Cây rừng quý hiếm trong sách đỏ “mọc” giữa TP.HCM; Khảo sát đánh giá hoạt động nghiên cứu của ĐHQG TP.HCM; Ðôi vợ chồng trẻ say mê nghiên cứu khoa học; Máy in sinh học 3D sử dụng tế bào gốc; Việt – Nhật: Đẩy mạnh hợp tác về KH-CN ...là những thông tin KH&CN đáng chú ý tuần qua.
Khảo sát đánh giá hoạt động nghiên cứu của ĐHQG TP.HCM
Mới đây, đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân dẫn đầu đã về thăm và làm việc với ĐHQG-HCM nhằm khảo sát và đánh giá hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn nhất phía Nam.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cùng đoàn công tác đã nghe báo cáo kết quả hoạt động KH & CN của ĐHQG-HCM những năm qua và phương hướng phát triển khoa học, công nghệ trong những năm tới.
Theo đó, tầm nhìn chiến lược của ĐHQG-HCM là đến năm 2020 ĐHQG-HCM trở thành một hệ thống gồm các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu và doanh nghiệp KHCN lớn; là nơi đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước; là trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ mạnh, góp phần thúc đẩy và định hướng phát triển KHCN của cả nước, đặc biệt là khu vực phía Nam.
PGS.TS Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐHQG-HCM phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đánh giá cao những chuyển biến tích cực trong các hoạt động đào tạo, đặc biệt là công tác nghiên cứu khoa học của ĐHQG-HCM. Đồng thời, Bộ trưởng cũng nêu một số định hướng quan trọng để ĐHQG - HCM phát triển nhanh và bền vững hơn. Theo đó, ĐHQG-HCM cần tập trung đẩy mạnh hợp tác quốc tế về giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng bày tỏ sự đồng tình với những kiến nghị của ĐHQG-HCM: thực sự coi ĐHQG-HCM là trọng điểm đầu tư cho ngành giáo dục. Bộ trưởng hứa sẽ ủng hộ, theo dõi, tạo điều kiện cao nhất để ĐHQG-HCM sớm hoàn thành các dự án.
Trước buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Quân cùng đoàn công tác cũng đã đến thăm làm việc với Trường Đại học Quốc tế - ĐHQG-HCM. (Theo Đất Việt Online )
Cây rừng quý hiếm trong sách đỏ “mọc” giữa TP.HCM
Người dân TP.HCM ngẩn ngơ trước bộ sưu tập 158 cây quý hiếm, trong đó có nhiều cây rừng được ghi trong sách đỏ Việt Nam, trầm trồ trước một loài cây mới vừa phát hiện và chỉ có ở Việt Nam và kinh ngạc trước sự hoành tráng của tiểu cảnh bonsai nặng đến 4,5 tấn...
Được ghép từ đá tuyết hoa, một loại đá lấy từ miền Đông Nam Bộ, tác phẩm Xuân nơi miền xa mất khá nhiều công sức ở giai đoạn mài và lắp ghép.
Tất cả những loại cây quý hiếm trên đang được trưng bày tại Hội hoa xuân Tp.HCM năm 2013. (Theo khampha.vn)
Người sáng tạo bộ phông chữ tiếng Thái trên máy tính
Bộ chữ Thái là một công cụ giao tiếp và để ghi nhận giá trị văn hóa trong cộng đồng người dân tộc Thái. Lần đầu tiên dân tộc Thái có bộ Font chữ trên máy vi tính. Đó là sản phẩm của người con gái vùng Tây Bắc - chị Lò Mai Cương.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, Thạc sĩ Lò Mai Cương, hiện đang công tác tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Sơn La, là người phụ nữ dân tộc Thái đã nghiên cứu thành công nhiều đề tài khoa học.
Đầu năm 2005, chị nghiên cứu đề tài bộ Font chữ Thái Sơn La trên máy vi tính. Trong quá trình làm việc, chị được nhiều chuyên gia của Cục Công nghệ thông tin thuộc Bộ GD-ĐT hỗ trợ.
Đến năm 2006 đề tài được nghiệm thu, bộ Font đã được nhóm kỹ thuật Unicode chấp nhận, đưa vào mã quốc tế (Unicode) và cấp 72 ký tự.
Nay bộ font chữ Thái của chị đã được đưa vào ứng dụng rộng rãi ở nhiều nơi như: Kênh truyền hình tiếng dân tộc thiểu số VTV5, Đài tiếng nói Việt Nam khu vực Tây Bắc...
