Hoạt động KH&CN Thứ năm, 25/04/2024 , 11:35 am
Cập nhật : 29/10/2018 , 13:10(GMT +7)
Điểm tin KH&CN tuần từ 22-28/10/2018
Nguyễn Việt Hùng phát biểu trong một sự kiện tại Australia.
Nhà khoa học trẻ người Việt phát hiện 8 loài vi khuẩn mới; Người Việt tự chế tạo tàu mini không người lái để khảo sát biển; Khởi động Cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo công nghệ 4.0, Thiết bị xử lý nước sạch mang niềm vui cho học sinh vùng cao... là những thông tin đáng chú ý về khoa học và công nghệ (KH&CN) tuần qua trên các báo.

Nhà khoa học trẻ người Việt phát hiện 8 loài vi khuẩn mới

Nhờ tìm ra các vi khuẩn mới và môi trường thích nghi của chúng có thể ứng dụng để ngăn chặn dịch bệnh trong nuôi trồng nông, thủy sản.

Vẻ ngoài ưa nhìn, với chiều cao 1,8 mét, Nguyễn Việt Hùng (28 tuổi, Đại học New South Wales, Australia) còn gây ấn tượng với những nghiên cứu đặc biệt về các loài vi khuẩn mới và điểm 9.0 IELTS cho 3 kĩ năng: nghe, nói, viết.

Là nghiên cứu sinh trẻ, Hùng là người Việt duy nhất trong số 300 diễn giả có công trình được chọn trình bày trước hơn 2.000 đại biểu, nhà khoa học tại hội nghị chuyên đề lần thứ 17 về Sinh thái và Vi sinh vật (ISME17) vừa tổ chức tại Đức.

Nghiên cứu đã phát hiện 8 loài vi khuẩn mới có ý nghĩa đặc biệt khi ứng dụng vào thực tế. Không chỉ phát hiện, Hùng còn tìm ra phương pháp hiểu cặn kẽ đặc tính để biết chúng có thể sống tốt nhất trong môi trường nào. Khi cần có thể cấy vi khuẩn để phát triển những yếu tố có lợi cho cây trồng, vật nuôi.

Như ở đồng bằng sông Cửu Long, nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản bị dịch bệnh, các loài thủy sản nhóm giáp xác bị chết hàng loạt. Nguyên nhân ban đầu là do sự thay đổi môi trường, phù sa nên vi khuẩn hữu ích trong môi trường đó mất đi kéo theo sự suy thoái chức năng sinh thái. Những chất như hydrogen sulfate hay ammonia có thể tăng lên mạnh, giết hết thủy sản đang nuôi.

“Khi đó có thể ứng dụng nghiên cứu để cấy ghép vi khuẩn có lợi, sống được trong môi trường này để tái tạo chức năng sinh thái cần thiết cho khu nuôi trồng”, Hùng nói với VnExpress.

Nếu có dịch bệnh do vi khuẩn gây ra, áp dụng công nghệ này có thể nhanh chóng tìm ra loài vi khuẩn nào gây bệnh. Công nghệ cũng cho phép phát hiện một lượng vi khuẩn lớn trong một lúc, với thời gian nhanh thay vì chờ nuôi trồng trong phòng thí nghiệm rồi xét nghiệm ADN của từng loài.

Phương pháp Hùng đã nghiên cứu cho phép tìm ra một môi trường riêng có tất cả ADN của các loài vi khuẩn. Có những con vi khuẩn lạ không thể tìm ra nhưng bằng công nghệ này cũng có thể phát hiện được.

Với phát hiện mới, nghiên cứu của Hùng được lựa chọn để báo cáo tại Thượng Hải (Trung Quốc) vào cuối tháng 10 này.

Tại hội nghị ở Thượng Hải, Hùng cho biết sẽ công bố về những nghiên cứu liên quan đến con bọt biển. Đây là một ngành vi sinh vật (khoảng 50 loài vi sinh vật mới) có ảnh hưởng tới con bọt biển được nghiên cứu. Việc tìm ra mối liên kết giữa chúng với cơ thể động vật ký sinh tiếp tục chứng minh công nghệ mà Hùng tạo ra sẽ có thể chủ động trong việc cấy ghép vi khuẩn có lợi cho môi trường. (Theo VnExpress ngày 23/10)

Cán bộ Viện Khoa học đo đạc và Bản đồ giới thiệu về tàu khảo sát "Made in Vietnam". Ảnh: VnExpress

Người Việt tự chế tạo tàu mini không người lái để khảo sát biển

Báo điện tử VnExpress ngày 22/10 đưa tin, tàu có thể đo số liệu ở vùng nước từ 1 - 1.000 mét và tự động gửi dữ liệu về qua tín hiệu radio.

