Giảm thuế thu nhập cá nhân trong lĩnh vực công nghệ cao: Tín hiệu tích cực, động lực thúc đẩy sáng tạo;Mật ong hoa nhãn Hưng Yên được cấp nhãn hiệu chứng nhận bảo hộ;...là những thông tin khoa học và công nghệ (KH&CN) đáng chú ý trong tuần qua.
Giảm thuế thu nhập cá nhân trong lĩnh vực công nghệ cao
Bộ Tài chính đã đề xuất giảm 50% thuế thu nhập cá nhân (TNCN) phải nộp đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các cá nhân làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin thuộc lĩnh vực công nghệ cao (CNC), ứng dụng CNC trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản từ 1/1/2017 đến hết 31/12/2020.
Chính sách thuế TNCN hiện hành chưa có quy định ưu đãi phù hợp để thu hút các cá nhân có trình độ chuyên môn cao vào làm việc trong ngành khoa học và công nghệ. Do đó, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan xây dựng tiêu chí, điều kiện xác định cụ thể đối với nhân lực CNC làm việc trong một số lĩnh vực như đề xuất trên để xem xét hưởng ưu đãi thuế TNCN đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đảm bảo chính sách ưu đãi thuế đúng đối tượng.(Theo Thanh tra.com.vn 23/8).
Mật ong hoa nhãn Hưng Yên được cấp nhãn hiệu chứng nhận bảo hộ
Ngày 23/8, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên đã tổ chức hội nghị công bố nhãn hiệu chứng nhận "Mật ong hoa nhãn Hưng Yên."
Đại diện Cục sở hữu trí tuệ trao Giấy chứng nhận nhãn hiệu chứng nhận cho "Mật ong hoa nhãn Hưng Yên"
Đây là sản phẩm thứ 7 của tỉnh Hưng Yên được cấp giấy chứng nhận bảo hộ (sau tương Bần, nhãn lồng, quất cảnh Văn Giang, gà Đông Tảo, chuối tiêu hồng Khoái Châu, vải lai chín sớm Phù Cừ), nhằm nâng cao giá trị và uy tín của sản vật nổi tiếng trên vùng đất Hưng Yên.
Mật ong hoa nhãn là sản phẩm thiên nhiên ban tặng cho vùng đất trù phú Hưng Yên, với đặc điểm nổi trội có mùi hương hoa nhãn đặc trưng, màu sắc đẹp, mang lại nhiều công dụng hữu ích cho sức khỏe con người.
Việc cấp nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm mật ong hoa nhãn sẽ góp phần nâng cao giá trị, khẳng định thương hiệu để nghề nuôi ong phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nhằm mang lại lợi nhuận cao, tăng thêm nguồn thu bền vững nhằm khai thác tiềm năng nguồn lợi từ đất nhãn. (Theo vietnamplus.vn 23/8).
Ninh Bình thực hiện nuôi cấy thành công ngọc trai nước ngọt
Sau hơn hai năm triển khai, Doanh nghiệp tư nhân Hồng Ngọc Pearl, xã Khánh Lợi, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình đã thực hiện thành công đề tài nuôi cấy ngọc trai nước ngọt, cho số trai cấy ngọc còn sống đạt tỷ lệ cao, ngọc trai đạt được các tiêu chí dày, tròn, bóng, màu sắc đẹp, kích cỡ to, cho giá trị kinh tế cao.
Kỹ sư Đặng Văn Lưu, Chủ nhiệm đề tài, cho biết nuôi cấy ngọc trai nước ngọt bằng phương pháp cấy ghép mô tế bào và nhân vào khu vực xoang màng áo ngoài trên đối tượng trai nước ngọt. Đây là kỹ thuật cấy ghép tiên tiến cho ra sản phẩm ngọc trai nước ngọt hình tròn có kích cỡ lớn từ 4-12mm, màu sắc đa dạng, chất lượng ngọc cao.
Đến nay, đề tài thực hiện thành công, sau hai năm nuôi trồng, số trai cấy ngọc còn sống đạt 55,9%, tương đương 11.200 con/ha và số ngọc trai thu được 14.300 viên/ha.
Sản phẩm ngọc trai thu hoạch được phân làm sáu loại từ loại 1-5 và loại ngọc tự nhiên, trong đó có những viên ngọc trai đạt được các tiêu chí (dầy, tròn, bóng, màu sắc đẹp, kích cỡ to, không tỳ vết) có giá trị cao, có viên lên đến 5,5 triệu đồng. (Theo vietnamplus.vn 24/8).
Chỉ dẫn địa lý 'Ngọc Linh' cho sâm củ quý hiếm
Ngày 25/8, UBND tỉnh Quảng Nam họp báo công bố chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" cho sản phẩm sâm củ. Đây là loài sâm được phát hiện năm 1973 tại vùng núi Ngọc Linh thuộc hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, ở độ cao 1.500 - 2.200m. Sâm Ngọc Linh có tên trong sách Đỏ Việt Nam năm 1994.
Sâm Ngọc Linh có dạng rễ, trong đó người dân đã từng đào được củ sâm tuổi thọ hơn 100 năm
Ở Việt Nam chỉ 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum có sâm Ngọc Linh. Theo ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ Quảng Nam, đây là lần đầu tiên ở Việt Nam cón việc cấp chỉ dẫn địa lý cùng lúc cho 2 tỉnh. Tới đây, Quảng Nam và Kon Tum cần xây dựng Hiệp hội sâm để làm chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh. Bên cạnh đó, hai địa phương cũng nên tính đến phương án xây dựng đặc điểm nhận diện, nhãn hiệu riêng cho sâm Ngọc Linh để tránh tình trạng mất thương hiệu hay bị kiện. (Theo vnexpress.net 25/8).
Thành lập Hội đồng khoa học TP.HCM
Chiều 24-8, Hội đồng khoa học TP.HCM đã chính thức ra mắt và họp phiên đầu tiên. Hội đồng được thành lập theo quyết định 190 của UBND TP.HCM, do giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Ngọc Giao (chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật TP) làm chủ tịch.
Hội đồng khoa học TP có 21 thành viên, gồm các chuyên gia thuộc các viện nghiên cứu, trường đại học, các hội thuộc các lĩnh vực chuyên ngành khác nhau, trong đó có những người từng giữ vị trí quản lý nhà nước, nhằm tạo thành một kênh tham mưu cho lãnh đạo TP.
Hội đồng khoa học TP sẽ có các chức năng, nhiệm vụ như tư vấn việc triển khai thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; tư vấn xây dựng, hoạch định, tham gia xây dựng các dự thảo chiến lược, chương trình, kế hoạch lãnh đạo, điều hành trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, khoa học xã hội theo yêu cầu TP; đề xuất và góp ý kiến áp dụng các thành tựu tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, thực hiện các dự án đầu tư phát triển lớn ở TP...(Theo Tuổi trẻ 25/8).
Hà Trang (Tổng hợp)