Các đại biểu cắt băng khai mạc Techmart Hanoi 2016
Chợ Công nghệ và Thiết bị Hà Nội (Techmart Hanoi 2016); ba Khu Công nghệ cao quốc gia hợp tác thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh; Việt Nam phải vươn lên thứ 2 ASEAN về sở hữu trí tuệ; nhiều nước trong khu vực đã thuê lại vệ tinh của Việt Nam… là những thông tin khoa học và công nghệ (KH&CN) đáng chú ý trong tuần qua.
Khai mạc Chợ Công nghệ và Thiết bị Hà Nội 2016
Tối 28/9, Techmart Hanoi 2016 đã khai mạc tại Bảo tàng Hà Nội. Đây là hoạt động thiết thực nhằm chào mừng kỷ niệm 62 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2016).
Trên tinh thần “Liên kết cùng hội nhập và phát triển bền vững”, Techmart Hanoi 2016 là sự kiện công nghệ và thiết bị đa ngành quy mô quốc gia nhằm góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển các nghành kinh tế mũi nhọn, công nghiệp công nghệ cao, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế của Thủ đô. Sự kiện còn là dịp tôn vinh năng lực sáng tạo của các tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN trên các lĩnh vực: công nghệ thông tin, điện tử, tự động hóa, cơ khí chế tạo máy phục vụ công - nông nghiệp, giao thông, quản lý đô thị…
Techmart Hanoi 2016 do UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thu hút sự tham gia của trên 400 tổ chức khoa học, Viện nghiên cứu, trường Đại học, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, là nơi trưng bày, giới thiệu, chào bán các công nghệ, thiết bị tiên tiến trong nước, đồng thời thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ hiện đại từ nước ngoài vào Việt Nam. Chương trình sẽ kéo dài từ ngày 28/9 đến hết ngày 1/10 tại Bảo tàng Hà Nội. (Theo báo Hà nội mới ngày 28/9).
Ba Khu CNC quốc gia hợp tác thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh
Ngày 29/9, khoahocphattrien.vn đưa tin, liêm chính và minh bạch là yếu tố cốt lõi để tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh. Tính liêm chính và minh bạch sẽ thúc đẩy khả năng sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng suất của doanh nghiệp trong lộ trình hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Trưởng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc Phạm Đại Dương đã chia sẻ điều này tại Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm Hành động tập thể tăng cường liêm chính trong kinh doanh, xây dựng môi trường đầu tư minh bạch”.
Hội thảo với sự tham gia của đại diện ba Khu CNC quốc gia (TP.HCM, Hòa Lạc, Đà Nẵng) cùng trao đổi về kinh nghiệm thực hiện hành động tập thể tại Khu CNC TP.HCM, đồng thời thảo luận cách thức, lộ trình để nhân rộng mô hình tại Khu CNC Hòa Lạc và Đà Nẵng.
Tại hội nghị, ba khu CNC đã ký kết thỏa thuận “Hợp tác hành động tập thể thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh”. Mục tiêu của bản ký kết nhằm tạo môi trường đầu tư minh bạch, lành mạnh để thu hút và nâng cao hiệu quả dự án đầu tư của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tại các Khu CNC quốc gia.
Liêm chính và minh bạch là yếu tố cốt lõi để tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương nhấn mạnh
800 đề tài tham dự Euréka lần thứ 18
Sáng 30/9, Trung tâm Phát triển Khoa học Công nghệ Trẻ đã tổ chức buổi hội thu đề tài đăng ký tham gia Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học – Euréka lần thứ 18 năm 2016.
Để đến với Giải thưởng danh giá này, các đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên phải trải qua những vòng tuyển chọn khắt khe ở cấp trường, được hội đồng khoa học nhà trường đánh giá cao trước khi dự thi cấp thành phố.
Năm nay, các đề tài sẽ tập trung vào 12 lĩnh vực, bao gồm: Lĩnh vực Xã hội và Nhân văn; Lĩnh vực Giáo dục; Lĩnh vực Kinh tế; Lĩnh vực Pháp lý; Lĩnh vực Kỹ thuật; Lĩnh vực Quy hoạch, Kiến trúc và Xây dựng; Lĩnh vực Công nghệ thông tin; Lĩnh vực Công nghệ Hóa, Dược; Lĩnh vực Công nghệ Sinh – Y sinh; Lĩnh vực Nông lâm ngư nghiệp; Lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường, Lĩnh vực Công nghệ Thực phẩm.
