Việt - Nhật thúc đẩy hợp tác KH&CN; Phát động tháng hưởng ứng Ngày sở hữu trí tuệ thế giới 26.4; Lần đầu ghép thành công tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng… là những thông tin KH&CN đáng chú ý trong tuần qua.
Bộ trưởng KH&CN: “Doanh nghiệp là trung tâm đổi mới khoa học công nghệ”
Ngày 31/03/2015, tại Hà Nội, Đề tài độc lập cấp nhà nước “ Phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam đến 2020” do Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà chủ trì phối hợp với Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN – Bộ Khoa học và Công nghệ và Tập đoàn TH tổ chức Hội thảo khoa học “Vai trò của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Nguyễn Quân - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định: “Doanh nghiệp là trọng tâm, là trung tâm của quá trình đổi mới khoa học công nghệ quốc gia, là địa chỉ ứng dụng công nghệ quan trọng nhất và là nguồn cầu của nền kinh tế”.
Trong đó vai trò của doanh nghiệp và đặc biệt là doanh nghiệp đổi mới sáng tạo là nòng cốt, là địa chỉ ứng dụng khoa học công nghệ quan trọng nhất vào sản xuất kinh doanh để đưa Việt Nam ta rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tếquốc tế sâu rộng. (Theo vtc.vn 1/4).
Việt - Nhật thúc đẩy hợp tác KH&CN
Ngày 29/3, tại Hà Nội, đã diễn ra Khóa họp lần thứ 4 giữa Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Nhật Bản về hợp tác khoa học và công nghệ. Khoá họp tập trung vào các chủ đề như: nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và sử dụng hợp lý tài nguyên nước...
Phát biểu tại Khóa họp, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trần Quốc Khánh đánh giá cao việc hợp tác giữa hai nước, đặc biệt là các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ “Chương trình đối tác nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững” và “Chương trình nghiên cứu chung Khu vực khoa học và đổi mới công nghệ Đông Á”.
Hiệp định hợp tác về khoa học và công nghệ giữa Việt Nam - Nhật Bản được kí kết năm 2006, trên cơ sở đó, hợp tác về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ nghệ giữa hai nước ngày càng trở nên phong phú, đi vào chiều sâu và đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. (Theo Chính phủ 29/3).
Phát động tháng hưởng ứng Ngày sở hữu trí tuệ thế giới 26.4
Ngày 31.3, Bộ Khoa học và Công nghệ với sự hỗ trợ của Liên minh phần mềm đã tổ chức lễ công bố và phát động chương trình tháng hưởng ứng Ngày sở hữu trí tuệ thế giới 26.4.
Tháng hưởng ứng diễn ra từ ngày 31.3 – 30.4 sẽ tập trung vào phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ. Đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm ra việc chấp hành các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ sẽ tiếp tục được triển khai và đẩy mạnh vào tháng 5 và các tháng tiếp theo.
Tháng hưởng ứng Ngày sở hữu trí tuệ thế giới nhằm huy động sự tham gia của toàn xã hội trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về quyền sở hữu trí tuệ trong việc xác lập, khai thác phát triển và bảo vệ giá trị tài sản sở hữu trí tuệ; trách nhiệm của các cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ;…(Theo Đại biểu nhân dân 31/3).
Lần đầu ghép thành công tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng
Bệnh nhân Hoàng Thị Thuỳ Linh, 28 tuổi, bị ung thư máu, là người đầu tiên được Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương (HH&TM TƯ) thực hiện ghép thành công tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng.
Đây là thông tin được Viện HH&TM TƯ cho biết tại cuộc họp báo chiều 2/4. Ca ghép được thực hiện ngày 30/12/2014 từ một trong 6 mẫu hoà hợp được lấy từ mẫu tế bào lưu trữ tại Ngân hàng Tế bào gốc cộng đồng. Đây là phương pháp truyền tế bào gốc tạo máu từ người cho phù hợp, chủ yếu là cùng huyết thống.
