Loài ễnh ương mới ở Việt Nam; Thương mại hóa tài sản trí tuệ ở Việt Nam còn yếu; Lần đầu tiên tổ chức Tuần lễ truyền thông về khoa học công nghệ; Công nghệ sinh học là ưu tiên trong phát triển KH-CN;… là những thông tin khoa học đáng chú ý trong tuần qua.
Loài ễnh ương mới ở Việt Nam
Giới khoa học vừa công bố loài ễnh ương mới ở khu vực Đông Dương. Tại Việt Nam, loài này phân bố ở Gia Lai và Đồng Nai.
Loài mới tên là Ễnh ương Đông Dương Kaloula indochinensis dựa theo vùng phân bố của chúng ở ba nước Đông Dương gồm Việt Nam, Lào, và Campuchia. Đây là loài ễnh ương thứ ba ghi nhận ở Việt Nam bên cạnh loài ễnh ương thường và Ễnh ương vạch.
Kaloula indochinensis có đặc điểm như chiều dài khoảng 44-54 cm ở con đực, 39-54 cm ở con cái; đầu ngón tay phình rộng thành đĩa bám; dưới ngón chân thứ tư thường có hai củ khớp ngón; củ bàn trong khá dài;... (Theo vnexpress 23/9).
Thương mại hóa tài sản trí tuệ ở Việt Nam còn yếu
Thông tin trên được ông Hoàng Văn Tân, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đưa ra tại Hội thảo về quản lý và thương mại hóa tài sản trí tuệ trong trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức ngày 25/9.
Hiện nay, tại các trường, viện nghiên cứu, việc khai thác tài sản trí tuệ chưa đạt yêu cầu. Có nhiều sản phẩm nghiên cứu chưa được đăng kí bảo hộ độc quyền, hoặc có đăng kí thì việc khai thác thương mại cũng rất hạn chế. Điều này dẫn đến việc chuyển giao công nghệ gặp khó khăn, không khuyến khích được sáng tạo.
Chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản, ông Isao Honzawa (Cơ quan Sáng chế Nhật Bản) cho rằng, các trường, viện nghiên cứu cần thành lập văn phòng chuyển giao công nghệ và bộ phận quản lí tài sản trí tuệ, đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp để đưa kết quả nghiên cứu vào cuộc sống. (Theo Công an nhân dân 26/9).
Lần đầu tiên tổ chức Tuần lễ truyền thông về khoa học công nghệ
Ngày 25/9, Bộ Khoa học - Công nghệ phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã khai mạc Tuần lễ truyền thông về khoa học công nghệ (KHCN).
Đây là dịp để khẳng định vai trò của lực lượng truyền thông KHCN trong phát triển KHCN, đồng thời là dịp các cơ quan báo chí trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng công tác truyền thông KHCN.
Tuần lễ Truyền thông KHCN diễn ra từ ngày 26 đến 27/9, với các hoạt động như: Triển lãm “Truyền thông KHCN năm 2013” với 20 gian hàng của các đơn vị xuất bản và báo chí; hội thảo “Vai trò báo chí với truyền thông KHCN”, tọa đàm “Nghiên cứu - Đào tạo về truyền thông KHCN”; giao lưu “Sinh viên với truyền thông KHCN”…(Theo Công an nhân dân 26/9).
Cắt băng khai mạc “Tuần lễ Truyền thông KH&CN năm 2013”
Công nghệ sinh học là ưu tiên trong phát triển KH-CN
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân bày tỏ mong muốn với vị thế là một trong những ngành được ưu tiên trong phát triển khoa học và công nghệ của Việt Nam, sẽ có nhiều công trình khoa học có ý nghĩa và thiết thực đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước, tại Hội nghị khoa học Công nghệ sinh học toàn quốc 2013 do Bộ Khoa học và Công nghệ và Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) phối hợp tổ chức ngày 27/9 ở Hà Nội,
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, công nghệ sinh học đã và đang làm thay đổi thế giới. Chính vì vậy mà nhiều tổ chức và chuyên gia trên thế giới đã khẳng định thế kỷ 21 là thế kỷ của công nghệ sinh học.
