Hội thảo tham vấn ý kiến dự án Luật Khoa học, công nghệ; Xe thân thiện môi trường; Trichoderma có khả năng xử lý rơm rạ ngay tại đồng; Đẩy mạnh chuyển đổi tổ chức khoa học-công nghệ…là những thông tin khoa học đáng chú ý trong tuần qua.
Hội thảo tham vấn ý kiến dự án Luật Khoa học, công nghệ
Ngày 9-3, Ủy ban Khoa học, công nghệ (KHCN) và môi trường của Quốc hội phối hợp với Văn phòng Quốc hội đã tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến Dự án Luật KHCN sửa đổi (Dự thảo).
Khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật KHCN, các ý kiến đề xuất Dự thảo phải có tầm khái quát cao, đưa ra được những định hướng đúng đắn, vững chắc cho sự phát triển của nền KHCN quốc gia.
Trong đó cần đặc biệt chú trọng tới tính ứng dụng và kế thừa của KHCN, tránh tình trạng cùng một vấn đề nhưng có nhiều đề tài nghiên cứu hoặc đề tài nghiên cứu xong nhưng không được ứng dụng gây lãng phí.
Để khắc phục tình trạng trên, nhiều ý kiến đề xuất nên bổ sung các quy định trong quản lý nhà nước đối với các đề tài nghiên cứu và các chế tài về trách nhiệm ứng dụng của đề tài, trách nhiệm nhận đề tài... (Theo Hà nội mới, 10/3).
Xe thân thiện môi trường
Sinh viên Trường Đại học Nha Trang vừa nghiên cứu và thử nghiệm thành công mô hình ô tô sử dụng năng lượng mặt trời kết hợp năng lượng điện; chế tạo thành công bộ điều khiển phun xăng điện tử có thể tiết kiệm nhiên liệu gấp nhiều lần dùng cho xe gắn máy.
Trên xe có động cơ điện 1.100W, hai tấm pin năng lượng mặt trời, ắc quy loại 12V - 35Ah. Chiếc xe hoạt động dựa trên nguyên tắc: năng lượng từ ánh sáng mặt trời được hấp thụ qua các tấm pin đặt trên trần xe, sau đó được chuyển hóa thành điện năng giúp xe chuyển bánh theo ý của người điều khiển. (Theo Đại biểu nhân dân, 13/3).
Trichoderma có khả năng xử lý rơm rạ ngay tại đồng
Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long vừa nghiên cứu, tuyển chọn và sản xuất thành công chế phẩm sinh học Trichoderma có khả năng xử lý rơm rạ trực tiếp ngoài đồng, với quy mô lớn, giảm chi phí thu gom rơm, vận chuyển và đánh đống ủ.
Kết quả bước đầu đã tận dụng nguồn rơm rạ tại chỗ phục vụ cho sản xuất lúa, góp phần ổn định sự bền vững cho đất lúa thâm canh và nâng cao năng suất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó, giảm chi phí phân bón hóa học và góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế trồng lúa, đáp ứng chiến lược sản xuất nông nghiệp bền vững và bảo vệ tốt môi trường. (Theo vietnamplus, 13/3).
Đẩy mạnh chuyển đổi tổ chức khoa học-công nghệ
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, tính đến nay, trong tổng số 585 tổ chức khoa học và công nghệ công lập của các bộ, ngành, địa phương thuộc diện chuyển đổi hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, đã có 267 tổ chức được phê duyệt đề án chuyến đổi, số còn lại đang xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Trong quá trình chuyển đổi, đã xuất hiện một số mô hình chuyển đổi thành công, tự chủ và năng động, phát huy được thế mạnh trong nghiên cứu ứng dụng, nâng cao được uy tín và năng lực cạnh tranh trên thị trường như Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp (Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam), Trung tâm An ninh mạng và Trung tâm chế tạo máy công nghệ (Đại học Bách khoa Hà Nội), Viện Nghiên cứu vật liệu xây dựng, Viện Công nghệ thực phẩm... (Theo vietnamplus, 14/3).
Viện Công nghệ thực phẩm là một đơn vị chuyển đổi thành công, tự chủ và năng động, phát huy được thế mạnh trong nghiên cứu ứng dụng, nâng cao được uy tín và năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Sản xuất thành công giống cá đối nhân tạo
Cá đối là loài cá có giá trị kinh tế, thịt ngon, rất được người dân ưa chuộng. Tuy nhiên, việc phát triển nghề nuôi cá đối còn gặp khó khăn do thiếu nguồn cá giống. Vừa qua, TS Lê Quốc Việt cùng nhóm cộng sự thuộc Khoa Thủy sản (Trường Đại học Cần Thơ) đã thành công trong việc cho sinh sản nhân tạo, ấp nở và ương nuôi cá bột cá đối với nguồn cá bố mẹ thành thục được chọn từ tự nhiên. Cá đối mẹ có khối lượng 250 g, cho đẻ trên 300.000 trứng, tỷ lệ nở khoảng 50%. Cá bột lớn nhanh, đạt kích cỡ 1,1-1,3 cm và tỷ lệ sống đạt 20-40% sau 3 tuần tuổi.
Hiện tại, nhóm nghiên cứu đang tiếp tục nghiên cứu nâng cao tỷ lệ sống của cá giống nhằm hoàn thiện quy trình để ứng dụng vào sản xuất giống đại trà, phát triển nghề nuôi cá đối ở Đồng bằng sông Cửu Long. (Theo tchdkh.org.vn, 13/3).
Thu hoạch cá đối
Tổng hợp chất tạo xương trong dung dịch sinh học nhân tạo
Nhóm nghiên cứu Nguyễn Minh Kha, Huỳnh Kỳ Phương Hạ, Nguyễn Xuân Phú, Trường đại học Bách khoa TP.HCM đã thành công trong việc tổng hợp hydroxyapatit trong dung dịch sinh học nhân tạo. Thành phần khoáng hóa chủ yếu của xương là calci phosphat, trong đó hydroxyapatit, đóng vai trò quan trọng nhất.
Trong nghiên cứu này hydroxyapatit, được tổng hợp bằng phương pháp tổng hợp trong dung dịch sinh học nhân tạo. Quá trình xảy ra tương tự như sự hình thành và phát triển xương trong cơ thể người.
Nhóm nghiên cứu đã tổng hợp thành công HA đơn pha có hoạt tính sinh học theo phương pháp tổng hợp trong SBF, ủ mẫu trong 24 giờ, bột thu được sấy ở 800C - 16 giờ và nung tại 8000C - 4 giờ. Sản phẩm có độ tinh khiết cao, (Theo Khoa học phổ thông, 14/3).
Hà Trang (Tổng hợp)