Một số thông tin KH-CN đáng chú ý đăng trên các báo trong tuần từ 1-7/10.
Thiết bị dùng điện giá rẻ
KS Trịnh Quang Dũng, Viện Vật lý TPHCM và nhóm nghiên cứu vừa hoàn tất mô hình hệ thống điện mặt trời, kết nối với điện lưới, sử dụng cho hộ gia đình.
Đây là lần đầu tiên hướng nghiên cứu này được áp dụng thành công ở Việt Nam. Hệ thống này có dàn pin mặt trời đạt công suất 8.400Wp, cung cấp khoảng hơn 15.000KWh/năm. Bảo đảm cấp điện 24/24 giờ; Cung cấp đủ 100% nhu cầu điện khi bị mất điện. Giải pháp là thiết kế một hệ thống để khai thác điện từ dàn pin mặt trời cấp thẳng cho tải, nếu thiếu sẽ lấy điện từ lưới bù vào. (Theo Bee 1/10)
Công nghệ sản xuất sản phẩm hạt nhựa có chứa phụ gia tự hủy
Ứng dụng làm vật liệu nhựa thân thiện môi trường vừa được Công ty Một Bước Tiến (OSA) giới thiệu. Theo đó, hàng loạt các sản phẩm bao bì của OSA được sản xuất và xuất đi thị trường Nhật Bản nhờ ứng dụng công nghệ xuất sản phẩm hạt nhựa có chứa phụ gia tự hủy, công nghệ này đã đưa hơn 60 các thành phần có nguồn gốc từ thực vật vào hỗn hợp nhựa để tạo thành nguyên liệu nhựa thân thiện với môi trường. (Theo Sài gòn giải phóng 3/10)
Buồng chuối hơn 176 nải
Nhà ông Nguyễn Khẳng, thôn Tân Hải, xã Long Hải, huyện Phú Quý, Bình Thuận đón hơn 50 lượt người một ngày hiếu kỳ đến xem buồng chuối có hơn 176 nải.
Theo lời ông Khẳng, cây chuối được gia đình ông trồng cách đây gần 1 năm, lúc mới trồng phát triển bình thường cũng như những cây chuối khác trong vườn. Đây là lần đâu tiên cây chuối này ra quả nhưng có đến 176 nải, dài gần 2m, tuy quả không lớn nhưng rất đều nhau. Hiện bắp chuối vẫn còn lớn thêm nên có khả năng nó sẽ cho thêm nhiều nải nữa. (Theo Đất việt 5/10)
Mô hình sản xuất nấm linh chi theo công nghệ sạch
Mô hình trồng nấm của Linh Chi SaGo. (Ảnh: Internet)
Công ty cổ phần chế biến lâm sản Hương Giang (Thừa Thiên-Huế) đã đầu tư hơn 4 tỷ đồng xây dựng mô hình trồng nấm linh chi và mộc nhĩ theo công nghệ sạch tại các cơ sở ở thị xã Hương Thủy. Quy trình sản xuất do Viện Di truyền Nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chuyển giao.
Nghề trồng nấm nói chung và sản xuất nấm linh chi nói riêng đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ nông dân ở Thừa Thiên-Huế. Nấm linh chi ở Phú Lương đã được đăng ký thương hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. (Theo vietnamplus 5/10)
Quạt bắt muỗi, sáng chế của một nông dân Khánh Hòa
Ông Trần Văn Lía ở thôn Phú Bình, xã Ninh Phụng (Ninh Hòa - Khánh Hòa) đã sáng chế thành công quạt bắt muỗi. Sản phẩm đã đoạt giải tại Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật Nhà nông lần thứ III năm 2008-2009 do Hội Nông dân Việt Nam tổ chức.
Cấu tạo của quạt rất đơn giản, gồm 1 chiếc quạt bàn, 1 ống hút, 1 một ống đẩy (đều làm bằng tôn), 1m2 vải mùng mịn may thành túi, 1 bóng điện màu 25W,… Đặt quạt ở nơi có nhiều muỗi, cho quạt chạy và bật đèn trong thời gian 30 phút, muỗi bị dụ vào ống hút, bị quạt hút và đẩy vào ống đẩy, rồi dồn vào túi bọc vải mùng dùng để nhốt muỗi. (Theo Kinh tế nông thôn 5/10)
Que thử nhanh virus đốm trắng trên tôm nuôi
Viện Công nghệ Sinh học (Viện Khoa học – Công nghệ Việt Nam) đã nghiên cứu và sản xuất thành công que thử nhanh để phát hiện virus đốm trắng (WSSV).
Que thử phát hiện nhanh WSSV cho kết quả trong khoảng thời gian 10-20 phút, có độ nhạy 96% và độ đặc hiệu tương đương que thử nhập của Thái Lan. Viện Công nghệ Sinh học hợp tác với Viện E17 Tổng cục VI - Bộ Công an đã sản xuất được 500 bộ thử đạt chất lượng tương đương hàng ngoại nhập và đã đăng ký bản quyền. (Theo Người lao động 5/10)
Nam sinh lớp 10 chế máy hút rác - cứu hộ
Đang học lớp 10 trường THPT Phan Chu Trinh (TP. Đà Nẵng), Đào Vạn Quang làm cả trường ngạc nhiên vì ý tưởng táo bạo - chế tạo thành công máy hút rác, và cứu người trên mặt nước.
Quang đang điều khiển máy dọn rác trên mặt nước. (Ảnh: Internet)
Chưa đầy tiếng đồng hồ “biểu diễn” ở hồ công viên 29-3 Đà Nẵng, máy dọn rác của Quang hút được khối lượng lớn rác thải. Chỉ cần ngồi trên bờ với chiếc điều khiển từ xa, Quang dễ dàng đưa máy hút rác ở gần bờ hay giữa lòng hồ. (Theo Tiền phong 5/10)
Chưa nên trồng hàng loạt cây biến đổi gene
Việt Nam chưa nên phát triển cây trồng biến đổi gene, nhất là lúa, ngô, đậu tương… trên diện rộng vì xã hội chưa sẵn sàng chấp nhận, nhiều nhà khoa học kiến nghị tại hội thảo về sinh vật và cây trồng biến đổi gene hôm 5-10 ở Hà Nội.
GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống Cây trồng Việt Nam, nói rằng, Việt Nam đã và đang có các bộ giống có tiềm năng về năng suất, chất lượng, đảm bảo cho việc tăng tổng sản lượng lương thực quốc gia mà không tiềm ẩn những hiểm họa như cây trồng biến đổi gene, không ảnh hưởng việc xuất khẩu các mặt hàng chiến lược hiện có. (Theo Tiền phong 6/10)
Ngọc Anh (Tổng hợp)