Hoạt động KH&CN Thứ sáu, 29/03/2024 , 08:39 pm
Cập nhật : 15/09/2018 , 18:09(GMT +7)
Điểm tin KH&CN tuần từ 8- 14/9/2018
Thủ tướng phát biểu khai mạc hội nghị WEF ASEAN 2018
Không khí hợp tác khởi nghiệp 4.0 lan tỏa trong ASEAN; Công bố Giải thưởng Trần Đại Nghĩa lần thứ 2; Việt Nam có 3.000 startup sẵn sàng đón vốn từ nhà đầu tư; Việt- Hàn tìm kiếm cơ hội hợp tác mới phù hợp thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0; Nga bàn giao phòng thí nghiệm di động giám sát dịch bệnh cho Việt Nam… Đó là những thông tin nổi bật về khoa học và công nghệ (KH&CN) trong tuần từ 8/- 14/9/2018.

Không khí hợp tác khởi nghiệp 4.0 lan tỏa trong ASEAN

Sự kiện nổi bật nhất trong tuần qua mà đồng loạt các phương tiện truyền thông đại chúng Việt Nam và quốc tế đưa tin với mức độ khá dày đặc đó là sự kiện Diễn đàn Kinh tế thế giới khu vực ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và CMCN 4” diễn ra từ ngày 11 - 13/9/2018. 

Ngay sáng 11/9/2018, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia đã diễn ra sự kiện quan trọng đầu tiên, Diễn đàn mở với chủ đề: “ASEAN 4.0 cho tất cả? Làm thế nào để các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tranh thủ các cơ hội trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” do Bộ trưởng KH&CN và Chủ tịch điều hành WEF đồng chủ trì. 

Phát biểu tại Diễn đàn, Nhà sáng lập và Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab khẳng định, Cách mạng Công nghiệp (CMCN) 4.0 sẽ không chỉ ảnh hưởng tới cách sống của con người mà còn định nghĩa lại chúng ta là ai. Cũng tại Diễn đàn, Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, đối với Việt Nam cũng như các nước trong khu vực ASEAN, việc tiếp cận tầm nhìn chiến lược, xác định cơ hội và thách thức trong bối cảnh CMCN 4.0 là con đường nhanh và hiệu quả để lựa chọn những định hướng, giải pháp quốc gia tạo bước phát triển đột phá, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển với các nước trên thế giới. 

Tại Diễn đàn mở, các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp, các thanh niên, sinh viên đã tập trung trao đổi và thảo luận về tương lai của chính mình, trong một giai đoạn phát triển chưa từng có của công nghệ trong khu vực ASEAN. Sự kiện cũng nhằm thúc đẩy, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp và chia sẻ khởi nghiệp trong bối cảnh CMCN 4.0 với mong muốn xây dựng một ASEAN 4.0 cho tất cả mọi người.

Tại phiên khai mạc Hội nghị WEF ASEAN 2018 với chủ đề "Những ưu tiên của ASEAN trong Cách mạng công nghiệp 4.0" sáng 12/9, phát biểu khai mạc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, những cơ hội mà CMCN 4.0 mang lại cho các nước ASEAN là vô cùng lớn, trước tiên là tạo sự đột phá về năng suất trên 5 ngành công nghiệp lớn là: Điện tử, hóa chất và dầu khí, hàng tiêu dùng, thực phẩm và dược phẩm. Tại Hội nghị, Việt Nam đã đưa ra các sáng kiến mới về hòa mạng di động một giá cước toàn ASEAN. 

Bên lề Hội nghị WEF ASEAN 2018 còn có các buổi tiếp xúc, gặp gỡ giữa lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước với quan chức WEF và các tổ chức, quốc gia trên thế giới. Tiếp ông Simon Milner, Phó Chủ tịch về Chính sách công tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Facebook chiều 13/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Facebook cần có trách nhiệm đối với hơn 60 triệu tài khoản tại Việt Nam trong việc bảo đảm an ninh, an toàn, bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng. Sáng 13/9, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp ông Borge Brende, Chủ tịch điều hành WEF cũng đề nghị WEF hỗ trợ xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch sáng lập WEF Klaus Schwab và các trưởng đoàn tham dự hội nghị chụp ảnh chung

Công bố Giải thưởng Trần Đại Nghĩa lần thứ 2

Ngày 13/9, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam công bố tổ chức Giải thưởng Trần Đại Nghĩa lần thứ 2, năm 2019. Được bắt đầu từ năm 2016, đây là giải thưởng về khoa học và  công nghệ của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, vinh danh cá nhân nhà khoa học có công trình khoa học định hướng ứng dụng thực sự xuất sắc. 

