TPHCM có doanh nghiệp KH&CN đầu tiên trong ngành dược; Thủ tướng làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử; Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng NTM: Phát huy lợi thế của từng vùng, miền; Bình Định xây dựng công viên sáng tạo phần mềm đầu tiên; Công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2018; Xây dựng mô hình liên kết hiệu quả để phát triển thị trường KH&CN; …là những thông tin KH&CN đáng chú ý nhất được các cơ quan thông tấn báo chí quan tâm và đăng tải trong tuần từ 26-31/8/2018.
TPHCM có doanh nghiệp KH&CN đầu tiên trong ngành dược
Theo các báo Sài Gòn giải phóng, Dân trí, Khám phá, Khoa học và Phát triển đưa tin ngày 27/8, Sở KH&CN TPHCM đã tổ chức lễ trao giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN cho Công ty CP Dược phẩm Savi (Savipharm). Đây là doanh nghiệp KH&CN đầu tiên của TPHCM trong lĩnh vực dược.
Theo thông tin từ Sở KH&CN TPHCM, Savipharm đã tiên phong ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào quản lý hoạt động nghiên cứu - phát triển (R&D) và quản lý sản xuất. Đến nay, 219 dược phẩm chất lượng cao do đơn vị phát triển đã được cấp số đăng ký sản xuất thương mại với 11 nhóm thuốc điều trị.
Nhà máy của Savipharm cũng được Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Dụng cụ Y tế (PMDA) thuộc Bộ Y tế Nhật Bản cấp giấy chứng nhận GMP Nhật Bản 2 lần.
Với việc được chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, Savipharm sẽ hưởng nhiều ưu đãi như được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo và hưởng thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm kể từ năm đầu tiên doanh nghiệp có doanh thu từ hoạt động KH&CN.
Tỷ lệ doanh thu dành cho nghiên cứu và phát triển tại Savipharm, được nâng lên mức 3-5% từ năm 2016
Thủ tướng làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 1072/QĐ-TTg thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin. Quyết định có hiệu lực từ ngày 28/8.
Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Phó Chủ tịch Ủy ban. Ủy viên Thường trực kiêm Tổng thư ký Ủy ban là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Các Ủy viên gồm: Bộ trưởng Bộ Công an; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ trưởng Bộ Tài chính; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội; Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần FPT.
Theo quyết định, Ủy ban có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; tạo thuận lợi cho việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Ủy ban giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Ủy ban cũng giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều phối, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án, giải pháp có tính chất liên ngành về xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử.
Ủy ban đồng thời cho ý kiến về các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án liên quan đến xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng; sơ kết, đánh giá tình hình, kết quả triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử; thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng. (Theo Tạp chí Khám phá điện tử, Zing.vn, Dân trí, VietNamNet, Lao Động, Chính Phủ, Nhân Dân đăng ngày 28/8).
Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng NTM: Phát huy lợi thế của từng vùng, miền
Ngày 27/8, Báo Chính phủ đưa tin, Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại Hội nghị Tổng kết Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012-2017 và định hướng giai đoạn 2018-2020.
Thông báo nêu rõ, cơ bản đồng ý với nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018-2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban Chỉ đạo Chương trình, Phó Thủ tướng lưu ý phát huy những kết quả đạt được trong giai đoạn 1, chương trình giai đoạn 2 cần tập trung vào các nhiệm vụ gắn với những vấn đề cấp thiết, xuất phát từ thực tiễn, phát huy vai trò chủ thể của người nông dân và cộng đồng, trong đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách thực hiện Chương trình, nhất là cơ chế chính sách hỗ trợ các vùng khó khăn (thôn, bản), nâng cao vai trò của người dân để phấn đấu vươn lên, cải thiện môi trường nông thôn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, an ninh trật tự nông thôn, phát huy nguồn lực; đánh giá bước đầu những kết quả đạt được giai đoạn 2016 - 2020, để đề xuất mô hình xây dựng nông thôn mới sau năm 2020.
Trong quá trình trình triển khai Chương trình, cần tạo điều kiện thuận lợi để phát huy vai trò các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu trong nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn, để phát hiện, đề xuất các giải pháp, mô hình ứng dụng KH&CN giải quyết các vấn đề cấp bách của thực tiễn trong triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới; các cơ quan, đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ phải gắn kết chặt chẽ với các đơn vị đặt hàng và ứng dụng kết quả, nhằm bám sát được mục tiêu đề ra. Các đề tài nghiên cứu ứng dụng, các dự án xây dựng mô hình nhất thiết phải có hiệu quả thực tiễn, đồng thời góp phần làm sáng tỏ các cơ sở khoa học và thực tiễn để giải quyết những vướng mắc trong xây dựng nông thôn mới gắn với mức độ hài lòng của người dân. Khuyến khích, phát huy tính phản biện khách quan của các đề tài, nhất là những nghiên cứu về cơ sở lý luận, cơ chế, chính sách thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.