Sản phẩm của Đề tài đã được nhóm cộng đồng dân tộc Thái, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An và cộng đồng người dân tộc Thái đang sống ở nước ngoài như ở Mỹ, Canađa, Pháp, Úc, Lào, Thái Lan... sử dụng để sáng tác, biên soạn, biên tập, khôi phục, lưu giữ... nền văn hoá của dân tộc Thái, biên soạn, thiết kế lịch Thái từ năm 2005 đến nay.
Sản phẩm cũng được dùng để biên soạn sách, tài liệu bằng tiếng, chữ dân tộc Thái đưa vào giảng dạy cán bộ, bộ đội, công an, giáo viên đang công tác ở các vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là các vùng có người Thái sống trên đất nước Việt Nam.
Viện Khoa học Công nghệ thông tin AIST Tsukuba Nhật Bản đã sử dụng sản phẩm trên để nghiên cứu, phát triển trên phần mềm Fedora (phần mềm mã nguồn mở); Trung tâm Tin học Huế đã thiết kế phần mềm trang web hỗ trợ chữ Thái Việt Nam, rất tiện ích cho những ai muốn tìm hiểu về văn hoá Thái, tra từ điển Thái - Việt hoặc tải bộ gõ, Font chữ Thái miễn phí.
Với những cống hiến đối với sự nghiệp khoa học, công nghệ, chị Lò Mai Cương đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao tặng Bằng khen Phụ nữ sáng tạo năm 2011, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng 2 Bằng khen Lao động sáng tạo, đạt giải Nhì VIFOTEC - Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2009. (Theo Dân Trí)
Ðôi vợ chồng trẻ say mê nghiên cứu khoa học
Năm 2012 khép lại thật đáng nhớ đối với đôi vợ chồng đảng viên trẻ, thạc sĩ Phạm Quang Thắng và thạc sĩ Ðinh Thị Hoa, giảng viên khoa Nông - Lâm, Trường đại học Tây Bắc. Ðó là đề tài "Nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật gây trồng và phát triển rau bò khai, rau sắng tại Sơn La" của vợ chồng anh chị đã đoạt giải ba Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ (KHCN )Việt Nam năm 2012 (Vifotec).
Ðề tài "Nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật gây trồng và phát triển giống rau bò khai và rau sắng tại Sơn La" của vợ chồng anh chị Thắng, Hoa là một đề tài nhỏ, nhưng đã được Hội đồng xét Giải thưởng Vifotec đánh giá cao ở cả ba tiêu chí: Tính mới, có khả năng ứng dụng rộng rãi và ý nghĩa xã hội, hiệu quả kinh tế cao. Chỉ với nguồn kinh phí 318 triệu đồng của một đề tài nghiên cứu cấp tỉnh, triển khai trong hai năm 2009-2010, cây rau bò khai và rau sắng đã vượt qua hàng nghìn đề tài, để lọt vào danh sách một trong 38 đề tài được nhận Giải thưởng Vifotec sáng tạo KHCN Việt Nam năm 2012. Ðáng chú ý từ đề tài này, chị Ðinh Thị Hoa, vợ anh đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ cùng 10 sinh viên của Trường đại học Tây Bắc tốt nghiệp ra trường đạt bằng khá trở lên.
Cũng từ đề tài này, sinh viên Tẩn Mý Dao và Lò Thị Phượng, khoa Nông - Lâm, Trường đại học Tây Bắc đã nhận được giải thưởng của Bộ Giáo dục và Ðào tạo năm 2010. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu còn được công bố rộng rãi trên các tạp chí, bản tin khoa học, được mọi người quan tâm. Theo GS, TS Nguyễn Quang Thạch, thì đây là một ý tưởng tốt, có tính ứng dụng cao, có khả năng giúp người dân địa phương vùng Tây Bắc xóa đói, giảm nghèo. (Theo Nhân dân)
Máy in sinh học 3D sử dụng tế bào gốc
Các nhà nghiên cứu tại trường đại học Edinburgh, Anh đã phát triển thành công một máy in có thể in được các bộ phận nội tạng 3 chiều (3D) bằng cách sử dụng tế bào gốc phôi người. Nghiên cứu này đã mở ra hy vọng thúc đẩy hơn nữa nhu cầu chế tạo các bộ phận phù hợp để cấy ghép trên cơ thể người.
Công nghệ in này cho phép các nhà khoa học chế tạo ra các mô cơ thể ba chiều trong các phòng thí nghiệm, giúp loại bỏ việc phải hiến tạng hoặc quá trình thử nghiệm trên động vật.
Máy in này có kích thước tương tự một máy in lazer để bàn, được thiết kế đặc biệt theo dạng van đóng mở. Máy in chứa “mực sinh học” chính là các tế bào gốc phôi người (hESCs) vốn được cấy trong phòng thí nghiệm. Khi muốn sản xuất các mô cơ thể ba chiều theo yêu cầu để ghép tạng, các nhà khoa học sẽ tiến hành in tế bào gốc lên đĩa thường dùng để cấy tế bào.
Bằng cơ chế in này, các nhà khoa học có thể quét được hàng triệu tế bào trong vòng vài phút, giúp tạo ra các mô tế bào như mong muốn. (Theo Sài Gòn Giải Phóng)
Bảo tồn nguồn gene các loài cây quý hiếm ở Bạch Mã
Vườn Quốc gia Bạch Mã thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chuyển giao 7 đề tài khoa học về bảo tồn và phát triển nguồn gene, trong đó nổi bật là tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu bảo tồn nguồn gene hai loài cây kiền kiền và gõ lau quý hiếm.
Vườn Quốc gia Bạch Mã cũng đã thành công trong việc nghiên cứu, xây dựng các mô hình phục hồi rừng tự nhiên; tổ chức điều tra, giám sát vượn, ứng dụng công cụ MIST trong quản lý, giám sát cơ sở dữ liệu tuần tra bảo vệ rừng...
Các đề tài nghiên cứu đã gắn kết chặt chẽ giữa bảo tồn và phát triển, có hàm lượng khoa học; tập hợp được nhiều thông tin khoa học hữu ích, làm cơ sở cho hoạt động nghiên cứu và bảo tồn đa dạng sinh học.
Đến nay, Vườn quốc gia Bạch Mã đã hoàn thành chương trình nghiên cứu, kiểm kê hệ nấm và thực vật với 2.373 loài, gấp hơn 5 lần so với trước đây và chiếm gần 17% tổng số loài thực vật trong cả nước; cập nhật được 1715 loài động vật, gấp 10 lần so với trước đây và chiếm 7% tổng số loài động vật trong cả nước.
Trong năm 2013, Vườn Quốc gia Bạch Mã tập trung phát triển mạnh công tác nghiên cứu khoa học, đặc biệt là hợp tác với Vườn thực vật New York xây dựng đề án nghiên cứu làm cơ sở nghiên cứu, học tập liên thông quốc tế qua mạng quản lý mã và so sánh mẫu vật; phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thừa Thiên-Huế tổ chức chương trình "Ấn tượng Bạch Mã 2013"...(Theo Vietnam+)
Việt – Nhật: Đẩy mạnh hợp tác về KH-CN
Thông tin trên được cho biết tại buổi tiếp của đại diện lãnh đạo Bộ KH-CN với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yasuaki Tanizaki.
Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải đánh giá cao sự hỗ trợ của Nhật Bản trong thời gian qua đối với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực KH-CN.
Thứ trưởng cũng đề nghị Đại sứ chỉ đạo bộ phận hữu quan của Đại sứ quán phối hợp với Bộ KH-CN trong việc xây dựng kế hoạch tổng thể hợp tác KH-CN Việt – Nhật trên tinh thần thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, đáp ứng nhu cầu là lợi ích song phương trong tình hình mới.
Đồng thời đề nghị Đại sứ thúc đẩy JICA và các tổ chức Nhật Bản hữu quan hoàn tất các bước để triển khai xây dựng Trung tâm R&D tại Khu CNC Hòa Lạc.
Thứ trưởng Bộ KH-CN Nghiêm Vũ Khải (phải) tại buổi tiếp Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam
Về hợp tác phát triển điện hạt nhân, Thứ trưởng bày tỏ, sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukusima do động đất sóng thần gây ra (3/2011), dư luận Nhật Bản, quốc tế và Việt Nam đã có nhiều ý kiến quan ngại về an toàn nhà máy điện hạt nhân.
Tuy nhiên, Nghị quyết của Quốc hội Việt Nam về chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận vẫn đang có hiệu lực và tiếp tục được triển khai thực hiện. Trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu đảm bảo an toàn, an ninh được đặt ở mức cao nhất và ưu tiên hàng đầu.
Đại diện Nhật Bản cho biết sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ và đẩy mạnh hợp tác toàn diện với Việt Nam về lĩnh vực KH-CN. (Theo Đất Việt Online).
Q. Hoa (Tổng Hợp)