Xuất phát từ những khó khăn trong khảo sát, đo số liệu trong ngành bản đồ khi cán bộ phải trực tiếp đến những vùng nước nguy hiểm, nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học đo đạc và Bản đồ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thiết kế, chế tạo tàu tự hành để thay con người đo số liệu.

Tàu được thiết kế chạy tự động, không cần người lái. Vỏ tàu làm bằng nhựa composite. Trong thân tàu được gắn phần mềm ghi dữ liệu, camera trực tuyến, máy định vị vệ tinh, ăngten và một thiết bị đo sâu hồi âm. Một máy tính nhỏ như điện thoại cũng được gắn ở trong để lưu số liệu và gửi về hệ thống qua tín hiệu radio.

Ths Lưu Hải Âu, Viện Khoa học đo đạc và Bản đồ cho biết, thiết bị này được nhóm nghiên cứu chế tạo trong một năm từ đề tài nghiên cứu do Viện thực hiện. Toàn bộ phần cứng đến phần mềm đều chủ động làm trong nước.

Khác với các con tàu đo số liệu biển, chỉ đo được ở khu vực nước sâu và cán bộ đo trên tàu đó đôi khi gặp nguy hiểm do gặp bão hoặc các vấn đề an ninh. Chiếc tàu này có thể đo sâu được 1.000 m nhưng cũng có thể chạy được ở vùng nước nông do mức mớm nước rất thấp mà không cần người lái. Đối với khu vực ven bờ, vùng đá, san hô con người không thể tiếp cận thì tàu vẫn đến và đo được số liệu.

Nhóm nghiên cứu cho biết, với thiết kế hiện tại  tàu có tải trọng 60kg, được gắn hai bình ắcquy nên có thể đo trong thời gian 8 -10 tiếng.

Theo Ths Hải Âu, trên thế giới có nhiều thiết bị tương tự. Ban đầu Viện dự định thiết kế hệ thống điều khiển và phầm mềm khảo sát nhưng đi mua tàu các hãng chế tạo tàu đều không bán. Lý do là đối tượng khảo sát của ngành bản đồ bao giờ cũng gắn với chữ “mật”. Vì vậy nhóm nghiên cứu đã tìm cách thiết kế phù hợp nhu cầu trong nước.

"Đây là thiết bị chế tạo để phục vụ công tác nghiên cứu nên hình thức không được đẹp nhưng có thêm nhiều tính năng chuyên biệt phục vụ cho hoạt động điều tra, khảo sát", Ths Hải Âu nói và cho biết với thiết bị này ở những vùng biển khó khăn về an ninh, hay ô nhiễm, con người sẽ không cần xuất hiện mà chỉ cần tàu thả xuống sẽ tự động chạy và gửi thông số về nhà. Tàu cũng có thể tự động chạy ngầm rà soát, đo số liệu để phát hiện các nhà máy thải nước thải trộm xuống biển.

Hiện tàu đã chạy thử nghiệm đo trên vùng nước chảy xiết ở sông Lô, sông Đà cho kết quả tốt. Nhóm nghiên cứu cho biết, khi có điều kiện sẽ tiếp tục hoàn thiện để tàu có hình thức đẹp hơn.

Khởi động Cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo công nghệ 4.0

Ngày 25/10, báo điện tử Dân Trí đưa tin, “Cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo công nghệ 4.0 – Innovative Technopreneur Contest” là hoạt động thường niên nổi bật trong khuôn khổ TECHFEST – Ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia.

Từ khi được tổ chức vào năm 2015 đến nay, đã có hơn 500 doanh nghiệp tham dự cuộc thi (trong đó 300 doanh nghiệp đã tham dự cuộc thi năm 2017). Từ đây, nhiều doanh nghiệp trong top 10 cuộc thi đã gọi được vốn đầu tư hàng triệu đô la cũng như kết nối được với hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước và quốc tế.

