Đại biểu quốc hội cơ bản tán thành Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi); Nhà nước vẫn đặt hàng với công ty tư nhân; Bộ KH&CN xếp thứ 3 về cải cách hành chính năm 2016;...là những thông tin KH&CN đáng chú ý trong tuần qua.
Đại biểu quốc hội cơ bản tán thành Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi)
Sáng 2/6, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.
Báo cáo trước Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nêu rõ những điểm đã được tiếp thu, chỉnh lý của dự án luật. Theo đó, sau khi tiếp thu, chỉnh sửa, dự thảo luật có 6 chương, 63 điều (tăng 1 điều so với dự thảo Chính phủ trình Quốc hội).
Liên quan đến chính sách của Nhà nước đối với chuyển giao công nghệ (CGCN) ở điều 4, một số ý kiến đề nghị chỉnh sửa, bổ sung chính sách để làm rõ hơn đối với 3 luồng CGCN. Đối với luồng CGCN từ nước ngoài vào Việt Nam, cần khuyến khích CGCN cao, tiên tiến đã được kiểm chứng. Đối với luồng CGCN trong nước, cần có chính sách thúc đẩy việc CGCN từ các viện, trường, các tổ chức KH&CN trong nước vào sản xuất, coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới và CGCN, đẩy mạnh sự lan tỏa công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang khu vực doanh nghiệp trong nước. Đối với luồng CGCN từ Việt Nam ra nước ngoài, cần coi đây là một trong những động lực quan trọng của đổi mới công nghệ...
Ngay sau phần trình bày báo cáo của Ủy ban Thẩm tra, tại phiên thảo luận hội trường, đã có 26 lượt đại biểu đăng ký phát biểu góp ý thêm cho dự thảo Luật và 6 đại biểu đã đăng ký nhưng không còn thời gian phát biểu. Theo đó, cơ bản các ý kiến tán thành báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) do ông Phan Xuân Dũng trình bày. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cơ quan thẩm tra, ban soạn thảo rà soát bổ sung một số điều trong dự thảo để luật được chặt chẽ hơn.
Ngay sau phần ý kiến của các đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã đề nghị Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh giải trình thêm.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh khẳng định đây là cơ hội để ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện dự án luật.
Liên quan đến các nhóm vấn đề được các đại biểu góp ý, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định, ban soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan khẩn trương tiếp thu các ý kiến đại biểu để hoàn thiện, chỉnh lý để dự thảo Luật đạt kỳ vọng như đại biểu quốc hội đã đặt ra.
Theo chương trình, vào ngày 19/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi). (Theo báo khoa học phát triển 2/6).
Nhà nước vẫn đặt hàng với công ty tư nhân
Làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ về đổi mới cơ chế với các đơn vị nghiên cứu KHCN, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh tinh thần không được phân biệt đối xử với các đơn vị công lập hay dân lập, "nhà nước vẫn đặt hàng dịch vụ đối với các công ty cổ phần, tư nhân”.
Sáng 1/6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) đã làm việc với Bộ KH&CN. Cùng tham dự còn có Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, một số ủy ban của Quốc hội và các bộ, ngành Trung ương.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết buổi làm việc tại Bộ KH&CN cũng như tại các bộ, ngành địa phương khác sẽ giúp Chính phủ hoàn thành Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống ĐVSNCL để trình Trung ương cho ý kiến tại Hội nghị lần thứ 6, góp phần tạo căn cứ để Trung ương tiếp tục thảo luận Đề án cải cách tiền lương tại Hội nghị lần thứ 7.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định việc Trung ương thảo luận Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại ĐVSNCL là cơ hội để cho đơn vị KHCN phát triển đột phá, thực sự đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế.
Bộ trưởng cho biết đây sẽ là nhiệm vụ quan trọng của Bộ trong thời gian tới, trong đó có các lĩnh vực, đơn vị cụ thể mà tư nhân có thể tham gia đầu tư thì phải đổi mới nhanh, mạnh mẽ hơn nữa. Trong thời gian tới, Nhà nước sẽ chỉ tập trung đầu tư vào các lĩnh vực đặc thù, nghiên cứu khoa học cơ bản và chỉ tiêu đo lường chất lượng…(Theo Báo điện tử chính phủ 1/6).
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Thành Chung
Bộ KH&CN xếp thứ 3 về cải cách hành chính năm 2016
Báo điện tử Khám phá ngày 2/6 đưa thông tin, Năm 2016, chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của Bộ KH&CN tăng 14 bậc so với năm 2015, đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng về phía Bộ ngành. Đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2016 về phía địa phương là Đà Nẵng.
Ngày 30/5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chủ trì cuộc họp Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2017 và công bố Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2016 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2016).
Báo cáo của Bộ Nội vụ cho thấy Kết quả Chỉ số Cải cách hành chính (CCHC) năm 2016 của các bộ chia thành 02 nhóm:
Nhóm thứ nhất đạt kết quả Chỉ số trên 80% gồm: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Nhóm thứ hai đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 70% đến dưới 80% gồm: Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy Ban dân tộc, Thanh tra Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Giá trị trung bình của 19 Bộ, cơ quan ngang Bộ đạt được 80,94%, không có bộ nào có kết quả dưới 70%. Có 8 bộ có chỉ số CCHC năm 2016 trên mức giá trị trung bình đạt được của 19 Bộ.
Nhà khoa học Việt đầu tiên được Nhật vinh danh trong lĩnh vực động cơ điện
Ngày 01/6 báo điện tử vnexpress cho biết, PGS.TS. Tạ Cao Minh, Trường đại học Bách khoa Hà Nội sẽ nhận giải thưởng danh giá Nagamori của Nhật Bản vì những đóng góp trong lĩnh vực nghiên cứu động cơ điện.
Các công trình nghiên cứu của PGS.TS Tạ Cao Minh được gửi tới Ban tổ chức cuối tháng 1 và 4 tháng sau đó ông nhận thông báo giành giải thưởng Nagamori cùng 7 nhà khoa học khác, gồm 6 ở Nhật và một ở Thái Lan.
Nagamori là tên nhà sáng lập, chủ tịch và giám đốc điều hành Tập đoàn Nidec của Nhật Bản, một trong những nhà sản xuất động cơ điện hàng đầu thế giới. Giải thưởng không chỉ tôn vinh những nhà khoa học xuất sắc tại Nhật Bản mà còn trên thế giới trong lĩnh vực thiết kế và điều khiển động cơ điện, những công nghệ có liên quan, giải quyết vấn đề chính như bảo đảm chất lượng cuộc sống, bảo vệ môi trường toàn cầu.
Quỹ Nagamori được thành lập năm 2014 và giải thưởng được bắt đầu từ năm 2015. Năm đầu tiên giải thưởng được trao cho 3 nhà khoa học Nhật Bản và 3 nhà khoa học Áo, Đài Loan và Thuỵ Sĩ. Năm 2016 có 5 nhà khoa học Nhật Bản và một nhà khoa học Hà Lan (gốc Nga) được trao giải.
Sáng kiến “độc” của hai học sinh nghèo được Hội thảo quốc tế quan tâm
Tại Hội thảo quốc tế “Thách thức an ninh nguồn nước sông Mêkông và câu chuyện ở ĐBSCL - Việt Nam” do Trung tâm con người và thiên nhiên (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) kết hợp cùng Trường ĐH Cần Thơ tổ chức, khai mạc tại TP Cần Thơ sáng 29-5, nhiều đại biểu, cùng nhiều nhà khoa học, chuyên gia môi trường đặc biệt quan tâm đến sáng kiến của hai học sinh nghèo vùng biên giới An Giang, đó là Võ Thành Hưng và Trần Thị Thảo Quyên (cùng SN 2000, học sinh lớp 11A4 Trường THPT Vĩnh Xương).
Sản phẩm của Hưng và Quyên thiết kế dựa trên tính toán khá đơn giản, dễ vận chuyển, gần gũi với thiên nhiên và đặc biệt là có độ bền cao, dễ sử dụng,… nhưng không phải ai cũng nghĩ ra. Hưng cho biết, do sáng kiến của các em có mục đích cho người dân nghèo nên tất cả các thiết bị cũng được tính toán kỹ nhất, nhất là giá thành phải rẻ nhất.
“Máy lọc này được tạo thành bởi pin năng lượng mặt trời, bộ điều khiển sạc, bộ biến DC sang AC, bình ắc quy, khung kính, điện trở, hệ thống ống,…Tổng giá thành phẩm chỉ khoảng 790 ngàn đồng”, Hưng cho biết thêm... (Theo Công an nhân dân 29/5).
Võ Thành Hưng và Trần Thị Thảo Quyên chụp ảnh chung với Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam
6 học sinh Việt Nam nhận vé thi khoa học quốc tế tại Úc
Kết thúc cuộc thi Khoa học ứng dụng 2017 (LEGO Education) lần đầu được tổ chức ở Việt Nam, 6 học sinh đến từ Hà Nội và TPHCM đã xuất sắc giành vé tham dự cuộc thi Khoa học ứng dụng First Lego League Châu Á - Thái Bình Dương diễn ra tháng 7 tới tại Sydney, Australia.
Đây là lần đầu cuộc thi khoa học ứng dụng được tổ chức cho học sinh tiểu học ở Việt Nam. Hơn 200 đội đến từ 50 trường tiểu học trên cả nước đã tham dự. Thông qua việc lắp ráp, chế tạo robot, các em có cơ hội giao lưu, học hỏi và rèn luyện các kỹ năng như kỹ năng giải quyết vấn đề, giao tiếp, làm việc nhóm và phản biện, qua đó phát triển năng lực bản thân.
Kết quả, đội học sinh Trường liên cấp Song ngữ Quốc tế Wellspring gồm 3 học sinh Cao Trần Thiên An, Lê Thụy Lam Khanh, Lê Minh Ngọc đã giành giải xuất sắc ở bảng dành cho học sinh lớp 3 (9 tuổi). Đội Mushroom gồm 3 học sinh Phùng Mai Thùy Khuê (Trường Quốc tế Canada), Kim Bu Bin (Trường Trưng Trắc) và Trịnh Nhựt Nam (Trường Renaissance International School Saigo) giành giải xuất sắc ở bảng dành cho học sinh lớp 4-5. Hai đội sẽ đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi khoa học ứng dụng First Lego League châu Á - Thái Bình Dương diễn ra vào 10-12/7 tới tại Sydney, Australia. (Theo Tiền phong 1/6).
Hà Trang (Tổng hợp)