Hiện nay, bệnh nhân đã trở lại với các hoạt động bình thường và không cần truyền máu từ cách đây 1 tháng. Đây là thành công rất lớn, cho phép tin tưởng có thể xây dựng thành công một ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng ở Việt Nam bằng máu dây rốn hiến tặng”. (Theo Công an nhân dân 2/4).
Sức khỏe bệnh nhân Hoàng Thị Thùy Linh đã ổn định.
Học sinh lớp 11 sáng chế biện pháp chống rò rỉ "vàng đen"
Hai học sinh lớp 11A2 trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) là là Đinh Tiến Dũng và Hoàng Minh Quang đã xuất sắc giành giải nhất lĩnh vực Hóa học với đề tài "Nguyên cứu chế tạo vật liệu thu gom xử lý dầu tràn có chứa hạt nano sắt từ".
Đề tài của hai “nhà khoa học” trẻ tuổi này cũng giành giải nhì chung cuộc thi và vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn đi tham dự hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế - Intel ISEF 2015 tại Mỹ trong thời gian sắp tới.
Về đề tài của khoa học của mình, Quang và Dũng chia sẻ, vật liệu hấp thu dầu được tổng hợp bằng phương pháp trùng hợp huyền phù hai monome là Styren và Divinylbenzen cùng với hạt nano oxit sắt từ đã được olet hóa bề mặt. Vật liệu khi được thả xuống sẽ hấp thu dầu bằng nam châm do từ tính của hạt nano oxit sắt từ, từ đó xử lý những vệt dầu loang một cách triệt để, tránh ô nhiễm môi trường.(Theo Dân trí 3/4).
Nguyệt thực toàn phần duy nhất trong năm vào tối 4-4
Thông tin từ Hội Thiên văn nghiệp dư Hà Nội cho biết: Vào lúc 16 giờ 1 phút Mặt Trăng sẽ đi vào vùng bóng nửa tối pha một phần bắt đầu lúc 17 giờ 15 phút pha toàn phần bắt đầu lúc 18 giờ 57 phút đạt cực đại lúc 19 giờ 00 phút. Pha toàn phần sẽ kết thúc lúc 19 giờ 2 phút pha một phần kết thúc lúc 20 giờ 44 phút. Mặt Trăng đi ra khỏi vùng bóng nửa tối lúc 21 giờ 59 phút và kết thúc hoàn toàn sự kiện này.
Với hiện tượng nguyệt thực toàn phần, người yêu thiên văn có thể quan sát bằng mắt thường, nhưng sự kiện sẽ thú vị hơn nếu có ống nhòm hoặc kính thiên văn. Người xem cần lựa chọn khu vực rộng rãi không bị cản bởi các tòa nhà cao tầng, không khí trong lành và tránh ánh sáng đèn để có thể quan sát được rõ hơn. (Theo Sài gòn giải phóng 2/4).
Hội thiên văn nghiệp dư Hà Nội tổ chức quan sát hiện tượng thiên văn cho các thành viên.
Lâm Đồng: Hơn 16 tỷ đồng dành cho sự nghiệp khoa học công nghệ 2015
Ngày 30/3, Sở KH-CN Lâm Đồng cho biết, theo quyết định phân bổ kinh phí của UBND tỉnh Lâm Đồng, năm 2015 này, khoản tiền dành cho sự nghiệp khoa học công nghệ của tỉnh là 16 tỷ 070 triệu đồng.
Năm 2015, trong các nội dung đề tài nghiên cứu KH-CN Lâm Đồng triển khai mới và cả chuyển tiếp từ các năm trước sang, nội dung đề tài thuộc lĩnh vực nông nghiệp vẫn chiếm phần lớn. Có thể kể như: “Nghiên cứu tác nhân gây bệnh do ký sinh trùng, nấm và vi khuẩn trên cá giống và trứng của cá hồi và cá tầm tại Lâm Đồng” (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III thực hiện), “Lai tạo giống bò thịt cao sản thích hợp với điều kiện chăn nuôi tại Lâm Đồng” (Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên...... (Theo Nông nghiệp 31/3).
Hà Trang (Tổng hợp)