Việt Nam – IAEA phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân; Hà Nội hỗ trợ phát triển nhãn hiệu tập thể; Việt Nam sản xuất được nấm đông trùng hạ thảo;...là những thông tin KH&CN đáng chú ý trong tuần qua.
Việt Nam – IAEA phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân
Từ ngày 10- 14/11, tại Hà Nội, Bộ Khoa học- Công nghệ phối hợp với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) tổ chức Hội thảo Việt Nam- IAEA về phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân.
Hội thảo lần này hai bên sẽ phối hợp tích cực và hiệu quả để đánh giá các hoạt động, xác định các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân mà Việt Nam đã triển khai theo các khuyến cáo và đề xuất của Đoàn Công tác INIR 2012 và xác định các lĩnh vực cần tập trung trong thời gian tới cho phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân ở Việt Nam. (Theo Đại biểu nhân dân 11/11).
Hà Nội hỗ trợ phát triển nhãn hiệu tập thể
Thực hiện Chương trình 68 của Bộ KHCN về hỗ trợ tài sản sở hữu trí tuệ đối với DN, Sở KHCN Hà Nội đang triển khai một loạt dự án xây dựng, quản lý phát triển nhãn hiệu tập thể cho các làng nghề, sản phẩm truyền thống.
Trước mắt, sở sẽ hỗ trợ xây dựng, phát triển nhãn hiệu tập thể "Tranh thêu Thường Tín" với tổng kinh phí là 536 triệu đồng. Ngoài ra, sở đang triển khai xây dựng thương hiệu và nhãn hiệu tập thể cho một số sản phẩm đặc sản của một số quận, huyện như "Nhãn chín muộn" ở Hoài Đức, "Bưởi tôm vàng" Đan Phượng, "Nón Chuông" của Thanh Oai, "Rau hữu cơ an toàn" ở Sóc Sơn. Dự kiến, những sản phẩm này sẽ được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ nhãn hiệu tập thể trong năm 2012. (Theo Hà nội mới 11/11).
Việt Nam sản xuất được nấm đông trùng hạ thảo
Viện Bảo vệ thực vật vừa công bố nghiên cứu thành công nấm đông trùng hạ thảo, loại dược liệu quý hiếm với khả năng nâng cao năng lực chống ung thư của cơ thể.
Đông trùng hạ thảo được nuôi cấy trên môi trường nhân sinh khối. Ảnh: Phạm Nhạ
Tiến sĩ Phạm Văn Nhạ, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, đông trùng hạ thảo được nuôi bằng hai phương pháp ở môi trường nhân tạo nhân sinh khối lượng thì
thời gian phát triển 60-75 ngày sẽ có được sản phẩm hoàn thiện. Còn trong môi trường nuôi cấy trên ký chủ, Viện Bảo vệ thực vật sử dụng nhộng tằm còn sống và đặt ở cơ sở uy tín không sử dụng hóa chất. Sau thời gian cấy vào bên trong nhộng, đông trùng hạ thảo sẽ phát triển thành hệ kín bên trong ký chủ và sinh ra hệ thống quả thể là các đầu tua ra bên ngoài với độ cao 4-5 cm. Màu đỏ tươi trên quả thể chính là chỉ thị của chất Cordycepin có chức năng phòng chống u xơ.
Tiến sĩ Nhạ cho biết, trong khi các sản phẩm bên ngoài được bán với giá một tỷ đồng mỗi kg thì Viện chỉ bán 100-120 triệu/kg với sản phẩm trên con ký chủ; và ở dạng môi trường nhân tạo tương đương 7 triệu đồng/kg. (Theo vnexpress 10/11).
Vinh danh 40 công trình, đề tài sáng tạo tiêu biểu toàn quốc
Các công trình, đề tài tiêu biểu được vinh danh tại Festival Sáng tạo trẻ toàn quốc lần thứ 7 năm 2014 do Trung ương Đoàn TNCS HCM tổ chức, diễn ra từ 8-9/11, được ứng dụng trên hầu hết các lĩnh vực đời sống-kinh tế-xã hội.
Một số công trình, đề tài nổi bật đuợc tuyên dương của năm nay như Nghiên cứu tổng hợp Doxophylin sử dụng trong điều trị hen suyễn và COPD của Khoa Dược, Trường Đại học Y Dược TPHCM; Nghiên cứu và chế tạo nền tảng phát triển cho máy thông tin quân sự thế hệ mới sử dụng công nghệ SDR (Vô tuyến định nghĩa bằng phần mềm) của Trung tâm Nghiên cứu thiết bị thông tin Quân sự, Viện Nghiên cứu và Phát triển, Tập đoàn Viễn thông Quân đội;…
Sau 10 năm triển khai, phong trào Sáng tạo trẻ đã trở thành sân chơi khơi gợi nguồn sáng tạo, phát huy tiềm năng to lớn của thanh niên luôn khát khoa được cống hiến, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. (Theo Báo điện tử Chính phủ 10/11).
Đại học Khoa học Huế điều chế thành công thủy tinh lỏng từ tro trấu
Ngày 11-11, Trường Đại học Khoa học Huế cho biết, nhóm sinh viên Hồ Phước Điệp, Nguyễn Thị Lệ Giang và Trần Thị Liên (Khoa Hóa) vừa thành công với đề tài nghiên cứu khoa học điều chế thủy tinh lỏng từ tro trấu.
Nhóm nghiên cứu đã phát hiện trong thành phần của tro trấu chứa một lượng lớn SiO2, khoảng 85% - 90% theo khối lượng. Đặc biệt, SiO2 trong tro trấu tồn tại ở dạng vô định hình, cấp hạt rất mịn, có hoạt tính rất cao. Hiện đề tài của nhóm nghiên cứu đã đoạt giải nhất giải thưởng “Tài năng Khoa học trẻ Việt Nam” năm 2014 của Bộ GD-ĐT.
Hồ Phước Điệp và một thành viên trong nhóm nghiên cứu điều chế thuỷ tinh lỏng từ tro trấu
Nhóm đang tìm kiếm đối tác để ứng dụng điều chế sản xuất vào thực tế, góp phần hạ giá thành sản phẩm và hạn chế ô nhiễm môi trường nông thôn từ phế thải tro trấu trong sản xuất lúa gạo. (Theo Sài gòn giải phóng 11/11).
Chế tạo thành công máy thu giàn câu trên biển
Ba thanh niên Nguyễn Văn Xuân, Phan Thành Nhân và Lê Văn Hoàng đã nghiên cứu cải tiến và chế tạo chiếc máy thu giàn câu, rất tiện lợi cho ngư dân.
Vào tháng 3/2014, từ chiếc máy thu lưới dạng tời, nhóm đã mày mò nghiên cứu cải tiến và chế tạo máy thu giàn câu hoạt động bằng điện ứng dụng cho nghề câu cá lạc, cá hố.
Anh Nguyễn Văn Xuân cho biết, hiện nhóm của anh đã lập hồ sơ về máy thu giàn câu bằng điện gửi tham dự Cuộc thi sáng chế 2014 do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức. (Theo Công an nhân dân 13/11).
Hà Trang (Tổng hợp)