Chương trình cần lồng ghép nguồn lực của các Chương trình KH&CN trong cả nước phục vụ xây dựng nông thôn mới, nhất là phối hợp có hiệu quả với ba Chương trình KH&CN vùng: Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, ưu tiên nghiên cứu xây dựng các mô hình nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới đặc thù cho các vùng. Đồng thời cần mở rộng sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân, huy động nhiều hơn các nguồn lực ngoài nhà nước cho thực hiện Chương trình.
Ảnh minh họa
Bình Định xây dựng công viên sáng tạo phần mềm đầu tiên
Thông tin trên được Báo Chính phủ, Vietnamplus đưa ngày 28/8, công viên sáng tạo TMA có tổng vốn đầu tư khoảng 8 triệu USD, dự kiến đi vào hoạt động sau 3 năm xây dựng. Sau 15 năm, công viên sẽ có khoảng 3.000 lao động tri thức, chất lượng cao.
Ngày 28/8, tại thung lũng Quy Hòa (TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), Công ty TMA (TPHCM) đã khởi công xây dựng Công viên sáng tạo TMA.
Công viên sáng tạo TMA là một công viên phần mềm, được xây dựng trên diện tích 15 ha trong khu vực thung lũng Quy Hòa, bên cạnh Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) Quy Nhơn, nằm dọc trục Đại lộ khoa học nối từ Quốc lộ 1D vào ICISE Quy Nhơn.
Công viên sáng tạo TMA có tổng vốn đầu tư khoảng 8 triệu USD, được chia làm 2 giai đoạn, dự kiến đi vào hoạt động sau 3 năm xây dựng. Sau 15 năm, công viên sẽ có khoảng 3.000 lao động tri thức, chất lượng cao. Công viên sẽ được đầu tư xây dựng các công trình chính như: Trung tâm Sản xuất và xuất khẩu phần mềm, Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng, Trung tâm Khoa học dữ liệu, Trung tâm Trí tuệ nhân tạo, Trung tâm Ứng dụng internet vạn vật…
TMA là công ty phần mềm đầu tiên đầu tư vào thung lũng Quy Hòa - nơi đang được định hướng trở thành một đô thị khoa học đầu tiên của Việt Nam.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng cho biết, việc sớm đầu tư vào thung lũng Quy Hòa của TMA sẽ thúc đẩy nhiều đơn vị phần mềm khác về với Bình Định. Đây sẽ là cú huých giúp Bình Định tiến bước vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Đầu tư, sản xuất và kinh doanh phần mềm, sản phẩm trí tuệ nhân tạo là hướng đi đúng và cần thiết của Bình Định trong tương lai.
Công viên sáng tạo TMA được xây dựng bên cạnh ICISE Quy Nhơn. Ảnh: ICISE
Công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2018
Sáng 30/8, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam phối hợp Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Bộ KH&CN và các bộ, ngành liên quan tổ chức lễ công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2018 và phát động thi đua chào mừng Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp. Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo.
Tiếp theo Sách vàng Sáng tạo Việt Nam các năm 2016 và 2017, Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2018 giới thiệu 73 công trình, giải pháp sáng tạo khoa học, công nghệ.
Đó là những công trình tiêu biểu, có giá trị hỗ trợ cộng đồng nâng cao đời sống, phát triển kinh tế, bảo đảm môi trường… được ứng dụng trong nhiều ngành, lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, khai khoáng, quốc phòng, y tế...
Việc công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam nhằm tôn vinh, cổ vũ các sáng kiến, sáng tạo, khơi dậy tinh thần yêu nước, trí tuệ của người Việt Nam thi đua sáng tạo để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã kéo băng khai trương, công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam 2018.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trao Sách vàng, Giấy chứng nhận cho các tác giả, nhóm tác giả có công trình được công bố trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam 2018.
Phát biểu ý kiến tại lễ công bố, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những kết quả, thành tích xuất sắc mà đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ nước nhà đã nỗ lực đạt được trong thời gian qua; nhiệt liệt chúc mừng 73 tác giả, nhóm tác giả có công trình, giải pháp sáng tạo khoa học, công nghệ tiêu biểu được tuyển chọn, công bố trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2018.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Thế giới đang bước vào giai đoạn đầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tác động to lớn đến các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đối với nước ta, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ mở ra nhiều cơ hội mới trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức.
Trong bối cảnh đó, đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ cần tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ; đẩy mạnh nghiên cứu và nâng cao chất lượng, hiệu quả ứng dụng khoa học, công nghệ, phục vụ thiết thực việc phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh. (Theo Báo Nhân Dân, VOV.vn, báo Lao động, báo Kinh tế đô thị, Khám phá,…ngày 30/8).
