Ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) để giải quyết nhiều vấn đề "nóng"; Khai mạc Hội thảo quốc gia lần thứ III về Ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Sinh viên sáng chế hệ thống giám sát, cảnh báo ô nhiễm không khí; Những nghiên cứu mới nhất về biển, cửa sông và bãi bồi; Khu CNC Hòa Lạc đón thêm dự án xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị điện; Cơ hội mới cho các startup lĩnh vực công nghệ tài chính Việt Nam,… là những thông tin đáng chú ý về KH&CN tuần qua trên các báo.
Ứng dụng KH&CN để giải quyết nhiều vấn đề "nóng"
Theo báo Chính phủ, VnExpress, Nhân Dân ngày 2/11 đưa tin, qua 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV (30/10-1/11), Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã trả lời nhiều vấn đề “nóng” được các đại biểu quốc hội quan tâm như: ứng dụng KH&CN ứng phó với biến đổi khí hậu; ô nhiễm môi trường tại một số nhà máy nhiệt điện than sử dụng công nghệ lạc hậu; ứng phó với sự cố về an toàn phóng xạ.
Bộ trưởng cho biết, nếu như trước đây KH&CN thường dùng khẩu hiệu “gắn với kinh tế - xã hội”, thì hiện nay, KH&CN đã tập trung vào hoàn thiện cơ chế, chính sách theo yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội để giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn của các ngành, lĩnh vực. Sự chuyển hướng từ chính sách có thể thấy trong tinh thần các Nghị quyết và sự chỉ đạo của Chính phủ đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.
Bên cạnh những thuận lợi, Bộ trưởng cũng trăn trở về việc thiếu vắng các nhà khoa học đầu ngành đảm nhiệm các nhiệm vụ trọng điểm Nhà nước. Để khắc phục tình trạng này, vừa qua Bộ KH&CN cũng tập trung cao độ những chính sách thiết thực nhất trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Theo đó, đã có gần 100 nhóm nghiên cứu từ các quốc gia trên thế giới cùng phối hợp với các nhóm nghiên cứu trong nước, sẵn sàng đem công nghệ từ các quốc gia tiên tiến để chung sức giải quyết các vấn đề của thực tiễn trong nước.
Về ứng dụng KH&CN liên ngành trong thích ứng với biến đổi khí hậu, theo Bộ trưởng, đối với lĩnh vực này, dù là sử dụng giải pháp nào đều đòi hỏi sự liên ngành rất cao. Trong thời gian qua, Bộ KH&CN tập trung nhất quán, không chỉ xoay sang phục vụ phát triển kinh tế mà còn tập trung cho các chương trình về phòng, chống thiên tai và Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) trực tiếp chủ trì và Bộ KH&CN phối hợp thực hiện.
Kết quả bước đầu cho thấy, các nhà khoa học đã đóng góp cho kịch bản và nâng cao độ tin cậy của kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); đánh giá được thực trạng, xu thế, biến động và cơ chế, nguyên nhân xói lở và bồi đắp. Các nhà khoa học cũng đã đưa ra giải pháp chung cũng như công nghệ về mặt nguyên tắc để bảo vệ bờ biển; mô hình thử nghiệm để chống xói lở cho một số tỉnh và một số vùng đồng bằng; các giống lúa chịu mặn, chịu hạn và giống vật nuôi để thích ứng; mô hình canh tác và nhiều hoạt động khác, kể cả bản đồ Atlat biến đổi khí hậu để ứng dụng thực tiễn.
Cũng tại buổi chất vấn, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã làm rõ một số vấn đề lớn được đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm như áp dụng công nghệ để xử lý tro thải các nhà máy nhiệt điện than; Ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố về an toàn phóng xạ; Chiến lược SHTT quốc gia: Giải pháp tiếp cận mới về SHTT.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV (30/10-1/11) (Nguồn: VnExpress)
Cơ hội mới cho các startup lĩnh vực công nghệ tài chính Việt Nam
Tạp chí Khám phá điện tử, ngày 31/10, sự kiện Korea ICT Day 2018 & Fintech Demo Day do Hiệp hội Fintech Hàn Quốc đồng tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội. Đây là sự kiện lớn trong giới công nghệ, nhằm mục đích mang đến xu hướng công nghệ tài chính hiện đại và chia sẻ thực tiễn tốt nhất về các dịch vụ tài chính, ngân hàng kỹ thuật số và các giải pháp bảo mật thông tin nâng cao.
