Tổ hợp không gian khoa học - Khơi dậy đam mê nghiên cứu; Doanh nghiệp ngậm đắng khi tên miền bị mạo nhận; Việt Nam-Nhật Bản hợp tác ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp;…là những thông tin KH&CN đáng chú ý trong tuần qua.
Tổ hợp không gian khoa học - Khơi dậy đam mê nghiên cứu
Ngày 20/7, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định và Hội Gặp gỡ Việt Nam đã khởi công xây dựng Tổ hợp không gian khoa học tại khu vực 2, phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn.
Dự và phát biểu tại lễ khởi công, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao sự đóng góp quý báu của giáo sư Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, cũng như các nhà khoa học trong và ngoài nước đã xây dựng ý tưởng và bước đầu thực hiện thành công dự án Tổ hợp không gian khoa học.
Tổ hợp không gian khoa học gồm các công trình chính nhà mô hình vũ trụ, Bảo tàng khoa học, Đài quan sát thiên văn phổ thông. Tổ hợp được quy hoạch xây dựng trên tổng diện tích hơn 4ha với tổng vốn đầu tư hơn 171,1 tỷ đồng. Dự kiến năm 2017 tổ hợp này sẽ hoàn thành. (Theo Đại biểu nhân dân 20/7).
Doanh nghiệp ngậm đắng khi tên miền bị mạo nhận
Trong thời đại internet ngày nay, tên miền đã trở thành một công cụ hữu ích để doanh nghiệp và khách hàng có thể tiếp cận, tìm hiểu thông tin về nhau một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, nhiều đối tượng đã lợi dụng những kẽ hở của Luật sở hữu trí tuệ về tên miền để trục lợi thông qua việc đăng ký các tên miền tương tự hoặc trùng với tên miền của các công ty, tập đoàn nổi tiếng.
Đó là đánh giá của nhiều đại biểu trong buổi hội thảo về xử lý tên miền vi phạm sở hữu trí tuệ vừa được Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM tổ chức.
Bà Nguyễn Thị Kim Huệ, Phòng Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM thừa nhận, việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại về tên miền gặp không ít khó khăn. Bởi lẽ, không ít trường hợp cho rằng, họ đăng ký trước, quá trình đăng ký tuân theo quy định nhà nước, vậy trách nhiệm quản lý nhà nước tại sao không chặn ngay từ đầu mà tự nhiên một ngày nào đó lại bảo họ đang vi phạm. Vì vậy, cần có một cơ chế nào đó để khi được cấp tên miền thì sẽ không có sự tranh chấp sau này. (Theo Khám phá 23/7).
Việt Nam-Nhật Bản hợp tác ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp
Ngày 20/7 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Hội Kỹ thuật chính xác Nhật Bản tổ chức hội thảo quốc tế về lĩnh vực vi cơ điện tử và công nghệ Internet of thing (IoT - khái niệm chỉ mạng lưới kết nối) ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp.
Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.
Với sự tham gia của các nhà khoa học quốc tế đầu ngành trong lĩnh vực cảm biến, IoT của Nhật Bản và Việt Nam, hội thảo đã tập trung vào một trong những hướng quan trọng trong ngành vi mạch là các nghiên cứu thiết kế, chế tạo, ứng dụng các cảm biến và IoT trong nông nghiệp.
Tại hội thảo, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh và Hội đồng Kỹ thuật thương mại Vi cơ điện tử thuộc Hội Kỹ thuật chính xác Nhật Bản đã ký kết thỏa thuận hợp tác về nghiên cứu, đào tạo lĩnh vực vi cơ điện tử; trao đổi chuyên gia và cùng xác định khả năng, những ứng dụng của sản phẩm vi cơ điện tử tại Việt Nam và khu vực ASEAN, nhằm hình thành các mô hình hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực này. (Theo Tuyên giáo 20/7).
Việt Nam chế tạo thành công hệ thống hỏa lực mạnh mẽ cho xe tăng T-54B
Viện Tự động hóa Kỹ thuật quân sự đã nghiên cứu thiết kế, chế tạo thành công một số khối chính trong hệ thống điều khiển hỏa lực cho xe tăng T-54B, tích hợp thành một hệ thống hoàn chỉnh, thử nghiệm đạt kết quả tốt.
Kết quả cho thấy hệ thống hoạt động ổn định, thực hiện đúng các chức năng theo thiết kế, có khả năng tiếp tục phát triển thành hệ thống hoàn chỉnh, đưa vào huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Việc nghiên cứu thiết kế chế tạo thành công các khối chính trong hệ thống điều khiển hỏa lực cho xe tăng có ý nghĩa lớn, góp phần chủ động nguồn vật tư, trang bị trong nước, nâng cao tính chủ động trong công tác bảo đảm kỹ thuật, từ đó nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị tăng-thiết giáp. (Theo vietq 23/7).
Người Việt sáng tạo thiết bị gây tê cá ngừ đại dương
Thiết bị gây tê cá ngừ đại dương được kỹ sư Phạm Duy Phượng, Giảng viên Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa chế tạo thành công.
Giảng viên Phạm Duy Phượng đã chế tạo và thử nghiệm trên tàu cá PY 90612TS công suất 293CV của ngư dân Lê Tấn Hồng ở phường Phú Đông, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên từ đầu tháng 11/2014. Trong khi sử dụng thiết bị gây tê, chỉ cần 2 người là đã đưa cá lên tàu rất dễ dàng. Thiết bị này không hề bị giật, rất an toàn.
Kỹ sư Phạm Duy Phượng - người sáng tạo ra thiết bị gây tê cá ngừ đại dương.
Thực tế, với cách thực hiện câu cá ngừ đại dương có thiết bị hỗ trợ gây tê của kỹ sư Phạm Duy Phượng đã mang lại chất lượng sản phẩm cá tươi ngon hơn và còn giữ lại được nhiều hàm lượng chất trong thịt cá hơn cách câu cá thông thường mà không hề đắt đỏ.(Theo Đất Việt 22/7).
Sấy vi sóng giúp bảo quản nông sản sau thu hoạch
“Xây dựng hệ thống tự động hóa toàn diện và nâng cao chất lượng cho hệ thống sấy vi sóng bằng NImyRIO” - dự án của nhóm sinh viên Viện Công nghệ Sinh học & Công nghệ Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội đã giành ngôi vô địch cuộc thiThiết kế Sáng tạo dành cho Doanh nhân trẻ Việt Nam 2014 (The 2014 National Instruments Innovation Design Competition for Young Entrepreneurs in Vietnam). Dự án góp phần mở hướng mới trong việc nâng cao chất lượng nông sản Việt Nam sau thu hoạch.
Nhóm sinh viên Lưu Hoàng Hải, Phạm Văn Dũng, Hoàng Văn Tùng (KTVL1-K56, ĐH Bách khoa Hà Nội đã nghĩ đến giải pháp sấy nông sản để bảo toàn chất lượng sản phẩm. Vì vậy nhóm đã áp dụng phương pháp sấy vi sóng. Theo đó, vi sóng trong bức xạ nhiệt phục vụ sấy vi sóng được phát ra từ nguồn magnetron, dẫn theo ống dẫn sóng vào khoang sấy, khi sóng vào khoang sấy thì va đập liên hồi vào sản phẩm và tường của khoang sấy. Sóng sẽ đâm xuyên vào tâm vật liệu sấy một cách nhanh chóng (tốc độ ánh sáng), đảm bảo gia nhiệt đồng đều từ trong ra ngoài bề mặt của vật liệu cần sấy. (Theo Tạp chí Tia sáng 23/7).
Hà Trang (Tổng hợp)