Các phòng thí nghiệm sẽ mở cửa đón khách thăm quan; Chế tạo màng bảo quản hoa quả trong thời gian dài; Kit phát hiện nhanh dư lượng enrofloxacin trong thuỷ sản; Giải mã thành công gen 36 giống lúa của Việt Nam; Giải thưởng Tạ Quang Bửu về nghiên cứu cơ bản… là những thông tin KH&CN đáng chú ý trong tuần qua
Các phòng thí nghiệm sẽ mở cửa đón khách thăm quan
Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi (2013) được Quốc hội đã biểu quyết thông qua ngày 19/7/2013, đồng thời, Quốc hội cũng thống nhất quy định ngày 18/5 hằng năm là Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Theo đó, năm 2014 sẽ là năm đầu tiên Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) tổ chức Ngày KHCN, đúng dịp kỷ niệm 55 năm thành lập. Bên cạnh việc tổ chức giải thưởng về khoa học công nghệ và công bố vào dịp này, Bộ KHCN cũng tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm phong phú và ý nghĩa. Đặc biệt, Bộ sẽ yêu cầu các phòng thí nghiệm trọng điểm, các Viện KHCN lớn của quốc gia, các phòng thí nghiệm tại các Viện nghiên cứu, các trường đại học và đề nghị các trung tâm nghiên cứu KHCN của các Bộ, ngành cùng mở cửa trong dịp này để tất cả những người quan tâm tới KHCN trên khắp cả nước có thể đến tham quan và tìm hiểu.
Việc mở cửa các phòng thí nghiệm sẽ là dịp để giới trẻ đến tham quan và biết được những công việc nghiên cứu cũng như những thành tựu mà KH&CN đã đạt được trong những lĩnh vực khác nhau. (Theo Chính phủ 25/8).
Chế tạo màng bảo quản hoa quả trong thời gian dài
Các nhà khoa học của Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam đã nghiên cứu, chế tạo vật liệu sử dụng trong lĩnh vực bảo quản hoa quả. Đây là đề tài nghiên cứu thuộc chương trình KC.02 cấp quốc gia.
Bình thường, không có màng MAP, ở nhiệt độ thấp 4-5 độ C, hoa quả chỉ bảo quản được khoảng 2-3 tuần. Nhưng nếu dùng màng MAP bao bọc bên ngoài, có thể bảo quản trong 7-8 tuần. Nhờ vậy, người nông dân có thể vận chuyển đi xa mà không bị hỏng. Hoặc các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, có thể cho hàng hóa vào kho đông lạnh, bọc trong màng MAP là có thể bảo quản được lâu hơn. (Theo vietq.vn 28/8).
Kit phát hiện nhanh dư lượng enrofloxacin trong thuỷ sản
ThS Bùi Quốc Anh cùng cộng sự thuộc phòng thí nghiệm công nghệ sinh học, trung tâm Nghiên cứu triển khai, khu Công nghệ cao TP.HCM vừa hoàn thành nghiên cứu bộ kit ELISA phát hiện nhanh dư lượng kháng sinh enrofloxacin trong thuỷ sản, có khả năng phát hiện dư lượng enrofloxacin ở ngưỡng 1ppb, có thể phân tích 50 – 80 mẫu cùng lúc.
Chỉ cần căn cứ cường độ hiện màu của giếng thử là có thể xác định mẫu thuỷ sản có nhiễm enrofloxacin không và nhiễm với nồng độ bao nhiêu. Tất cả các quy trình từ đưa mẫu vào phân tích đến cho ra kết quả chỉ mất 30 phút, thao tác đơn giản, không đòi hỏi thiết bị đắt tiền, không cần nhân viên chuyên môn cao... (Theo Sài gòn tiếp thị 28/8).
Giải mã thành công gen 36 giống lúa của Việt Nam
Ngày 28-8, Bộ KH-CN phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh tổ chức hội thảo công bố kết quả nghiên cứu giải mã gen 36 giống lúa bản địa của Việt Nam. Đây là dự án được thực hiện từ tháng 1-2011 đến tháng 6-2013, trong khuôn khổ chương trình hợp tác quốc tế giữa Bộ KH-CN và Hội đồng Nghiên cứu khoa học sự sống và công nghệ sinh học, Vương quốc Anh.
