linh chi Dalat Palace”. Khi phát triển đủ tuổi, nấm có quả dày, đường kính tai tối đa lên đến 50cm, có hoạt chất cao và thường mọc trên những loại cây có khả năng cố định đạm cao. (Theo Tuổi trẻ 16/9)

 

Ngọc Anh (Tổng hợp)





Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner