Công bố danh sách đạt Giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam" năm 2012; Cánh tay robot hỗ trợ người tàn tật; Chế tạo thành công “Robot điều lệnh”; Nâng cao năng lực hội nhập quốc tế về KH-CN;…là những thông tin khoa học đáng chú ý trong tuần qua.
Công bố danh sách đạt Giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam" năm 2012
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố danh sách sinh viên, giảng viên trẻ đạt Giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam" năm 2012.
Theo đó có 26 sinh viên, 5 giảng viên đạt giải Nhất; 37 sinh viên, 18 giảng viên đạt giải Nhì; 157 sinh viên, 22 giảng viên đạt giải Ba; 326 sinh viên, 26 giảng viên đạt giải Khuyến khích…
Để tuyên dương thành tích nghiên cứu khoa học của sinh viên và giảng viên trẻ, sẽ tổ chức Lễ trao Giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” năm 2012 vào ngày 5-1-2013 tại Trung tâm Hội nghị và Tổ chức Sự kiện tỉnh Đồng Nai.(Theo Sài gòn giải phóng 29/12).
Cánh tay robot hỗ trợ người tàn tật
Một nhóm bạn trẻ TP HCM chế tạo thành công cánh tay robot, hỗ trợ chuyển động của vai và khuỷu tay để giúp đỡ người già và người tàn tật trong công việc hàng ngày.
Anh Trường Trọng Toại, thành viên nhóm robot 3T cho biết: "Người điều khiển chỉ cần nhích nhẹ cánh tay, robot sẽ di chuyển trước một khoảng rất nhỏ mà người ngoài không thấy, chỉ người điều khiển mới cảm nhận được để lấy vật nào đó người sử dụng muốn".
Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu của anh Toại sẽ phát triển thêm các phiên bản tiếp theo tập trung vào tính ứng dụng thực tế trong cuộc sống, đơn giản và thuận tiện hơn với người dùng với giá thành rẻ.(Theo vnexpress 30/12).
Chế tạo thành công “Robot điều lệnh”
Hướng đến cuộc thi Robocon Techshow năm 2013, Đội tuyển Robocon Trường Sĩ quan Thông tin (Binh chủng Thông tin Liên lạc) đã tiến hành nghiên cứu, chế tạo thành công sản phẩm Robot với tên gọi “Robot điều lệnh”.
Được chế tạo từ những linh kiện tinh xảo, Robot điều lệnh được thiết kế giống hệt hình mẫu quân nhân, mang mặc quân phục đúng điều lệnh, đội mũ kê-pi. Với lập trình sẵn và thao tác điều khiển, Robot có thể thực hiện các động tác điều lệnh đội ngũ tay không đều, đẹp, chính xác. Ngoài ra, Robot còn được cài phần mềm lồng tiếng, có thể thực hành chào báo cáo, cũng như vừa hô vừa thực hiện một số động tác điều lệnh đội ngũ cơ bản. (Theo Quân đội nhân dân 30/12).
"Máy sấy mật ong quy mô hộ gia đình", đề tài khoa học do PGS.TS. Nguyễn Hay chủ nhiệm
Nâng cao năng lực hội nhập quốc tế về KH-CN
Tại hội thảo “Trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực khoa học công nghệ (KH-CN) khu vực phía Nam” vừa diễn ra tại ĐH Bách khoa TPHCM, các báo cáo cho thấy, đến nay, Việt Nam đã có quan hệ về hợp tác KH-CN với gần 70 nước, tổ chức quốc tế và vùng lãnh thổ; đã ký kết hơn 80 hiệp định hợp tác với Chính phủ và cấp bộ; có hơn 500 thỏa thuận, hợp đồng hợp tác quốc tế được thực hiện tại các cơ sở nghiên cứu các cấp; tổng doanh số hợp tác quốc tế đạt trung bình 150 tỷ đồng/năm;…Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của Việt Nam là năng lực KH-CN còn thấp. Từ đó, các hợp tác quốc tế còn mang tính một chiều; hoạt động chuyển giao công nghệ mới ở mức tiếp nhận thông qua các dự án đầu tư trực tiếp hoặc viện trợ từ nước ngoài.
