Hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp KHCN; Sản xuất 4 loại kháng thể đơn dòng cho bốn kháng nguyên A, B, AB và D; Lập bản đồ công nghệ cho ngành lúa, gạo Việt Nam;...là những thông tin khoa học và công nghệ (KH&CN) đáng chú ý trong tuần qua.
Hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp KHCN
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định số 592/QĐ-TTg ngày 22/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ và tổ chức khoa học và công nghệ công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Trong đó, sửa đổi, bổ sung quy định về hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Theo đó, hỗ trợ cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, ưu tiên cơ sở ươm tạo được thành lập tại các viện nghiên cứu, trường đại học, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung.
Cụ thể, hỗ trợ trang thiết bị dùng chung; hoạt động tư vấn, đào tạo bồi dưỡng (cho cán bộ quản lý, người làm việc tại cơ sở ươm tạo và tổ chức, cá nhân tham gia ươm tạo tại cơ sở ươm tạo); tổ chức hội nghị, hội thảo; xây dựng trang thông tin điện tử để quảng bá về cơ sở ươm tạo.
Hỗ trợ hoạt động ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ gồm: Hỗ trợ tổ chức, cá nhân nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ để tạo ra sản phẩm mới có sức cạnh tranh trên thị trường; sử dụng trang thiết bị, dịch vụ tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ. (Theo Chính phủ 12/7).
Sản xuất 4 loại kháng thể đơn dòng cho bốn kháng nguyên A, B, AB và D
Đây là sản phẩm của đề tài “nghiên cứu phân lập các dòng tế bào Hybridoma sản xuất 4 loại kháng thể đơn dòng cho bốn kháng nguyên A, B, AB và D.
Đề tài mang mã số KC.04.13/11-15 thuộc Chương trình nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học KC.04/11-15 do TS. Nguyễn Thị Trung – Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam làm chủ nhiệm vừa được nghiệm thu chiều 8/7, tại Hà Nội.
Trong quá trình thực hiện, Viện Công nghệ sinh học đã phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Y dược Hải Phòng, Công ty Cổ phần phát triển nông nghiệp nông thôn để triển khai thực đề tài này.
Với những kết quả nghiên cứu ban đầu đạt được ở quy mô phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu hi vọng sản phẩm của đề tài sẽ được triển khai sản xuất và thương mại ở Việt Nam. (Theo Vietq.vn 11/7).
Lập bản đồ công nghệ cho ngành lúa, gạo Việt Nam
Trước tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp, cần có những chiến lược ứng dụng khoa học và công nghệ (KH và CN) phù hợp, nhằm bảo đảm an ninh lương thực. Việc xây dựng bản đồ công nghệ (BĐCN) sẽ đánh giá toàn diện năng lực của ngành chọn tạo và sản xuất giống lúa trong nông nghiệp. Nhất là thông qua bản đồ công nghệ, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân sẽ biết được nhiều thông tin để có thể tìm hướng phát triển sản phẩm trong giai đoạn hiện nay và sau này.
Thông qua BĐCN, cơ quan quản lý có thể nắm bắt được thông tin về thị trường và phân khúc thị trường của các sản phẩm; giá trị xuất khẩu, nhập khẩu, tình hình cạnh tranh. Nhất là sẽ đánh giá được năng lực, trình độ của các doanh nghiệp, viện, trường; số lượng, chủng loại công nghệ hiện nay của Việt Nam so với thế giới; yêu cầu của công nghệ đối với các loại sản phẩm và hướng đầu tư phát triển sản phẩm.
Doanh nghiệp sẽ có cơ hội nắm được thông tin về thị trường, sản phẩm đang sản xuất; các công nghệ mới và tiên tiến hơn công nghệ đang sử dụng đang được áp dụng ở đâu; đâu sẽ là công nghệ quan trọng, hỗ trợ cho các sản phẩm trong tương lai; xu hướng phát triển công nghệ và sản phẩm mới. (Theo Nhân Dân 9/7).
Đầy mạnh hỗ trợ các dự án khởi nghiệp
Sở Khoa học Công nghệ TP HCM vừa cho biết sẽ triển khai hỗ trợ không gian làm việc, tài chính, kỹ thuật… cho các dự án khởi nghiệp tại TP HCM.
Các dự án khởi nghiệp, nhất là dự án của các bạn trẻ tại TP HCM sẽ được hỗ trợ mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Theo đó Sai Gon Innovation Hub (SIH), đơn vị trực thuộc Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP HCM (Sở Khoa học Công nghệ TP HCM) sẽ triển khai chương trình hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp tại TP HCM. Theo đó các dự án khởi nghiệp được duyệt sẽ được hỗ trợ không gian làm việc tiện nghi, đảm bảo đầy đủ điều kiện làm việc như: Internet, máy lạnh, bàn ghế,… Được hỗ trợ không gian tổ chức các hoạt động giới thiệu thiệu sản phẩm, dịch vụ, hoạt động tuyền thông quảng bá thương hiệu… Được hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, được miễn phí toàn bộ tiền điện, nước, vệ sinh, bảo vệ… được hỗ trợ nước uống (nước lọc) miễn phí. Ngoài ra còn nhận được hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các quá trình hoàn thiện sản phẩm… từ Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM theo quy chế đã ban hành. (Theo Người lao động 14/7).
Gặp kỹ sư Việt - 'cha đẻ' ứng dụng học tiếng Anh nổi tiếng thế giới
Vượt qua hơn 1.000 sản phẩm đến từ 100 quốc gia, Monkey Junior - ứng dụng học tiếng Anh của kỹ sư trẻ Đào Xuân Hoàng - công ty chuyên về lĩnh vực phần mềm và thương mại điện tử giành giải nhất tại cuộc thi 'Sáng kiến toàn cầu' (GIST Tech-I 2016) diễn ra tại Mỹ cuối tháng 6 vừa qua.
Theo Hoàng, khác với các ứng dụng dạy tiếng Anh khác, Monkey Junior sử dụng một kho dữ liệu đa phương tiện gồm 1.200 bài học (hình ảnh, video và âm thanh) và có sự tương tác với người sử dụng. “Với cách dạy trực diện giúp trẻ hiểu, tư duy bằng chính ngôn ngữ đấy, chứ không phải từ ngôn ngữ mẹ đẻ để dịch sang ngôn ngữ cần học”.
Đào Xuân Hoàng (phải) gặp gỡ Đại sứ Mỹ tại VN Ted Osius
Là ứng dụng dạy tiếng Anh “made in VN” nhưng lại chiếm được cảm tình của người dùng ở chính các nước nói tiếng Anh. Không chỉ những phụ huynh nói tiếng Anh rất tốt như ở Mỹ sử dụng ứng dụng này mà ngay cả những bậc phụ huynh không biết tiếng Anh cũng có thể dạy con và dạy thường xuyên trong thời gian dài. Sau 6 lần ra mắt, đến nay Monkey Junior là một trong những chương trình học được yêu thích nhất trên App Store và Google Play, nằm trong 100 ứng dụng giáo dục được tải nhiều nhất tại Mỹ, Canada và VN với tổng cộng hơn nửa triệu lượt download. (Theo Thanh niên 15/7).
Hà Trang (Tổng hợp)