Chính phủ ban hành Nghị định vềTổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia; Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ thanh tra về đo lường và an toàn bức xạ; Chàng sinh viên có 3 bài báo trên các tạp chí quốc tế ISI... là những thông tin KH&CN đáng chú ý trong tuần qua.
Tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định số 23/2014/NĐ-CP ngày 3/4/2014 về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia. Ban hành kèm Nghị định là Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia.
Theo đó, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia có tên giao dịch quốc tế là National Foundation for Science and Technology Development (NAFOSTED), hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Quỹ có chức năng tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay, cấp kinh phí để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; hỗ trợ hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia. Đối tượng tài trợ của Quỹ là các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do tổ chức, cá nhân đề xuất gồm nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản; nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng; nhiệm vụ khoa học và công nghệ đột xuất có ý nghĩa quan trọng về khoa học và thực tiễn, nhiệm vụ khoa học và công nghệ tiềm năng. …
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/6. (Theo Đại biểu nhân dân 5/4).
Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ thanh tra về đo lường và an toàn bức xạ
Năm nay, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tập trung vào việc chấp hành các quy định của pháp luật về đo lường đối với một số phương tiện đo nhóm 2 (tập trung các loại cân khối lượng, thiết bị đo điện, nước, thiết bị đo dùng trong y tế) và an toàn bức xạ đối với cơ sở sử dụng thiết bị X-quang trong y tế. Từ đó phát hiện phòng ngừa và có biện pháp với cơ sở vi phạm; tạo chuyển biến về nhận thức và hành động của các cơ sở.
Thanh tra an toàn bức xạ một cơ sở y tế.
Thời gian thanh tra là trong ba tháng từ tháng 7 đến tháng 9/2014. Bộ Khoa học cũng có công văn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh phối hợp chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện các cuộc thanh tra. (Theo vnexpress 8/4).
Nâng cao năng lực SHTT cho các lực lượng thực thi
Hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ (SHTT) thế giới 26-4, ngày 10-4, Cục SHTT, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (MUTRAP) tổ chức khóa tập huấn thực thi quyền SHTT cho các cán bộ thuộc các lực lượng: Hải quan, Quản lý thị trường, Công an và DN.
Cũng theo ông Claudio Dordi, Trưởng nhóm chuyên gia tư vấn, Dự án MUTRAP thì quyền SHTT không chỉ là mối quan tâm của các cơ quan quản lý của Việt Nam mà còn của các DN, nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức quốc tế… Vì thế, MUTRAP mong muốn việc thực thi quyền SHTT tại Việt Nam đạt kết quả cao hơn và qua đó Việt Nam thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư nước ngoài. (Theo Báo Hải quan 10/4).
Hoa đột biến gen sau chiếu phóng xạ
Nhóm chuyên gia thuộc Phòng nghiên cứu sinh học Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đã thành công trong việc cho nở hoa ngay bên trong ống nghiệm đối với một số loại hoa thương phẩm.
Những giống hoa này đều được chiếu tia gamma với một liều nhất định trước đó. Nhóm chuyên gia đã ứng dụng kết hợp công nghệ hạt nhân và nuôi cấy mô, giúp rút ngắn thời gian tạo ra những giống hoa đột biến về hình dáng, màu sắc hoa ngay trong phòng thí nghiệm.
Thạc sĩ Lê Văn Thức, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết nhóm đã thực hiện thành công nghiên cứu đối với hoa forget me not, cúc đại đóa, cúc Nhật, torenia với tỉ lệ nở hoa đồng loạt là 89,18%. (Theo Tuổi trẻ 8/4).
Hai “kỹ sư nhí” sáng tạo “đôi mắt” cho người khiếm thị
Cảm thông trước những khó khăn của người khiếm thị trong việc đọc sách, hai em học sinh Trần Thị Diệu Liên (lớp 11) và em Nguyễn Nam Du (lớp 12) của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) đã dày công nghiên cứu, cho ra đời “Bảng hiển thị chữ nổi điện tử” dành cho người khiếm thị. Sáng tạo này vừa giành được giải nhất của cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho HS trung học năm học 2013 – 2014, diễn ra tại TP.Cần Thơ…
Liên và Du nhận giải nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho HS trung học năm học 2013 - 2014 khu vực phía nam.
Thiết bị hoạt động trên cơ sở file txt trên máy vi tính, khi máy được kết nối sẽ mã hóa các văn bản bằng phần mềm và hiển thị các ghi dấu chữ nổi trên bề mặt máy đọc. Liên chia sẻ: Với bảng chữ nổi này,sẽ hiện trực tiếp gờ nổi lên bề mặt máy, gần giống công việc của màn hình hiển thị văn bản, giúp người khiếm thị trong việc tiếp cận thông tin. Nhóm đã hoàn thiện bộ font tự tạo chuyển văn bản thường thành chữ nổi. Phần mềm có các chức năng đa dạng và cung cấp tín hiệu cho vi xử lý Arduino nhằm điều khiển các rờle đẩy các gờ nổi trên bề mặt bảng hiển thị. (Theo Lao động 8/4).
Chàng sinh viên có 3 bài báo trên các tạp chí quốc tế ISI
Là sinh viên năm cuối hệ kỹ sư K.55H Khoa Cơ học kỹ thuật và Tự động hóa, trường ĐH Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), đến nay, Phạm Toàn Thắng (SN 1991) đã có 3 bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế ISI (Institute for Scientific Information - tổ chức xếp các tạp chí khoa học có uy tín, hệ số tham khảo cao)- một thành tích hiếm có.
Sự nỗ lực cố gắng không ngừng của bản thân, sự động viên của gia đình, bạn bè và đặc biệt là tấm gương của những người thầy như GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, đã giúp Thắng giữ vững được ngọn lửa nhiệt huyết và niềm đam mê nghiên cứu khoa học và đi đến những thành công. (Theo Dân trí 9/4).
Hà Trang (Tổng hợp)