Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ tư, 06/11/2024 , 07:35 pm
Cập nhật : 28/06/2013 , 20:06(GMT +7)
Điểm tin KH&CN từ ngày 22-28/6
Đa dạng sinh học. Nguồn ảnh: disanxanh.cinet
Tiếp tục đưa sáng chế đến với công chúng; Thêm một loài ếch cây được phát hiện ở Việt Nam; Chế tạo thành công pin hoạt hóa nhiệt; Cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học cho cây trồng biến đổi gen; Chợ công nghệ Techmart lần đầu tổ chức tại Đắk Nông; Ba dự án khoa học nhận tài trợ của Mỹ;... là những thông tin KH&CN đáng chú ý trong tuần qua

Tiếp tục đưa sáng chế đến với công chúng

Dự án “Chương trình Sáng tạo Việt” đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía các doanh nghiệp và các nhà khoa học, có tác động to lớn đối với xã hội; thúc đẩy hoạt động sáng tạo, bảo hộ và đưa các sáng chế của Việt Nam vào thực tiễn đời sống; góp phần tích cực trong việc hình thành, phát triển thị trường doanh nghiệp KH&CN, các vườn ươm KH&CN.

Đó là nhận định của Hội đồng nghiệm thu dự án “Chương trình Sáng tạo Việt” thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) tổ chức sáng 22/6 tại Hà Nội.

Chương trình cũng đã thu hút 104 đội chơi là những nhà sáng tạo trẻ ưu tú đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp. Sau 52 số phát sóng trên kênh VTV3 vào 9h sáng chủ nhật hàng tuần, chương trình đã chuyển tải hơn 104 tình huống về việc ứng dụng, bảo vệ quyền SHTT, các chính sách của nhà nước thúc đẩy phát triển KH&CN. Đồng thời cung cấp một cách có hệ thống các thông tin về quy định pháp luật và dữ liệu thông tin công nghệ, sáng chế phục vụ cho nghiên cứu sáng tạo, tránh hiện tượng nghiên cứu trùng lắp, nghiên cứu không gắn với thực tiễn ứng dụng.

“Chương trình Sáng tạo Việt” đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía các doanh nghiệp và các nhà khoa học

Theo Hội đồng nghiệm thu, Chương trình đã trở thành diễn đàn kết nối tác giả sáng chế với các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và nhà đầu tư tiềm năng trên khắp cả nước để thương mại hóa sáng chế, giải pháp công nghệ; Trở thành cầu nối quan trọng giúp các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, hoàn thiện công nghệ và đặc biệt ứng dụng có hiệu quả các sáng chế của Việt Nam phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội đất nước. (Theo Đất Việt 25/6).

Thêm một loài ếch cây được phát hiện ở Việt Nam

Các nhà khoa học Việt Nam và Đức vừa công bố thêm một loài ếch cây mới vừa được phát hiện ở tỉnh Cao Bằng, được đặt tên là nhái cây wa-za Gracixalus waza Nguyen, Le, Pham, Nguyen, Bonkowski & Ziegler, 2012.
Tên loài này được đặt theo tên của hiệp hội Các vườn thú thế giới (WAZA) để ghi nhận những đóng góp của tổ chức này đối với công tác bảo tồn các loài động vật hoang dã nói chung và ếch nhái nói riêng.

Đặc điểm nhận dạng chính của loài ếch mới là chiều dài đầu và thân 27-38mm, miệng không có răng lá mía, mõm khá dài và tròn ở phía trước, không có gai da trên mí mắt, không có mấu da ở gót chân, da nhẵn, không có riềm da hình răng cưa dọc cánh tay và ống chân.

Nhái cây wa-za Gracixalus waza Nguyen, Le, Pham, Nguyen, Bonkowski & Ziegler, 2012.

