Hoạt động KH&CN Thứ bảy, 20/04/2024 , 01:58 am
Cập nhật : 02/12/2016 , 16:12(GMT +7)
Điểm tin KH&CN từ ngày 26/11-2/12
Các đại biểu cắt băng khai mạc Techmart Hanoi 2016
Khai mạc Chợ Công nghệ và Thiết bị Hà Nội 2016; Hỗ trợ nhà khoa học đăng ký và khai thác sáng chế; Năm nhà khoa học nữ Việt Nam được UNESCO vinh danh;...là những thông tin KH&CN đáng chú ý trong tuần qua.

Khai mạc Chợ Công nghệ và Thiết bị Hà Nội 2016

Tối 28/9, Chợ Công nghệ và Thiết bị Hà Nội (Techmart Hanoi 2016) đã khai mạc tại Bảo tàng Hà Nội). Đây là hoạt động thiết thực nhằm chào mừng kỷ niệm 62 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2016). 

Trên tinh thần “Liên kết cùng hội nhập và phát triển bền vững”, Techmart Hanoi 2016 là sự kiện công nghệ và thiết bị đa ngành quy mô quốc gia nhằm góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển các nghành kinh tế mũi nhọn, công nghiệp công nghệ cao, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế của Thủ đô. Sự kiện còn là dịp tôn vinh năng lực sáng tạo của các tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học công nghệ trên các lĩnh vực: công nghệ thông tin, điện tử, tự động hóa, cơ khí chế tạo máy phục vụ công-nông nghiệp, giao thông, quản lý đô thị…

Chương trình sẽ kéo dài từ ngày 28/9 đến hết ngày 1/10 tại Bảo tàng Hà Nội. (Theo báo Hà nội mới 28/9).

Hỗ trợ nhà khoa học đăng ký và khai thác sáng chế

Sáng 30/11, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Thực trạng khai thác sáng chế và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam” .

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) kiêm Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Trần Việt Thanh nhấn mạnh ý nghĩa của việc bảo hộ và khai thác sáng chế đối với các nhà khoa học.

Để đẩy mạnh số đơn đăng ký sáng chế của Việt Nam, theo Thứ trưởng Trần Việt Thanh, trong thời gian tới Bộ KH&CN sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động thúc đẩy xây dựng mạng lưới trung tâm sở hữu trí tuệ tại các viện nghiên cứu, trường đại học nhằm tư vấn, hỗ trợ các nhà khoa học xác định kết quả nghiên cứu của mình có thể thương mại hóa hay không và cần được bảo hộ như thế nào. (Theo Báo Khoa học phát triển 2/12).

Năm nhà khoa học nữ Việt Nam được UNESCO vinh danh

Ngày 29/11 Báo Tuổi trẻ đưa thông tin, GS.TS Nguyễn Thị Lang - tiến sĩ của những giống lúa mới, và TS Nguyễn Thị Mùa - tác giả của những loại vật liệu chịu nhiệt, đã được trao tặng giải thưởng “Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học”.

GS.TS Nguyễn Thị Lang

Được lựa chọn từ 23 ứng cử viên bởi một hội đồng độc lập gồm những nhà khoa học đầu ngành trong các lĩnh vực khoa học đời sống và khoa học vật liệu, hai nhà khoa học nữ nói trên đã được vinh danh trong buổi lễ trao giải thưởng khoa học quốc gia năm 2016 L’Oreal - UNESCO tổ chức tại Hà Nội sáng 29-11.

Cũng trong khuôn khổ giải thưởng này, ba nhà nghiên cứu trẻ xuất sắc đã được trao học bổng Nhà nghiên cứu khoa học trẻ tài năng (L’Oreal National Fellowship) với mức 150 triệu đồng/người.

Đây là học bổng được trao cho các nhà khoa học nữ không quá 45 tuổi, có học vị tiến sĩ và có đề án nghiên cứu khoa học triển vọng trong các lĩnh vực khoa học đời sống và khoa học vật liệu. 

Thi robot thế giới: Đội Việt Nam đoạt giải 3

Báo Tuổi trẻ ngày 30/11 đăng thông tin, Đội Việt Nam đã đoạt giải ba ở bảng dành cho học sinh dưới 13 tuổi tại vòng chung kết Cuộc thi robot thế giới (World Robot Olympiad, WRO 2016) vừa diễn ra tại New Delhi (Ấn Độ).

Ba thành viên của đội là Võ Thiết Quang, Nguyễn Hữu Thiện (Trường phổ thông song ngữ liên cấp Wellspring Sài Gòn) và Lê Duy Lãm (THCS Nguyễn Văn Tố, TP.HCM). Đây là ba thành viên vô địch bảng B1 (dưới 13 tuổi) tại cuộc thi tài năng robot - Robotacon WRO 2016 do Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp với LEGO Education tổ chức cuối tháng 8-2016.

WRO là sự kiện toàn cầu về khoa học, kỹ thuật dành cho thanh thiếu niên trên toàn thế giới, thể hiện năng lực sáng tạo, giải quyết vấn đề thông qua tranh tài các thử thách về robot. Chủ đề mà hội đồng WRO 2016 đưa ra năm nay là “xử lý rác thải”. Đây là năm thứ 4 Việt Nam có đội tuyển tham gia WRO và lần đầu đoạt giải. 

Độc đáo sản phẩm bắt ruồi vàng của một học sinh lớp 3

Đam mê sáng tạo khoa học kĩ thuật, nhạy bén trong việc hình thành ý tưởng… từ đó em Phạm Nguyễn Bảo Duy (học sinh lớp 3A, Trường Tiểu học Đông Phú 1, xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) đã tìm tòi, chế tạo thành công sản phẩm bắt ruồi vàng bằng lá cây é tía rất thiết thực và hiệu quả.

Bảo Duy cho lá é tía vào bẫy

Khi hoàn thành, 6 chiếc bẫy đầu tiên được đặt trong khu vườn rộng 6.000m2 trồng cây ăn trái của ông Phạm Văn Bé (ông nội của Duy) làm cho ruồi vàng sập bẫy rất nhiều. Bên cạnh hiệu quả mang lại, bẫy ruồi vàng dễ làm, chi phí đầu tư thấp (khoảng 100.000đ/bẫy). Sản phẩm có trọng lượng nhẹ, thời gian sử dụng lâu bởi chất liệu chủ yếu là ống nhựa, chai nhựa phù hợp với mọi điều kiện thời tiết.

Với hiệu quả đạt được, sản phẩm bắt ruồi vàng của em Phạm Nguyễn Bảo Duy đã đạt giải Nhì trong cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng cấp tỉnh, giải Ba trong cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng Toàn quốc năm 2016. (Theo báo Công an nhân dân 2/12).

 

Hà Trang (Tổng hợp)


 

 

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner