1.000 nhà khoa học tham dự Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 12; Ra mắt phòng thí nghiệm IoT nhằm hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp; Nhập khẩu công nghệ phải gắn với phát triển nhân lực;...là những thông tin khoa học và công nghệ (KH&CN) đáng chú ý trong tuần qua.
1.000 nhà khoa học tham dự Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 12
Hội nghị "Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 12" thu hút hơn 1.000 nhà khoa học, nghiên cứu sinh trong nước và quốc tế tham dự.
Hội nghị này có sự hiện diện của 5 Giáo sư đoạt giải Nobel quốc tế, trong đó có Giáo sư Ngô Bảo Châu. Hội nghị được sự hỗ trợ của tổ chức UNESCO, Bộ Khoa học và Công nghệ, Hội Gặp gỡ Việt Nam, UBND tỉnh Bình Định và Trung tâm nghiên cứu nguyên tử Châu Âu.
Trong thời gian này, tại tỉnh Bình Định cũng diễn ra lễ kỷ niệm 50 năm Gặp gỡ Moriond, do Giáo sư Trần Thanh Vân sáng lập. Trong khuôn khổ "Gặp gỡ Việt Nan lần thứ 12" còn có nhiều hội thảo khoa học quốc tế như: Cơ sinh học từ phân tử đến mô; Dòng chảy vũ trụ; Khoa học cơ bản và xã hội; Sự hình thành sao trong các môi trường khác nhau;... Được biết, chuỗi các hội nghị quốc tế kéo dài từ cuối tháng 6 đến tháng 12/2016.
Phát biểu tại buổi lễ khai mạc sáng nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Khoa học công nghệ là động lực vô cùng quan trọng cho phát triển bền vững và có thể giúp những quốc gia đang phát triển như Việt Nam vươn lên để thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển. (Theo Vov.vn 7/7).
Ra mắt phòng thí nghiệm IoT nhằm hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp
Chiều 7/7, tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã diễn ra Lễ khai trương Phòng thí nghiệm Hòa Lạc IoT (HIL). Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ KH&CN, ông Phạm Đại Dương, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ra đời của Phòng thí nghiệm IoT trong việc hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp.
HIL hoạt động theo mô hình Phòng thí nghiệm kiểu mới, không sử dụng ngân sách nhà nước. Nó được thành lập bởi 4 sáng lập viên, bao gồm Khu CNC Hòa Lạc HHTP, Công ty Cổ phần Công nghệ DTT, INTEL và DELL Việt Nam với mục tiêu kết nối các tổ chức cung cấp nền tảng, thiết bị, ứng dụng IoT với cộng đồng khởi nghiệp, góp phần xây dựng ứng dụng IoT tại Việt Nam.
Một sản phẩm được trưng bày trong buổi lễ khai trương phòng thí nghiệm IoT. Đây là sản phẩm Nén video bằng siêu máy tính và Tiết kiệm băng thông và lưu trữ.
HIL tọa lạc trong tòa nhà Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, Khu CNC Hòa Lạc. Bên cạnh Khu Trưng bày, giới thiệu, demo thử nghiệm về các công nghệ IoT như Smart Home, Smart City, Hòa Lạc IoT Lab còn bao gồm các phòng làm việc, nghiên cứu cho các tổ chức, chuyên gia và các nhóm khởi nghiệp IoT. (Dân trí 8/7).
Nhập khẩu công nghệ phải gắn với phát triển nhân lực
Sáng ngày 7/7, Hội thảo “Doanh nghiệp(DN) Việt Nam chuyên nghiệp hóa hướng tới nền sản xuất tiên tiến” đã được tổ chức tại TPHCM.
Thạc sĩ Phùng Minh Hải, Viện nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ (Bộ KH&CN) cho biết, DN hiện nay khó khăn trong nguồn lực tri thức để phát triển công nghệ. Vì vậy, DN là đơn vị nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu thị trường, sau đó kết nối với các Viện nghiên cứu, trường ĐH. Những nhà khoa học trong Viện nghiên cứu, trường ĐH sẽ là đối tượng nghiên cứu giải pháp công nghệ mà DN đặt hàng.
Vai trò của Nhà nước chính là đầu mối hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu bằng các cơ chế chính sách, các quỹ đổi mới sáng tạo để tạo nguồn vốn cho hoạt động nghiên cứu.
“Ngoài ra, trong quá trình chúng ta nhập khẩu máy móc, thiết bị, chúng ta cần một đội ngũ kỹ thuật có khả năng làm chủ, hấp thụ, đổi mới công nghệ. Có như vậy chúng ta mới tự phát triển công nghệ dựa trên nguồn lực của chính mình và thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào nước ngoài” - ông Hải nói. (Theo Khám phá 7/7).
Ông Khuất Việt Hùng: Không thể 'thả rông' kinh doanh mũ bảo hiểm
Làm thế nào để “vấn nạn” mang tên “mũ bảo hiểm rởm” được ngăn chặn, phải có biện pháp gì để thắt chặt quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh và sản xuất MBH nhằm bảo vệ người tiêu dùng, PV có buổi phỏng vấn ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia để giải đáp những vấn đề nổi cộm trên.
Theo ông Khuất Việt Hùng: MBH cho người đi mô tô, xe máy phải tuân thủ các yêu cầu về chất lượng tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia - QCVN 02:2008/BKHCN về mũ bảo hiểm mới được phép cung cấp cho người sử dụng. Đồng thời, theo quy định tại Luật Đầu tư thì sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy thuộc loại ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Ông Khuất Việt Hùng: Đối với người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, MBH có chức năng bảo vệ vùng đầu và gần như là dụng cụ bảo vệ duy nhất đối với cơ thể khi xảy ra tai nạn.
Cần xử lý những hành vi vi phạm sớm trước khi mũ bảo hiểm được đưa ra bày bán.
Bởi vậy, cần phải đội MBH đạt chuẩn và phải đội đúng quy cách. Thông điệp mà Ủy ban ATGT Quốc gia muốn gửi đến người tham gia giao thông là: “Đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn để bảo vệ chính mình!” (Theo Vietq.vn 8/7).
Đắk Lắk khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao
Tỉnh Đắk Lắk tập trung thực hiện tái cơ cấu kinh tế, khuyến khích các dự án đầu tư vào công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao theo hướng hình thành các chuỗi giá trị.
Đó là ý kiến chỉ đạo trong Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn XuâPhúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhằm thu hút mọi nguồn lực xã hội, các doanh nghiệp, các dự án đầu tư lớn với các hình thức đầu tư (BT, PPP...) vào các lĩnh vực giàu tiềm năng, lợi thế như nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ.
Tỉnh Đắk Lắk cũng cần quan tâm công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc trên địa bàn; qua đó xây dựng thương hiệu văn hóa cho thành phố Buôn Ma Thuột, thương hiệu cho các sản phẩm du lịch, dịch vụ của Buôn Ma Thuột và Đắk Lắk. (Theo Đảng cộng sản 8/7).
Khu Công nghệ cao TPHCM tăng cường hỗ trợ các nhà đầu tư
Ngày 5-7, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cùng lãnh đạo các sở - ngành của thành phố đã có buổi làm việc với Ban quản lý Khu công nghệ cao (KCNC) TPHCM nhằm tăng cường việc hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư theo nội dung Nghị Quyết 35 của Chính phủ; cũng như chỉ đạo của lãnh đạo UBND TPHCM đối với các dự án đầu tư trong KCNC TPHCM.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm yêu cầu Ban quản lý KCNC cùng với các sở - ngành phải tiếp tục tăng cường hỗ trợ, đồng hành cùng các nhà đầu tư, các doanh nghiệp nhanh chóng giải quyết các thủ tục để triển khai xây dựng theo quy định với thời gian nhanh nhất có thể, đảm bảo dự án đi vào tổ chức sản xuất càng nhanh càng tốt. KCNC phải thực sự trở thành điểm đến cho các nhà đầu tư về công nghệ cao và là điểm đến cho các nhà nghiên cứu về nghiên cứu triển khai công nghệ - đào tạo và ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao. (Theo Sài gòn giải phóng 7/7).
Hà Trang (Tổng hợp).