Tăng cường năng lực về trang thiết bị cho nghiên cứu khoa học; Góp ý quy hoạch “Làng trí thức” cho Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế in 3D bằng vật liệu bột mì, bột ngũ cốc, đường...; ...là những thông tin khoa học và công nghệ (KH&CN) đáng chú ý trong tuần qua.
Tăng cường năng lực về trang thiết bị cho nghiên cứu khoa học
Bộ Khoa học và Công nghệ đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ. Trong đó, Bộ đề xuất quy định rõ hơn về việc sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ để thực hiện công tác tăng cường năng lực về trang thiết bị cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Do đó, để bảo đảm thực hiện nhu cầu và xuất phát từ thực tiễn nêu trên, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 95/2014/NĐ-CP cần quy định rõ hơn về việc sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ để thực hiện công tác tăng cường năng lực về trang thiết bị cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Tại dự thảo, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất sửa đổi, bổ sung Điểm m Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 95/2014/NĐ-CP như sau: “Chi cho công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa cơ sở vật chất-kỹ thuật và trang thiết bị phục vụ hoạt động khoa học và công nghệ; tăng cường năng lực về trang thiết bị cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;" (Theo baochinhphu.vn 27/7).
Góp ý quy hoạch “Làng trí thức” cho Khu Công nghệ cao Hòa Lạc
Nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mới đây Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc đã tổ chức Hội thảo Tầm nhìn quy hoạch phát triển "Làng trí thức" cho Khu CNC Hòa Lạc.
Tại Hội thảo các chuyên gia đóng góp nhiều ý kiến ở các góc độ chuyên ngành, góp phần xây dựng một tầm nhìn quy hoạch khu nhà ở phục vụ nhu cầu của các khoa học và người lao động làm việc tại Khu CNC Hòa Lạc. Dự kiến, quy mô dân số đến năm 2020 của Khu CNC Hòa Lạc lên tới gần 230.000 người, trong đó dân số thường trú là gần 100.000 người. Để đáp ứng nhu cầu phát triển, khu nhà ở "Làng trí thức" có tổng diện tích 75,5ha, có chức năng như một đô thị xanh, bao gồm các khu nhà ở trung, cao cấp và các cơ sở dịch vụ tiện ích. Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN, Trưởng ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc, ông Phạm Đại Dương cho biết dự án sẽ triển khai vào năm 2017. (Theo Hà nội mới 26/7).
Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế in 3D bằng vật liệu bột mì, bột ngũ cốc, đường...
Cục Sở hữu trí tuệ vừa cấp 5 bằng sáng chế độc quyền về máy in ba chiều cho FPT, đáng chú ý là vật liệu in gồm xi măng, gốm, bột mì, bột ngũ cốc…
Các bằng độc quyền sáng chế có mã số từ 15677-15681 đều đứng tên TS. Trần Thế Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghệ FPT.
TS. Trung cho biết, điểm ưu việt các sáng chế này là tập trung vào việc đưa ra thiết kế để máy in ba chiều (3D) in nhanh hơn so với loại máy in phun sợi nhựa đang thông dụng trên thị trường, sử dụng ít cơ cấu chuyển động hơn, nên bền bỉ và vận hành lâu dài ổn định hơn, mà vẫn dùng được các nguyên vật liệu phổ thông quen thuộc rẻ tiền, không giống như loại in nhanh chỉ dùng được vật liệu đắt tiền là loại nhựa lỏng đông cứng bằng phản ứng quang hóa.
TS. Trần Thế Trung, Viện Nghiên cứu công nghệ FPT giới thiệu thiết bị thông minh cho gia đình Rogo với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Techmart 2015
Tuy cả 5 sáng chế đều có tên giống hệt nhau nhưng các máy in 3D này khác nhau về cơ cấu (có hoặc không có bộ phận chuyển động) và về cơ chế hoàn thiện sản phẩm ở công đoạn cuối. Ngoài ra, sáng chế thuộc các bằng độc quyền số 15677-15680 sử dụng vật liệu là xi măng, gốm; bột mì, bột ngũ cốc; đường, muối, trong khi đó, sáng chế thuộc bằng độc quyền số 15681 lại sử dụng nhựa nhiệt dẻo, thủy tinh, kim loại. (Theo Lao động 27/7).
Thành lập Viện nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao Hòa Lạc
Ngày 29/7, vietnamplus.vn đã đưa tin, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ cao Hòa Lạc có nhiệm vụ đón đầu các nghiên cứu, thành tựu khoa học và công nghệ, nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng vào đời sống thực tế.
Theo thông tin từ Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện này đã chính thức ra mắt vào chiều 28/7, trực thuộc Công ty Phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Hoạt động theo cơ chế tự chủ, hạch toán độc lập, các mục tiêu nghiên cứu, ứng dụng của Viện phải sát với nhu cầu và điều kiện thực tiễn của thị trường, phải lấy thị trường làm trung tâm đánh giá hiệu quả của sản phẩm nghiên cứu phát triển.
Đôi bạn tiến sĩ chế máy chữa vết thương không cần kháng sinh
TS. Đỗ Hoàng Tùng và TS. Nguyễn Thế Anh phòng thí nghiệm Công nghệ Plasma Viện Vật lí, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã chế tạo chiếc máy phát tia plasma lạnh giúp diệt khuẩn bao gồm cả vi khuẩn kháng thuốc, chữa lành vết thương mà không cần sử dụng tới kháng sinh.
Bắt đầu từ năm 2011 với "vốn liếng" chỉ là 2 chiếc bàn văn phòng và một đề tài nghiên cứu cấp cơ sở với chi phí 15 triệu đồng, 4 năm sau, hai vị tiến sĩ mới bước qua tuổi 35 đã chế tạo thành công chiếc máy phát tia plasma lạnh ứng dụng công nghệ hồ quang trượt (Gliding arc plasma - GAP) - một trong những chiếc máy phát tia plasma đầu tiên trên thế giới dựa trên nguyên lý này.
TS Đỗ Hoàng Tùng (phải) và TS Nguyễn Thế Anh bên cạnh chiếc máy PlasmaMed do chính 2 anh chế tạo. (Ảnh: Lê Văn)
Sau khi đã được kiểm nghiệm và thử nghiệm lâm sàng tại nhiều bệnh viện lớn, chiếc máy PlasmaMed của Tùng và Thế Anh đã được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành sản phẩm trang thiết bị y tế. Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ứng dụng thành công công nghệ plasma lạnh điều trị trong y tế và thẩm mỹ.
Điều đặc biệt chiếc máy phát tia plasma do Tùng và Thế Anh chế tạo không chỉ là sản phẩm "made in Việt Nam" nhưng mang đẳng cấp thế giới về công nghệ mà còn ở chỗ, việc ứng dụng công nghệ plasma trong điều trị y tế đặc biệt là diệt khuẩn và chữa lành các vết thương mà không cần tới kháng sinh là một hướng đi quan trọng trong bối cảnh "nạn" kháng thuốc kháng sinh đang làn tràn hiện nay. (Theo vietnamnet.vn 27/7).
Hà Trang (Tổng hợp)