Gắn kết nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh; Đạp xe hưởng ứng Ngày sở hữu trí tuệ thế giới; Sản xuất thành công chip cảm biến áp suất bằng công nghệ MEMS;...là những thông tin KH&CN đáng chú ý trong tuần qua.
Gắn kết nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh
Ngày 29/4, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo "Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội."
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận nhiều nội dung vấn đề doanh nghiệp đang băn khoăn về ưu đãi đối với doanh nghiệp công nghệ thông tin như: tiêu chuẩn đăng ký quyền sử hữu đối với sản phẩm khoa học công nghệ; đối tượng doanh nghiệp được ưu tiên miễn phí thuê đất…
Ngoài ra, hội thảo còn là dịp để cơ quan quản lý cung cấp những thông tin về các cơ chế, chính sách ưu đãi trong lĩnh vực khoa học công nghệ tới các doanh nghiệp, các trường, viện nghiên cứu trên địa bàn thành phố, tháo gỡ khó khăn vướng mắc từ phía doanh nghiệp. (Theo vietnamplus 29/4).
Đạp xe hưởng ứng Ngày sở hữu trí tuệ thế giới
Sáng 26-4, tại Hà Nội, Đoàn Thanh niên Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phát động chương trình đạp xe “Roadshow”, với sự tham gia của gần 50 đoàn viên, thanh niên.
Chương trình “Roadshow” có hành trình 30 km trên các tuyến phố Hà Nội. Những địa điểm đoàn chọn đi qua là biểu tượng cho sức mạnh trí tuệ của dân tộc Việt Nam và cả thế giới. Qua đó, chương trình muốn nhấn mạnh thông điệp “Sáng tạo trẻ”, với mong muốn giới trẻ, đoàn viên, thanh niên sáng tạo hơn nữa để phát triển khoa học công nghệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, làm giàu chính đáng cho bản thân và cộng đồng. (Theo Nhân dân 26/4).
Sản xuất thành công chip cảm biến áp suất bằng công nghệ MEMS
Ngày 28-4, tại Khu Công nghệ cao TPHCM, Trung tâm Nghiên cứu triển khai (R&D - Khu Công nghệ cao TPHCM) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (Đại học Quốc gia TPHCM) đã công bố sản xuất thành công chip cảm biến áp suất bằng công nghệ MEMS và sẵn sàng cho thương mại hóa sản phẩm.
Nhóm nghiên cứu giới thiệu ứng dụng của chip cảm biến áp suất. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng
Theo thạc sĩ Trương Hữu Lý, Trưởng nhóm nghiên cứu chip cảm biến áp suất của Trung tâm R&D, chip cảm biến áp suất ứng dụng rộng rãi trong đời sống, công nghiệp và y tế. Trong công nghiệp, chip cảm biến áp suất có tác dụng kiểm soát áp suất đường ống, khí gas. Trong lĩnh vực y tế, chip cảm biến áp suất dùng trong thiết bị đo huyết áp. Còn trong đời sống, chip cảm biến áp suất dùng trong các thiết bị đo mực nước như máy giặt, máy rửa chén, bồn nước… (Theo Sài gòn giải phóng 29/4).
Lâm Đồng: Nhân nhiều giống trà mi
Khoa Sinh học và Khoa Nông lâm (Trường Đại học Đà Lạt) nhân giống thành công trà mi tự nhiên bằng 4 phương pháp gieo hạt, giâm hom, chiết cành và invitro.
Theo Th.S Lương Văn Dũng, Phó Chủ nhiệm Khoa Sinh học, cả 4 phương pháp nhân giống này đều cho kết quả tốt. Hiện nhóm nghiên cứu đã phát triển được khoảng 3.000 cây giống trà mi các loại; trong đó chủ yếu là các giống trà mi chè bạc, chè rừng, trà cành dẹt, trà hoa cám, trà hoa Piqueti, trà hoa VN... và đặc biệt là hai giống đặc hữu của Lâm Đồng là trà mi Di Linh và trà mi Đà Lạt. (Theo nongnghiep.vn 29/4).
Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam được giao quản lí, vận hành vệ tinh VNREDSat-1
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định về việc quản lý, vận hành và khai thác vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam VNREDSat-1.
Theo đó, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam được giao quản lí, vận hành vệ tinh VNREDSat-1 bao gồm vận hành vệ tinh VNREDSat-1 và các cơ sở mặt đất (Trung tâm điều khiển vệ tinh, trạm thu phát tín hiệu điều khiển vệ tinh và trạm lưu trữ dữ liệu dự phòng); lập lịch và đặt lệnh chụp ảnh cho vệ tinh...
Về khai thác ảnh vệ tinh VNREDSat-1, Bộ Tài nguyên - Môi trường có trách nhiệm tiếp nhận ảnh từ Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam để xử lí, khai thác có hiệu quả. (Theo Công an nhân dân 30/4).
Chế tạo thành công lò đốt rác thải sinh hoạt
Anh Trần Văn Kiều (sinh năm 1977) xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định đã nghiên cứu và đã chế tạo thành công lò đốt rác thải sinh hoạt.
Với quy mô nhỏ gọn và quá trình vận hành đơn giản, lò đốt rác thải này cũng phù hợp với việc đốt tiêu hủy các loại rác thải sinh hoạt sản sinh ra ngay trong ngày tại thị trấn, xã, cộng đồng khu vực đông dân cư với năng suất 300 – 500kg/giờ, tương đương với khoảng 2m3/giờ.
Vận hành máy xử lý rác thải tại Công ty TNHH Tân Thiên Phú, xóm 6, xã Xuân Tiến (Xuân Trường)
Trước khi máy được đưa vào sử dụng, Trung tâm Quan trắc và Phân tích tài nguyên môi trường, Sở Tài Nguyên – Môi trường Nam Định và Trung tâm Quan trắc môi trường thuộc Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng đã tiến hành lấy mẫu khí thải để kiểm tra và cho kết quả các chỉ tiêu đều không vượt quá tiêu chuẩn quy định. (Theo Báo tin tức 2/5).
Lần đầu tiên Việt Nam nghiên cứu ứng dụng thành công vật liệu nano TiO2 hoạt tính cao vào chế tạo khẩu trang nano diệt khuẩn
Đây là công trình của các nhà khoa học Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN do PGS.TS Phạm Văn Nho làm chủ nhiệm. Thành công của đề tài giúp người Việt Nam được hưởng sản phẩm có công nghệ thuộc loại tiên tiến nhất thế giới góp phần ngăn cản dịch bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp.
PGS.TS Phạm Văn Nho cho biết, phương pháp chế tạo nano TiO2 được lựa chọn ở đây là phương pháp đơn giản, rẻ tiền và chất lượng cao, tức là sử dụng các nguyên liệu là các hợp chất ban đầu chứa titan, sau đó bằng một số phản ứng hóa học để tách chiết titan đó và biến nó thành nano TiO2 .
Viện Pasteur Tp Hồ Chí Minh cho biết vật liệu nano TiO2 này có khả năng vượt trội so với vật liệu hiện có khi tiêu diệt vi khuẩn, virut, phân hủy phenol, dioxin, tách lọc thạch tín ở điều kiện ánh sáng trong phòng, thậm chí cả trong bóng tối. (Theo Khoa học phổ thông 2/5).
Hà Trang (Tổng hợp)