Ngoài ra, mặt trên đầu và thân màu xanh xám hoặc màu rêu, có một vệt hình chữ y màu nâu trên lưng, mặt trên các chi có sọc ngang sẫm màu, họng và bụng màu kem với những vân nhỏ sẫm màu. Mô tả chi tiết của loài mới được đăng tải trên tạp chí Organisms Diversity & Evolution của Cộng hoà liên bang Đức. (Theo Sài gòn tiếp thị 27/6).

Chế tạo thành công pin hoạt hóa nhiệt

Hai nhà khoa học là TS Phạm Mạnh Thảo, Học viện Kỹ thuật Quân sự và TS Doãn Anh Tú, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (Bộ Quốc phòng), lần đầu tiên đã nghiên cứu, chế tạo thành công pin hoạt hóa nhiệt tại Việt Nam.

Đây là loại pin dùng cho tên lửa phòng không tầm thấp, thường được các quốc gia giữ bí mật, không chuyển giao trong dây chuyền chế tạo tên lửa.

Việc chế tạo được pin nhiệt trong nước giúp Việt Nam chủ động trong nghiên cứu, chế tạo tên lửa, giảm chi phí do phải nhập ngoại, góp phần bảo đảm sẵn sàng chiến đấu của một số lượng lớn các tên lửa phòng không tầm thấp A72 và A87.

Các nhà khoa học đã có những sáng tạo, áp dụng một số cải tiến về công nghệ, giúp giảm giá thành của pin nhiệt, đa dạng hóa vật liệu chế tạo pin nhiệt. (Theo Hà Nội mới 28/6).

Cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học cho cây trồng biến đổi gen

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, bộ vừa ban hành Thông tư số 08/2013/TT-BTNMT về quy định trình tự, thủ tục cấp, thu hồi Giấy chứng nhận an toàn sinh học cho cây trồng biến đổi gen (BĐG).

Theo đó, các nhóm cây trồng BĐG thuộc đối tượng được xem xét cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học gồm: Cây trồng BĐG mang sự kiện chuyển gen đơn lẻ; cây trồng BĐG mang sự kiện chuyển gen tổng hợp; chuyển các gen quy định nhiều tính trạng mong muốn đồng thời bằng công nghệ chuyển gen vào cây trồng chưa chuyển gen… Hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học sẽ được Tổng cục Môi trường tiếp nhận và đăng tải thông tin về báo cáo đánh giá rủi ro của cây trồng BĐG đối với môi trường và đa dạng sinh học trên trang tin điện tử http://www.antoansinhhoc.vn để lấy ý kiến của công chúng.

Sau 30 ngày kể từ ngày có kết quả thẩm định của Hội đồng An toàn sinh học, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xem xét, quyết định cấp Giấy chứng nhận an toàn cho cây trồng BĐG được đăng ký theo mẫu quy định. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1-7-2013. (Theo Quân đội nhân dân, 23/6)

Từng bán nhà lấy vốn để sáng chế

Hơn 5 năm trầy trật nghiên cứu, thạc sĩ Nguyễn Văn Diện, và các cộng sự của mình đã thành công trong việc áp dụng công nghệ nano để chế tạo máy ozone công nghiệp phục vụ xử lý môi trường.

Hiện anh Diện là Giám đốc Công ty TNHH môi trường Nano. Sản phẩm của anh và cộng sự đã được đưa vào ứng dụng tại hơn 20 công trình xử lý nước thải công nghiệp và 30 phòng khám, bệnh viện ở các tỉnh, thành phía nam, đáp ứng được yêu cầu chất lượng tương đương máy nhập ngoại từ châu Âu nhưng chỉ bằng khoảng 1/3 giá thành.

Máy nano ozone có những ưu điểm như: mẫu mã nhỏ gọn, hiệu quả, điều khiển tự động, tiết kiệm điện năng lượng, hoạt động ổn định và quan trọng hơn, máy đã xử lý được mùi, màu và diệt khuẩn trong nước thải, nước sinh hoạt, nước tinh khiết, xử lý mùi nơi công cộng và các nhà máy...

Thạc sĩ Nguyễn Văn Diện và máy ozone công nghiệp - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Từ máy ozone công nghiệp, anh Diện và các cộng sự đã tiếp tục ứng dụng thành công công nghệ ozone vào để sản xuất modul xử lý nước thải cho các phòng khám bệnh. Mới đưa ra thị trường trong thời gian ngắn, nhưng hiện modul xử lý nước thải mới này đã được triển khai tại trên 30 phòng khám và bệnh viện ở khu vực các tỉnh thành phía nam. (Theo Thanh niên 26/6).

Chợ công nghệ Techmart lần đầu tổ chức tại Đắk Nông

Chợ công nghệ và thiết bị vùng Trung Nam Bộ và Tây Nguyên diễn ra từ 12 - 15/11 tại Đắk Nông với chủ đề “Liên kết cùng hội nhập và phát triển bền vững”.

Theo Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ), Chợ công nghệ và thiết bị vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên 2013 (Techmart Daknong 2013) sẽ được tổ chức tại thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông). Đây là chợ công nghệ và thiết bị đa ngành, quy mô vùng.

Theo Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia Lê Xuân Định, đây là lần đầu tiên chợ Công nghệ và thiết bị được tổ chức tại Đắk Nông, tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội.  Sự kiện này là cơ hội cho các viện, trường, trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ giới thiệu, trưng bày, chào bán các công nghệ thiết bị và sản phẩm, kết quả nghiên cứu.

Dự kiến Techmart Daknong 2013 sẽ có khoảng 200 gian hàng giới thiệu các thành tựu công nghệ thuộc các lĩnh vực sản xuất và chế biến nông lâm sản, khai thác và chế biến khoáng sản, năng lượng tái tạo, cơ khí chế tạo máy, công nghệ xử lý môi trường, y tế, dược phẩm… (Theo chinhphu.vn 28/6)

Ba dự án khoa học nhận tài trợ của Mỹ

Ba dự án nghiên cứu khoa học của Việt Nam sẽ được nhận tài trợ từ chương trình Đối tác Tăng cường Nghiên cứu Khoa học (PEER), Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam thông báo.

Đó là các dự án:

Di truyền học bảo tồn phục vụ cải thiện đa dạng sinh học và tăng cường quản lý tài nguyên tại đồng bằng sông Mê Kông đang thay đổi: nghiên cứu tính thích ứng về mặt di truyền của các quần thể trong điều kiện môi trường thay đổi do phát triển đập, phát triển nông nghiệp và biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Mê Kông.

Phát triển kĩ thuật và thử nghiệm hiện trường một loại thiết bị chuyển đổi năng lượng sóng khép kín và giá thành rẻ: nghiên cứu phát triển một thiết bị chuyển đổi năng lượng sóng giá rẻ đáp ứng nhu cầu điện cơ bản cho những người sinh sống ở khu vực khó khăn và các cộng đồng ven biển hẻo lánh ở Việt Nam.

Đánh giá tính bền vững của tài nguyên nước ngầm: các khoảng trống về học thuật và khoa học: Thu thập mẫu nước ngầm ở khu vực xung quanh Hà Nội để đánh giá các rủi ro về ô nhiễm asen.

Ba dự án nói trên nằm trong tổng số 54 dự án nghiên cứu khoa học của 32 nước được Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cấp ngân quỹ năm nay trong khuôn khổ chương trình tài trợ cạnh tranh PEER do Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia (NAS) và Quỹ khoa học tự nhiên (NSF) quản lý, với tổng kinh phí là 7,5 triệu USD. Các dự án hầu hết tập trung vào các lĩnh vực như nông lâm nghiệp, làm sạch nước ngầm, đa dạng sinh học, giảm rủi ro từ núi lửa, hạn hán và biến đổi khí hậu. Những người nhận tài trợ được chọn ra từ gần 300 đề án nghiên cứu chất lượng cao. (Theo Tia sáng 28/6).

Diệu Huyền (Tổng hợp)



Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner