Hoàn thiện quy định chuyển giao công nghệ trong nước; Hội thảo về phát triển điện hạt nhân tại Ninh Thuận; Pháp hỗ trợ Việt Nam phát triển chỉ dẫn địa lý;…là những thông tin KH&CN đáng chú ý trong tuần qua.
Hoàn thiện quy định chuyển giao công nghệ trong nước
Ngày 9.11, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo Thực thi Luật Chuyển giao công nghệ của Việt Nam.
Có hiệu lực từ ngày 1.1.2007, Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006 là văn bản pháp quy có hiệu lực pháp lý cao nhất, quy định thống nhất hoạt động chuyển giao công nghệ trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ Đỗ Hoài Nam, sau gần 10 năm thực thi, một số mục tiêu khi ban hành Luật Chuyển giao công nghệ chưa thực hiện được. Luật chỉ chú trọng đến chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam còn chuyển giao công nghệ trong nước, đặc biệt vấn đề chuyển giao công nghệ, kết quả nghiên cứu giữa các Viện, Trường với doanh nghiệp chưa được giải quyết triệt để….
Để khuyến khích xu hướng phát triển này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ, dự kiến trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 2, QH Khóa XIV. Dự thảo Luật này sẽ bổ sung nội dung về chuyển giao công nghệ trong nước, bao gồm quy định về quyền sở hữu và sử dụng đối với kết quả nghiên cứu có sử dụng nguồn vốn nhà nước; cũng như quy định về chuyển giao công nghệ từ kết quả nghiên cứu từ ngân sách nhà nước. (Theo Đại biểu nhân dân 10/11).
Hội thảo về phát triển điện hạt nhân tại Ninh Thuận
Sáng 12-11, tại TP Phan Rang – Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức Hội thảo – trưng bày về phát triển điện hạt nhân.
Các chuyên gia Nga và Việt Nam đang khảo sát khu vực xây nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1
Tại hội thảo, các chuyên gia đã đánh giá tình hình triển khai dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận; giới thiệu phương thức tiếp cận của Rosatom trong việc xây dựng chấp thuận của công chúng về công nghệ hạt nhân; hiện trạng ngành điện hạt nhân Nhật Bản và hiệu quả mang lại cho địa phương có nhà máy điện hạt nhân; tính cần thiết và tính an toàn của nhà máy điện hạt nhân; chia sẻ kinh nghiệm của các nước Ấn Độ, Malaysia;… trong việc thông tin truyền thông để tạo sự chấp thuận của công chúng tại các cơ sở năng lượng hạt nhân; hình thức kêu gọi sự tham gia của các bên liên quan trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân…
Ban tổ chức cũng đã trưng bày nhiều hình ảnh, mô hình về nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản cũng như mô hình xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 đã thu hút đông đảo người dân tại địa phương đến xem, trao đổi và thể hiện sự đồng thuận cao về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam tại Ninh Thuận trong tương lai. (Theo Nhân Dân 12/11).
Pháp hỗ trợ Việt Nam phát triển chỉ dẫn địa lý
Ngày 11/11, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tổ chức hội thảo khởi động dự án “Hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam”.
Dự án “hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam” có tổng kinh phí thực hiện hơn 1 triệu Euro (tương đương gần 1,3 triệu USD), trong đó nguồn vốn do Cơ quan Phát triển Pháp tài trợ gần 1,1 triệu USD, nhằm hướng đến cải thiện về hệ thống đăng ký, quản lý chỉ dẫn địa lý thông qua xây dựng một phương pháp tiếp cận mới và bài học kinh nghiệm của Châu Âu, đặc biệt là Pháp.
Mục tiêu của dự án là giúp Việt Nam tiến gần đến sự hội nhập trong đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý với các nước trong khu vực và trên thế giới. (Theo VOV 11/11).
Việt Nam giúp Lào phát triển cán bộ quản lý khoa học công nghệ
Ngày 7/11, tại thủ đô Vientiane, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ Lào đã tổ chức Lễ khởi công xây dựng Dự án Trung tâm đào tạo cán bộ quản lý khoa học và công nghệ của Lào.
Với tổng quy mô xây dựng 5.256m2. Tổng mức đầu tư xây dựng công trình là hơn 98 tỷ đồng, trong đó vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Lào là gần 90 tỷ đồng và vốn đối ứng từ nguồn ngân sách của Lào là gần 9 tỷ đồng. Trung tâm đào tạo cán bộ quản lý khoa học và công nghệ của Lào sau khi được xây dựng sẽ đáp ứng việc đào tạo, bồi dưỡng cho khoảng 600-800 cán bộ/năm.
Bộ trưởng Nguyễn Quân phát biểu tại buổi lễ.
Thay mặt Đảng, Chính phủ và Bộ Khoa học và Công nghệ Lào, Bộ trưởng Borviengkham khẳng định đây tiếp tục là một minh chứng sáng chói cho mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, có một không hai trên thế giới giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào và Việt Nam anh em; đồng thời là biểu tượng về sự hợp tác chặt chẽ giữa hai Bộ Khoa học và Công nghệ Lào và Việt Nam nói riêng và hai nước Việt Nam-Lào nói chung.(Theo vietnamplus 7/11).
36 đề tài, giải pháp đoạt giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh
Ngày 10.11, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức trao giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 23.
Hội thi là sân chơi bổ ích dành cho các cá nhân và tổ chức có hoạt động sáng tạo công nghệ trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống. Các tác giả đã gửi đến hội thi những cải tiến, sáng chế mới, các khám phá hoặc các kết quả nghiên cứu có hệ thống. Hội thi đã nhận được 193 hồ sơ tham gia dự thi ở 6 chuyên ngành gồm: giáo dục, đồ dùng dạy học; điện, điện tử, công nghệ thông tin; công nghệ môi trường, công nghệ hóa học; công nghệ sinh học; cơ khí, tự động hóa, giao thông vận tải; y tế.
Ban Tổ chức đã trao giải cho 36 đề tài, giải pháp. Trong đó, có một số đề tài, giải pháp nổi bật như xây dựng và đánh giá mô hình (tham vấn) phối hợp giữa nhân viên y tế và nhân viên xã hội, góp phần làm tăng hiệu quả của chương trình phòng ngừa lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con tại bệnh viện Hùng Vương;...(Theo Đại biểu nhân dân 10/11).
Hà Trang (Tổng hợp)