Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp mặt các nhà sáng chế không chuyên nghiệp tiêu biểu; Đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong sản xuất vùng Đồng bằng sông Hồng; Ra mắt cuốn sách cung cấp kiến thức cơ bản về điện hạt nhân;…là những thông tin KH&CN đáng chú ý trong tuần qua.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp mặt các nhà sáng chế không chuyên nghiệp tiêu biểu
Ngày 12-5, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) tổ chức buổi gặp mặt các nhà sáng chế không chuyên nghiệp tiêu biểu năm 2015. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu ý kiến; cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, coi trọng việc phát triển, nghiên cứu, ứng dụng KH và CN, phát huy tính năng động, sáng tạo, sáng chế trong nhân dân để xây dựng, bảo vệ đất nước; coi trọng đào tạo đội ngũ làm về KH và CN. Thực hiện Nghị quyết của Đảng, Chính phủ sẽ ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc nghiên cứu, ứng dụng KH và CN; nghiên cứu sáng tạo của người dân vào sản xuất. Mỗi sáng chế, sáng tạo của người dân, người lao động phải được trân trọng, phát huy. Vì vậy, cần có cơ chế hỗ trợ cho người dân tiếp cận nguồn vốn; đưa sản phẩm ra thị trường, quảng bá sản phẩm, sở hữu trí tuệ. Chỉ khi tạo được môi trường tốt thì các nghiên cứu, sáng chế, sáng tạo, ứng dụng KH và CN mới phát triển được. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng mong rằng, các nhà khoa học không chuyên có được những hỗ trợ, tạo mọi điều kiện sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa, không chỉ sáng tạo, sáng chế cho bản thân, mà còn cho cộng đồng, xã hội và đất nước. Đây chính là động lực, nhân tố quyết định cho sự thành công của đất nước, góp phần vào mục tiêu chung, đưa Việt Nam sớm trở thành nước CNH, HĐH.(Theo Nhân Dân 12/5).
Đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong sản xuất vùng Đồng bằng sông Hồng
Sáng 13/5, tại Hải Phòng đã diễn ra Hội nghị Khoa học và công nghệ vùng Đồng bằng sông Hồng lần thứ 10. Bên cạnh những vấn đề liên quan như định hướng phát triển tại 11 tỉnh, thành phố trong vùng, một nội dung được các đại biểu quan tâm là việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất phát triển những sản phẩm chủ lực.
Quang cảnh hội nghị Giao ban KH&CN các tỉnh Đồng bằng sông Hồng lần thứ X
Trong giai đoạn 2011 - 2015, tổng kinh phí đầu tư phát triển khoa học công nghệ toàn vùng đạt gần 6.000 tỉ đồng. Với những điều kiện kinh tế, xã hội, tự nhiên, vùng Đồng bằng sông Hồng có thể mạnh trong việc phát triển các sản phẩm chủ lực của các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, Đầu tư tài chính cho khoa học công nghệ vẫn chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách nhà nước, trong khi doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng đến hoạt động ứng dụng đổi mới công nghệ.
Thời gian tới, khu vực này sẽ hình thành một số vùng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và đầu tư trọng tâm vào một số lĩnh vực quan trọng để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu. Mục tiêu đến năm 2020, tỉ trọng đóng góp GDP của vùng đạt 28,7% cả nước. (Theo vtv.vn 13/5).
Ra mắt cuốn sách cung cấp kiến thức cơ bản về điện hạt nhân
Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã xuất bản cuốn sách "An toàn điện hạt nhân" do giáo sư Phạm Duy Hiển biên soạn.
Nội dung cuốn sách nêu rõ điện hạt nhân là khoa học đa ngành, nơi hội tụ các đỉnh cao từ nhiều khoa học hiện đại sử dụng tối đa các phương tiện tính toán cực mạnh.
Sách có thể được sử dụng làm tài liệu tham chiếu trong giảng dạy chuyên ngành hạt nhân ở trường đại học. Những người hoạt động trong ngành, kể cả giới quản lý và hoạch định chính sách, có thể tìm thấy ở đây những kiến thức cơ bản, có hệ thống và hữu ích cho công việc của mình.