Các đội đoạt giải thưởng cao ở cuộc thi Techfest 2017

Một số doanh nghiệp tiêu biểu có thể kể đến như: Ami – Doanh nghiệp khởi nghiệp cung cấp ứng dụng quản lý thông tin bất động sản, cư dân, tạo và gửi hóa đơn điện tử cho người thuê nhà; Rudicaf – Doanh nghiệp khởi nghiệp với dịch vụ hẹn hò và kết nối; Finhay – Doanh nghiệp khởi nghiệp với hệ thống tự động đưa tiền đầu tư của người dùng đến các Quỹ tài chính uy tín tại Việt Nam.

Năm 2018, “Cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo công nghệ 4.0” sẽ có 03 vòng thi, với sự góp mặt của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo xuất sắc đến từ 07 lĩnh vực: Công nghệ Nông nghiệp, Công nghệ Giáo dục, Công nghệ Y tế, Khởi nghiệp Du lịch, Công nghệ Tài chính, Công nghệ 4.0 và Khởi nghiệp Tác động xã hội.

Đội chiến thắng sẽ được nhận các giải thưởng hấp dẫn từ TECHFEST 2018, bao gồm: 01 vé đến Thung lũng Silicon (Hoa Kỳ) vào tháng 05/2019 và trở thành đại diện của Việt Nam tham dự cuộc thi khởi nghiệp Startup World Cup (Hoa Kỳ) (cơ hội nhận đầu tư 01 triệu đô la); 01 vé đến Hàn Quốc vào tháng 12/2018 để kết nối đầu tư và giao lưu với hệ sinh thái khởi nghiệp trong khu vực.

Đối tượng dự thi là các cá nhân, nhóm cá nhân và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Thời gian đăng ký tham gia cuộc thi đến hết ngày 05/11/2018 (Thứ Hai) tại địa chỉ https://techfest.vn/

Cuộc thi gồm 3 vòng: Vòng loại, Vòng Bán kết và Vòng Chung kết.

Vòng loại của cuộc thi sẽ được tổ chức từ ngày 06/11 - 16/11/2018 tại Bộ Khoa học và Công nghệ - 113 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội. Theo đó, các đội thi thuộc cùng một làng công nghệ sẽ tranh tài với nhau. Các Làng công nghệ bao gồm: Công nghệ Nông nghiệp, Công nghệ Giáo dục, Công nghệ Y tế, Khởi nghiệp Du lịch, Công nghệ Tài chính, Công nghệ 4.0 và Khởi nghiệp Tác động xã hội. Mỗi Làng công nghệ sẽ chọn ra 02 đội trong nước và 01 đội quốc tế tiến vào vòng Bán kết.

Tiêu chí để đánh giá các đội thi dựa trên thực trạng vận hành doanh nghiệp hiện tại và tiềm năng phát triển trong tương lai, cụ thể: Kế hoạch phát triển doanh nghiệp với các cột mốc đã đạt được; Quy mô thị trường hiện tại và thị trường tiềm năng của doanh nghiệp; Nguồn nhân lực hiện tại của doanh nghiệp; Thống kê tài chính và kế hoạch sử dụng các nguồn vốn; Các thỏa thuận hợp tác đã ký kết với đối tác.

Vòng bán kết sẽ được tổ chức từ 8h00 đến 12h00 ngày 30/11/2018 thành phố Đà Nẵng với sự tham gia của 35 đội. Bao gồm: 04 đội từ vòng sơ khảo cuộc thi khởi nghiệp “Jumping to 4.0” do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức, 10 đội trực tiếp tiến vào vòng bán kết từ các cuộc thi tại Techfest Vùng, 21 đội trực tiếp tiến vào vòng bán kết theo kết quả vòng loại “Cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo công nghệ 4.0” do các Làng công nghệ tổ chức.

Tại vòng này, mỗi đội sẽ có 03 phút thuyết trình bằng tiếng Anh trước hội đồng giám khảo là các chuyên gia, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế và 02 phút trả lời các câu hỏi của ban giám khảo.

Vòng chung kết sẽ diễn ra từ 09h15 đến 11h30 ngày 01/12/2018. Số đội tham dự gồm: 10 nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có kết quả cao nhất trong vòng bán kết của cuộc thi. Mỗi đội sẽ có 05 phút thuyết trình bằng tiếng Anh và 03 phút trả lời các câu hỏi của ban giám khảo.