Trong khuôn khổ sự kiện, Hiệp hội Fintech Hàn Quốc đã tiến hành lễ kí kết thỏa thuận hợp tác Viện Nghiên cứu Blockchain miền Nam và đã kí tiến hành lễ kí kết thỏa thuận hợp tác (MOU) nhằm thúc đẩy hợp tác song phương, mở ra nhiều cơ hội cho các startups trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech).
Đây là sự kiện mang tính chuyên môn cao, nhằm xác định những nguyên tắc chung về sự hợp tác trong việc lựa chọn những công ty Fintech sáng tạo để hỗ trợ phát triển thành những doanh nghiệp cạnh tranh toàn cầu. Sự kiện sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn cho các công ty thuộc lĩnh vực công nghệ tài chính, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của Fintech Việt Nam.
Đón đầu xu hướng này, V-Startup đã tận dụng thế mạnh là mạng lưới giao rộng khắp, đã thực hiện kết nối giữa Viện Nghiên cứu Blockchain Miền Nam, LINA Network và Hiệp hội Fintech Hàn Quốc, mở ra cơ hội mới cho các startups trong lĩnh vực công nghệ tài chính phát triển thành những doanh nghiệp cạnh tranh toàn cầu.
V-Startup là một mạng lưới hỗ trợ các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam. Được thành lập với mục đích hỗ trợ và thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong nước và trên thế giới, kết nối đầu tư, tham gia cụm liên kết ngành và chuỗi. V-Startup chuyên hỗ trợ về các lĩnh vực công nghệ, Blockchain, AI, IOT cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam.
Hệ sinh thái của V-Startup bao gồm không gian hỗ trợ khởi nghiệp Innovation Hub All in Station, nguồn quỹ VietNam InnoVentures, mạng lưới chuyên gia trong nước và quốc tế, kết nối các startups đến với Chính phủ, các doanh nghiệp lớn, các nhà đầu tư...
Tham gia sự kiện lần này, V-Startup thể hiện vai trò mở rộng mạng lưới kết nối, là một trong 4 vai trò chính của V-Startup trong thời điểm hiện tại: Hỗ trợ về thủ tục pháp lý, hỗ trợ về không gian làm việc, hỗ trợ về truyền thông, hỗ trợ về kết nối…
Hiệp hội Fintech Hàn Quốc tiến hành kí kết với các đối tác Việt Nam (Nguồn Báo Khám phá)
Khai mạc Hội thảo quốc gia lần thứ III về Ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
Sáng ngày 01/11/2018, Hội thảo quốc gia lần thứ III về ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đã được khai mạc tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng đã tham dự và phát biểu khai mạc Hội thảo.
Hội thảo khoa học quốc gia lần thứ III về ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội do Cục Năng lượng nguyên tử, Cơ quan thường trực của Hội đồng Phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử quốc gia, chủ trì tổ chức tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ trong 02 ngày 01-02/11/2018. Mục tiêu của Hội thảo nhằm đánh giá tình hình, kết quả thực hiện cơ chế chính sách, hoạt động nghiên cứu và ứng dụng năng lượng nguyên tử chủ yếu trong giai đoạn 2016 - 2018; thảo luận về triển vọng, định hướng phát triển trong giai đoạn tới; tăng cường trao đổi thông tin và đẩy mạnh hợp tác trong các hoạt động quản lý nhà nước, nghiên cứu - triển khai, đào tạo, chuyển giao công nghệ, sản xuất và dịch vụ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử phục vụ trực tiếp, hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội.
Theo ghi nhận, nhiều sản phẩm ứng dụng năng lượng nguyên tử cụ thể thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau được trưng bày tại hội thảo lần này: những giống lúa siêu năng suất, chất lượng; thiết bị chiếu xạ được nghiên cứu và chế tạo tại Việt Nam; các loại dược chất phóng xạ khác nhau...
Trong giai đoạn 2016 - 2018, việc ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong các lĩnh vực y tế, công nghiệp, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường đã đem lại nhiều kết quả quan trọng.
