Khai mạc Cuộc họp lần thứ 44 Nhóm chuyên gia APEC về Sở hữu trí tuệ; Hai học sinh lớp 11 sáng chế bậc cấp dẫn xe thông minh; TPHCM đặt mục tiêu ứng dụng 60% số đề tài nghiên cứu;...là những thông tin KH&CN đáng chú ý trong tuần qua.
Khai mạc Cuộc họp lần thứ 44 Nhóm chuyên gia APEC về Sở hữu trí tuệ
Ngày 18/2, tại TP Nha Trang, Khánh Hòa đã diễn ra Cuộc họp lần thứ 44 Nhóm chuyên gia APEC về Sở hữu trí tuệ (IPEG-44).
Tại Cuộc họp IPEG 44, ngoài đóng góp các ý kiến, kinh nghiệm về hoạt động bảo hộ quyền SHTT. Các đại biểu đã chia sẻ, thảo luận các nội dung trọng tâm; mục đích chung của hợp tác APEC về sở hữu trí tuệ như: tăng cường đối thoại về chính sách sở hữu trí tuệ và thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường tính hiệu quả của hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ, thực hiện Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS của WTO); nỗ lực triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động tập thể (CAP) về sở hữu trí tuệ nhằm đạt các mục tiêu Bogor của APEC về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020; phát triển nguồn nhân lực về sở hữu trí tuệ cho các nền kinh tế đang phát triển và chậm phát triển; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền quảng bá nâng cao nhận thức của công chúng về sở hữu trí tuệ; khuyến khích sử dụng, khai thác và thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ. (Theo vtv.vn 18/2).
Hai học sinh lớp 11 sáng chế bậc cấp dẫn xe thông minh
Xuất phát từ chính những khó khăn, bất tiện của chính gia đình mình khi phải di chuyển xe máy hoặc những vật dụng có trọng lượng tương đối nặng từ đường, vỉa hè, sân lên nhà và ngược lại nên cả 2 quyết tâm thực hiện sản phẩm “bậc cấp - bục xe tự động”.
Theo ghi nhận, thiết bị gồm khung kim loại, động cơ điện, bánh xe, công tắc hành trình, chốt điện từ…Riêng nguyên lí hoạt động, 2 bạn cho biết: khi tiến hành khởi động động cơ điện, mặt phẳng được giấu bên trong bậc cấp sẽ tự động di chuyển ra bên ngoài, làm các khớp nối chuyển động, biến bậc cấp thành mặt phẳng nghiêng mới, giúp xe di chuyển ra vào nhà thuận tiện.
Đặc biệt, khi cúp điện, có thể dùng móc kéo khung dốc bên trong trượt ra tạo thành dốc xe và cố định bằng chốt. Sau khi thử nghiệm tại gia đình, sản phẩm “bậc cấp - bục xe tự động” mang lại lợi ích cho người sử dụng, tạo thẩm mỹ cho ngôi nhà, giá thành phù hợp (khoảng 1,2 triệu đồng). (Theo Công an nhân dân 18/2).
TPHCM đặt mục tiêu ứng dụng 60% số đề tài nghiên cứu
Giai đoạn 2016-2020, TPHCM phấn đấu tăng tỷ lệ số đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng trực tiếp vào thực tiễn lên 60%, phấn đấu có 5 sản phẩm trọng điểm mang thương hiệu thành phố.
Ông Phạm Văn Xu - Trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TPHCM cho biết như vậy tại hội nghị giới thiệu Chương trình nghiên cứu khoa học (NCKH), phát triển công nghệ và nâng cao tiềm lực KH&CN giai đoạn 2016-2020 của TPHCM (gọi tắt là Chương trình), tổ chức ngày 21/2.
Để đạt được mục tiêu này, thành phố sẽ có những chương trình nghiên cứu, kế hoạch phát triển sản phẩm mục tiêu; hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu và phát triển, sản xuất thử nghiệm sản phẩm mới, dự án khởi nghiệp, đào tạo nhân lực về KH&CN, hình thành các đơn vị thương mại hóa sản phẩm và khai thác tài sản trí tuệ,…
Kinh phí hỗ trợ tối đa là 1 tỷ đồng đối với nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, KH&CN và tối đa là 500 triệu đồng đối với nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Thời gian tiếp nhận hồ sơ bắt đầu từ ngày 1/3/2017. (Theo Khoa học phát triển 21/2).