Đặc biệt, sách ''An toàn điện hạt nhân'' còn hy vọng là chiếc cầu nối trong công nghệ điện hạt nhân đa ngành, giúp chuyên gia thuộc các chuyên môn khác nhanh chóng có được hành trang cần thiết để rẽ sang cống hiến trong lĩnh vực điện hạt nhân. (Theo vietnamplus 11/5).
Khai mạc vòng chung kết Robocon 2015
Tối 12-5, Lễ khai mạc cuộc thi sáng tạo Robot Việt Nam lần thứ 14 đã diễn ra tại TP Cần Thơ với 32 đội tuyển xuất sắc nhất từ 16 trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp trong cả nước.
Ngay sau lễ khai mạc, 12 trận đấu vòng loại của hai bảng A,B đã diễn ra rất sôi động, gay cấn và hấp dẫn. Với chủ đề “ Robot đánh cầu lông”, các robot sẽ phải tham gia vào các trận thi đấu cầu lông thực sự với cầu và vợt tiêu chuẩn.
Các đội sẽ tranh tài qua các vòng 1/32, 1/16, 1/8 để lựa chọn ra nhà vô địch Robocon Việt Nam 2015. Ðội vô địch sẽ đại diện VN tham gia cuộc thi Sáng tạo robot khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào tháng 8-2015 tại Indonesia. (Theo Tuổi trẻ 12/5).
Lần đầu cấy hạt phóng xạ trị ung thư
Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vừa điều trị thành công cho hai bệnh nhân trên 60 tuổi và 80 tuổi bị ung thư tuyến tiền liệt bằng cách cấy hạt phóng xạ vào khối u. Đây là hai trường hợp đầu tiên tại Việt Nam được điều trị bằng kỹ thuật hiện đại này.
Giáo sư Mai Trọng Khoa, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu cho biết, đây là phương pháp đưa các hạt phóng xạ I-125 kích thước nhỏ, phát tia gamma năng lượng thấp vào trong khối u, có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư tại chỗ mà không hoặc ảnh hưởng rất ít tới mô lành xung quanh.
Các kỹ sư Bệnh viện Bạch Mai nạp hạt phóng xạ vào kim cấy phóng xạ.
Ưu điểm của kỹ thuật này là kiểm soát u tại chỗ cao (tỷ lệ kiểm soát bệnh 97%), thời gian và liệu trình điều trị ngắn, ít biến chứng, tăng chất lượng cuộc sống. (Theo vnexpress.net 14/5).
Một học sinh lớp 7 chế tạo thành công đèn bắt côn trùng
Sau thời gian mày mò nghiên cứu, em Nguyễn Duy Long (13 tuổi, học sinh lớp 7, Trường THCS Lương Thế Vinh, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) đã sáng tạo thành công mô hình “đèn bắt côn trùng”.
Duy Long cho biết, dùng vợt điện mua sẵn đem nối vào bình khô (bộ phận tích điện 6V), rồi nối 2 đuôi đèn để thắp sáng bóng điện nhằm dẫn dụ côn trùng bay tới. Kế đến, cho nối 2 công tắc điện (một công tắc điều khiển 2 bóng đèn và một công tắc điều khiển hệ thống lưới điện bắt côn trùng), sử dụng với dòng điện 220V. Sau đó, cho vào một hộp gỗ hình vuông có kích thước khoảng 20cm nhằm làm khung giá đỡ cho vợt bắt côn trùng.
“Vào ban đêm khi mở hệ thống ánh sáng đèn điện lên các côn trùng sẽ bay tới, gặp vợt điện ngay lập tức côn trùng sẽ bị tiêu diệt. Mô hình này còn có tác dụng làm đèn để học bài vào ban đêm, giúp tiết kiệm điện năng” - em Duy Long nói. (Theo công an nhân dân 15/5).
Hà Trang (Tổng hợp)