Hiện cả nước có 35 cơ sở y học hạt nhân với trên 45 thiết bị xạ hình. Một số kỹ thuật chụp hình chẩn đoán hiện đại tương đương với trình độ y học hạt nhân các nước trong khu vực và quốc tế giúp chẩn đoán và điều trị hiệu quả các bệnh về ung thư, tim mạch, thần kinh tại Việt Nam.
Trong nông nghiệp, Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ 8 trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu về đột biến tạo giống. Các nhà khoa học trong và ngoài nước đã phối hợp triển khai ứng dụng kỹ thuật thủy văn đồng vị để đánh giá tình trạng ô nhiễm, khả năng mặn hóa các nguồn nước ngầm cho khu vực thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số tỉnh phía Nam.
Tới đây, bên cạnh vấn đề nhân lực, việc đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu và tăng cường hợp tác quốc tế cũng sẽ được chú trọng nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng năng lượng nguyên tử (Theo vtv.vn, Quân đội nhân dân).
Toàn cảnh Hội thảo quốc gia lần thứ III về Ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (Nguồn: Quân đội nhân dân)
Sinh viên sáng chế hệ thống giám sát, cảnh báo ô nhiễm không khí
Ngày 1/11, báo Chính phủ đưa tin, với ý tưởng sáng tạo, mang tính ứng dụng thực tế cao, đề tài “Hệ thống giám sát, cảnh báo mức độ ô nhiễm môi trường không khí trong khu công nghiệp và khu đô thị” của nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã đạt giải Nhì cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học” do Bộ KH&CN và Bộ GD&ĐT tổ chức.
Nhóm sinh viên Khoa Điện tử -Viễn thông, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng gồm: Trần Hữu Anh, Huỳnh Ngọc Thương và Nguyễn Phước Ngưỡng Thiện đã tiến hành nghiên cứu, sáng chế hệ thống quan trắc không khí tự động chạy bằng năng lượng mặt trời với tính năng nhỏ gọn, thông minh, có thể di chuyển được nhiều vị trí, giúp người dân dễ dàng tiếp cận với thông tin và kiểm soát tình trạng ô nhiễm không khí trên các thiết bị hiện đại.
Hệ thống giám sát, cảnh báo mức độ ô nhiễm môi trường không khí trong khu công nghiệp và khu đô thị hoạt động như một hệ thống đo chất lượng không khí và cảnh báo tại chỗ các mức độ ô nhiễm không khí khác nhau. Cấu trúc của hệ thống gồm các module cảm biến, khối ngoại vi, tấm pin năng lượng mặt trời để sạc cho bình ắc quy, bo mạch chính và hệ thống xử lý trung tâm.
“Thiết bị này đã được thử nghiệm trên nóc của xe buýt của Đà Nẵng (tuyến Đà Nẵng - Phú Đa) có thể hoạt động liên tục 24/24h và cho kết quả kiểm định nồng độ của không khí toàn TP. Đà Nẵng”, bạn Trần Hữu Anh cho biết.
“Sau khi thử nghiệm cho kết quả khả quan, được đánh giá cao, chúng em mong muốn đề tài “Hệ thống giám sát, cảnh báo mức độ ô nhiễm môi trường không khí trong khu công nghiệp và khu đô thị” sẽ được ứng dụng trong thực tế để quản lý tốt chất lượng không khí, mang lại môi trường sống trong lành cho người dân thành phố. Tuy nhiên với nguồn kinh phí còn hạn hẹp, để sản phẩm hoàn thiện hơn, có thể nhân rộng, ứng dụng vào thực tế đời sống thì rất cần có sự chung tay của nhà đầu tư và sự quan tâm hỗ trợ của thành phố”, nhóm sinh viên thực hiện đề tài chia sẻ.
Nhóm bạn sinh viên sáng chế Hệ thống giám sát, cảnh báo mức độ ô nhiễm không khí trong khu công nghiệp và khu đô thị (Nguồn: Báo Chính phủ)
Những nghiên cứu mới nhất về biển, cửa sông và bãi bồi
Ngày 1/11, Tại Hội nghị quốc tế lần thứ 4 về nghiên cứu biển, cửa sông và bãi bồi (ECSS 2018) do Viện Khoa học và Công nghệ tính toán tổ chức ngày 31/10 tại TPHCM, hơn 20 kết quả nghiên cứu quả mới nhất trong lĩnh vực này đã được giới thiệu.