Ca ghép phổi đầu tiên ở Việt Nam đã thành công
Sáng 22-2, Bệnh viện Quân y 103 Học viện Quân y đã chính thức công bố ca ghép phổi đầu tiên của Việt Nam thực hiện tại đây đã thành công.
Thiếu tướng, GS. TS. Đỗ Quyết - Giám đốc Học viện Quân y 103 cho biết: Ngày 21-2, các bác sĩ của Bệnh viện Quân y 103 đã phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản tiến hành ca ghép phổi đầu tiên ở Việt Nam. Người được ghép là cháu Ly Chương Bình, sinh năm 2010 ở thôn Na Cạn, xã Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Cháu Bình bị viêm phổi từ nhỏ. Do bị viêm đi viêm lại nhiều lần nên phổi cháu bị teo, khó thở, tình trạng ngày càng nặng. Nếu không được ghép phổi, nguy cơ tử vong là hoàn toàn có thể xảy ra.
Đây là ca ghép phổi trong đề tài: “Nghiên cứu ghép thùy phổi hoặc một phổi từ người cho sống và người cho chết não”, thuộc Chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng”, do Thiếu tướng, GS. TS. Đỗ Quyết - Giám đốc Học viện làm Chủ nhiệm đề tài mà Học viện Quân y được Bộ Khoa học và Công nghệ tin tưởng giao nhiệm vụ thực hiện
Ca ghép phổi thành công là một dấu ấn quan trọng không chỉ của Học viên quân Y mà của cả nền y học Việt Nam. (Theo công an nhân dân 22/2).
Hồng cầu lắng đông lạnh - phương pháp dự trữ máu hiếm tới 10 năm
Bác sỹ Phù Chí Dũng cùng tập thể cán bộ Bệnh viện Truyền máu-Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt tay vào nghiên cứu kỹ thuật trữ lạnh hồng cầu trong thời gian dài.
Sau 7 năm tìm tòi, nghiên cứu và thử nghiệm, những chế phẩm hồng cầu lắng đông lạnh có thể bảo quản trên 24 tháng bắt đầu ra đời. Sau 4 năm theo dõi lâm sàng tình trạng những người bệnh sử dụng hồng cầu lắng đông lạnh, khi không ghi nhận sự khác biệt nào so với truyền máu thông thường thì công trình mới chính thức được ghi nhận và thời gian bảo quản máu cũng tăng dần lên đến 10 năm.
“Với cách bảo quản thông thường bằng dung dịch chứa dextrose, adenine và mannitol chỉ cho phép dự trữ hồng cầu lắng trong khoảng 28-42 ngày ở nhiệt độ 4 độ C. Tuy nhiên nếu thêm vào một loại chất bảo quản là glycerol nồng độ cao 40%, sau đó đông lạnh ở nhiệt độ -80 độ C thì có thể lưu trữ lên đến 10 năm,” bác sỹ Phù Chí Dũng nói.
Mặc dù đã được nhiều nước trên thế giới ứng dụng thành công nhưng khi công trình này được thực hiện lần đầu tiên tại Việt Nam đã thực sự là một bước tiến cho kỹ thuật đông lạnh máu. (Theo vietnamplus.vn 23/2).
Đầu tư 3000 tỷ đồng làm nông nghiệp công nghệ cao tại Thái Bình
Sáng 24/2, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát lệnh khởi công dự án nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau củ quả hữu cơ và lúa chất lượng cao tại tỉnh Thái Bình.
Dự án nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn TH tại Thái Bình có quy mô đầu tư trên 3.000 tỷ đồng, quy mô sản xuất trên 3.000 ha.
Về sản xuất, dự án sẽ tập trung áp dụng công nghệ mới nhất trong chọn tạo giống rau quả, giống lúa, chè và dược liệu chất lượng cao. Trước mắt Tập đoàn TH thực hiện thí điểm trên 30 ha tại huyện Vũ Thư để trồng rau sạch, gạo sạch theo chuẩn Global GAP và tiếp theo là tiêu chuẩn organic (hữu cơ). (Theo Báo điện tử chính phủ 24/2).
Hà Trang (Tổng hợp)