Chủ tịch nước và Chủ tịch Ủy ban TƯMTTQVN tại Lễ công bố Sách Vàng sáng tạo Việt Nam 2018
Xây dựng mô hình liên kết hiệu quả để phát triển thị trường KH&CN
Theo báo Chính phủ, Đại đoàn kết đưa tin ngày 30/8, Bộ KH&CN đã tổ chức diễn đàn “Mô hình liên kết nhằm thúc đẩy và phát triển thị trường khoa học và công nghệ”
Để góp phần phát triển thị trường KH&CN, tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần tham gia thị trường, các hoạt động liên kết và xúc tiến nhằm thúc đẩy các hoạt động thương mại hóa công nghệ rất quan trọng. Hiện nay, những mô hình về tổ chức trung gian đang tạo nên những cơ hội để các nhà đầu tư tìm kiếm các sáng chế, kết quả nghiên cứu có tiềm năng thương mại hóa trong mọi lĩnh vực để ứng dụng phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho rằng, hiện tại, về cơ bản môi trường pháp lý cho thị trường KH&CN đã đầy đủ nhưng chưa thực sự hoàn thiện. Sự kết nối giữa các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp KH&CN với cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, phân phối, thương mại còn hạn chế, tổ chức trung gian chưa đủ mạnh để cung cấp các dịch vụ kết nối, hỗ trợ bên cung, bên cầu và các bên khác trong các giao dịch liên quan đến công nghệ, tài sản trí tuệ. Các sàn giao dịch công nghệ hoạt động chưa thực sự hiệu quả, chưa khẳng định được vai trò là đầu mối trong việc thu hút, tập hợp công nghệ trong nước và quốc tế.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, diễn đàn “Mô hình liên kết nhằm thúc đẩy và phát triển thị trường khoa học và công nghệ” là nơi chia sẻ cởi mở và thảo luận sâu sắc về những vấn đề thực tế đang vướng mắc để có được những tư vấn tư các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế để có những giải pháp cụ thể cho từng mô hình của các chuyên gia nước ngoài. Qua đó, sẽ có sự cam kết cộng tác và thực hiện của các bên tham gia phát triển thị trường khoa học và công nghệ.
Diễn đàn được chia làm 3 phiên với sự tham gia của các mô hình tiêu biểu trong nước và quốc tế.
Tại Diễn đàn đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác giữa Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN và Tập đoàn EON reality Inc về mảng Công nghệ VR &AR (công nghệ thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường).
Lễ ký kết hợp tác giữa Cục phát triển thị trường và doanh KH&CN và Tập đoàn EON reality Inc
Nhu cầu công nghệ trong quá trình sản xuất tự động hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam
VKIST - Diễn đàn Công nghiệp lần thứ I là sự kiện đầu tiên của Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) và các Hiệp hội Việt Nam trong ngành công nghiệp điện tử, tự động hóa và hỗ trợ phối hợp tổ chức nhằm tập trung tìm hiểu nhu cầu của các doanh nghiệp Việt Nam vừa và nhỏ.
Sự kiện có chủ đề “Nhu cầu công nghệ trong quá trình sản xuất tự động hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam” được tổ chức tại Hà Nội ngày 29/8/2018.
Phát biểu khai mạc TS Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ KH&CN, cho biết diễn đàn mong muốn các doanh nghiệp vừa và nhỏ nêu lên nhu cầu công nghệ, qua đó, kết nối với viện nghiên cứu, trường đại học.
Về phần mình, TS Kum Dongwha, Viện trưởng Viện V-KIST, đã bày tỏ sự kỳ vọng sự kiện này sẽ mang lại cơ hội để doanh nghiệp nêu lên những khó khăn và thảo luận về nhu cầu của công ty trong quá trình sản xuất tự động hóa.
"Đặc biệt, chúng tôi đang tìm kiếm các doanh nghiệp Việt Nam tập trung vào công nghệ tốt và tiên tiến hơn để trở thành người chiến thắng trên thị trường. Hoạt động này cũng nằm trong các hoạt động của Viện V-KIST sau khi được thành lập cuối năm 2017", TS Kum Dongwha cho biết thêm.
Tại Diễn đàn, TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam đã trình bày tham luận “Tổng quan và Định hướng phát triển ngành Tự động hóa trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”. TS Quân nhấn mạnh, để đạt được thành công trong CMCN 4.0 thì cần có 4 yếu tố cần thiết, đó là: con người, định hướng chiến lược của Nhà nước, nghiên cứu ứng dụng trong Viện - Trường, nghiên cứu phát triển trong doanh nghiệp, công ty.
Đối với ngành Tự động hóa, để bắt kịp CMCN 4.0 cần xác định rõ vai trò của 3 nhà. Đối với Nhà nước là định hướng chiến lược, hành lang pháp lý, hạ tầng; đối với trường Đại học, Viện nghiên cứu là nghiên cứu cơ bản và ứng dụng; đối với tập đoàn và công ty là nghiên cứu phát triển (R&D) sản xuất, chế tạo (Theo Báo Khám phá ngày 30/8).
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Đăng Minh (tổng hợp)