Công nghệ tế bào gốc sẽ được chuyển giao bài bản, đồng bộ vào Việt Nam ; Việt Nam -World Bank hợp tác nâng cao năng lực KH&CN; Ứng dụng CNC trong nông nghiệp tại nông thôn, miền núi..là những thông tin khoa học đáng chú ý trong tuần qua.
Việt Nam -World Bank hợp tác nâng cao năng lực KH&CN
Dân trí, Vnexpress, Đại biểu nhân dân, Đất Việt, Tia sáng,… ngày 28/11 đã dẫn lời Bà Xiaoqing Yu, Giám đốc World Bank (WB-Ngân hàng thế giới) Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, phụ trách về phát triển nhân sự cho biết tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân mới đây, tại Hà Nội
Theo đó, WB sẽ hỗ trợ Việt Nam 100 triệu USD, thông qua dự án FIRST dự kiến được triển khai trong vòng 5 năm (bắt đầu từ giữa năm 2013).Đây là dự án lớn nhất từ trước đến nay của Bộ KH&CN với đối tác nước ngoài.
Dự án FIRSTmà WB sẽ hỗ trợ nhằm giúp Việt Nam nâng cao năng lực về KH&CN như: giúp Việt Nam xây dựng một số Viện nghiên cứu được xếp hạng trong khu vực và thế giới; góp phần đổi mới cơ chế quản lý KH&CN, tiếp cận thông lệ quốc tế; tạo ra hệ thống doanh nghiệp KH&CN mạnh xuất phát từ các Viện, trường từ đó hình thành lực lượng sản xuất mới cho Việt Nam. Với việc thực hiện dự án này một số trường đại học sẽ trở thành trường đại học nghiên cứu, có nhiều các công bố quốc tế, các giải pháp/sáng chế được cấp bằng ở Việt Nam và nước ngoài.
Họp Hội đồng an toàn hạt nhân Quốc gia
Lao động cuối tuần, Đại biểu Nhân dân, Đất Việt, Khámpha.net, Dân trí, Vn express, Tia sáng…đưa tin. Tại phiên họp lần thứ 2 của Hội đồng an toàn hạt nhân Quốc gia ngày 27/11, tại Hà Nội. Hội đồng đã tập trung thảo luận 5 vấn đề gồm: Khung văn bản quy phạm pháp luật cho chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam và tình hình chuẩn bị; Các tiêu chuẩn kỹ thuật đề nghị được chấp thuận áp dụng của nhà cung cấp nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2; Báo cáo kết quả kiểm tra của Đoàn công tác khảo sát địa điểm nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận từ ngày 17-19/7/2012; Tiến độ thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, những khó khăn và vướng mắc; Báo cáo kế hoạch hoạt động của Hội đồng năm 2013.
Toàn cảnh họp hội đồng: Ảnh: Mai Hà
Tại phiên họp, các thành viên hội đồng đều nhất trí cho rằng, hiện nay nguồn nhân lực và kinh nghiệm xây dựng quy chuẩn kỹ thuật về điện hạt nhân chưa đáp ứng được yêu cầu nên trước mắt cần rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ áp dụng quy chuẩn kỹ thuật nước ngoài (Nga, Nhật Bản), sau đó trong quá trình tổ chức thực hiện sẽ rút kinh nghiệm và cho ra đời quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam phù hợp với Quốc tế và đáp ứng được nhu cầu phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam.
Ứng dụng của Robot định vị chính xác trong phẫu thuật cột sống
Theo Báo Nhân dân điện tử, với sự giúp đỡ của các giáo sư, bác sĩ đến từ Cộng hòa liên bang Đức, lần đầu tiên Bệnh viện hữu nghị Việt Đức sẽ triển khai phẫu thuật cột sống với ứng dụng của Robot định vị chính xác. Trong ba ngày 3,4 và 5-12-2012, dự kiến đoàn các Giáo sư, bác sĩ sẽ mổ cho khoảng bảy bệnh nhân với công nghệ trên.
Hệ thống Robot định vị chính xác trong Phẫu thuật Cột sống đảm bảo độ an toàn cao nhất cho bệnh nhân với độ chính xác tới 1mm (1/25 inch). Trước khi tiến hành mổ, bác sĩ phẫu thuật sử dụng hệ thống Robot hoạch định trước kế hoạch cho ca mổ dựa trên hình ảnh chụp cắt lớp CT mô phỏng cột sống của bệnh nhân dưới dạng 3D. Trong suốt quá trình phẫu thuật, hệ thống Robot giúp bác sĩ phẫu thuật định vị chính xác vị trí theo kế hoạch đã vạch sẵn từ trước với độ chính xác cao nhất. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành cuộc điều tra tại nhiều trung tâm khác nhau trên toàn thế giới và đi đến kết luận: Chất lượng thực hiện các ca phẫu thuật cột sống được cải thiện rất nhiều thông qua việc sử dụng Robot nhằm nâng cao độ định vị chính xác và giảm nguy cơ ảnh hưởng đến thần kinh. Hệ thống Robot cũng cho phép thực hiện các ca phẫu thuật ít xâm lấn với liều lượng tia X được giảm tối đa.