Các đại biểu cho rằng, cần đẩy mạnh liên kết với các đối tác có tiềm lực ở nước ngoài triển khai các chương trình đào tạo, ưu tiên hình thành các nhóm, tập thể nghiên cứu mạnh. Ngoài ra, kết nội mạng nghiên cứu và đào tạo Việt Nam (VINAREN) với các mạng thông tin quốc tế nhằm chia sẻ, cập nhật kiến thức về KH-CN cho các nhà sáng chế Việt Nam. (Theo Sài gòn giải phóng 2/1)
Máy sấy mật ong quy mô hộ gia đình
PGS-TS Nguyễn Hay, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, đã nghiên cứu, chế tạo thành công máy sấy mật ong theo phương pháp cô đặc chân không, có năng suất 20 kg/mẻ ứng dụng cho quy mô sản xuất hộ gia đình.
Mật ong có hàm lượng nước trên 20% rất dễ bị lên men. Khi bị lên men, mật ong có mùi khó chịu, chứa nhiều nấm mốc, làm hỏng sản phẩm.
Thiết bị mới có thể khắc phục được những nhược điểm này. Máy có thời gian sấy mỗi mẻ 60 phút, nhiệt độ sấy 39,90 C, với tần số đảo trộn 10 lần/phút, cho ra sản phẩm mật ong đạt chất lượng cao.(Theo Người lao động 2/1)
Bắc Cạn đón nhận văn bằng bảo hộ cho quýt và miến dong
Đồng chí Phạm Phi Anh Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ trao Chỉ dẫn địa lý quýt Bắc Kạn và Nhãn hiệu tập thể Miến dong Bắc Kạn cho tỉnh Bắc Kạn.
Sáng 29-12, tỉnh Bắc Cạn tổ chức lễ đón nhận văn bằng chỉ dẫn địa lý quýt và nhãn hiệu tập thể miến dong, hai đặc sản của địa phương.
Phát biểu tại buổi lễ, Cục phó Cục Sở hữu trí tuệ Phạm Phi Anh khẳng định: “Việc quýt Bắc Cạn được cấp đăng ký chỉ dẫn địa lý, không những được công nhận về chất lượng, bảo hộ thương hiệu, mà còn góp phần tích cực quảng bá sản phẩm, nâng cao nhận thức của chính quyền địa phương, nhận thức của nông dân trong việc trồng,…Từ đó, góp phần tích cực giảm nghèo, tiến tới làm giàu cho người trồng quýt, trong đó chủ yếu là người dân tộc thiểu số”.
Trồng cây dong riềng, chế biến ra tinh bột, sản xuất miến dong là nghề truyền thống lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Cạn. Đồng bào dân tộc thiểu số với kinh nghiệm của mình, chế biến củ dong riềng thành tinh bột, sản xuất ra miến dong không dùng hoá chất pha trộn bảo quản nên sản phẩm giữ được mầu sắc tự nhiên, sạch, an toàn cho người sử dụng. (Theo Nhân dân 3/1)
Phối hợp phát triển kỹ thuật công nghệ trong chẩn đoán, điều trị bệnh
Bộ KH&CN cho biết, thời gian tới sẽ tăng cường phối hợp với Bộ Y tế trong việc phát triển một số mũi nhọn về kỹ thuật công nghệ trong chẩn đoán, điều trị và các sản phẩm y dược công nghệ cao.
Đó là thông tin từ hội thảo "Ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ chuẩn đoán, điều trị bằng các kỹ thuật ít xâm lấn" tổ chức tuần qua. Từ năm 2011 đến 2013, Bộ KH&CN đã phê duyệt 16 đề tài về phát triển các kỹ thuật ít xâm lấn với kinh phí khoảng 50 tỷ đồng. Đến nay, Việt Nam đã đạt được những thành tựu ngang hàng với các nước tiên tiến như ghép tạng, kỹ thuật can thiệp mạch, nội soi…(Hà nội mới 4/1)
Ngọc Anh (Tổng hợp)