Trong nghiên cứu xu thế bồi xói lòng dẫn do sự kết hợp khai thác thủy điện ở thượng nguồn và biến đổi khí hậu trên sông Hậu, nhóm tác giả Trường Đại học Tài nguyên môi trường TPHCM đã ứng dụng mô hình Mike 21 để mô phỏng diễn biến lòng dẫn dưới ảnh hưởng của thiếu hụt phù sa từ thượng nguồn kết hợp với kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho đoạn sông Hậu đi qua tỉnh Sóc Trăng. Kết quả cho thấy, khi lượng phù sa bị sụt giảm nhiều thì lòng dẫn dễ bị xói lở nghiêm trọng. Nghiên cứu này góp phần dự báo nguy cơ sạt lở bờ tăng lên khi các công trình thủy điện ở thượng nguồn xây ồ ạt.
Ngoài ra, một số nghiên cứu khá có giá trị được nhiều đại biểu quan tâm như Mô hình dự báo hình thành cồn cát ven biển; Tiến trình thay đổi hình thái cửa sông ven biển miền Trung; Suy giảm bãi cát biển Hòn Chông (Nha Trang) và cách thức phục hồi;…
Theo GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ tính toán, ECSS là dịp để các nhà khoa học gặp gỡ, thảo luận các kết quả nghiên cứu và thúc đẩy sự hợp tác trong việc theo dõi, quản lý và ra quyết định trong lĩnh vực cửa sông, bờ biển và bãi bồi. Ngoài ra, hội nghị còn góp phần định hướng nghiên cứu và hình thành các nghiên cứu liên ngành, liên lĩnh vực trong và ngoài nước.
Được biết, tham gia hội thảo, ngoài các nhà nghiên cứu trong nước còn có các nhà nghiên cứu và chuyên gia nước ngoài, chủ yếu đến từ Nhật Bản. (Theo báo Khoa học phát triển, báo Khám phá, Khoa học phổ thông).
Hội thảo thu hút sự tham gia đông đảo của các đại biểu trong nước và quốc tế (Nguồn: Báo Khám phá)
Khu CNC Hòa Lạc đón thêm dự án xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị điện
Ngày 1/11, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trao Chứng nhận đầu tư cho Dự án Nhà máy sản xuất thiết bị điện công nghệ cao Á Châu tại Khu CNC Hòa Lạc.
Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ sản xuất các dòng sản phẩm công nghệ cao phục vụ cho nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu ra thị trường Châu Á như: Hệ thống SCADA, hệ thống bảo vệ điều khiển trạm biến áp, Modul full type-test Prisma iPM, Modul trung thế hợp bộ 22kV và 38.5kV.
Về phần cứng, nhà máy số 3 sẽ sản xuất các thiết bị điện theo hợp đồng chuyển giao công nghệ trong đó có sản phẩm full type-test Prisma iPM. Đây là dòng sản phẩm công nghệ cao mà hãng Schneider đã chuyển giao công nghệ sản xuất cho ACIT.
Trọng tâm của dự án sẽ là phần mềm AC SCADA, đây là phần mềm do Công ty CP kỹ thuật công nghiệp Á Châu (ACIT) nghiên cứu và phát triển. ACIT có thể chủ động hoàn toàn về việc sản xuất và tích hợp hệ thống SCADA vào các sản phẩm thiết bị điện công nghệ cao nêu trên. Đồng thời, nghiên cứu, phát triển các modul, thiết bị, giải pháp tích hợp IoT cho hệ thống sản phẩm của dự án.
Đại diện lãnh đạo Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc cho biết, công tác thu hút đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc đã đạt nhiều kết quả tích cực. Năm 2017, Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 dự án với tổng vốn đầu tư 5.053 tỷ đồng trên diện tích 11,7 ha.
Hết tháng 4/2018, Ban quản lý đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án với tổng mức đầu tư 10.918 tỷ đồng trên diện tích 15,4 ha. Như vậy, có thể thấy, vốn đầu tư bình quân đối với 1 ha đất hiện nay tại Khu CNC Hòa Lạc tăng khá nhanh so với các năm trước (năm 2016 khoảng 13 triệu USD/ha, năm 2017 là 19 triệu USD/ha). (Theo Báo Vietq.vn, Đầu tư, Chính phủ đưa tin).
Một phần Khu CNC Hòa Lạc (Nguồn: Reatimes)
Đăng Minh (Tổng hợp)