Các nhà khoa học được giải thưởng là người đã hoàn thành hoặc đang chủ trì các công trình nghiên cứu thuộc 9 lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ (toán học, cơ học, khoa học thông tin và khoa học máy tính, vật lý, hóa học, khoa học về sự sống, khoa học về trái đất, khoa học biển, khoa học môi trường và năng lượng), được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín hoặc được cấp bằng độc quyền sáng chế trong và ngoài nước. Mặt khác, các công trình ứng cử phải được tác giả công trình tổ chức triển khai ứng dụng ở Việt Nam. Giải thưởng Trần Đại Nghĩa cũng có thể được trao cho một nhà khoa học quốc tịch nước ngoài. (ảnh 2)

Việt Nam có 3.000 startup sẵn sàng đón vốn từ nhà đầu tư

Chiều 10/9, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Bộ KH&CN đã tổ chức Hội thảo: “Bàn giải pháp thu hút nguồn lực trong nước và quốc tế cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam". Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia, startup cùng chia sẻ về nhu cầu cũng như khó khăn đang gặp phải để sớm trình Chính phủ tháo gỡ. Thông tin tại Hội thảo cũng cho biết, năm 2017, một startup của người Việt với nền tảng giao dịch phân cấp mới đáng tin cậy dựa trên công nghệ chuỗi khối (Kyber Network) chỉ thông qua tiền ảo đã gọi được số vốn khủng 52 triệu USD. Con số này thực sự ấn tượng nhưng đây chỉ là một trong số ít startup thu hút vốn thành công. Thống kê của tạp chí Echelon (Singapore), một tạp chí online lớn về khởi nghiệp ở Đông Nam Á, Việt Nam hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup). 

Năm 2017, Việt Nam tiếp nhận 92 thương vụ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo với tổng số vốn hơn 291 triệu USD, tăng gần gấp đôi về số lượng thương vụ và gần 50% về tổng số vốn so với năm 2016. Hiện có khoảng 40 quỹ đầu tư có hoạt động tại Việt Nam nhưng phần lớn là quỹ của nước ngoài. Hoạt động đầu tư khởi nghiệp sáng tạo trong cả nước có sự tăng trưởng nhưng số nhà đầu tư thiên thần ở Việt Nam chưa nhiều, trong khi các startup rất cần được rót vốn ban đầu. Thông tin được đăng tải trên báo Dân trí, VnExpress ngày 10/9.

Toàn cảnh Hội thảo “Bàn giải pháp thu hút nguồn lực trong nước và quốc tế cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam

Việt - Hàn tìm kiếm cơ hội hợp tác mới phù hợp thời đại cách mạng công nghiệp 4.0

Báo Lao động, Khám phá ngày 12/9 thông tin, nhân dịp Diễn đàn Kinh tế thế giới khu vực ASEAN (WEF ASEAN) được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 11-13.9.2018, Đại sứ quán Đại Hàn Dân Quốc tại Việt Nam phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Hà Nội (KORCHAM) tổ chức sự kiện "Korea Night" vào tối ngày 11.9 tại Hà Nội.

Sự kiện lần này là dịp để đại diện các doanh nghiệp và những nhà hoạch định chính sách của Hàn Quốc, Việt Nam và các nước ASEAN gặp gỡ nhau, chia sẻ những kinh nghiệm hợp tác kinh tế thành công giữa Việt Nam và Hàn Quốc, tìm kiếm phương án hợp tác mới phù hợp với thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và thiết lập mạng lưới. 