Hội nghị khoa học công nghệ sinh học toàn quốc 2013 nhằm tạo điều kiện cho các nhà khoa học trong lĩnh vực công nghệ sinh học thông báo và chia sẻ các kết quả nghiên cứu khoa học của mình với các đồng nghiệp, đồng thời là cơ hội để các nhà quản lý và các nhà nghiên cứu nhìn lại những thành tựu nghiên cứu của lĩnh vực công nghệ sinh học trong giai đoạn 5 năm vừa qua. (Theo vietnamplus 27/9).
Các tỉnh đồng bằng sông Hồng triển khai 1.456 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học
Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) công bố ngày 27-9, tại Hội nghị Khoa học và Công nghệ vùng đồng bằng sông Hồng lần thứ 9, từ năm 2011 đến 2013, Sở KH và CN 11 tỉnh, thành phố trong khu vực triển khai 1.456 đề tài, nghiên cứu khoa học trên các lĩnh vực như nông - lâm - thủy sản; nông nghiệp; giao thông thủy lợi; giáo dục; y tế...
Từ kết quả của các đề tài, nghiên cứu khoa học, nhiều tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất, qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và quản lý. Ðồng thời, tạo cơ sở khoa học cho việc hoạch định các chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tiềm lực KHCN của các địa phương. Thời gian tới các tỉnh, thành phố sẽ khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động KHCN, đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ... (Theo Nhân Dân 27/9).
248 đơn vị tham gia Chợ công nghệ và thiết bị Thủ đô 2013
Tối 26-9, tại Cung Điền kinh (Mỹ Đình, Từ Liêm), đã khai mạc Chợ công nghệ và thiết bị Thủ đô 2013 - Techmart Hà Nội 2013.
Techmart Hà Nội 2013 thu hút 248 đơn vị tham gia, trưng bày, giới thiệu, chào bán 352 công nghệ, thiết bị, giải pháp phần mềm, dịch vụ KH&CN tại 303 gian hàng, trong đó có 15 viện nghiên cứu, 5 trường đại học, 12 Sở KH&CN, 6 đơn vị nước ngoài và 210 doanh nghiệp, doanh nghiệp khoa học công nghệ, làng nghề, hợp tác xã nông nghiệp.
Cuối buổi khai mạc, có 6 hợp đồng đã được ký kết với tổng giá trị hơn 28 tỷ đồng.(Theo Hà nội mới 27/9).
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đi tham quan các gian hàng tại Techmart Hanoi 2013.
Thiết bị phóng dây, phao cứu hộ người trên biển
Đó là đề tài khoa học “Nghiên cứu hoàn thiện thiết bị phóng dây, phao cứu hộ người trên biển” được Hội đồng Khoa học và Công nghệ nghiệm thu vào ngày 27-9, tại TP.Bà Rịa. Đề tài do Kỹ sư Lê Hữu Sơn, Phó Giám đốc Chi nhánh phía Nam, Viện Vũ khí Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng làm chủ nhiệm.
Hội đồng nghiệm thu đã thống nhất kết luận: Đề tài hết sức cần thiết để hạn chế tình trạng tai nạn trên biển tại Bà Rịa- Vũng tàu. Đề tài đáp ứng yêu cầu thuận tiện cho người sử dụng. Toàn bộ các chi tiết của thiết bị được thiết kế đồng bộ, có khả năng lắp dẫn. Thể hiện tính khoa học cao, đảm bảo tính an toàn cho người sử dụng và người được cứu, dễ dàng, thuận tiện trong khai thác, sử dụng. Thiết bị gọn nhẹ, có tính cơ động, hiệu suất sử dụng cao. Đề tài được đánh giá đạt xuất sắc. (Theo Khoa học phổ thông 27/9).
Hà Trang (Tổng hợp)