Tại vòng chung kết xếp hạng các tác giả sẽ trình bày kết quả nghiên cứu trước hội đồng khoa học theo từng lĩnh vực và chuyên ngành, hội đồng khoa học sẽ chất vấn và chấm điểm. Lễ tổng kết và trao giải dự kiến tổ chức vào tháng 12/2016. (Theo Tạp chí Khám phá điện tử ngày 30/9).
Phó Thủ tướng: Việt Nam phải vươn lên thứ 2 ASEAN về sở hữu trí tuệ
Ngày 30/9, vnexpress.net đưa tin: Ngày 29/9, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam có cuộc làm việc với Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ. Tại đây, Phó Thủ tướng bày tỏ tin tưởng hệ thống sáng tạo quốc gia của Việt Nam sẽ được nâng lên, thực hiện quyết tâm đến năm 2020 Việt Nam vươn lên đứng thứ 2 ASEAN về lĩnh vực sở hữu trí tuệ (SHTT).
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh cho biết, Cục Sở hữu trí tuệ đang chịu gánh nặng vì số đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tăng nhanh, bình quân khoảng 10%. Chỉ tính riêng 5 năm gần đây, đơn vị nhận được gần 400.000 đơn các loại, còn tồn đọng hơn 50.000 đơn. Nguyên nhân lượng đơn nộp ngày càng nhiều, thời gian thẩm định lâu, trong khi quy trình thủ tục, nguồn nhân lực chưa được cải thiện trong thời gian dài...
Ghi nhận những khó khăn trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh có rất nhiều bất cập có thể tháo gỡ bằng cơ chế, tinh thần là nghiên cứu, học theo cách làm của thế giới.
Theo Phó Thủ tướng, bên cạnh những vướng mắc về cơ chế, công tác chỉ đạo chung thì hoạt động của bản thân Cục SHTT chưa tốt ngay ở việc nhỏ nhất là giải quyết thông thoáng, minh bạch từ việc thẩm định, cấp văn bằng chứng nhận đến thực thi bảo hộ quyền SHTT.
Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý đến vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý SHTT nhằm rút ngắn quy trình, thủ tục, bảo đảm công khai minh bạch, “ai nộp trước, xử lý trước, ai nộp sau xử lý sau và biết hồ sơ mình nằm ở đâu”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc sáng 29/9
Nhiều nước trong khu vực đã thuê lại vệ tinh của Việt Nam
Vệ tinh thông tin trái đất, vệ tinh quan sát trái đất, trạm thu mặt đất ảnh vệ tinh, hệ thống quan sát tàu cá, ngư trường và nguồn thủy lợi hải sản,... từ chỗ đi thuê vệ tinh, hiện nhiều nước trong khu vực đã thuê lại khá lớn dung lượng vệ tinh của Việt Nam. Đó là khẳng định của ông Đoàn Quang Hoan - Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) tại Hội thảo “Các thành tựu nổi bật về nghiên cứu và ứng dụng Công nghệ vũ trụ giai đoạn 2006 – 2015 và định hướng phát triển giai đoạn 2016 – 2020”, do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 30/9, tại Hà Nội.
Theo báo cáo của Văn phòng Uỷ ban Vũ trụ, sau gần 10 năm triển khai chiến lược, đến nay, việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đã được phát triển tại nhiều ngành, trong đó phát triển nhiều nhất ở các Bộ, cơ quan thành viên của Uỷ ban Vũ trụ. Việc ứng dụng cơ sở dữ liệu ảnh vệ tinh cho các ngành đã được mở rộng và thường xuyên triển khai tại Việt Nam trong các lĩnh vực Kinh tế, Xã hội, Tài nguyên, Môi trường, Quốc phòng và An ninh... ở hầu khắp các vùng miền của tổ quốc, từ vùng núi cao đến biên giới, các vùng hải phận xa xôi thuộc chủ quyền của Việt Nam. (Theo Dân trí ngày 30/9).