Bộ KH&CN – KOICA ký kết biên bản thảo luận về dự án thành lập V-KIST; Nhiều ưu đãi khuyến khích hoạt động KHCN trong trường đại học; Hội thảo Ứng dụng công nghệ năng lượng Việt Nam – Hàn Quốc;…là những thông tin KH&CN đáng chú ý trong tuần qua.
Bộ KH&CN – KOICA ký kết biên bản thảo luận về dự án thành lập V-KIST
Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Bộ KH&CN VN vừa ký kết Biên bản thảo luận dự án Hỗ trợ xây dựng Viện KH&CN Việt Nam – Hàn Quốc (V-KIST).
Mục tiêu của dự án là xây dựng V-KIST trở thành một viện nghiên cứu ứng dụng đa ngành định hướng công nghệ công nghiệp hàng đầu Việt Nam và khu vực. Để đạt mục tiêu này, từ năm 2014 đến năm 2018, KOICA sẽ hỗ trợ khoản ngân sách là 35 triệu USD để xây dựng Viện nghiên cứu, cung cấp trang thiết bị, tư vấn vận hành, đào tạo tăng cường năng lực. Chính phủ Việt Nam cũng đã dành khu đất rộng 20ha tại khu công nghệ cao Hòa Lạc để xây dựng dự án. (Theo laodong.com.vn, 27/10).
Nhiều ưu đãi khuyến khích hoạt động KHCN trong trường đại học
Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định việc đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học.
Các cơ sở giáo dục đại học được ưu tiên đầu tư nếu đáp ứng 4 điều kiện: Có tiềm lực mạnh về nhân lực nghiên cứu, có nhiều nhóm nghiên cứu mạnh, có tỷ lệ tiến sĩ/giảng viên đạt 25% trở lên; hoàn thành các nhiệm vụ khoa học và công nghệ hàng năm đúng tiến độ, đạt hiệu quả cao; kết quả hoạt động khoa học và công nghệ trong 3 năm liên tiếp được đánh giá xếp loại tốt trở lên; có doanh nghiệp khoa học và công nghệ hoặc trung tâm nghiên cứu khoa học, có nhiều ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất và đời sống, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao; tiến hành hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ có hiệu quả, có nhiều công trình công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín. (Theo Hà nội mới, 30/10).
Nhiều ưu đãi khuyến khích hoạt động KHCN trong trường đại học
Hội thảo Ứng dụng công nghệ năng lượng Việt Nam – Hàn Quốc
Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và tiết kiệm năng lượng, đó là nhận định chung tại Hội thảo “Ứng dụng công nghệ năng lượng” do Bộ Khoa học và công nghệ phối hợp với Viện thẩm định – đầu tư công nghệ năng lượng, Hiệp hội sáng chế của Hàn quốc tổ chức sáng nay 30/10, tại TP. HCM.
8 tham luận của các doanh nghiệp Hàn quốc tập trung giới thiệu về công nghệ chế tạo và sử dụng năng lượng mặt trời, hệ thống phát điện khí hóa bi-ô-ga tận dụng phế phẩm nông nghiệp; tua-bia gió, xăng sinh học và những công nghệ bảo quản sản phẩm thủy, hải sản, nông nghiệp.
Theo đánh giá của các cơ quan quản lý Hàn quốc, Việt Nam là một thị trường giàu tiềm năng về tái tạo năng lượng, trong đó, nhu cầu sử dụng điện và nhiệt cho sản xuất rất cao. Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp 2 nước hợp tác để thúc đẩy các hoạt động ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ trong lĩnh vực năng lượng. (Theo vtv9.vn 31/9).
Khu Công nghệ cao TPHCM thu hút vốn đầu tư trên 4 tỷ USD
Sáng 24-10, Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) đã kỷ niệm 12 năm thành lập. TS Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý SHTP cho biết, đến nay SHTP đã thu hút vốn đầu tư trên 4 tỷ USD với 67 dự án. Giá trị sản xuất qua 12 năm đã đạt trên 9 tỷ USD, hàng hóa sản xuất chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu. Nguồn nhân lực có trình độ cao đẳng đến sau đại học chiếm gần 40% tổng số lao động trong SHTP.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà khẳng định, năm 2014 đánh dấu cột mốc quan trọng khi giá trị thu hút của SHTP đạt đỉnh với 1,8 tỷ USD, chiếm gần 2/3 tổng vốn thu hút của cả TP. Dự án lớn nhất được cấp cho Tập đoàn Samsung. Những năm sau, có thể giá trị thu hút đầu tư chưa chắc đã vượt qua năm 2014 nhưng việc các tập đoàn công nghệ lớn đầu tư vào TPHCM chứng. (Theo Sài gòn giải phóng 25/10).
Nông dân tự chế máy gieo đậu phộng
Thời điểm này bà con tập trung xuống giống đồng loạt nên thường xảy ra tình trạng thiếu nhân công lao động. Từ khó khăn đó, anh Trần Văn Phương ở ấp Tân Lợi nảy sinh ý tưởng chế tạo máy gieo đậu phộng nhằm giải quyết thiếu lao động ở địa phương.
Anh Phương cho biết: “Khi vận hành, máy vừa cày rãnh và vừa gieo hạt được 3 hàng đậu với khoảng cách hàng cách hàng 35 cm, hạt cách hạt 4 - 5 cm, độ sâu gieo hạt có thể điều chỉnh được tùy yêu cầu canh tác".
Hiện tại, anh Phương chỉ sử dụng máy gieo hạt đậu phộng trên diện tích đất của gia đình, song một số người đánh giá rất cao tính hiệu quả của máy gieo đậu phộng do anh sáng chế. Hy vọng nếu được quảng bá thì máy của anh sẽ có đơn đặt hàng của nhiều nông dân trong thời gian tới. (Theo nong nghiep.vn 29/10).
Máy gieo đậu phộng do anh Trần Văn Phương chế tạo
Máy sàng phân loại vải đa năng
Với chiếc chiếc máy sàng phân loại vải đa năng của thầy giáo tiểu học Nguyễn Xuân Tình (xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang), chất lượng các mẻ vải sấy được nâng cao 10 đến 25%, thời gian sấy cũng giảm đáng kể.
Hoạt động trên nguyên tắc rung lắc, cỗ máy phân loại được bốn loại sản phẩm: quả vải to tròn đều loại 1, quả loại 2 nhỏ hơn, thứ ba là quả nhỏ nhất, cuối cùng là phế phẩm gồm cuống quả vải, lá và những quả vỡ.Theo đánh giá của các chuyên gia, cỗ máy của anh Tình có nhiều tính mới mà các loại sàng trước đây không thể làm được. Và nét đặc biệt của cỗ máy là có thể phân loại vải phế phẩm, yếu tố chưa có loại máy sàng nào trước đây làm được.
Ngoài chức năng phân loại vải sấy, cỗ máy này có thể áp dụng với nhiều loại mặt hàng nông sản khác như phân loại nhãn sấy, thảo quả sấy và một số hạt khác bằng cách thay đổi mắt sàng phù hợp. (Theo tiasang.com.vn 31/10).
Hà Trang (Tổng hợp)