Động đất lại xảy tại khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam; Nghiên cứu chế tạo thành công hệ thống kéo giãn cột sống “made in Viet Nam”; Kết nối cung - cầu công nghệ 2016: Nhiều doanh nghiệp sẽ đến Việt Nam tìm cơ hội hợp tác;...là những thông tin khoa học và công nghệ (KH&CN) đáng chú ý trong tuần qua.
Động đất lại xảy tại khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam.
Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) cho biết, khoảng 22 giờ 42 phút ngày 24-10, một trận động đất có cường độ 2.9 độ richter xảy ra tại vị trí có tọa độ 15.229 độ vĩ bắc, 107.897 độ kinh đông, độ sâu chấn tiêu khoảng bảy km. Trận động đất này xảy ra thuộc khu vực huyện Phước Sơn (Quảng Nam).
Trước đó, vào ngày 15-10, cũng tại địa bàn huyện Phước Sơn đã xảy một trận động đất có cường độ 3.1 độ richter. Đây là trận động đất thứ hai xảy ra tại huyện Phước Sơn và là trận động đất thứ ba xảy ra tại miền núi tỉnh Quảng Nam trong vòng 10 ngày qua.
Hiện, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này. (Theo báo Nhân Dân ngày 25/10).
Nghiên cứu chế tạo thành công hệ thống kéo giãn cột sống “made in Viet Nam”
Sau nhiều năm nghiên cứu, bác sĩ vật lí trị liệu Lê Phạm Bá Khánh ở Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Phú Yên đã tự chế tạo máy kéo giãn cột sống phù hợp với người Việt Nam. Đồng thời đáp ứng được các yêu cầu như điều trị dễ dàng, an toàn, giá thành thấp, dễ sửa chữa và thay thế linh kiện khi cần thiết.
Giải pháp công nghệ mới này đảm bảo đầy đủ các tính năng cần có ở một giường kéo hiện đại. Hệ thống kéo giãn cột sống có những chức năng tương tự với chiếc giường kéo do Nhật Bản sản xuất, nhưng giá thành chỉ 25-30 triệu, bằng khoảng 1/6 -1/7 so giường kéo Nhật Bản sản xuất.
Hệ thống kéo giãn cột sống của tác giả Lê Phạm Bá Khánh đã được Bệnh viên Y học cổ truyền tỉnh Phú Yên đưa vào sử dụng và mang lại những hiệu quả rất tích cực. (Theo báo Dân trí ngày 26/10).
Hệ thống kéo giãn cột sống đang được sử dụng và mang lại những hiệu quả tích cực ở Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Phú Yên
Bổ sung kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ
Ngày 26/10, báo Đại biểu nhân dân đưa tin, Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định bổ sung dự toán năm 2016 số tiền 199,009 tỷ đồng cho các Bộ, ngành, cơ quan từ nguồn chi sự nghiệp khoa học và công nghệ thuộc ngân sách trung ương năm 2016 để thực hiện các đề tài, dự án, nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Việc quản lý, sử dụng số kinh phí được bổ sung trên thực hiện theo quy định hiện hành.
Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo; thông báo cụ thể số kinh phí bổ sung cho các Bộ, ngành, cơ quan theo quy định.
Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm hướng dẫn đơn vị quản lý và sử dụng số kinh phí được bổ sung theo đúng quy định, bảo đảm hiệu quả, thiết thực.
Công tác sở hữu trí tuệ 2015: Hơn 80% số lượng đơn đã được xử lý
Thông tin ngày 281/10 báo Khoa học và Phát triển cho biết, trong năm 2015 Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã tiếp nhận 93.985 đơn các loại, gồm 50.975 đơn đăng ký xác lập quyền và 43.010 đơn khác. Trong số này đã có 75.283 đơn các loại đã được xử lý. Thông tin này được đưa ra tại "Hội nghị về Quản lý sở hữu trí tuệ" được tổ chức tại Hải Phòng ngày 27-28/10.
Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục SHTT dẫn nhiều con số về hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực SHTT. Theo đó đã trong năm 2015 Cục SHTT đã tiếp nhận 93.985 đơn các loại, gồm 50.975 đơn đăng ký xác lập quyền (tăng 10% so với năm 2014) và 43.010 đơn khác.
Về việc xử lý đơn, Cục SHTT đã xử lý 75.283 đơn các loại, trong đó có 35.360 đơn đăng ký xác lập quyền (giảm 8,7% so với năm 2014), trong đó: chấp nhận bảo hộ 25.621 đối tượng SHCN ; từ chối bảo hộ 9.739 đối tượng SHCN; ngoài ra đã xử lý 39.923 đơn các loại khác. Số văn bằng bảo hộ đã cấp: Đã chấp nhận và cấp văn bằng bảo hộ 25.337 đối tượng SHCN (giảm 6,1% so với năm 2014).
Ba học sinh THCS thiết kế phần mềm sử Việt
Ba học sinh thiết kế ra phần mềm này gồm Dương Nguyên Ánh Hằng, Võ Ngọc Đức Thịnh và Huỳnh Trung Đức, học sinh lớp 8/2 Trường THCS Nguyễn Khuyến, TP. Đà Nẵng đã thiết kế ra phần mềm sử Việt để giúp các bạn học lịch sử tốt hơn. Phần mềm vừa đoạt giải Ba - Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam 2016.
Giải pháp được nhóm chọn là sử dụng kỹ thuật làm web cũng như các công nghệ internet phổ biến hiện nay để tạo ra một ứng dụng web. Theo đó, ứng dụng web hiển thị trục thời gian, sắp đặt các thời kỳ, sự kiện, nhân vật lịch sử lên trục thời gian đó. Xây dựng phần mềm dưới hình thức dự án mã nguồn mở. Với trục thời gian biểu diễn sự kiện lịch sử từ thời kỳ sơ khai đến hiện đại, mỗi sự kiện được chia làm 3 phần, gồm: Phần tóm lược lịch sử, phần sự kiện lịch sử và phần nhân vật lịch sử...(Theo chinhphu.vn 28/10).
Hà Trang (Tổng hợp)