Điểm tin Khoa học và Công nghệ trong tuần từ 4- 8/4/2011
Hệ thống dẫn hơi của Máy phát điện bằng bã mía (ảnh: Tamnhin.net)
Sản xuất thử nghiệm thiết bị kiểm tra chip - Chip ATE, Mây phóng xạ đến gần Việt Nam, Rùa Hồ gươm được đưa về bể điều trị tại chân tháp Rùa, thực hiện thành công kỹ thuật nút phình mạch não, Khởi động cuộc thi Robocon 2011 … là những thông tin được quan tâm nhiều nhất trên các trang báo KH&CN tuần qua.
Mây phóng xạ đến gần Quảng Ninh. Ngày 8/4, đám mây phóng xạ tiến gần đến thị xã Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh và có xu hướng nhỏ dần khi tiến vào khu vực miền Bắc.
"Đám mây phóng xạ có vào khu vực miền Bắc cũng không đáng lo ngại, vì nồng độ nhỏ hơn hàng chục nghìn lần so với tiêu chuẩn, nên không ảnh hưởng đến sức khỏe con người", tiến sĩ Vương Hữu Tấn, viện trưởng viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam nhấn mạnh. (Tiền Phong, 8/4) Rùa Hồ Gươm đang dần hồi phục. Sau 3 ngày được đưa về nơi chữa bệnh, rùa Hồ Gươm có dấu hiệu hồi phục. Đến thời điểm này có căn cứ để thấy, Hồ Gươm có không ít hơn hai cá thể rùa lớn đặc hữu. Công việc quây bắt để thăm khám, xác định loài cũng sẽ được thực hiện trong những ngày tới khi điều kiện thuận lợi. (Đất Việt, 6/4) Robocon 2011 chính thức khởi tranh. Từ ngày 5 – 6/ 4 cuộc thi Robôcon chính thức diễn ra tại 2 miền Nam, Bắc. Tại Miền bắc, trận thi đấu đầu tiên của vòng loại Robocon sẽ diễn ra tại nhà thi đấu Tây Hồ, Hà Nội với 120 đội đến từ 25 trường đại học, cao đẳng tham gia cuộc thi, đông nhất trong ba khu vực ở vòng loại.Khu vực phía Nam có 73 đội tham dự của các trường đại học, cao đẳng và trung học nghề ở khu vực tham dự.
Chủ đề của cuộc thi năm nay, có chủ đề: “Loy Krathong - Tình bạn thắp sáng niềm vui” diễn tả lễ hội truyền thống của người Thái, để tôn vinh các thần sông nước và cầu may mắn. (vnexpress.net, 5/4) Phát hiện môi trường sống của loài rùa quý hiếm ngoài thiên nhiên. Ngày 5/4, TS Hoàng Đức Huy, ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM và TS Bryan Stuart từ Bảo tàng Khoa học tự nhiên bắc Carolina - Mỹ đã công bố phát hiện môi trường sống tự nhiên của loài rùa quý hiếm - rùa hộp trán vàng miền Nam (Cuora picturata) tại các khu rừng thuộc cao nguyên Lang Biang (Lâm Đồng).
Phát hiện này trong Năm quốc tế về rùa 2011 là động lực để các nhà khoa học tiếp tục khám phá môi trường sống tự nhiên của các loài rùa quý hiếm, từ đó đề xuất và thực hiện những giải pháp bảo tồn hiệu quả. (Sài gòn tiếp thị, 5/4) Sản xuất thử nghiệm thiết bị kiểm tra chip. Chiều 5/4, Dự án “Sản xuất thử nghiệm thiết bị kiểm tra chip - Chip ATE” do thạc sĩ Lê Phước Lâm, Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, làm chủ nhiệm đã được Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM đồng ý triển khai. Dự án khi hoàn thành sẽ sản xuất thiết bị kiểm tra chip (Chip ATE) với chức năng chủ yếu là kiểm tra IC trong quá trình sản xuất chip. Xét nghiệm thành công bệnh vi bào tử ở tôm sú. Ngày 6/4, ông Phạm Hoàng Giang, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bạc Liêu cho biết, sau nhiều tháng theo dõi, nghiên cứu, đơn vị đã thực hiện xét nghiệm thành công bệnh vi bào tử ở tôm sú.
Việc Bạc Liêu đưa vào xét nghiệm bệnh vi bào tử đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nuôi tôm địa phương, giảm chi phí và thời gian so với trước đây phải gửi mẫu kiểm tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, dịch vụ xét nghiệm này đang thu hút sự quan tâm của nhiều nông dân nuôi tôm đến từ các tỉnh, thành trong khu vực. (TTXVN, 6/4) Thực hiện thành công kỹ thuật nút phình mạch não. Các bác sỹ của BV Xanh Pôn vừa điều trị cho một bệnh nhân bị phình mạch não bằng phương pháp điều trị nút phình mạch. Đây là BV đầu tiên của Hà Nội triển khai thành công phương pháp này, mở ra tiến bộ mới trong việc điều trị những loại bệnh phình mạch não thay vì phải phẫu thuật mở sọ não.
Bệnh nhân là Tạ Quang, 71 tuổi (ở thị trấn Đông Anh, Hà Nội) được chẩn đoán bị phồng động mạch thông trước và chỉ định điều trị bằng phương pháp nút mạch.Hiện bệnh nhân đã tỉnh táo, sức khỏe đang tiến triển tốt. (Hà Nội mới, 6/4) Phát điện từ bã mía. Mỗi ngày Cty Cổ phần Đường Ninh Hòa (ĐNH) chế biến 3.000 tấn mía cây nhưng không phải dùng điện lưới. Toàn bộ nhu cầu điện được đáp ứng nhờ tổ máy nhiệt điện công suất 6 MW, nhiên liệu đốt lò hơi là bã mía. Từ tháng 12-2010, Cty ĐNH lắp đặt thêm 1 máy phát điện bã mía, công suất 3 MW.
Toàn bộ sản lượng điện của máy phát này có thể đáp ứng nhu cầu điện của 5.000 hộ gia đình, được bán cho Điện lực Khánh Hòa. Ước tính, vụ mía đường năm nay, Cty ĐNH sẽ sản xuất 8 triệu kwh điện thương phẩm. (Tiền phong, 5/4) Đề tài tạo chất bảo quản từ vỏ tôm đoạt giải đặc biệt. Đề tài nghiên cứu khoa học mang tên “Áo giáp của tôm - chất thải thân thiện” của Nguyễn Hải An, học lớp 11A2 Trường THPT Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), đã được chấm giải đặc biệt dành cho cá nhân tại Hội thi khoa học và kỹ thuật quốc tế (ISEF) do Công ty Intel Việt Nam và Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức.
Đây là phương pháp tạo chất bảo quản thực phẩm từ các phế liệu là vỏ tôm, nước muối dưa và nước tro, nhằm tận dụng được chất thải là vỏ tôm từ số lượng tôm được chế biến hằng năm khá lớn ở nước ta. (Tuổi trẻ, 8/4)