Công nghệ tế bào gốc sẽ được chuyển giao bài bản, đồng bộ vào Việt Nam
Ngày 28/11, tại Hà Nội đã diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC và Công ty N- Biotek về việc chuyển giao công nghệ tế bào gốc.
Công nghệ tế bào gốc là ngành công nghệ nghiên cứu về tế bào gốc và các ứng dụng của nó nhằm phục vụ chữa bệnh và các dịch vụ sức khỏe nâng cao chất lượng cuộc sống. Công nghệ tế bào gốc tập trung vào tìm kiếm các nguồn tế bào gốc tối ưu, nuôi cấy, nhân rộng các tế bào gốc, tác động và biệt hoá chúng thành những dòng tế bào khác nhau. Một đặc điểm cơ bản của tế bào gốc là nó không chứa một cấu trúc mô đặc biệt nào nên nó cũng không thực hiện một chức năng chuyên dụng nào. Tuy nhiên, các tế bào gốc không chuyên dụng này lại có thể biến đổi thành các tế bào chuyên dụng như tế bào cơ tim, tế bào máu, tế bào não, tế bào da... Không giống như tế bào cơ, tế bào máu hay tế bào não - không thể tự tái tạo, tế bào gốc có thể tự tái tạo và tái tạo nhiều lần. Vì vậy, công nghệ tế bào gốc mở ra một hướng đi mới trong ngành y tế (Theo dân trí)
Làm thế nào để thương mại hóa kết quả nghiên cứu tại trường đại họcLà nội dung hội thảo “Ý tưởng sáng tạo tuổi trẻ Trường Đại học Bách Khoa” do Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ KH&CN) phối hợp với Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức ngày 30/11 tại Hà Nội. Hội thảo Nhằm hỗ trợ hoạt động đầu tư ươm tạo công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu tại các trường đại học.
Hội thảo nhằm mục đích hỗ trợ hoạt động đầu tư ươm tạo công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu tại các trường đại học cũng như cung cấp các kinh nghiệm quốc tế và trong nước về phát triển thị trường công nghệ và doanh nghiệp KH&CN. Là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu sáng tạo trong sinh viên thuộc các trường, viện nghiên cứu tại Việt Nam (Theo báo Tuổi Trẻ, Đất Việt, Đại Biểu Nhân dân; Hà Nội Mới…)
Ứng dụng CNC trong nông nghiệp tại nông thôn, miền núi
Báo Đất Việt, Đại biểu Nhân dân,…đưa tin, ngày 30/11, tại Thanh Hóa đã diễn ra hội thảo “Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp trên địa bàn nông thôn, miền núi”. Hội thảo do Bộ KH&CN và UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp tổ chức.
Các nội dung chính sẽ được thảo luận trong hội thảo bao gồm các vấn đề liên quan đến việc ứng dụng công nghệ cao (CNC) nhằm tạo nên những khu nông nghiệp ứng dụng CNC góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn nông thôn miền núi; Vai trò của doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Ứng dụng CNC trong nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh: VA (Phòng NCKH&TT)
Tại hội thảo, các đại biểu tham gia đều có chung nhận định, khoảng 5 năm trở lại đây ứng dụng CNC trong nông nghiệp ở Viêt Nam đã phát triển mạnh với quy mô lớn ở một số địa phương, điển hình là Lâm Đồng. Tại địa phương này, sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trong trồng rau, hoa, quả trong nhà lưới, nhà nilong; nhân giống nuôi cấy mô; các công nghệ tưới tự động;… đã thành phương thức sản xuất phổ biến của người nông dân. Cũng tại Đà Lạt – Lâm Đồng hiện đại đã có trên 50 hộ đầu tư và vận hành rất thành công cơ sở nhân giống cây trồng bằng công nghệ nuôi cấy mô, một công nghệ mà cách đây 10 – 15 năm người ta nghĩ chỉ có thể thực hiện ở các cơ sở nghiên cứu.
Mặc dù việc ứng dụng CNC trong địa bàn nông thôn, miền núi của một số địa phương đạt được kết quả đáng khích lệ, nhưng theo thứ trưởng Bộ KH&CN Nghiêm Vũ Khải thì cần tập trung phát triển ứng dụng CNC trong nông nghiệp theo các hướng chủ yếu như: Ứng dụng những công nghệ có hàm lượng tri thức cao đến địa bàn nông thôn miến núi; Những công nghệ ứng dụng vào địa bàn nông thôn miền núi phải có tính năng vượt trội so với công nghệ thông thường, góp phần tạo nên sự đột phá trong chất lượng, hiệu quả và tạo nên giá trị gia tăng lớn tạo ra sức cạnh tranh cho sản phẩm. Đặc biệt, với những công nghệ chuyển giao đến những địa bàn khu vực nông thôn miền núi cần chú ý yếu tổ phù hợp, dễ tiếp thu, ứng dụng phù hợp với đặc điểm từng vùng, từng địa phương.
Mai Mai (Tổng hợp)