Cơ sở dữ liệu của 36 giống lúa bản địa của Việt Nam đã được giải mã là nguồn tư liệu vô cùng quý giá để tầm soát các gen chức năng như kháng rầy nâu, đạo ôn, bạc lá, chịu hạn, chịu mặn, gen chất lượng, gen thơm… Qua đó giúp các viện, trường và các cơ sở nghiên cứu khai thác, nghiên cứu về ứng dụng thông tin sinh học trong bảo tồn nguồn gen quý, phân loại học, chọn tạo giống có năng suất... (Theo Sài gòn giải phóng 28/8).
Cơ sở dữ liệu của 36 giống lúa đã giải mã là nguồn quý giá để tầm soát các gen chức năng.
Giải thưởng Tạ Quang Bửu về nghiên cứu cơ bản
Ngày 26/8, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã kí Quyết định số 2635/QĐ-BKHCN ban hành “Quy chế Giải thưởng Tạ Quang Bửu”.
Đây là giải thưởng dành cho các nhà khoa học Việt Nam là tác giả của công trình nghiên cứu cơ bản xuất sắc trong lĩnh vực khoa học tự nhiên; và các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài cũng như các nhà khoa học nước ngoài ở Việt Nam có đóng góp tích cực cho nghiên cứu cơ bản của Việt Nam. Các lĩnh vực được xét tặng giải thưởng, bao gồm: toán học; khoa học máy tính và thông tin; vật lý; hóa học; khoa học trái đất và môi trường; sinh học…
Giải thưởng được trao hằng năm và Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia là cơ quan thường trực của Giải thưởng. (Theo tiasang.com.vn 29/8)
Liên Bang Nga đào tạo gần 200 chuyên gia điện hạt nhân cho Việt Nam
Trong khuôn khổ Hội thảo “Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực cho chương trình điện hạt nhân” do Cục Năng lượng nguyên tử phối hợp với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tổ chức trong các ngày 27 - 29/8, Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Lê Đình Tiến cho biết, hiện nay đang có gần 200 cán bộ, kĩ sư của Việt Nam được đào tạo bên Nga.
Đồng thời, các cơ quan về pháp quy cũng đã gửi cán bộ đi học tại Nhật Bản, Nga và nhiều nước khác. Ngoài ra, cũng đã có nhiều khóa đào tạo trong nước để đào tạo nhân lực cho các cơ quan liên quan đến điện hạt nhân, trong đó có sự hỗ trợ của IAEA.
Việc tăng cường đào tạo nguồn nhân lực về năng lượng nguyên tử là bước đi quan trọng để Việt Nam vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam vào năm 2020. (Theo Công an nhân dân 29/8).
Máy sấy thóc bằng năng lượng mặt trời
Được sự hỗ trợ của Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP), Công ty TNHH Phát triển ứng dụng kỹ nghệ mới - SAV đã nghiên cứu chế tạo thành công máy sấy thóc bằng năng lượng mặt trời, sử dụng ống nhiệt thủy tinh chân không.
Máy gồm bộ thu năng lượng mặt trời kiểu ống nhiệt thủy tinh chân không có cánh, công suất tạo nhiệt 5kW; buồng sấy thóc cơ khí theo kiểu đối lưu cưỡng bức, công suất 500 kg (từ thóc ướt có độ ẩm 30-33% xuống độ ẩm 13-14%, trong 1 ngày nắng). Máy phù hợp với quy mô nông hộ. (Theo tchdkh.org.vn 29/8).
Chế tạo điện cực xử lý chất thải công nghiệp
TS Nguyễn Ngọc Phong và các đồng nghiệp của Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam đã nghiên cứu và chế tạo thành công điện cực anot trơ, có độ bền cao, dùng trong công nghiệp điện hóa, oxy hóa điện hóa gián tiếp hoặc trực tiếp các chất độc hại trong nước thải công nghiệp.
Theo đó, nước thải sẽ qua một bể chứa để làm sạch với nhiều công đoạn. Trong khâu điện phận, điện cực được chế tạo sẽ phân hủy các chất như phenol, các chất trong thuốc nổ, thuốc phóng….Nước đầu ra đảm bảo Tiêu chuẩn Việt Nam loại B cho phòng thí nghiệm, với công suất 7 mét khối/ngày.
Điện cực anot lắp đặt để lọc nước thải của nhà máy Z121.
Kết quả của đề tài đã được áp dụng thành công nhiều năm nay ở Nhà máy sản xuất Thuốc nổ - Pháo hoa Z121 của quân đội. (Theo VietQ.vn 30/8).
Hà Trang (Tổng hợp)