Hệ thống thông minh đánh giá chất lượng phục vụ hành chính công ở Bình Dương

Ngày 25/10, báo điện tử Chính phủ đưa tin, Hệ thống thông minh đánh giá chất lượng phục vụ hành chính công ở Bình Dương có danh sách, hình ảnh của lãnh đạo và cán bộ phụ trách bộ phận một cửa của phường, cập nhật tức thời thông tin đo lường sự hài lòng của người dân.

Ngày 25/10, UBND phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, đã khánh thành hệ thống thông minh đánh giá chất lượng phục vụ hành chính công.

Ảnh: TTXVN

UBND phường Phú Cường là đơn vị đầu tiên được thí điểm lắp đặt hệ thống thông minh đánh giá chất lượng phục vụ hành chính công của thành phố Thủ Dầu Một.

Hệ thống này có danh sách, hình ảnh của lãnh đạo và cán bộ phụ trách bộ phận một cửa của phường, cập nhật tức thời thông tin đo lường sự hài lòng của người dân. Trong trường hợp có đánh giá kém hoặc có góp ý, máy chủ sẽ chủ động gửi tin nhắn cảnh báo đến người chịu trách nhiệm để có thể kịp thời khắc phục những thiếu sót trong quá trình phục vụ nhân dân và doanh nghiệp. Hệ thống cũng cho phép điều tra nhanh chóng nguyên nhân những mặt còn tồn tại để chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Theo bà Nguyễn Thu Cúc - Phó Chủ tịch UBND thành phố Thủ Dầu Một, việc UBND phường Phú Cường sớm đưa vào hoạt động hệ thống thông minh để đánh giá chất lượng phục vụ của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức sẽ giúp lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức càng tích cực hơn trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, cũng như khi tiếp xúc, làm việc với người dân, với doanh nghiệp đến liên hệ công tác, giải quyết thủ tục hành chính.

Mục đích cuối cùng của việc trang bị hệ thống thông minh đánh giá chất lượng phục vụ hành chính công chính là đem đến sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp. Hệ thống này là bước đột phá trong công tác cải cách hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, tạo môi trường thuận lợi, minh bạch cho hoạt động của tổ chức, công dân và doanh nghiệp.

Theo kế hoạch năm 2018, UBND phường Phú Cường và UBND phường Chánh Nghĩa của thành phố Thủ Dầu Một là 2 đơn vị cấp phường trên địa bàn của tỉnh Bình Dương được thí điểm đưa vào hoạt động hệ thống thông minh này.

Hệ thống thông minh đánh giá chất lượng phục vụ hành chính công do Công ty Hệ thống thông minh Smart Sys - một công ty chuyên nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới, cung cấp giải pháp đột phá áp dụng cho thành phố thông minh, giao thông thông minh, chính quyền thông minh... thực hiện.

Thiết bị xử lý nước sạch mang niềm vui cho học sinh vùng cao

Hệ thiết bị xử lý nước của Viện Hàn lâm KH&CN VN giúp loại bỏ hoàn toàn hàm lượng chất rắn lơ lửng, mùi tanh, độ đục, Coliform và E.coli, mang lại nguồn nước sạch cho người dân ở vùng sâu vùng xa.

Hệ thiết bị xử lý nước của Viện Hàn lâm KH&CN VN giúp loại bỏ hoàn toàn hàm lượng chất rắn lơ lửng, mùi tanh, độ đục, Coliform và E.coli.

Nằm ở trung tâm xã Mùn Chung thuộc huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, Trường Trung học phổ thông Mùn Chung có tổng số 330 học sinh và 40 thầy cô giáo. Trường thường xuyên thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt là vào mùa khô từ tháng 11 tới tháng 6 năm sau. Mặc dù đã tiến hành nhiều giải pháp như thu gom nước mưa từ mái nhà, nhưng tình hình vẫn không được cải thiện.

Chính vì thế Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam triển khai chương trình tài trợ công trình cấp nước sạch cho điểm trường này.

Sau khi nghiên cứu, phân tích chất lượng nước cũng như tiến hành khảo sát thực địa, TS Nguyễn Thị Thanh Hải, chủ nhiệm đề tài đã lựa chọn sử dụng bơm Va để bơm nước từ nguồn nước xuất lộ dự kiến khai thác. Bơm Va có ưu điểm là không sử dụng nhiên liệu, có thể bơm lên cao tối đa tới 60 với lưu lượng từ 0.04 tới 7.1 l/s.

Để xử lý cặn TSS, độ đục, tổng Coliform và E. coli tại nguồn nước này, TS Hải đã sử dụng hệ thiết bị xử lý nước NM-120NC là hệ thiết bị xử lý nước sông, suối, hồ… được thiết kế trên cơ sở áp dụng công nghệ lọc 2 tầng. Trong đó, tầng lọc thô sử dụng công nghệ lọc ngược dùng hạt lọc nổi có ứng dụng công nghệ phá cặn bằng dàn phá cặn. Tầng lọc nổi giúp hệ NM-120NC làm việc hiệu quả với nước sông suối có độ đục cao. Tầng lọc tinh sử dụng cát lọc thạch anh kích thước 0,6 – 1,2 mm; than hoạt tính và công nghệ lọc xuôi.

Nói về nguyên lý hoạt động, TS Nguyễn Thị Thanh Hải cho biết, nước mặt được cấp vào hệ thiết bị NM-120 NC qua ống cấp vào D60 PVC. Nước thô được cấp vào cột trộn hóa chất PAC có đường kính D300; H2000, vật liệu thép dày 4mm, phủ sơn Epoxy để nhận và trộn đều tức thời một lượng dung dịch keo tụ vừa đủ để tạo phản ứng keo tụ. Từ đây nước tiếp tục đi vào bình trộn tĩnh, trong bình trộn tĩnh có 3 lớp tạo xoáy, mỗi lớp có 100 cột xoáy với tốc độ chậm tương đương 20 vòng/phút để tạo bông cặn. Nước thô tiếp tục được dẫn vào đáy bình lọc thô.

Trong bình lọc thô, nước đi từ dưới lên trên, cặn lơ lửng kết bông được giữ lại ở đáy lớp vật liệu lọc, nước trong phía trên bình lọc nổi được dẫn sang lọc tại bể lọc tinh. Cặn bẩn được tích tụ ở lớp dưới của lớp vật liệu lọc nổi và được xả ra ngoài khi mở van xả D100 ở đáy bình lọc thô.

Trong bể lọc cát, nước đi qua lớp cát lọc từ trên xuống dưới lớp cát, chảy qua sàn thu đục lỗ, theo ống D100 chảy lên ngăn trên của bình lọc cát. Ống thu nước sạch bố trí phía gần miệng bình lọc, nước sạch dâng lên đến miệng bình lọc cát chảy vào ống dẫn, chảy xuống bể chứa nước sạch.

Dung dịch Clo được cấp vào khử trùng nước sau lọc trên đoạn ống dẫn nước sạch vào bể chứa.

Với hệ thiết bị NM-120 NC, nước đầu vào sau khi được xử lý có các chỉ tiêu chất lượng đều đạt giới hạn cho phép của Bộ Y tế. Coliform và E.coli được xử lý hoàn toàn. Hàm lượng chất rắn lơ lửng (TSS), mùi tanh, độ đục, hàm lượng sắt được xử lý hiệu quả với hiệu suất trên 90%.

“Ngoài những ưu điểm trên thì chi phí vận hành của hệ thống lọc nước với khối lượng 30 m3/ngày đêm chỉ khoảng 569.000 đồng/tháng, tức gần 7 triệu/năm. Với khối lượng 100m3/ngày đêm, chi phí vận hành khoảng 2,4 triệu/tháng, tương đương 29 triệu/năm. Đây là chi phí hợp lí cho điểm trường vùng cao” - TS Hải nói.

Ngoài chi phí vận hành thì chi phí bảo dưỡng, thay vật liệu lọc của hệ thống lọc nước 100m3/ngày đêm tại trường THPT Mùn Chung cũng chỉ khoảng 2,1 triệu/năm.

“Đến nay, các trường và một số đơn vị lân cận cũng đã yêu cầu được sử dụng nguồn nước này. Đây là niềm vui của những người làm khoa học như chúng tôi bởi sản phẩm của đề tài thực sự thiết thực đối với đời sống người dân vùng sâu vùng xa” - TS Hải chia sẻ và hi vọng mô hình này sẽ được triển khai ở nhiều nơi để nhiều người có cơ hội dùng nước sạch. (Theo Tạp chí Khám phá Điện tử ngày 27/10/2018).

Hà Chi (Tổng hợp)

 

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner