Trong tuần qua (từ 26/8-1/9/2017) có một số thông tin khoa học và công nghệ (KH&CN) đáng chú ý được báo chí đưa tin như: Công bố 72 công trình, giải pháp sáng tạo khoa học công nghệ; TPHCM thí điểm thu phí đỗ ô tô qua điện thoại; Khánh thành phòng thí nghiệm dược cho sinh viên; Nông dân lớp 7 sáng chế robot gieo hạt xuất sang Mỹ, Đức; Chương trình đào tạo chuẩn quốc tế cho cộng đồng khởi nghiệp TP.HCM.
Công bố 72 công trình, giải pháp sáng tạo khoa học công nghệ
Ngày 28/8 báo điện tử Vietnamplus đưa tin, nhân kỷ niệm 72 năm Quốc khánh Việt Nam (2/9/1945-2/9/2017), ngày 28/8, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức Lễ công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2017 và phát động Phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo."
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và trao giấy chứng nhận cho các tác giả đoạt giải.
Tiếp tục thành công của Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2016 với 71 công trình sáng kiến, sáng tạo được vinh danh nhân kỷ niệm 71 năm Ngày Quốc khánh, năm 2017, kỷ niệm 72 năm Ngày Quốc khánh, Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2017 được công bố gồm 72 công trình, giải pháp sáng tạo khoa học công nghệ được tuyển chọn từ 141 công trình do các bộ ngành, các tổ chức thành viên, các tỉnh thành giới thiệu và đề nghị.
Một trong số các công trình, giải pháp sáng tạo khoa học công nghệ tiêu biểu được vinh danh năm nay như: "Ứng dụng Bioreactor trong sản xuất giống cây càphê bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào” của nhóm tác giả đến từ Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Tây Nguyên; “máy thu hái hồi” của hai học sinh Hoàng Việt Bách (lớp 10) và Lương Gia Khánh (lớp 12) đến từ Trường Trung học Phổ thông Chuyên Chu Văn An, Lạng Sơn (công trình đoạt giải Nhất Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh Trung học năm học 2016-2017 do Bộ Giáo dục- Đào tạo tổ chức)…
Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, các tác phẩm được công bố trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam đều là những công trình sáng tạo khoa học công nghệ tiêu biểu, các dự án, sáng kiến, nhất là các sáng kiến có giá trị hỗ trợ cộng đồng về y tế, môi trường về phát triển kinh tế-xã hội ở những địa bàn khó khăn, biên giới, biển đảo và được ứng dụng rộng rãi trong xã hội.
Việc công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam không chỉ nhằm tôn vinh các nhà khoa học và thành tựu khoa học công nghệ mà còn nâng cao nhận thức, khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, tinh thần đam mê lao động sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân; thông qua đó góp phần kết nối, tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì sự phát triển bền vững của đất nước.
Cũng tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chính thức phát động phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế” tới tất cả các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư người Việt Nam ở trong và ngoài nước, đặc biệt là đội ngũ trí thức, doanh nhân, thanh niên, người lao động trực tiếp sản xuất và kinh doanh.
Phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo” nhằm mục tiêu kết nối các phong trào thi đua sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân, tạo những chuyển biến mạnh mẽ, có tính đột phá trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Phát huy sức sáng tạo của mọi người Việt Nam trong và ngoài nước thành sức mạnh sáng tạo của toàn dân tộc.
Quá trình thực hiện phong trào sẽ góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng thời ứng dụng thành tựu nghiên cứu khoa học-công nghệ vào thực tiễn, khuyến khích phát triển tài năng sáng tạo của người Việt Nam.
"Trong quá trình triển khai, cần thường xuyên đổi mới cách tổ chức làm sao cho hấp dẫn hơn, ý nghĩa hơn, hiệu quả hơn, tránh phô trương, hình thức, bảo đảm tính ứng dụng cao vào thực tiễn và mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội cụ thể," Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu rõ.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tuyển chọn, biên tập, công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2017 với 72 công trình, giải pháp sáng tạo khoa học công nghệ tiêu biểu và phát động Phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo” trong cả nước.
Nhấn mạnh “Đổi mới sáng tạo luôn tạo động lực cho sự phát triển của xã hội," Thủ tướng cho rằng trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng và bối cảnh thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quốc gia nào có năng lực đổi mới, sáng tạo cao sẽ có nhiều cơ hội để vượt lên, phát triển nhanh, bền vững.
Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến công tác thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nhất là trong phát triển khoa học công nghệ, phát hiện, đào tạo tài năng. Chính phủ luôn quan tâm đầu tư phát triển khoa học công nghệ, dành những điều kiện tốt nhất, phù hợp với khả năng của đất nước để các nhà khoa học phát huy tài năng, sáng tạo và cống hiến cho Tổ quốc.
Thủ tướng đánh giá Phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo” góp phần động viên khuyến khích sự đoàn kết, phát huy rộng rãi sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân; cổ vũ tôn vinh các nhà khoa học, nhà sáng chế, khơi dậy tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc, góp phần hình thành văn hóa sáng tạo, khẳng định trí tuệ, năng lực sáng tạo của người Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trao Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2017 và vinh danh cho các tác giả. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)
Để phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo” được phát động thực sự khơi dậy, phát huy cao độ sức sáng tạo của mỗi người Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ, quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, tạo được những thể chế thông thoáng về trọng dụng nhân tài cho đất nước, kể cả đối với kiều bào ở nước ngoài.
Thủ tướng đề nghị các bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố cần hỗ trợ tích cực, phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp để hưởng ứng tổ chức triển khai phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo” trong phạm vi cả nước tránh hình thức, đảm bảo thiết thực, hiệu quả nhằm khơi dậy, phát huy cao độ sức sáng tạo của mỗi người Việt Nam và toàn dân tộc ta, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế-xã hội của đất nước.
Cùng với đó là tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, nghiên cứu các chính sách đột phá về khoa học công nghệ, không ngừng quan tâm, khuyến khích động viên các cấp, các ngành, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân tận dụng, phát huy xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tập trung sáng tạo, nghiên cứu tạo ra các sản phẩm, ý tưởng có tính ứng dụng cao, thúc đẩy tăng năng suất lao động, chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm góp phần thiết thực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thủ tướng cho rằng cần chú trọng nghiên cứu các đề tài khoa học, giải pháp công nghệ trong các ngành, lĩnh vực then chốt đang được quan tâm hiện nay như tài nguyên môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản, năng lượng sạch, vật liệu mới... và đặc biệt nâng cao năng suất lao động xã hội.
Trên cơ sở tổ chức tốt các cuộc thi sáng tạo khoa học công nghệ trong cả nước nhất là Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc và Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam, Thủ tướng đề nghị, tiếp tục cho ra mắt Sách vàng Sáng tạo Việt Nam vào dịp kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2/9 hằng năm để công bố rộng rãi, làm phong phú và tôn vinh các công trình, giải pháp khoa học công nghệ, đưa sản phẩm khoa học, công nghệ đi vào cuộc sống.
Thủ tướng bày tỏ tin tưởng những phong trào thi đua và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên sẽ truyền cảm hứng, niềm say mê sáng tạo cho thế hệ trẻ, cho cộng đồng và toàn xã hội để nuôi dưỡng, bồi đắp nguồn trí tuệ Việt Nam ngày càng lớn mạnh, tạo nên những động lực mạnh mẽ để xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
TPHCM thí điểm thu phí đỗ ô tô qua điện thoại
Báo điện tử Chính phủ ngày 28/8 đưa tin, Đề án thí điểm ứng dụng công nghệ trong quản lý thu phí đỗ ô tô tại Quận 1, TPHCM sẽ tạo điều kiện cho người dân đặt chỗ, thanh toán phí gửi xe qua phần mềm điện thoại, nhằm bảo đảm việc thu phí đỗ ô tô một cách chính xác; hạn chế tiêu cực phát sinh.
Chính quyền TPHCM vừa đồng ý cho Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM thí điểm ứng dụng công nghệ trong quản lý thu phí đỗ ô tô tại Quận 1.
Đường Phan Bội Châu, Quận 1 sẽ được thí điểm mô hình đỗ xe trả phí qua điện thoại. Ảnh: Báo Người lao động)
Việc thu phí đỗ ô tô qua điện thoại sẽ thực hiện tại khu vực trước khách sạn New World trên đường Lê Lai và đường Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu (khu vực gần chợ Bến Thành) với quy mô 150-170 chỗ đỗ.Theo đó, khi có nhu cầu, người dân dùng điện thoại để vào ứng dụng My Parking. Tại đây, người dùng có thể xem chi tiết thông tin về bãi đỗ xe như: Số chỗ còn trống, lộ trình lưu thông đến vị trí bãi và có thể thanh toán trước phí đặt chỗ.
Hệ thống cũng sẽ tính toán chính xác thời gian xe vào bãi cho đến khi ra bãi và số tiền phải trả. Thời gian thí điểm việc thu phí đỗ xe qua điện thoại là 3 tháng.
Mục đích của việc ứng dụng công nghệ vào thu phí đậu xe nhằm bảo đảm việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ ô tô một cách chính xác; hạn chế tiêu cực phát sinh trong qua trình thu phí đỗ xe hiện nay theo hình thức thủ công thông qua phát phiếu giữ xe.
Sở GTVT TPHCM cho rằng, mức phí giữ ô tô dưới lòng đường hiện nay quá thấp, một số nơi chưa thu phí dẫn đến tình trạng biến lòng lề đường thành bãi đỗ xe. Vì thế, Sở đang xây dựng dự thảo đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TPHCM.
Trong đó, mức phí sử dụng tạm thời lòng đường để đậu xe dự kiến sẽ thu theo thời gian. Đối với ô tô 10 chỗ trở xuống tại khu vực trung tâm mức phí dự kiến là 20.000 đồng/xe/lượt ban ngày và 40.000 đồng/xe/lượt ban đêm.
Đối với ô tô trên 10 chỗ, mức phí tối đa đối với khu trung tâm là 25.000 đồng/xe/lượt ban ngày và 50.000 đồng/xe/lượt ban đêm.
Khánh thành phòng thí nghiệm dược cho sinh viên
Trường ĐH Tôn Đức Thắng, TP.HCM vừa tổ chức lễ khánh thành Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật và phòng thí nghiệm thực hành dược đặt tại trường.
Theo GS Nguyễn Minh Đức - trưởng khoa dược Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật và phòng thí nghiệm thực hành dược sẽ giúp sinh viên tiếp cận được kiến thức, kỹ năng thực hành công nghệ sản xuất dược phẩm tiên tiến.
Sinh viên cũng có cơ hội được giao lưu với các chuyên gia nước ngoài trong ngành dược, các doanh nghiệp chuyên sản xuất dược trong nước.
Khách tham quan phòng thí nghiệm dược của Trường ĐH Tôn Đức Thắng
Tại phòng thí nghiệm thực hành dược, giảng viên, sinh viên có điều kiện thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học sát với thực tiễn, qua đó trường cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp.
Phòng thí nghiệm dược đã trang bị một máy bao phim viên nén trị giá hơn 1 tỉ đồng. Sắp tới phòng sẽ trang bị thêm máy đánh giá độ cứng của thuốc viên, máy đo độ ẩm thuốc viên... (Theo báo Tuổi trẻ ngày 30/8).
Nông dân lớp 7 sáng chế robot gieo hạt xuất sang Mỹ, Đức
Nông dân Hải Dương được mọi người thán phục khi sáng chế nông nghiệp do ông tạo ra được Mỹ, Đức đặt hàng.
Mới học hết lớp 7, nhưng ông Phạm Văn Hát (45 tuổi, thôn Kim Đôi, xã Ngọc Kỳ, Tứ Kỳ, Hải Dương) đã sáng chế thành công hàng chục máy nông nghiệp, như máy đánh luống, máy thu hoạch rau húng, máy rạch hàng, máy cày hai lưỡi. Trong đó, robot gieo hạt tự động là sản phẩm ông tâm huyết và được nhiều người không chỉ trong nước mà ngay cả Đức, Mỹ cũng quan tâm.
Ông Hát cho biết, mỗi năm ông bán vài chục chiếc với giá 35 triệu đồng cho người Việt và 3.500 USD khi xuất sang Đức hoặc Mỹ. Robot gieo hạt đã được bán đi 14 nước. "Đạt thành quả như hôm nay, tôi và gia đình đã trải qua bao nhiêu gian truân, có lúc tưởng không thể gượng dậy", ông nói.
Sinh ra trong gia đình làm nông tám anh chị em, ông Hát phải nghỉ học sớm để phụ giúp gia đình. Học hết lớp 7, cậu bé Hát khi đó được gửi đến xưởng cơ khí trên thành phố vừa học vừa làm. Có chút kiến thức vững chắc, ông trở về quê hương mở xưởng cơ khí riêng.
Để phát triển kinh tế gia đình, giai đoạn 2007-2010, ông Hát còn thuê ba hec-ta trồng rau sạch. Hồi đó khái niệm "rau hữu cơ", "rau an toàn" chưa được nhiều người biết đến, nên đầu ra cho sản phẩm không ổn định, khiến gia đình ông lâm cảnh nợ nần với số tiền lên ba tỷ đồng.
Không nhụt chí, ông quyết định vay thêm 200 triệu đi xuất khẩu sang Israel vừa làm để trả nợ, vừa học tập kinh nghiệm trồng rau an toàn. Tại đây, dù có sự hỗ trợ của máy móc, nhưng nhiều công đoạn sản xuất rau vẫn làm thủ công với hiệu suất không cao, trong khi người làm mỗi ngày tới 10 tiếng.
Với kiến thức về cơ khí, người nông dân Việt mạnh dạn đề xuất với chủ trang trại một số cải tiến kỹ thuật nông cụ để giảm sức lao động, tăng năng suất. Người chủ đồng ý và sau 6 tháng ông Hát đã tạo ra chiếc máy rải phân trên gốc cây. Bất ngờ hơn khi nó được nhiều trang trại khác đặt mua. "Ông chủ đã bán bản quyền với giá 4 tỷ đồng Việt Nam, rồi cho tôi 200 triệu đồng", ông Hát nhớ lại.
Ông còn tạo ra các sản phẩm khác giúp ích trang trại như máy cắt rau và vệ sinh luống rau, nên người chủ Israel ngày càng tín nhiệm và muốn giữ ông ở lại với mức lương hơn 2.000 USD. Nhưng ông từ chối để quay về Việt Nam với mong muốn giúp ích cho gia đình và bà con. Năm 2012 ông về nước và dùng số tiền tích lũy mở xưởng cơ khí.
Về quê, ông tiếp tục tạo thêm nhiều sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Một hôm ông nhận được đơn đặt hàng sáng chế chiếc máy gieo hạt tự động do không có nhân công làm từ người anh trai chuyên làm cây con giống. Ông Hát đồng ý và bắt tay thực hiện khoảng giữa năm 2012. Mày mò, kiên trì trong hai năm, chiếc máy ra đời trông thô kệch và các hạt rải trên luống không đều.
Ông Phạm Văn Hát đang chỉnh sửa máy (Ảnh: GTVT)
"Thời kỳ này, gia đình tôi lục đục vì khoản nợ cũ chưa trả hết, còn tôi đang làm những thứ chẳng những không ra tiền mà số tiền ít ỏi trong nhà lại lần lượt không cánh mà bay. Thấy tôi quyết tâm, vợ và con mới hết ngăn cản", ông Hát nhớ lại.
Kiên trì cải tiến, cuối cùng ông đã thành công. Robot nặng 20 kg có khả năng gieo các loạt hạt rau. Nó được thiết kế đi trên mọi địa hình, mỗi lần gieo 40 hạt/luống, khoảng cách 3-4 cm và chỉ vài phút là xong.
Với sáng chế này, ông Hát được giải nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hải Dương 2012-2013, giải khuyến khích cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc năm 2013 và giải nhất cuộc thi Nhà sáng chế số 9 năm 2014. Sản phẩm không chỉ được nông dân các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Nam Bộ đặt mua mà còn nhận được sự quan tâm của nhiều nước như Mỹ, Thái Lan, Đức...
Từ thành công với rau, ông còn cho ra đời các loại máy gieo hạt ngô, máy gieo hạt đậu đỗ, máy gieo hạt rau giống và rau ăn lá. Những năm gần đây, ông còn tạo ra các thiết bị khác như lò sấy điện nông sản kiểu mới, máy thu hoạch rau húng; máy thái cá; máy rửa thịt tự động. Những sáng chế giúp ông mỗi năm thu 2,8 tỷ đồng, lợi nhuận 900 triệu đồng.
Với thành tích trên, ông được nhận danh hiệu Huân chương lao động hạng ba năm 2015; Bằng khen của Trung ương Hội nông dân năm 2014; Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2016. (Theo báo điện tử VnExpress ngày 31/8).
Chương trình đào tạo chuẩn quốc tế cho cộng đồng khởi nghiệp TP.HCM
Thông tin từ Tạp chí Khám phá điện tử ngày 1/9 cho biết, Chương trình đào tạo quản trị kinh doanh lĩnh vực tư vấn quản lý và khởi nghiệp do Saigon Innovation Hub và Chương trình Executive MBA-MCI soạn thảo là một trong số ít chương trình có kiểm định quốc tế tại Việt Nam.
Đại diện hai bên ký kết biên bản hợp tác
Một loạt hoạt động kết nối, đào tạo quản trị kinh doanh lĩnh vực tư vấn quản lý và khởi nghiệp sẽ được Saigon Innovation Hub và Chương trình Executive MBA-MCI, ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM phối hợp tổ chức.
Đây là nội dung của biên bản ghi nhớ vừa được hai bên ký kết tại Không gian đổi mới sáng tạo của Saigon Innovation Hub. Theo đó, Executive MBA- MCI sẽ phụ trách phát triển nội dung các chương trình đào tạo, huấn luyện, tập huấn phù hợp với nhu cầu của cộng đồng khởi nghiệp tại TP.HCM.
ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM là đơn vị kết nối chuyên gia đào tạo, giảng viên, các huấn luyện viên cho các nhóm dự án khởi nghiệp. Một chương trình đào tạo quản trị kinh doanh lĩnh vực tư vấn quản lý và khởi nghiệp sẽ được hai bên soạn thảo và đưa vào chương trình giảng dạy.
ThS. Nguyễn Thị Ánh Phương, Giám đốc chương trình Executive MBA- MCI, ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết đây là một trong số ít chương trình đào tạo quản trị kinh doanh có kiểm định quốc tế (FIBBA) tại Việt Nam.
“Chương trình đào tạo sẽ trang bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng để phát triển nguồn nhân lực tư vấn quản lý và khởi nghiệp bền vững và lâu dài trên nền tảng tri thức với những công cụ, phương pháp tiên tiến nhất”- Th.s Phương khẳng định.
Cũng theo bà Phương, Saigon Innovation Hub được biết đến là đơn vị kết nối sâu rộng với các tổ chức trong hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước và quốc tế. Chương trình được kỳ vọng là sẽ thu hút được đông đảo cộng đồng khởi nghiệp tham gia.
Chương trình Executive MBA- MCI, ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM được thành lập từ năm 2007. Sau 10 năm, chương trình đã đào tạo được 300 các nhà tư vấn quản lý và khởi nghiệp có khả năng đổi mới sáng tạo.
Chương trình này liên kết mật thiết với ĐH Khoa học ứng dụng Tây Bắc Thụy Sỹ. Học viên sẽ có thời gian 6 sáng cuối khóa sang Thụy Sỹ để kết nối với các chuyên gia nước này làm khóa luận tốt nghiệp.
Hiện nay, chương trình MBA- MCI đã có cộng đồng cựu học viên xây dựng một quỹ hỗ trợ khởi nghiệp riêng với số tiền lên đến gần 1 tỉ đồng và sẽ tiếp tục mở rộng. Quỹ này đã đầu tư cho 3 dự án khởi nghiệp cho các học viên chương trình này.
|
Phương Nga (tổng hợp)