Phát biểu tại sự kiện “Korea Night”, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh chia sẻ: trong thời gian tới sẽ được chứng kiến thêm nhiều hoạt động hợp tác liên quan đến đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc trong các lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao tại Việt Nam, trong đó có hoạt động đầu tư vào Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. “Và đặc biệt, chúng tôi rất mong chờ được chứng kiến sự hợp tác giữa các doanh nghiệp và cộng đồng khoa học Hàn Quốc với Viện VKIST để VKIST thực sự trở thành viện nghiên cứu công nghệ công nghiệp hàng đầu của Việt Nam và góp phần thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo của cả hai quốc gia”- Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

 

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại sự kiện “Korean Night”

Nga bàn giao phòng thí nghiệm di động giám sát dịch bệnh cho Việt Nam

Báo Nhân dân đưa tin, ngày 11/9, tại gian hàng của Cơ quan giám sát quyền lợi người tiêu dùng Nga (Rospotrebnadzor) trong Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Vladivostok (Nga), Bác sĩ Trưởng phụ trách vấn đề phòng bệnh quốc gia Nga Anna Popova đã bàn giao chìa khóa phòng thí nghiệm di động cho Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Nhiệt đới Việt - Nga, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Dư.

Phòng thí nghiệm di động công nghệ cao, hiện đại mà Rospotrebnadzor chuyển giao cho Việt Nam được chế tạo dựa trên thân một chiếc xe KAMAZ, được Rospotrebnadzor thiết kế và chế tạo riêng cho Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Nhiệt đới Việt - Nga. Với phòng thí nghiệm này, các nhà khoa học sẽ có khả năng triển khai giám sát các ổ dịch bệnh trong điều kiện tự nhiên trên lãnh thổ Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu an toàn sinh học cần thiết và sử dụng các công nghệ giám sát và chẩn đoán tiên tiến. Năm 2014, một phòng thí nghiệm di động tương tự đã được đưa vào hoạt động ở CH Guinea, cho phép các nhà khoa học triển khai hàng loạt các cuộc khảo sát trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt tại các vùng xa xôi ở quốc gia này.

Bà Anna Popova. (Ảnh: Sputnik)

Hai nữ sinh Việt Nam tham dự Liên hoan sáng tạo tại Singapore

Báo điện tử Khám phá ngày 13/9 đưa tin, với dự án truyền thông “Tăng cường hoạt động thể chất ngoại khóa cho học sinh”, hai sinh viên Việt Nam gồm Lê Hồng Nhung và Lương Thu Trang, ĐH RMIT Việt Nam và các đội chơi khác đã vượt qua hàng trăm thí sinh trên cả nước để tranh tài tại hạng mục Chiến dịch truyền thông tích hợp (Integrated), bảng Sinh viên, vòng chung kết cuộc thi sáng tạo Young Spikes 2018.

Hai sinh viên này sẽ sang Singapore tham dự cuộc thi quốc tế vào cuối tháng 9 này. Gây ấn tượng với ban giám khảo bằng thông điệp sâu sắc “Hãy là con để biết điều tốt nhất cho con”. Phát biểu về thành tích của các em, Giáo sư Rick Bennett, Trưởng khoa Truyền thông và Thiết kế, ĐH RMIT Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi tự hào về chất lượng sản phẩm cũng như sự tự tin ở các sinh viên tham dự cuộc thi. Đây là động lực để chúng tôi tiếp tục xây dựng Khoa Truyền thông và Thiết kế thành trung tâm giáo dục và thực hành sáng tạo, nơi sẽ thay đổi tương lai ngành công nghiệp sáng tạo Việt Nam cũng như khu vực”. 

Hai sinh viên Việt Nam gồm Lê Hồng Nhung và Lương Thu Trang, Đại học RMIT Việt Nam

Hơn 180 doanh nghiệp quốc tế tham dự triển lãm Điện và Năng lượng Việt Nam 2018

Báo Công luận, Diễn đàn Doanh nghiệp vào ngày 12/9 đã thông tin, ngày 12/9, Triển lãm Điện và Năng lượng Việt Nam (Electric & Power Vietnam) 2018 đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC). Đây là lần thứ 7 Triển lãm quốc tế này được tổ chức tại Việt Nam.

Sức hấp dẫn của thị trường năng lượng Việt Nam thể hiện qua sự góp mặt của hơn 180 đơn vị từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ tại triển lãm năm nay. Trong đó, có 6 nhóm gian hàng quốc tế từ Ấn Độ, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ cùng sự hỗ trợ của các hiệp hội quốc tế như KEPCO (Công ty Điện lực Hàn Quốc), IEEMA (Hiệp hội các nhà sản xuất điện và điện tử Ấn Độ), BMWi (Bộ Kinh tế và Năng lượng liên bang Đức)… 

Một góc Triển lãm Điện và Năng lượng Việt Nam (Electric & Power Vietnam) 2018

Minh Châu (Tổng hợp)

 

 

 

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner